NGHIÊN CỨU

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Nghiên cứu

Phê duyệt quy hoạch Vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

17/05/2024

Vùng  Trung du và miền núi phía Bắc bao gồm toàn bộ lãnh thổ đất liền của 14 tỉnh: Cao Bằng, Điện Biên, Bắc Giang, Bắc Kạn, Hà Giang, Hòa Bình, Lạng Sơn, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái. Phía Bắc có ranh giới giáp với các địa phương cấp tỉnh là Quảng Tây và Vân Nam của Trung Quốc; phía Tây giáp nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào; phía Đông và phía Nam giáp vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung. Ngày 4/5/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Quyết định số 369/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với các nội dung chủ yếu như sau:

Mục tiêu tổng quát đến năm 2030 của Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc trở thành vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện, có khung kết cấu hạ tầng cơ bản kết nối nội vùng và với vùng đồng bằng sông Hồng, Thủ đô Hà Nội và tiểu vùng Bắc Trung Bộ; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng; nông nghiệp giá trị cao, hữu cơ, đặc sản, xanh, tuần hoàn; kinh tế cửa khẩu, du lịch; bảo vệ, khôi phục rừng, nhất là rừng đầu nguồn; trồng rừng được đẩy mạnh, kinh tế lâm nghiệp phát triển bền vững; khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên, khoáng sản; bảo vệ môi trường, an ninh sinh thái và an ninh nguồn nước. Bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện và nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc. Phấn đấu đến năm 2030, vùng trung du và miền núi phía Bắc trở thành vùng có thu nhập trung bình cao, một số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá của cả nước, tiệm cận với ngưỡng thu nhập cao.

Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể:

Về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn vùng (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 8,5 - 9,0%/năm; Quy mô kinh tế vùng đạt khoảng 2.100 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành); Tỷ trọng trong GRDP của khu vực nông, lâm, thủy sản chiếm khoảng 12 - 13%, công nghiệp, xây dựng chiếm 45 - 46% và dịch vụ chiếm 37 - 38%; GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt trên 140 triệu đồng/người/năm; Tổng thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 190 nghìn tỷ đồng; Tỷ trọng kinh tế số chiếm 20% - 30% tổng sản phẩm vùng (GRDP); Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40%; Có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; mỗi tỉnh có ít nhất 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Về xã hội: Chỉ số phát triển con người (HDI) đạt khoảng 0,75; Tuổi thọ bình quân đạt 74 tuổi, tỷ suất tử vong trẻ sơ sinh giảm xuống 12‰.

Về bảo vệ môi trường: Tỷ lệ che phủ rừng đạt khoảng 54 - 55%; Tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 95 - 100%, tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn là 93 - 95%; Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 100%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%; Tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 98%, trong đó tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt 100%; Tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đạt 95%; 100% khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn.

Về kết cấu hạ tầng: Kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; hoàn thiện các tuyến đường bộ cao tốc, ưu tiên kết nối với Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng, tiểu vùng Bắc Trung Bộ và với Trung Quốc, Lào. Đẩy nhanh tiến độ, chuẩn bị và khởi công xây dựng các tuyến đường sắt tốc độ cao Lạng Sơn - Hà Nội, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Hạ tầng cấp điện, năng lượng bảo đảm cung ứng đủ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng; hạ tầng thông tin và truyền thông hiện đại đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, cấp nước, thoát nước và phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong kỳ quy hoạch

- Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, ưu tiên phát triển hệ thống giao thông kết nối với Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng, tiểu vùng Bắc Trung Bộ và với Trung Quốc, Lào. Đẩy nhanh tiến độ, chuẩn bị và khởi công xây dựng các tuyến đường sắt tốc độ cao Lạng Sơn - Hà Nội, Lào Cai - Hà Nội

- Hải Phòng - Quảng Ninh, xây dựng, nâng cấp hạ tầng logistics, hạ tầng các khu kinh tế cửa khẩu, các khu du lịch, hạ tầng thông tin, truyền thông và hạ tầng kinh tế số.

- Tập trung phát triển khu vực động lực, các cực tăng trưởng, các hành lang kinh tế quan trọng, các ngành kinh tế có lợi thế. Phát triển vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ, hình thành các cụm liên kết ngành, các chuỗi sản phẩm của vùng tập trung chủ yếu tại Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ - Hòa Bình; phát triển các cực tăng trưởng của vùng tại Thái Nguyên, Bắc Giang, Lào Cai, Sơn La, Lạng Sơn, Phú Thọ. Tập trung phát triển các chuỗi sản phẩm nông nghiệp, du lịch đặc trưng và kinh tế cửa khẩu.

- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là giáo dục nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số, đáp ứng với nhu cầu của từng tiểu vùng, từng khu vực; chú trọng thu hút, sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có trình độ tại chỗ.

- Tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng và hợp tác quốc tế. Thực hiện thí điểm một số mô hình, cơ chế, chính sách mới, đặc thù trong phát triển vùng, đặc biệt là đối với các địa bàn, khu vực giữ vai trò quan trọng về bảo vệ rừng, an ninh biên giới, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng.

Phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực có lợi thế Vùng

Công nghiệp: Tập trung phát triển công nghiệp vùng theo hướng ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, trọng tâm là chế biến, chế tạo, năng lượng.  Phát triển công nghiệp luyện kim, cơ khí, điện, điện tử, chất bán dẫn và công nghiệp công nghệ cao. Xây dựng Thái Nguyên, Lào Cai thành trung tâm luyện kim; Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ thành trung tâm cơ khí, điện, điện tử có trình độ cao. Phát triển Bắc Giang trở thành trung tâm sản xuất chất bán dẫn, công nghiệp hỗ trợ. Ưu tiên các dự án áp dụng công nghệ mới, nâng cao hiệu quả công nghiệp hóa chất như sản xuất phân lân hữu cơ, vi sinh, sunfat amon, phân bón Kali, các sản phẩm nhựa, các sản phẩm hóa chất cơ bản, hóa dược chủ yếu tại Phú Thọ, Lào Cai, Bắc Giang.  Tập trung phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp chế biến chè tại các tỉnh Thái Nguyên, Lai Châu, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang; chế biến cà phê tại Sơn La; mắc ca tại Lai Châu; gỗ, giấy tại Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ; chế biến rau quả, sản phẩm nông sản tại Sơn La, Bắc Giang, Lạng Sơn, Điện Biên, Hà Giang, Bắc Kạn, Tuyên Quang; chế biến sản phẩm từ cây dược liệu tại Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn. Tập trung phát triển công nghiệp khai thác gắn với chế biến hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên và đảm bảo yêu cầu về môi trường đối với các loại khoáng sản như: Apatit, đồng, sắt (Lào Cai), niken - đồng (Sơn La), vonfram (Thái Nguyên), thiếc (Cao Bằng), chì, kẽm, cao lanh (Lai Châu, Bắc Kạn). Thúc đẩy khai thác, chế biến và sử dụng hiệu quả đất hiếm (Lai Châu, Yên Bái). Phát triển và nâng cao hiệu quả sử dụng thủy điện tại các địa phương có điều kiện; đảm bảo công tác giữ rừng đầu nguồn, bảo vệ an ninh nguồn nước khi triển khai các dự án thủy điện quy mô vừa và nhỏ. Nghiên cứu phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo tại các địa phương có điều kiện; phát triển điện gió chủ yếu tại Lạng Sơn và Điện Biên. Bên cạnh đó, trong phê duyệt Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng chỉ rõ phương hướng phát triển các khu kinh tế cửa khẩu như:  Tập trung phát triển hệ thống 05 khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn gồm: Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang; khu kinh tế cửa khẩu Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng; khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn; khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng, tỉnh Lai Châu; khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Trong đó, ưu tiên tập trung đầu tư, hoàn thiện và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng tại khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng, khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai.  Phát triển 3 cửa khẩu áp dụng chính sách khu kinh tế cửa khẩu biên giới gồm: Cửa khẩu quốc tế Lóng Sập, tỉnh Sơn La; cửa khẩu Chiềng Khương, tỉnh Sơn La; cửa khẩu quốc tế Tây Trang, tỉnh Điện Biên.  Nghiên cứu khả năng hình thành khu kinh tế cửa khẩu tại cửa khẩu U Ma Tu Khoòng, tỉnh Lai Châu. Cùng  rà soát, đánh giá lại các khu công nghiệp đã thành lập nhưng chưa được đầu tư xây dựng để có kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng, bảo đảm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả. Phát triển các khu công nghiệp theo hướng không dàn trải, ưu tiên phát triển tập trung tại vành đai đô thị - công nghiệp - dịch vụ, trong các khu kinh tế cửa khẩu; liên kết chặt chẽ các khu công nghiệp với các trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ, vùng nguyên liệu.  Đẩy nhanh xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng; ưu tiên phát triển các khu công nghiệp theo hình thức hỗn hợp, đa chức năng, gắn với phát triển đô thị và du lịch, giải trí. Nghiên cứu, tạo cơ chế thu hút, khuyến khích các khu công nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường; ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, phát triển các sản phẩm đặc thù của địa phương, tận dụng lợi thế phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; ưu tiên bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ tài nguyên nước và ưu tiên sử dụng lao động người dân tộc.

Nông nghiệp:  Tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hàng hóa, sản xuất an toàn, hữu cơ, xanh, sạch, đặc sản, tuần hoàn, hiệu quả cao, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo ra sản phẩm có thương hiệu đặc thù và các sản phẩm OCOP chất lượng cao. Hình thành các vùng chuyên canh sản xuất tập trung với quy mô thích hợp gắn với chế biến, thị trường trong và ngoài nước.

Duy trì diện tích lúa tại các địa phương, đặc biệt là các diện tích lúa có năng suất, hiệu quả cao, lúa đặc sản có giá trị cao tập trung chủ yếu ở Điện Biên, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên. Phát triển một số cây công nghiệp chủ yếu gắn với chế biến và tiêu thụ, như: chè tập trung chủ yếu tại Thái Nguyên, Hà Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang; cà phê chủ yếu tại Sơn La, Điện Biên; mắc ca chủ yếu tại Điện Biên, Lai Châu, Sơn La. Đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm chế biến chè, Lai Châu trở thành trung tâm chế biến mắc ca. Phát triển vùng cây ăn quả, cây đặc sản chủ yếu tại Sơn La, Bắc Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình, Phú Thọ; vùng quế, hồi chủ yếu tại Lạng Sơn, Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng. Phát triển vùng trồng rau màu, hoa ôn đới chất lượng cao tại các địa bàn có điều kiện, khí hậu đặc thù như Lào Cai, Sơn La, Lai Châu. Xây dựng Sơn La trở thành trung tâm chế biến nông sản của khu vực Tây Bắc.

Phát triển kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng song song với nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng và nâng cao đời sống của người làm nghề rừng, gắn với nhiệm vụ giữ an ninh quốc gia về nguồn nước, năng lượng và bảo vệ rừng. Phát triển vùng rừng nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến gỗ, giấy chủ yếu tại Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái. Xây dựng Phú Thọ, Tuyên Quang trở thành trung tâm chế biến gỗ, giấy của vùng. Đẩy mạnh phát triển các dịch vụ từ rừng như du lịch sinh thái rừng; cung cấp gỗ, cung cấp lâm sản ngoài gỗ; dịch vụ môi trường rừng; tham gia vào thị trường tín chỉ các-bon, coi đây là tiềm năng, lợi thế lớn cần khai thác hiệu quả. Tập trung phát triển cây dược liệu dưới tán rừng chủ yếu tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn. Phát triển các vùng cây trồng đa mục đích.

Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm tại các địa bàn có quy mô chăn nuôi lớn như Hà Giang, Sơn La, Bắc Giang, Phú Thọ. Phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt ở các tỉnh có diện tích mặt nước tự nhiên và chuyên dùng lớn như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Yên Bái. Mở rộng nuôi thủy sản ở vùng lòng hồ các công trình thủy lợi, thủy điện.

Hình thành các trung tâm nghiên cứu tạo giống cây trồng, chuyển giao công nghệ đối với các địa bàn có quy mô phát triển lớn, tập trung và địa bàn có vai trò, vị trí thuận lợi trong cung ứng và chuyển giao công nghệ cho các địa phương lân cận. Hình thành, phát triển một số khu, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các khu vực, địa phương có điều kiện phù hợp, như Thái Nguyên, Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La, Tuyên Quang, Hòa Bình.

Ưu tiên thu hút đầu tư vào các dự án nông nghiệp, tạo đột phá công nghệ trong phát triển nông nghiệp. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ số, tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm.

Dịch vụ:  Phát triển các ngành dịch vụ theo hướng đa dạng hóa và nâng cao chất lượng, nhất là tại vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ. Phát triển mạng lưới hạ tầng thương mại và thương mại điện tử, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nông sản và sản phẩm OCOP của vùng. Phát triển mạng lưới logistics, mở rộng quy mô và đa dạng hóa loại hình dịch vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ xuất, nhập khẩu.

Phát triển mạnh kinh tế cửa khẩu biên mậu với thị trường lớn Trung Quốc và Lào. Tập trung phát triển khu vực cửa khẩu trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ và du lịch, có khả năng gắn kết với các địa phương để tạo thành tuyến dịch vụ thương mại - du lịch động lực của toàn vùng; là một trong những trung tâm giao thương của Việt Nam với Trung Quốc và khu vực ASEAN.

Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng, góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng biên giới. Nâng cao chất lượng du lịch, chất lượng các tuyến và dịch vụ du lịch với thương hiệu du lịch mạnh, các sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo. Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch chủ đạo, du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch cảnh quan, sinh thái, khám phá thiên nhiên, thể thao mạo hiểm; du lịch trải nghiệm gắn với cộng đồng, văn hóa các dân tộc thiểu số. Liên kết phát triển du lịch với Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng, tiểu vùng Bắc Trung Bộ, Trung Quốc và Lào, đồng thời đẩy mạnh liên kết hoạt động du lịch giữa các tỉnh trong vùng.

Phương án phát triển, sắp xếp, lựa chọn và phân bổ không gian phát triển trên lãnh thổ vùng

Tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội của vùng thành 3 tiểu vùng, 5 hành lang kinh tế, 3 vành đai phát triển và 1 khu vực động lực.

Trong đó, 3 tiểu vùng gồm:

Tiểu vùng Tây Bắc bao gồm 3 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên. Tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp kết hợp du lịch; phát triển các loại hình du lịch đặc trưng như du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, thể thao; phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng sạch, bền vững. Xây dựng Sơn La là cực tăng trưởng của tiểu vùng.

Tiểu vùng trung tâm bao gồm 6 tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang, Lai Châu. Tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu tại Lào Cai và Hà Giang; công nghiệp chế biến, chế tạo, khai thác và chế biến sâu khoáng sản tại Yên Bái và Lai Châu; phát triển mạnh du lịch trở thành ngành mũi nhọn của tiểu vùng và của vùng; phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, bền vững. Xây dựng Phú Thọ trở thành trung tâm công nghiệp điện tử; Lào Cai và Phú Thọ là các cực tăng trưởng của tiểu vùng.

Tiểu vùng Đông Bắc bao gồm 5 tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Bắc Giang, Lạng Sơn và Cao Bằng. Tập trung phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo trình độ cao, điện tử, thiết bị điện, bán dẫn, năng lượng điện gió; phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại, dịch vụ đáp ứng nhu cầu giao thương, vận chuyển hàng hóa của cả nước; phát triển du lịch về nguồn gắn với các địa danh có giá trị lịch sử, ý nghĩa cội nguồn cách mạng; đẩy mạnh kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, bền vững. Xây dựng Thái Nguyên, Bắc Giang trở thành trung tâm công nghiệp - đô thị - dịch vụ, giáo dục, y tế của tiểu vùng và vùng; Bắc Giang, Thái Nguyên và Lạng Sơn là các cực tăng trưởng của tiểu vùng.

5 hành lang kinh tế, gồm:

- Hành lang kinh tế Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ - Hà Nội kết nối tiểu vùng trung tâm với Thủ đô Hà Nội, các cảng cửa ngõ, vùng đồng bằng sông Hồng, với thành phố Côn Minh và vùng Tây Nam Trung Quốc.

- Hành lang kinh tế Lạng Sơn - Bắc Giang - Hà Nội kết nối tiểu vùng Đông Bắc với Thủ đô Hà Nội, các cảng cửa ngõ, vùng đồng bằng sông Hồng, với thành phố Nam Ninh vùng Đông Nam Trung Quốc; từng bước hình thành trung tâm thương mại, trung chuyển liên vùng và quốc tế, gắn với xây dựng tuyến đường sắt liên vận quốc tế Hà Nội - Đồng Đăng.

- Hành lang kinh tế Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội gắn với tiểu vùng Tây Bắc, kết nối với Lào và các nước ASEAN; liên kết các đô thị và các trung tâm du lịch tiểu vùng Tây Bắc với vùng đồng bằng sông Hồng và tiểu vùng Bắc Trung Bộ, thúc đẩy phát triển ở các khu vực khó khăn và đặc biệt khó khăn thuộc tiểu vùng Tây Bắc.

- Hành lang kinh tế Hà Giang - Tuyên Quang - Phú Thọ - Hà Nội kết nối tiểu vùng trung tâm với Thủ đô Hà Nội, các cảng cửa ngõ, vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Tây Nam Trung Quốc. Kết nối các trung tâm du lịch của vùng và quốc gia, thúc đẩy phát triển ở các khu vực khó khăn và đặc biệt khó khăn thuộc tiểu vùng trung tâm.

- Hành lang kinh tế Cao Bằng - Bắc Kạn - Thái Nguyên - Hà Nội kết nối tiểu vùng Đông Bắc với Thủ đô Hà Nội, các cảng cửa ngõ, vùng đồng bằng sông Hồng, với thành phố Trùng Khánh và vùng Đông Nam Trung Quốc.

3 Vành đai phát triển, gồm:

- Vành đai biên giới (theo các quốc lộ 4, 4A, 4B, 4C, 4D, 4H) kết nối các tỉnh biên giới dọc theo biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, với nhiệm vụ trọng tâm là bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh, kết hợp phát triển kinh tế cửa khẩu, thúc đẩy xuất nhập khẩu của cả nước với thị trường Trung Quốc và Lào.

- Vành đai hỗ trợ trung chuyển hàng hóa (theo hành lang đường bộ bao gồm tuyến cao tốc đề xuất Sơn La - Yên Bái, quốc lộ 37) liên kết các trung tâm chế biến của vùng với thị trường, các sân bay, cảng biển lớn; góp phần hình thành các vùng sản xuất tập trung, kết hợp phát triển du lịch, dịch vụ, kết nối các tỉnh, các tiểu vùng hướng đến mục tiêu phát triển sản xuất, cung ứng và trung chuyển hàng hóa nông sản, công nghiệp chế biến, du lịch và dịch vụ.

- Vành đai đô thị - công nghiệp - dịch vụ (theo hành lang đường bộ bao gồm tuyến cao tốc CT.02 và vành đai 5 (đô thị Hà Nội) và hành lang đường sắt đi qua các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang) là động lực thúc đẩy tăng trưởng cả vùng, liên kết các trung tâm công nghiệp - đô thị - dịch vụ của vùng với Thủ đô Hà Nội.

Khu vực động lực phát triển

Khu vực động lực phát triển bao gồm các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ, Hòa Bình, là trung tâm công nghiệp - đô thị - dịch vụ của vùng, với công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng. Tập trung phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo trình độ cao, điện tử, thiết bị điện, bán dẫn. Phát triển dịch vụ theo hướng đa dạng, có bước đột phá, phát triển một số ngành dịch vụ hiện đại, chất lượng cao như thương mại, logistics, tài chính, ngân hàng, du lịch, viễn thông, y tế chuyên sâu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Phát triển nông nghiệp hiệu quả cao, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.

Các giải pháp thực hiện Quy hoạch gồm: Giải pháp về cơ chế, chính sách bảo đảm liên kết vùng, huy động và phân bổ vốn đầu tư, môi trường, khoa học và công nghệ,  phát triển nguồn nhân lực, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khu vực kinh tế chính thức, về quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn và tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch./.

                                                                    Đinh Thị Bích Liên

                                              Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT

BÀI VIẾT KHÁC