Sáng ngày 22 tháng 11 năm 2023, tại Trụ sở Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương số 17 Yết Kiêu, Phường Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã diễn ra Hội thảo góp ý cho nhiệm vụ “ Nghiên cứu tăng cường sự kết nối và hệ sinh thái xuất nhập khẩu để tận dụng EVFTA” do Ths. Ngô Thị Thanh Hương- Trung tâm tham vấn WTO và FTAs làm chủ nhiệm.
Chủ trì và điều hành buổi hội thảo do TS. Vũ Quang Hùng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương.
Góp ý phản biện cho nhiệm vụ gồm: PGS.TS. Đinh Văn Thành - Chuyên gia cao cấp của Viện và TS. Lê Huy Khôi - Trưởng phòng - Phòng Quản lý khoa học và đào tạo.
Tham dự Hội thảo còn có lãnh đạo, đại diện các Phòng, Ban của Viện và các viên chức quan tâm.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 01/08/2020 và đang được triển khai thực thi với sự nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Mặc dù việc thực thi EVFTA trong gần 3 năm qua đã đem lại một số thành công nhất định, nhưng cũng đã xuất hiện một số điểm yếu cơ bản trong quá trình triển khai thực hiện, thể hiện qua các kết quả xuất nhập khẩu của Việt Nam sang EU, làm giảm khả năng tận dụng được những lợi ích và ưu đãi trong Hiệp định.
Sự kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước cũng như với doanh nghiệp của EU trong nhiều khâu, nhiều hoạt động, từ cung cấp nguyên phụ liệu đầu vào, sản xuất cho đến xuất nhập khẩu còn yếu và thiếu một môi trường để gắn kết. Điều này đặt ra vấn đề vai trò của Nhà nước trong việc tạo lập những cơ sở và điều kiện cần thiết để xây dựng và tăng cường sự kết nối giữa các doanh nghiệp EU và doanh nghiệp Việt Nam cũng như xây dựng được hệ sinh thái xuất nhập khẩu trong lĩnh vực nông sản và dệt may để tận dụng những cơ hội và ưu đãi từ EVFTA, tuân thủ các nguyên tắc cũng như cam kết quốc tế.
Hội thảo được tổ chức sẽ lắng nghe những ý kiến đóng góp từ phía chuyên gia và các nhà khoa học trong Viện, giúp Ban chủ nhiệm vụ đánh giá được những mặt được và chưa được của nhiệm vụ để chỉnh sửa và hoàn thành nhiệm vụ với chất lượng tốt nhất.
Thay mặt nhóm nghiên cứu, ông Nguyễn Văn Thức - thành viên chính thực hiện nhiệm vụ đã trình bày tóm tắt nội dung của bản báo cáo. Nội dung của báo cáo gồm 5 chương: Chương 1: Tổng quan về kết nối giữa các doanh nghiệp và hệ sinh thái xuất nhập khẩu; Chương 2: Kinh nghiệm của một số quốc gia trong kết nối giữa các doanh nghiệp và xây dựng tăng cường hệ sinh thái xuất nhập khẩu; Chương 3: Thực trạng kết nối giữa các doanh nghiệp EU và doanh nghiệp Việt Nam để tận dụng EVFTA; Chương 4: Thực trạng xây dựng và tăng cường hệ sinh thái xuất nhập khẩu trong một số lĩnh vực ngành hàng để tận dụng EVFTA; Chương 5: Giải pháp tăng cường sự kết nối giữa các doanh nghiệp EU và doanh nghiệp Việt Nam và xây dựng hệ sinh thái xuất nhập khẩu để tận dụng EVFTA.
Tại Hội thảo PGS.TS. Đinh Văn Thành góp ý cho nhiệm vụ như sau: Về cơ bản nhiệm vụ đã đưa ra được những nội dung chủ yếu có liên quan đến tăng cường sự kết nối giữa các doanh nghiệp EU và doanh nghiệp Việt Nam, đề xuất xây dựng hệ sinh thái xuất nhập khẩu để tận dụng EVFTA. Song, ban thực hiện nhiệm vụ cần tiếp tục nghiên cứu và chỉnh sửa một số điểm sau: Phần tổng quan về kết nối giữa các doanh nghiệp và hệ sinh thái xuất nhập khẩu: cần bổ sung và chỉ rõ các điều kiện cụ thể để kết nối với các doanh nghiệp của một quốc gia và các nước thuộc EU và thuộc 2 ngành hàng đã lựa chọn nghiên cứu; Phần chính sách của Nhà nước: cần tập trung chỉ rõ chính sách nào và các nội dung có liên quan đến kết nối và xây dựng hệ sinh thái. Không nên đưa các chính sách ít có liên quan đến kết nối và xây dựng hệ sinh thái xuất nhập khẩu nói chung; Phần thực trạng kết nối giữa các doanh nghiệp: cần phân tích và chỉ rõ thực trạng các phương thức kết nối. Phần giải pháp: còn mang tính định hướng, chưa cụ thể cho 2 ngành hàng đã lựa chọn và cũng chưa gắn kết chặt chẽ với tăng cường sự kết nối và hoàn thiện hệ sinh thái.
Tiếp theo TS. Lê Huy Khôi góp ý cho nhiệm vụ: Phần mục tiêu: Ban thực hiện nhiệm vụ cần viết lại mục tiêu cụ thể. Chương 1 và chương 2 nên ghép lại thành 01 chương. Chương 3 và chương 4 cần ghép lại thành 01 chương. Phần tổng quan: nên tập trung vào nông sản, nghiên cứu một cách vĩ mô. Phần kinh nghiệm của một số quốc gia: bài học của nước Braxin kết nối với các Doanh nghiệp chưa thấy đưa vào, bài học của Ấn Độ chưa rõ cần bổ sung; Phần thực trạng kết nối chưa thể hiện hệ sinh thái như thế nào, cần gia cố sâu hơn; Phần dự báo xu hướng: bổ sung kết nối Doanh nghiệp theo các chiều; Phần giải pháp cần xây dựng thành 2 giải pháp cụ thể vừa là chung vừa là riêng.
Một số đại biểu tham gia Hội thảo cũng đã có những ý kiến đóng góp cho nhiệm vụ như: cần bổ sung các doanh nghiệp liên kết, tăng cường xuất khẩu cho tốt hơn; Phần khái niệm nên điều chỉnh lại cho sát với nội dung. Phần giải pháp cần chi tiết hơn, chưa thấy điểm nhấn. Ban thực hiện nhiệm vụ cần kết cấu lại báo cáo thành 3 chương, gộp lại cho thống nhất, gọn gàng hơn.
Ông Nguyễn Văn Thức thay mặt Ban chủ nhiệm nhiệm vụ xin tiếp thu các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các đại biểu để tiếp tục hoàn thiện nhiệm vụ.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, TS. Vũ Quang Hùng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương trân trọng cảm ơn các nhà khoa học, các chuyên gia và các đại biểu đã đến tham dự và đóng góp ý kiến quý báu. Những ý kiến đóng góp trong Hội thảo sẽ giúp cho Ban chủ nhiệm nhiệm vụ trong việc chỉnh sửa, hoàn thiện nhiệm vụ: “ Nghiên cứu tăng cường sự kết nối và hệ sinh thái xuất nhập khẩu để tận dụng EVFTA” và sẽ đưa ra nghiệm thu chính thức nhiệm vụ trong thời gian sắp tới.
Một số hình ảnh của Hội thảo:
Nguyễn Ngọc Lan
Phòng Thông tin và xúc tiến Thương mại - VIOT