Sáng ngày 05/12/2023, tại trụ sở 17 Yết Kiêu, Hai Bà Trưng, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương đã tổ chức Hội thảo khoa học góp ý hoàn thiện cho dự thảo lần 2 đề án “phát triển chuỗi liên kết công nghiệp Việt Nam - Lào đến năm 2030”. Hội thảo được chủ trì bởi ông Nguyễn Khắc Quyền - Phó Viện trưởng, Viện nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương.

Khách mời tham dự hội thảo có: PGS.TS Đinh Văn Thành - chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, bình luận 1; TS. Lê Huy Khôi – Trưởng phòng Quan lý khoa học và đào tạo, bình luận 2; Ông Trần văn Huân – Vụ thị trường trong nước; Ông Đoàn Mạnh Trường – Cục Công thương địa phương; Chuyên gia và đại diện lãnh đạo các Phòng, Ban trong Viện; Các nhà khoa học và nhóm nghiên cứu thực hiện nhiệm vụ.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Ông Nguyễn Khắc Quyền - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương một lần nữa nhấn mạnh: “Phát triển chuỗi liên kết công nghiệp Việt Nam - Lào phù hợp xu hướng phát triển công nghiệp hai nước và của thế giới trong thời tương lai. Do vậy để phát huy tiềm năng lợi thế của hai nước, đề án “Phát triển chuỗi liên kết công nghiệp Việt Nam - Lào đến năm 2030” sẽ thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam – Lào. Bản đề án có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại, các cam kết thúc đẩy phát triển Kinh tế - Xã hội hai nước Việt Nam – Lào trong thời gian tới”.
Vì vậy, Hội thảo rất mong sẽ nhận được thêm các đóng góp và bình luận từ phía các chuyên gia, các nhà quản lý, đại diện lãnh đạo các phòng ban và các nhà khoa học trong Viện đóng góp cho nhóm nghiên cứu có thêm cơ sở khoa học để hoàn thiện đề án này một cách tốt nhất.

Tiếp thu và có chính sửa qua hội thảo lần 1 ngày 13/11/2023, Bản báo cáo đã có sự sửa đổi cơ bản hoàn chỉnh, kết cấu hợp lý và khoa học.
Thay mặt ban soạn thảo, Ông Tạ Đức Tuân - Giám đốc Trung tâm tham vấn WTO và FTAs, Chủ nhiệm đề án đã trình bày tóm tắt nội dung của bản báo cáo. Nội dung báo cáo kết cấu được chia làm 4 phần: Phần một: Điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, tiềm năng và lợi thế phát triển chuỗi liên kết công nghiệp Việt Nam – Lào; Phần hai: Thực trạng phát triển chuỗi liên kết công nghiệp Việt Nam – Lào; Phần ba: Mục tiêu và định hướng chuỗi liên kết công nghiệp Việt Nam -Lào; Phần bốn: Giải pháp và tổ chức thực hiện. Mục tiêu của đề án là phát triển chuỗi liên kết công nghiệp Việt Nam và Lào với cơ cấu hợp lý, dựa trên cơ sở khai thác một cách hiệu quả các tiềm năng lợi thế về tài nguyên thiên nhiên (khoáng sản, lâm sản, thủy điện) và về thương mại (hệ thống các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ), kế thừa kinh nghiệm CNH trên thế giới để phát triển công nghiệp của Việt Nam-Lào. Đến năm 2030 một số chuỗi liên kết ngành công nghiệp như: Công nghiệp chế biến; công nghệ khai thác khoáng sản; năng lượng tái tạo,... có sức cạnh tranh quốc tế, đóng góp lớn vào giá trị sản xuất công nghiệp hai nước, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia.
Trên cơ sở đó, định hướng cho phát triển chuỗi liên kết công nghiệp Việt Nam – Lào được xây dựng qua các chuỗi: Chuỗi liên kết của ngành chế biến nông, lâm sản và thực phẩm; Chuỗi liên kết trong khai thác, chế biến khoáng sản; Chuỗi liên kết trong sản xuất và cung ứng năng lượng - mỏ; Chuỗi liên kết chế biến, chế tạo; Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Để thực hiện được mục tiêu và định hướng cho phát triển chuỗi liên kết công nghiệp Việt Nam - Lào, nhóm tác giả đã đưa ra 5 nhóm các giải pháp để thực hiện thành công mục tiêu đã đề ra.
Sau khi nghe tóm tắt nội dung của Đề án, các chuyên gia, đại diện lãnh đạo và các nhà khoa học trong Viện tham dự đã có những đóng góp ý kiến đối với các nội dung của đề án.
Phát biểu tại hội thảo, Ông Trần văn Huân – đại diện Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã đưa ra một số điểm gợi ý cho nhóm nghiên cứu, báo cáo rất chi tiết và đưa ra rất nhiều vấn đề trong liên kết giữa hai nước. Tuy nhiên, góp ý cho nhóm nghiên cứu bổ sung thêm đánh giá về thực trạng phát triển hạ tầng thương mại giữa hai nước như: Chợ biên giới; Cửa khẩu hai nước. Về kết nối, xúc tiến thương mại hai nước để làm nổi bật vai trò tích cực của thương mại trong thúc đẩy sản xuất, lưu thông và kết nối giao thương giữa hai nước với nhau.
Đóng góp ý kiến cho hội thảo, Ông Đoàn Mạnh Trường – đại diện Cục Công thương địa phương, Bộ Công Thương đánh giá: Hiện nay, liên kết công nghiệp hai nước đang ở trong các bước phát triển, đề án phát triển liên kết công nghiệp có ý nghĩa rất lớn để thúc đẩy việc phát triển này. Góp ý với nhóm nghiên cứu nên đưa thêm khái quát về văn hóa, xã hội để làm sinh động hơn mối quan hệ của Việt Nam – Lào theo lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Việt - Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long". Nhóm tác giả cần thu gọn và tập trung vào những nội dung chính để làm nổi bật nội dung của báo cáo. Nhóm tác giả đã đưa được rất nhiều giải pháp để phát triển, tuy nhiên, nên bổ sung thêm giải pháp quan trọng về đầu tư, phát triển hạ tầng phục vụ cho sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa.
Các chuyên gia đánh giá rằng, bản dự thảo đã cơ bản đáp ứng và tuân thủ theo yêu cầu của nhiệm vụ. Nhóm tác giả đã nghiêm túc tiếp thu khá nhiều ý kiến và đề án đã tốt hơn rất nhiều. Tuy nhiên, đề án vẫn còn tồn tại một số điểm cần chỉnh sửa thêm, vấn đề bao chùm nhất nhóm tác giả cần chỉnh sửa nội dung cho cô đọng lại về nội dung, để mang lại hiệu quả lớn nhất của bản đề án. Vì liên kết sẽ diễn ra ở các tỉnh có lợi thế nào đó, nên nhóm tác giả cần mở rông phạm vi nghiên cứu để có thể thấy được các tiềm năng, lợi thế để phát triển các chuỗi liên kết giữa Việt Nam – Lào trở thành nền tảng lâu dài, hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”. Ngoài ra, Nếu có thể, nhóm nghiên cứu nên đưa thêm bài học kinh nghiệm của mốt số nước về phát triển liên kết giữa các quốc gia liên tuyến biên giới làm cơ sở xây dựng các giải pháp cho phát triển liên kết hai nước. Góp ý với nhóm nghiên cứu nên tập trung vào các mục tiêu chính, một số lỗi về kỹ thuật cần được chỉnh sửa để bản đề án hoàn chỉnh hơn nữa.
Kết thúc Hội thảo, Phó Viện trưởng Nguyễn Khắc Quyền trân trọng cảm ơn các đại biểu, nhà khoa học, các chuyên gia đã đến dự và đóng góp ý kiến, đồng thời đề nghị Ban soạn thảo lựa chọn các ý kiến góp ý, nghiên cứu tổng quan, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện để nghiệm thu trong thời gian tới.
Hội thảo khoa học góp ý hoàn thiện báo cáo lần 2“Phát triển chuỗi liên kết công nghiệp Việt Nam - Lào đến năm 2030” đã kết thúc thành công tốt đẹp trong buổi sáng cùng ngày.
Một số hình ảnh của buổi Hội thảo:




Lê Anh Tú
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT