Ngày 27 tháng 10 năm 2023, tại Hội trường tầng 1, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, số 17 Yết Kiêu, Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội đã diễn ra Hội thảo góp ý cho đề án “Nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách về phát triển thương mại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo” do ông Phạm Hồng Lam - Phòng Nghiên cứu và dự báo thị trường làm chủ nhiệm.
Chủ trì và điền hành buổi hội thảo do TS. Vũ Quang Hùng - Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương. Góp ý và phản biện cho nhiệm vụ gồm: PGS.TS Đinh Văn Thành - Chuyên gia cao cấp Viện, TS. Phạm Hữu Thìn - Chuyên gia cao cấp Viện. Tham hội thảo dự còn có đại diện lãnh đạo các Phòng, Ban của Viện và các nhà khoa học của Viện.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Vũ Quang Hùng - Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương nhấn mạnh, thương mại hàng hóa khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là một bộ phận thiết yếu cấu thành hệ thống thương mại quốc gia của Việt Nam.
Thương mại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo hiện nay có sự phát triển chậm và không đều giữa các vùng. Cơ chế chính sách về phát triển thương mại đã được ban hành, nhưng chỉ được đề cập như một nội dung nhỏ, lồng ghép trong các chính sách phát triển thương mại trong nước và chưa được cụ thể hóa. Do đó, nghiên cứu này là rất cần thiết trong tình hình hiện nay.
Hội thảo sẽ lắng nghe những ý kiến đóng góp từ phía chuyên gia và các nhà khoa học trong viện, giúp ban chủ nhiệm đánh giá được những mặt được và chưa được của nhiệm vụ để chỉnh sửa và hoàn thành nhiệm vụ với chất lượng tốt nhất.
Thay mặt nhóm nghiên cứu, Bà Hoàng Thị Hương Lan trình bày khái quát nội dung nhiệm vụ“Nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách về phát triển thương mại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo”. Theo báo cáo, mục tiêu của nhiệm vụ là nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách phát triển thương mại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Theo phạm vi 287 huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo thuộc 48 tỉnh, thành phố trong cả nước theo Quyết định số 964/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ. Báo cáo có kết cấu gồm 3 phần: Phần 1: Cơ sở lý luận về phát triển thương mại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo; Phần 2: Thực trạng cơ chế chính sách phát triển thương mại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo giai đoạn 2016-2022; Phần 3: Một số giải pháp xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách về phát triển thương mại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo
Đánh giá chung về thực trạng cơ chế chính sách phát triển thương mại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo cho thấy, các cơ chế chính sách đã góp phần nào thúc đẩy thị trường khu vực từng bước phát triển gắn kết với thị trường cả nước, thị trường khu vực và quốc tế nhưng chưa đạt được hiệu quả tác động như mục tiêu chính sách đề ra. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn một số khu vực có sự tăng trưởng, tuy nhiên vẫn còn chậm so với các Vùng miền khác trên cả nước. Kết cấu hạ tầng thương mại tại nhiều địa bàn khu vực đã được nâng cấp, cải tạo; tuy nhiên vẫn còn yếu kém và lạc hậu. Chính sách ưu đãi, hỗ trợ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo còn nhiều hạn chế, bất cập.
Qua đó, nhóm nghiên cứu đã đưa ra 5 nhóm giải pháp về quy trình xây dựng và 2 nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện giúp xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển thương mại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.
Đánh giá và góp ý từ các chuyên gia thống nhất, trong nhiệm vụ này nhóm nghiên cứu cần giới hạn, chỉ nghiên cứu hệ thống các chủ trương, chính sách của nhà nước về phát triển thị trường, về phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và các biện pháp khác. Báo cáo chỉ nên tập trung nghiên cứu nội dung về các cơ chế chính sách về các nội dung nghiên cứu như trên. Từ đó đanh giá được các hạn chế từ các chính sách cho phát triển cho thương mại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.
Báo cáo đã đạt được, báo cáo đã đạt được các nội dung theo đề cương yêu cầu. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cần rà soát lại nội dung đảm bảo tính logic, trọng tâm và chỉnh sửa lại các lỗi kỹ thuật trong báo cáo.
Thay mặt Ban soạn thảo đề án, Bà Hoàng Thị Hương Lan xin tiếp thu các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các đại biểu để tiếp tục hoàn thiện nhiệm vụ nghiên cứu.
Phát biểu bế mạc Hội Thảo, TS. Vũ Quang Hùng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương trân trọng cảm ơn các nhà khoa học, các chuyên gia và các đại biểu đã đến tham dự và đóng góp ý kiến. Những ý kiến đóng góp trong Hội thảo sẽ là giúp cho Ban soạn thảo nhiệm vụ trong việc chỉnh sửa, hoàn thiện và hoàn thành báo cáo trong thời gian sớm nhất.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Lê Anh Tú
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT