Sáng ngày 13/11/2023, tại trụ sở 17 Yết Kiêu, Hai Bà Trưng, Hà Nội, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương đã tổ chức Hội thảo khoa học góp ý hoàn thiện cho dự thảo đề án “Phát triển chuỗi liên kết công nghiệp Việt Nam - Lào đến năm 2030”. Hội thảo được chủ trì bởi ông Nguyễn Khắc Quyền - Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương.
Khách mời tham dự hội thảo có: PGS.TS Đinh Văn Thành - chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương; TS. Phạm Hữu Thìn - chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương; Đại diện các Phòng, Ban trong Viện; Các nhà khoa học và nhóm nghiên cứu thực hiện nhiệm vụ.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Ông Nguyễn Khắc Quyền - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương cho biết thêm, Hội nghị hợp tác phát triển ngành Công Thương của Việt Nam - Năng lượng và Mỏ của Lào tháng 12-2022 đã được tổ chức tại Quảng Ninh của Việt Nam dưới sự chủ trì của Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Lào, Bộ Năng lượng và Mỏ Lào đề ra phương án sửa đổi bổ sung Hiệp định thương mại và Hiệp định thương mại biên giới giữa hai nước, đa dạng hoá các loại hình thương mại, thúc đẩy xúc tiến thương mại và đưa kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng bền vững; Các biện pháp thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực công nghiệp mỏ và năng lượng, phát triển chuỗi liên kết công nghiệp Việt Nam - Lào phù hợp xu hướng phát triển công nghiệp hai nước và của thế giới.
Do vậy để phát huy tiềm năng lợi thế của hai nước, đề án “Phát triển chuỗi liên kết công nghiệp Việt Nam - Lào đến năm 2030” nhằm thúc đẩy phát công nghiệp Việt Nam - Lào (trọng tâm phát triển ngành công nghiệp có thế mạnh của 10 tỉnh có chung đường biên giới, có các cửa khẩu) có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực thi các hiệp định thương mại, các cam kết thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội hai nước Việt Nam - Lào.
Hội thảo sẽ được các chuyên gia cao cấp, đại diện lãnh đạo các phòng ban và các nhà khoa học trong Viện tham gia ý kiến đóng góp cho nhóm nghiên cứu sớm hoàn thiện đề án này.
Báo cáo kết quả của đề án, thay mặt ban soạn thảo, Ông Tạ Đức Tuân - Giám đốc Trung tâm tham vấn WTO và FTAs, Chủ nhiệm đề án đã trình bày tóm tắt nội dung của bản báo cáo. Nội dung báo cáo kết cấu được chia làm 3 phần:
- Phần một: Bối cảnh và thực trạng phát triển
- Phần hai: Phát triển chuỗi liên kết công nghiệp Việt Nam-Lào
- Phần ba: Một số chính sách, giải pháp và tổ chức thực hiện
Dựa trên đề cương đã được xây dựng, nhóm nghiên cứu đã tiến hành điều tra, khảo sát thực tế, xác định rõ các lợi thế trong lĩnh vực phát triển công nghiệp phục vụ xây dựng phương án liên kết chuỗi công nghiệp các lĩnh vực sản xuất công nghiệp của hai nước Việt Nam - Lào. Phân tích bối cảnh quốc tế, đánh giá tổng quan hiện trạng tình hình phát triển công nghiệp, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các doanh nghiệp hoạt động thương mại có liên quan của hai nước để làm tiền đề cho việc xây dựng các phương án liên kết theo không gian lãnh thổ và theo các lĩnh vực công nghiệp. Qua đó, phân tích, dự báo tác động của các yếu tố bên trong và bên ngoài đối với quá trình phát triển công nghiệp, định hướng chuỗi liên kết công nghiệp đến năm 2030; Đưa ra các giải pháp để phát triển chuỗi liên kết công nghiệp.
Với mục tiêu, phát triển chuỗi liên kết công nghiệp Việt Nam - Lào đến năm 2030, nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản, thủy điện phục vụ cho phát triển công nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung giữa Việt Nam - Lào có chung đường biên giới và địa giới hành chính của hai nước. Qua đó thúc đẩy công nghiệp phát triển nhanh, bền vững, đáp ứng yêu cầu phát kinh tế - xã hội góp phần phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại và nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ.
Để có thể đạt được các mục tiêu đề ra, báo cáo cũng đã xây dựng định hướng phát triển và đề xuất 7 nhóm giải pháp để thực hiện thành công đề án “Phát triển chuỗi liên kết công nghiệp Việt Nam - Lào đến năm 2030”.
Sau khi nghe tóm tắt nội dung của Đề án, các chuyên gia, đại diện lãnh đạo và các nhà khoa học trong Viện tham dự đã có những đóng góp ý kiến đối với từng nội dung của đề án.
Các chuyên gia đánh giá rằng, bản dự thảo đã cơ bản đáp ứng và tuân thủ theo đề cương đã được phê duyệt. Đề án có chủ đề tương đối khó, để thấy bản dự thảo được xây dựng rất công phu, số liệu khảo sát khá đầy đủ. Tuy nhiên, các ý kiến góp ý xây dựng tập trung vào các vấn đề chủ yếu sau: Phân tích và đánh giá thực trạng về liên kết công nghiệp giữa hai nước cần đi sâu hơn nữa làm cơ sở cho các đánh giá và đề xuất giải pháp; Phân tích rõ hơn nữa các tồn tại, hạn chế trong giao thông cản trở việc trao đổi thương mại và liên kết công nghiệp giữa hai nước. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cần có những phân tích và chú ý đến bối cảnh mới hiện nay của quốc tế và trong nước, khi đường sắt cao tốc quốc tế liên kết Trung Quốc với Thái Lan qua Lào sẽ thu hút hàng hóa theo trục liên kết này. Sau khi phân tích, cần bám sát chủ để phát triển chuỗi liên kết để phân tích, chuỗi cần tính đến thị trường thứ ba từ đó đưa ra các đề xuất thí điểm các chuỗi cụ thể để triển khai. Nhóm nghiên cứu nên tập trung vào các mục tiêu chính, một số lỗi về kỹ thuật cần được chỉnh sửa để bản đề án được sáng và hoàn chỉnh hơn nữa.
Kết thúc Hội thảo, Phó Viện trưởng Nguyễn Khắc Quyền trân trọng cảm ơn các nhà khoa học, các chuyên gia và tất cả quý vị đại biểu đã đến dự và đóng góp ý kiến, đồng thời đề nghị Ban soạn thảo lựa chọn các ý kiến góp ý để tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện đề án trong thời gian tới.
Hội thảo khoa học góp ý hoàn thiện báo cáo“Phát triển chuỗi liên kết công nghiệp Việt Nam - Lào đến năm 2030” đã kết thúc thành công tốt đẹp trong buổi sáng cùng ngày.
Một số hình ảnh của buổi Hội thảo:
Lê Anh Tú
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT