TIN TỨC

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Tin tức

Hội thảo nhiệm vụ “ Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp mới như: sản xuất chíp, bán dẫn, sản xuất rô-bốt, công nghiệp môi trường, công nghiệp năng lượng tái tạo, vật liệu mới ... cho đồng bằng Sông Hồng”.

04/06/2024

Chiều ngày 31 tháng 5 năm 2024, tại Hội trường tầng 1, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, số 17 Yết Kiêu, Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội đã diễn ra buổi Hội thảo nhiệm vụ Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp mới như: sản xuất chíp, bán dẫn, sản xuất rô-bốt, công nghiệp môi trường, công nghiệp năng lượng tái tạo, vật liệu mới ...cho đồng bằng Sông Hồng.

Hội thảo được chủ trì và điều hành bởi TS. Lê Huy Khôi - Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương.

TS Phạm Ngọc Hải và TS. Phạm Hữu Thìn - Chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương tham dự hội thảo với tư cách chuyên gia đọc kỹ. Ngoài ra, tham dự Hội thảo còn có các chuyên gia, lãnh đạo các Phòng, Ban thuộc Viện, các nhà khoa học và đông đảo viên chức quan tâm.

Ngày 23 tháng 11 năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 30-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị mở ra cơ hội mới đột phá cho vùng Đồng bằng sông Hồng phát huy vị trí địa bàn chiến lược, trung tâm chính trị, kinh tế, đi đầu cả nước về văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số,… dẫn dắt nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước. Để triển khai hiệu quả và sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 08 tháng 02 năm 2023 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23 tháng 11 năm 2022 của Bộ Chính trị, nhằm thống nhất trong công tác chỉ đạo của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương Vùng Đồng bằng sông Hồng trong việc quán triệt, triển khai quyết liệt thực hiện Nghị quyết.  Nhiệm vụ: Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp mới như: sản xuất chíp, bán dẫn, sản xuất rô-bốt, công nghiệp môi trường, công nghiệp năng lượng tái tạo, vật liệu mới ...cho đồng bằng Sông Hồng là 1 trong 7 nhiệm vụ, đề án phát triển kinh tế vùng, nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra của Nghị quyết số 14/NQ-CP của Chính phủ. Nhiệm vụ này sẽ tập trung nghiên cứu khái quát về công nghiệp mới, thông qua đó xây dựng, đề xuất ban hành cơ chế, chính sách đủ mạnh để hình thành và phát triển các ngành công nghiệp mới trong Vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030 nhằm thúc đẩy quá trình quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Mở đầu hội thảo, ThS. Đỗ Văn Long, chủ nhiệm nhiệm vụ thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày tóm tắt các nội dung của nhiệm vụ. Nhiệm vụ được kết cấu gồm 3 phần:

Phần 1: Tổng quan về ngành công nghiệp mới, kinh nghiệm quốc tế và nhân tố ảnh hưởng đến phát triển.

Phần 2: Thực trạng phát triển công nghiệp và công nghiệp mới vùng đồng bằng Sông Hồng

Phần 3: Quan điểm, định hướng và cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp mới cho vùng đồng bằng Sông Hồng.

Hội thảo đã nhận được những góp ý của các chuyên gia, các nhà khoa học và các đại biểu tới dự. Các góp ý đều cho rằng Nhiệm vụ đã đề xuất được các quan điểm, định hướng và các cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp mới cho vùng đồng bằng Sông Hồng, báo cáo tổng hợp bảo đảm tính logic khi giải quyết vấn đề mà Chủ nhiệm nhiệm vụ đặt ra. Nhiệm vụ được chia làm 3 phần là kết cấu hợp lý, các phần đều được đánh giá là công phu, nghiêm túc có cơ sở khoa học trong việc nghiên cứu tài liệu ở trong nước và quốc tế thể hiện nỗ lực của nhóm thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, nhiệm vụ cũng cần hoàn thiện một số nội dung như:

- Đối với mỗi phần kinh nghiệm của các nước cần rút ra những bài học được, chưa được của từng nước để từ đó đưa ra kinh nghiệm cụ thể cho Việt Nam  (có thể là Việt Nam nên đi theo kinh nghiệm nước nào là phù hợp nhất).

- Phần cơ chế chính sách phát triển các ngành công nghiệp mới cho vùng đồng bằng Sông Hồng cần bổ sung thêm cơ chế chính sách về tài chính, cơ chế chính sách về hợp tác quốc tế, về phát triển công nghiệp hỗ trợ.

- Rà soát, chỉnh sửa lỗi kỹ thuật, tham khảo thêm một số số liệu quốc tế mới hơn.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Phó Viện trưởng Lê Huy Khôi trân trọng cảm ơn các quý vị đại biểu đã tới tham dự Hội thảo và đóng góp ý kiến, đồng thời đề nghị chủ nhiệm nhiệm vụ cùng nhóm nghiên cứu thu thập số liệu thêm và tiếp thu ý kiến các chuyên gia, chỉnh sửa bổ sung, nhanh chóng hoàn thiện Báo cáo tổng hợp trong thời gian sớm nhất./.

           Từ Quỳnh Châu

Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại

TIN KHÁC