TIN TỨC

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Tin tức

Hội thảo nhiệm vụ “Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển ngành công nghiệp giai đoạn 2026 -2030”

28/06/2024

Chiều ngày 27 tháng 6 năm 2024, tại Hội trường tầng 1, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, số 17 Yết Kiêu, Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội đã diễn ra hội thảo nhiệm vụ Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển ngành công nghiệp giai đoạn 2026 - 2030”.

Hội thảo được chủ trì và điều hành bởi TS. Lê Huy Khôi - Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương.

PGS.TS Đinh Văn Thành và TS Phạm Ngọc Hải - Chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương tham dự hội thảo với tư cách chuyên gia đọc kỹ. Ngoài ra, tham dự hội thảo còn có các chuyên gia, lãnh đạo các Phòng, Ban thuộc Viện, các nhà khoa học và đông đảo viên chức quan tâm.

Thay mặt nhóm nghiên cứu, Thạc sỹ Nguyễn Mạnh Linh - Phòng Nghiên cứu Công nghiệp và Năng lượng đã trình bày báo cáo tóm tắt các nội dung của nhiệm vụ. Nhiệm vụ được kết cấu gồm 3 phần.

Phần 1: Đánh giá thực trạng phát triển công nghiệp Việt Nam

Ở phần này, nhóm nghiên cứu đã phân tích bối cảnh thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; Đánh giá thực trạng phát triển công nghiệp Việt Nam với những số liệu về cơ cấu ngành, cơ cấu nội ngành công nghiệp, lao động công nghiệp, vốn đầu tư vào công nghiệp... Nội dung phần này còn bao gồm những đánh giá theo chỉ tiêu CIP của UNIDO (là đánh giá về bộ chỉ số cạnh tranh công nghiệp so với các nước ASEAN) được các tác giả nghiên cứu thực tế với số liệu phong phú, lý luận chặt chẽ và có tính thuyết phục.

Phần 2: Quan điểm, mục tiêu và phương hướng phát triển ngành công nghiệp

Tại đây nhóm nghiên cứu đã đưa ra bối cảnh trong nước và Quốc tế cùng xu hướng phát triển ngành công nghiệp; Phát triển các ngành công nghiệp mới nổi trong đó có một số nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, ASEAN và phát triển các ngành công nghiệp mới nổi tại Việt Nam, cùng các Quan điểm, mục tiêu và phương hướng phát triển ngành công nghiệp đến năm 2030. Trong Phần 2, các tác giả đã đưa ra những ý kiến mang tính khoa học đúng đắn, đề ra những định hướng cụ thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam.

Phần 3: Nhiệm vụ và giải pháp phát triển công nghiệp giai đoạn 2026 - 2030

Để có thể xây dựng và phát triển ngành công nghiệp Việt Nam một cách hiện thực và hiệu quả, nhóm tác giả đã đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp phát triển công nghiệp giai đoạn 2026 - 2030 cụ thể như: Về hoàn thiện cơ chế chính sách, thu hút đầu tư; phát triển nguồn nhân lực; Về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Thúc đẩy liên kết phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp; Hợp tác quốc tế; Nhiệm vụ, giải pháp phát triển các ngành công nghiệp mới nổi. Phần này được các tác giả nghiên cứu cụ thể, chi tiết để đề ra các nhiệm vụ và giải pháp đúng đắn, nhằm góp phần xây dựng phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2030.

Sau khi nghe nhóm nghiên cứu trình bày nội dung báo cáo, các nhà khoa học đã đưa ra các ý kiến nhận xét, đóng góp cho việc hoàn thiện nhiệm vụ.

Mặc dù trong thời gian rất ngắn, nhưng nhiệm vụ khoa học được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc đáp ứng được yêu cầu cấp bách đặt ra trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng báo cáo chuyên đề về kinh tế - xã hội phục vụ cho xây dựng văn kiện Đại hội XIV của Đảng, kết cấu tổng thể của nhiệm vụ khá hợp lý, gồm ba phần (ngoài lời mở đầu, kết luận và các phụ lục) đã chứa đựng khá đầy đủ các nội dung nghiên cứu. Các phương pháp nghiên cứu được sử dụng là phù hợp với đối tượng và mục tiêu nhiệm vụ nghiên cứu giải quyết. Các nhiệm vụ và giải pháp được đề xuất là có cơ sở khoa học và thực tiễn...

Bên cạnh những thành công của nhiệm vụ Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển ngành công nghiệp giai đoạn 2026 - 2030” nhóm nghiên cứu cần nhấn mạnh các yếu tố tác động đến phát triển công nghiệp như dịch bệnh, đứt gãy chuỗi cung ứng, cầu trong nước và quốc tế suy giảm nhưng giá cả nguyên nhiên vật liệu lại tăng làm ảnh hưởng đến tăng trưởng của ngành công nghiệp buộc Chính phủ phải có chính sách hỗ trợ cụ thể như: giảm lệ phí trước bạ, giảm thuế VAT... tài liệu cần được trích dẫn đầy đủ và rõ ràng, cần rà soát chỉnh sửa lỗi kĩ thuật.

Kết luận, nhiệm vụ được triển khai là một công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc, có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Về cơ bản, các kết quả đạt được của nhiệm vụ đã đáp ứng được các yêu cầu và mục tiêu đề ra. Đề nghị nhóm tác giả cần bổ sung và hoàn thiện sản phẩm theo góp ý nâng cao hơn nữa chất lượng.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Phó Viện trưởng Lê Huy Khôi trân trọng cảm ơn các nhà khoa học, các chuyên gia và các đại biểu đã đến tham dự và đóng góp ý kiến, đồng thời đề nghị chủ nhiệm nhiệm vụ cùng nhóm nghiên cứu thu thập số liệu thêm và tiếp thu ý kiến các chuyên gia, chỉnh sửa bổ sung, nhanh chóng hoàn thiện Báo cáo tổng hợp trong thời gian sớm nhất./.

 

                                   Đinh Thị Bích Liên

                                                  Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT

TIN KHÁC