Ngày 26 tháng 10 năm 2023, tại Hội trường tầng 1, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, số 17 Yết Kiêu, Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội đã diễn ra Hội thảo góp ý cho đề án “Nghiên cứu, xây dựng tài liệu phân tích về ảnh hưởng/tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tới phát triển các sản phẩm và thị trường xuất khẩu tiềm năng, phục vụ việc xây dựng giải pháp hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động xuất khẩu” do ông Đỗ Tuấn Linh - Phó trưởng phòng, Phòng Nghiên cứu và dự báo thị trường làm chủ nhiệm.
Chủ trì và điền hành buổi hội thảo do TS. Vũ Quang Hùng - Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương. Góp ý và phản biện cho nhiệm vụ gồm: PGS.TS Đinh Văn Thành - Chuyên gia cao cấp Viện, TS. Lê Huy Khôi - Trưởng phòng, Phòng Quản lý khoa học và đào tạo. Tham hội thảo dự còn có đại diện lãnh đạo các Phòng, Ban của Viện và các viên chức quan tâm.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Vũ Quang Hùng - Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương cho biết, hiện nay, sở hữu trí tuệ (SHTT) là một nội dung quan trọng trong thương mại quốc tế, được thể hiện bằng các điều khoản và cam kết của các nước thành viên trong những hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Ở Việt Nam, Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành năm 2005 và được sửa đổi năm 2022 và các văn bản dưới luật đã cơ bản bao quát được các vấn đề liên quan đến SHTT và bảo hộ quyền SHTT; hỗ trợ tốt cho các doanh nghiệp trong quá trình xây dựng và bảo vệ các quyền liên quan đến SHTT. Song trên thực tế, việc hướng dẫn và thi hành pháp luật về SHTT còn rườm rà và nhiều thủ tục chồng chéo, nhất là các vấn đề liên quan đến thương mại quốc tế,... gây khó khăn cho doanh nghiệp. Trên thực tế, mỗi FTA sẽ có những quy định khác nhau đối với bảo hộ quyền SHTT và từ đó cũng tác động khác nhau đến các sản phẩm và thị trường xuất khẩu. Trong phạm vi nhiệm vụ này, sẽ làm rõ hơn những quy định và tác động nêu trên đối với việc phát triển sản phẩm và thị trường xuất khẩu của Việt Nam trong phạm vi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hội thảo sẽ lắng nghe những ý kiến đóng góp từ phía chuyên gia và các nhà khoa học trong viện, giúp ban chủ nhiệm đánh giá được những mặt được và chưa được của nhiệm vụ để chỉnh sửa và hoàn thành với chất lượng tốt nhất.
Chủ nhiệm nhiệm vụ, ông Đỗ Tuấn Linh thay mặt ban soạn thảo trình bày khái quát nội dung nhiệm vụ “Nghiên cứu, xây dựng tài liệu phân tích về ảnh hưởng/tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tới phát triển các sản phẩm và thị trường xuất khẩu tiềm năng, phục vụ việc xây dựng giải pháp hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động xuất khẩu”. Theo báo cáo, kết cấu gồm 3 phần: Phần 1: Những quy định liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong hiệp định CPTPP; Phần 2: Thực trạng hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong xuất khẩu của Việt Nam; Phần 3: Định hướng và giải pháp hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong bối cảnh thực thi hiệp định CPTPP.
Với mục tiêu xây dựng bộ tài liệu phân tích về những tác động của Hiệp định CPTPP đến các sản phẩm và thị trường xuất khẩu tiềm năng, làm cơ sở đề xuất giải pháp bảo hộ quyền SHTT trong hoạt động xuất khẩu. Trong đó, tác giả đã phân tích, đánh giá thực trạng những tác động của Hiệp định CPTPP đến các sản phẩm và thị trường xuất khẩu tiềm năng; thực trạng vấn đề bảo hộ quyền SHTT ở Việt Nam thời gian qua, làm cơ sở xây dựng tài liệu cũng như xác định quan điểm, mục tiêu và đề xuất giải pháp bảo hộ quyền SHTT trong hoạt động xuất khẩu, hướng đến phục vụ tốt nhu cầu của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Đánh giá và góp ý từ các chuyên gia thống nhất, trong bối cảnh hội nhập và thực thi các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định tự do thế hệ mới thì nghiên cứu của nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trong.
Một số kết quả báo cáo đã đạt được, đã tổng hợp được những quy định liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong Hiệp định CPTPP; Đánh giá được thực trạng hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong xuất khẩu của Việt Nam; Trên cơ sở đánh, nhận định về tổng quan hiện trạng, nhiệm vụ đã đề xuất đươc một số giải pháp có tính khả thi nhằm hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong bối cảnh thực thi hiệp đinh CPTPP. Tuy nhiên, quy định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là quy định chung (Không phân biệt hàng hóa tiêu dùng trong nước hay xuất khẩu) nên trong các mục và tiểu mục, nhóm soản thảo nên rà soát lại cho chinh xác; trong các đề xuất nên tập trung vào doanh nghiệp nhiều hơn; chỉnh sửa lại các lỗi kỹ thuật trong báo cáo.
Thay mặt Ban soạn thảo đề án, ông Đỗ Tuấn Linh đã xin tiếp thu các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các đại biểu để tiếp tục hoàn thiện nhiệm vụ nghiên cứu.
Phát biểu bế mạc Hội Thảo, TS. Vũ Quang Hùng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương trân trọng cảm ơn các nhà khoa học, các chuyên gia và các đại biểu đã đến tham dự và đóng góp ý kiến. Những ý kiến đóng góp trong Hội thảo sẽ là giúp cho Ban soạn thảo nhiệm vụ trong việc chỉnh sửa, hoàn thiện nhiệm vụ trong thời gian tới./.
Lê Anh Tú
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT