TIN TỨC

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Tin tức

Hội thảo khoa học “Kinh tế biển xanh tạo động lực phát triển bền vững”

06/08/2024

Sáng ngày 2/8/2024, tại Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã chủ trì phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Kinh tế biển xanh tạo động lực phát triển bền vững”. Hội thảo có sự tham dự và chủ trì của đồng chí Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cùng với đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương liên quan đến công tác biển, đảo; cơ sở giáo dục đào tạo, viện nghiên cứu và các chuyên gia, nhà khoa học lĩnh vực biển, đảo.

Trong phát biểu khai mạc, đồng chí Phan Xuân Thủy nhấn mạnh rằng Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng việc bảo vệ biển, đảo và phát triển bền vững kinh tế biển. Trong hơn 10 năm qua, nhiều nghị quyết chiến lược được ban hành đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của kinh tế biển đối với nước ta và nhấn mạnh đến sự phát triển kinh tế biển phải gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh. Đặc biệt, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã xác định rõ quan điểm “Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển”.

Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội thảo

Các tham luận gửi đến, được trình bày tại Hội thảo, từ nhiều góc độ, đã làm rõ ý nghĩa của kinh tế biển xanh, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nhằm thúc đẩy và tạo động lực cho phát triển bền vững kinh tế biển. Hội thảo cũng tập trung phân tích sâu thực trạng các ngành kinh tế biển, phát triển kinh tế biển xanh ở Việt Nam. Nhiều ý kiến nêu bật vai trò của công tác đối ngoại, tuyên truyền, thông tin đối ngoại và các vấn đề liên quan chủ quyền biển, đảo của Việt Nam; về vai trò, tiềm năng và đóng góp của các doanh nghiệp vào phát triển kinh tế biển xanh...

Quang cảnh tại hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe và thảo luận về bảy bài tham luận chính, tập trung vào các khía cạnh quan trọng của kinh tế biển xanh:

  1. Xây dựng, phát triển kinh tế biển gắn với củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trên hướng biển - Trình bày bởi Đại tá Nguyễn Khắc Vượt, Trưởng phòng Khoa học Quân sự, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển. Bài tham luận nhấn mạnh vai trò của việc xây dựng kinh tế biển xanh, gắn liền với củng cố quốc phòng và an ninh, để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
  2. Giải pháp phát huy vai trò nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân trên biển vững mạnh - Chuẩn Đô đốc Nguyễn Viết Khánh, Phó Tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã trình bày về các giải pháp cần thiết để củng cố quốc phòng trên biển, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên Biển Đông.
  3. Lồng ghép mục tiêu phát triển kinh tế biển xanh trong phân vùng chức năng biển thực hiện triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 tại cấp địa phương - PGS.TS. Nguyễn An Thịnh, Trưởng khoa Kinh tế phát triển, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, đã trình bày cách lồng ghép mục tiêu kinh tế biển xanh trong các chiến lược phân vùng chức năng biển tại cấp địa phương, nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 36-NQ/TW
  4. Truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về kinh tế biển xanh - Trình bày bởi TS. Hoàng Quốc Lâm, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tham luận này tập trung vào việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về kinh tế biển xanh thông qua các chiến lược truyền thông.
  5. Truyền thông số - Giải pháp nâng cao nhận thức, hỗ trợ phát triển kinh tế biển xanh, tạo động lực phát triển bền vững - Ông Nguyễn Văn Thuật, Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông, đã đề xuất các giải pháp sử dụng truyền thông số để nâng cao nhận thức về kinh tế biển xanh.
  6. Kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại để bảo vệ chủ quyền và các quyền, lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông - TS. Đỗ Thanh Hải, Phó Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết hợp sức mạnh dân tộc và thời đại trong bảo vệ chủ quyền và các quyền lợi hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông.
  7. Vai trò công tác thông tin đối ngoại trong những diễn biến mới trên Biển Đông - Trình bày bởi ông Đào Lê Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí, Bộ Ngoại giao. Tham luận này đã phân tích vai trò của công tác thông tin đối ngoại trong bối cảnh những diễn biến mới trên Biển Đông.

Ngoài ra, Ban tổ chức Hội thảo còn nhận được các bài tham luận của các tác giả khác như:

- TS. Phạm Thị Linh - Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội

- TS. Nguyễn Thế Kiên - Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, và nhóm đồng tác giả

- TS. Đào Thị Thu Trang - Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội

- TS. Dư Văn Toán - Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam

- PGS.TS Nguyễn Ngọc Khánh - Trường Đại học Đông Á, Đà Nẵng

- TS. Trương Thị Hạnh - Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên

- TS. Lê Thị Thu Hiền - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

- ThS. Hoàng Việt - Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh

- PGS.TS Nguyễn Hữu Xuân - Trường Đại học Quy Nhơn

Trong số các đại biểu đại diện đoàn viên trẻ tham dự Hội thảo, TS. Trịnh Quốc Vinh, thành viên Câu lạc bộ Tiến sỹ trẻ Đoàn Khối các cơ quan Trung ương, đại biểu từ Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, Bộ Công Thương đã tham dự trao đổi, thảo luận, học hỏi cùng các nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực biển, đảo để phục vụ tốt công tác chuyên môn.

Các đại biểu dự hội thảo

Hội thảo đã đạt được sự đồng thuận rằng, để tiếp tục hiện thực hóa các chủ trương và định hướng của Đảng, cũng như pháp luật của Nhà nước trong quản lý, khai thác và sử dụng không gian biển để xây dựng Việt Nam thành quốc gia “mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn” theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đòi hỏi cần phải có tư duy đổi mới, đột phá, phù hợp với xu thế chung toàn cầu về phát triển bền vững kinh tế biển trong tình hình mới, trong đó xây dựng kinh tế biển xanh được coi là nền tảng.

Hội thảo khoa học “Kinh tế biển xanh tạo động lực phát triển bền vững” đã đóng góp quan trọng vào việc tăng cường thông tin và tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, và các tầng lớp nhân dân về vai trò thiết yếu của công tác biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hội thảo cũng đã khuyến khích các cấp, ngành, và địa phương tích cực tham gia vào phát triển bền vững kinh tế biển.

Thông qua việc định hướng phát triển kinh tế biển, hội thảo đã đề xuất xây dựng môi trường chính sách và pháp lý vững chắc cho nền kinh tế biển bền vững, kinh tế xanh lam, đồng thời thúc đẩy thu hút và huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển các ngành kinh tế biển mới. Ngoài ra, hội thảo cũng khuyến khích các nhà khoa học tăng cường năng lực nghiên cứu và nâng cao chất lượng các công trình khoa học về lĩnh vực biển, đảo, nhằm đề xuất các phương pháp hỗ trợ hiệu quả cho việc triển khai kinh tế biển xanh, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển tại Việt Nam trong thời gian tới./.

TS. Trịnh Quốc Vinh

Trung tâm tham vấn WTO và FTAs - VIOIT

TIN KHÁC