TIN TỨC

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Tin tức

Hội thảo khoa học “Đề án nghiên cứu xây dựng cụm liên kết sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo tại thành phố Thái Nguyên và Bắc Giang theo hướng ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường”

22/09/2023

Thực hiện Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 01/8/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, vào lúc 13h30 chiều ngày 18 tháng 9 năm 2023, Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách Công Thương đã tổ chức Hội thảo “Đề án nghiên cứu xây dựng cụm liên kết sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo tại thành phố Thái Nguyên và Bắc Giang theo hướng ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường” tại trụ sở chính của Viện  - 17 Yết Kiêu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Tới dự Hội thảo có Ông Nguyễn Khắc Quyền - Phó Viện trưởng, chủ trì Hội thảo, TS. Phạm Ngọc Hải - chuyên gia cao cấp, ThS. Cao Bảo Anh - đại diện Cục Công nghiệp, TS. Phạm Hữu Thìn - Chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách Công Thương, ông Đoàn Mạnh Trường - Cục Công Thương địa phương… cùng các chuyên gia, các nhà khoa học và cán bộ viên chức quan tâm.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Viện trưởng Nguyễn Khắc Quyền nhiệt liệt chào mừng các quý vị đại biểu cùng các vị khách quý đã bớt thời gian quý báu tới dự chương trình.

Ảnh 1: Phó Viện trưởng Nguyễn Khắc Quyền phát biểu khai mạc

Liên kết vùng là vấn đề hết sức quan trọng và đã được Đảng chỉ đạo tại Văn kiện các đại hội VIII, X và XI, gần đây là Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030. Trong những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã quan tâm, từng bước hoàn thiện, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách giúp thúc đẩy liên kết vùng.

Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 01/8/2022 của Chính phủ ban hành là Nghị quyết đầu tiên về phát triển vùng được Bộ Chính trị khóa XIII xem xét, ban hành, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và cho thấy vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của cả nước đặt ra nhiệm vụ và giải pháp phát triển nhanh và bền vững kinh tế Vùng.

Thực tiễn phát triển của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ thời gian qua cho thấy, các hoạt động liên kết của vùng đã được coi trọng gắn với đầu tư phát triển, từng bước hình thành và phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, gắn kết các địa phương và phát triển khu kinh tế cửa khẩu và gắn với các địa phương khác ngoài vùng.

Tuy nhiên, phát triển công nghiệp theo hướng liên kết nội vùng và liên kết liên vùng với vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô còn yếu, hiệu quả thấp; không gian phát triển bị chia cắt theo địa giới hành chính, chưa phát huy đầy đủ tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng.

Đề án nghiên cứu xây dựng cụm liên kết sản xuất thiết bị điện, điện tử, cơ khí chế tạo tại thành phố Thái Nguyên và Bắc Giang theo hướng ứng dụng công nghệ cao, thân với môi trường” là 01 trong 05 nhiệm vụ Bộ Công Thương giao cho Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương thực hiện và cũng là 05 trong tổng số 06 nhiệm vụ trong Chương trình hành động của Chính phủ giao cho Bộ Công Thương thực hiện.

Tại Hội thảo, Chủ nhiệm Đề án - ThS. Đỗ Văn Long đã trình bày khái quát và tóm tắt kết quả nghiên cứu: “Đề án nghiên cứu xây dựng cụm liên kết sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo tại thành phố Thái Nguyên và Bắc Giang theo hướng ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường”.

Đề án được chia làm 3 phần. Phần 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn cụm liên kết ngành; Phần 2: Các yếu tố ảnh hưởng và thực trạng phát triển công nghiệp tác động đến cụm liên kết sản xuất tại tỉnh Bắc Giang và Thái Nguyên; Phần 3: Đề án đưa ra 8 giải pháp phát triển cụm liên kết sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo tại thành phố Thái Nguyên và Bắc Giang theo hướng ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

Ảnh 2: ThS Đỗ Văn Long trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu của Đề án

Sau khi nghe Chủ nhiệm đề án trình bày, các chuyên gia và các nhà khoa học có chuyên môn sâu đã đánh giá cao sự nỗ lực của tác giả, đưa ra những đóng góp rất chi tiết và thẳng thắn, chỉ ra những ưu điểm và hạn chế của Đề án. Ban chủ nhiệm Đề án đã tiếp thu và tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện nội dung để thực hiện các bước tiếp theo.

Dưới đây là một số hình ảnh của buổi Hội thảo:

Ngô Mai Hương

Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT

TIN KHÁC