Thực hiện thông báo số 343/TB-BCT ngày 03/11/2023 của Bộ Công Thương về Kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân tại Hội nghị giao ban ngày 30 tháng 10 năm 2023, giao Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương chuẩn bị nội dung, báo cáo Lãnh đạo Bộ. Sáng ngày 30 tháng 11 năm 2023, tại Hội trường tầng 1, số 17 Yết Kiêu, Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương đã tổ chức Tọa đàm “Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp phân phối trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế”.
Tới dự buổi Tọa đàm có TS. Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương - thừa ủy quyền của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, chủ trì Tọa đàm; Ông Nguyễn Khắc Quyền - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương; TS. Phạm Hữu Thìn - Chuyên gia cao cấp, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương; TS. Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Danh dự Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Bà Nguyễn Cẩm Tú - Chánh Văn phòng Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam. Tham dự Tọa đàm còn có lãnh đạo các đơn vị thuộc Viện, các chuyên gia và nhà khoa học, và đại diện các nhà bán lẻ như: Công ty CP dịch vụ thương mại tổng hợp Wincomerce, Công ty CP Vincom Retail, Công ty CP xây dựng và đầu tư thương mại Hoàng Hà (Hoang Ha Mobile), Công ty Thủy sản Lenger, Công ty TNHH thực phẩm sạch Bác Tôm… cùng đông đảo viên chức quan tâm.
TS. Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương - Chủ trì Tọa đàm
Phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương cho biết: Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007 và tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, UKVFTA…), thực hiện cam kết mở cửa thị trường phân phối nên đã thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài tham gia như Aeon, Uniqlo (Nhật Bản), Walmart, Amazon (Mỹ), Carrefour, Decathlon (Pháp), Central Group (Thái Lan), IKEA (Thụy điển)…
Thị trường phân phối của Việt Nam phát triển sôi động, với sự tham gia của cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cạnh tranh ngày càng tăng. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh thị phần cả về số lượng cơ sở bán lẻ (siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng chuyên doanh, chuỗi cửa hàng bán lẻ nhỏ…) và doanh thu. Doanh thu của khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng trưởng bình quân 28,72%/năm và chiếm tỷ trọng 54,96% trong tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa của kênh thương mại hiện đại giai đoạn 2018 - 2022, trong khi đó doanh thu của khu vực kinh tế trong nước chỉ tăng 8,84%/năm và chiếm tỷ trọng 45,04%.
Doanh nghiệp phân phối trong nước ngày càng phát triển. Số lượng doanh nghiệp phân phối tăng nhanh. Một số doanh nghiệp phân phối dần chiếm được lòng tin của người tiêu dùng và tăng dần thị phần như Winmart, Co.opmart, Hapro MediaMart… Mặc dù doanh nghiệp phân phối tăng về số lượng, nhưng đa phần vẫn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa hình thành được những doanh nghiệp nội địa lớn giữ vai trò định hướng và tổ chức lưu thông, liên kết với sản xuất và xuất nhập khẩu tạo thành một hệ thống phân phối hiện đại, phát triển bền vững. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa xây dựng được thương hiệu uy tín đối với người tiêu dùng làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Cùng với đó, việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp phân phối trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế.
Tại buổi Tọa đàm, TS. Vương Quang Lượng - Trưởng phòng Nghiên cứu và dự báo thị trường, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương trình bày bài tham luận “Quan điểm, mục tiêu và định hướng Chiến lược phát triển thị trường bán lẻ của Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Bài tham luận trình bày với 3 nội dung chính: (i) Khái quát thị trường bán lẻ Việt Nam; (ii) Quan điểm, mục tiêu và những định hướng lớn đến năm 2030; (iii) Một số nhiệm vụ và giải pháp.
Buổi Tọa đàm đã nhận được sự quan tâm thảo luận, góp ý và trao đổi tâm huyết của các chuyên gia, các nhà khoa học, đại diện các doanh nghiệp phân phối, xoay quanh các nội dung chính:
- Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp phân phối trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế.
- Thực trạng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp phân phối trong nước của Việt Nam thời gian qua.
- Những khó khăn và thách thức mà doanh nghiệp phân phối trong nước gặp phải khi Việt Nam mở cửa thị trường phân phối theo cam kết trong WTO và các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA…, cần hỗ trợ gì về cơ chế chính sách từ phía Nhà nước.
- Những gợi ý nhằm xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp phân phối trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế.
Kết thúc buổi Tọa đàm, TS. Nguyễn Văn Hội gửi lời cảm ơn chân thành đến các chuyên gia, nhà khoa học và các vị khách quý đại diện cho các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Bộ Công Thương, các doanh nghiệp đã quan tâm và dành thời gian tham dự. Những phân tích, đánh giá và ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, đại diện Hiệp hội và doanh nghiệp tại buổi Tọa đàm có ý nghĩa quan trọng, giúp cho các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương tham khảo, làm cơ sở đề xuất kịp thời những cơ chế, chính sách và giải pháp phù hợp, hiệu quả nhằm khuyến khích phát triển doanh nghiệp phân phối trong nước, phù hợp với các cam kết quốc tế và góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương trong thời gian tới.
Buổi Tọa đàm kết thúc tốt đẹp trong buổi sáng cùng ngày. Dưới đây là một số hình ảnh của Buổi Tọa đàm:
Tin bài: Ngô Mai Hương
Phòng Thông tin và Xúc tiến thương mại - VIOIT
Ảnh: Phan Thế Quyết
Tạp chí Nghiên cứu Công nghiệp và Thương mại - VIOIT