TIN TỨC

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Tin tức

Hội thảo đẩy mạnh sản xuất, phân phối và xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp hóa chất

15/09/2023

Sáng ngày 12 tháng 9 năm 2023, tại trụ sở Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, số 17 Yết Kiêu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương đã tổ chức Hội thảo: “Đẩy mạnh sản xuất, phân phối và xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp hóa chất”.

Hội thảo do TS. Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, chính sách Công Thương chủ trì.

Khách mời tham dự Hội thảo có TS. Nguyễn Xuân Sinh - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công Thương; Bà Nguyễn Thị Hồng Anh - Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương; Ông Nguyễn Tuấn Anh - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và Bà Lê Thị Khánh Dư - Tập đoàn Hóa chất Đức Giang.

Về phía Viện nghiên cứu Chiến lược, chính sách Công Thương tham dự Hội thảo còn có TS. Vũ Quang Hùng - Phó Viện trưởng đại diện lãnh đạo các phòng, ban và các cán bộ nghiên cứu thuộc Viện.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách Công Thương nhấn mạnh: “ Công nghiệp nền tảng có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng giúp tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm công nghiệp chính. Thời gian qua, các ngành công nghiệp nền tảng của Việt Nam luôn được Đảng, Chính phủ quan tâm tạo điều kiện phát triển. Nhiều sản phẩm công nghiệp nền tảng phát triển mạnh không chỉ cung cấp sản phẩm, nguyên liệu đầu vào phục vụ cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước mà còn xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng của ngành công nghiệp của cả nước. Một trong số đó là các sản phẩm công nghiệp hóa chất. Hiện nay, ngành hóa chất Việt Nam đang trong quá trình phát triển. Tổng thể ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam được chia thành 10 phân ngành chính, bao gồm: i) hóa dầu; ii) hóa chất cơ bản (bao gồm cả hóa chất tiêu dùng hóa chất tinh khiết…); iii) phân bón; iv) hóa dầu; v) sản phẩm cao su, vi) sơn-mực in, vii) khí công nghiệp; viii) nguồn điện hóa học (pin, ắc quý); ix) hóa chất bảo vệ thực vật; x) sản phẩm chất tẩy rửa và một số hóa chất khác”.

Ảnh 1: TS. Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng phát biểu khai mạc hội thảo

Nội dung  chính của Hội thảo “Đẩy mạnh sản xuất, phân phối và xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp hóa chất”  tập trung vào phân tích thực trạng sản xuất, sử dụng, xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp hóa chất, phân bón và  đề xuất các giải pháp thúc đẩy sản xuất, sử dụng, phân phối, xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp hóa chất trong bối cảnh hiện nay.

Ảnh 2: Toàn cảnh Hội thảo

Mở đầu Hội thảo, Ông Nguyễn Xuân Sinh - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Hóa chất Bộ Công Thương trình bày tóm tắt bài tham luận “Chính sách và giải pháp hỗ trợ xuất khẩu sản phẩm công nghiệp hóa chất”. Ông Sinh dẫn chứng các số liệu trong báo cáo của Cục hóa chất - Bộ Công Thương năm 2020 để đánh giá thực trạng ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam trong những năm gần đây. Theo Chiến lược phát triển ngành Công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt tại Quyết định số 726/QĐ-TTg ngày 12 tháng 6 năm 2022, để thực hiện hóa mục tiêu phát triển xuất khẩu sản phẩm hóa chất, trong thời gian tới cần có các giải pháp toàn diện được xây dựng và thực hiện bởi các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp.

Tiếp theo, Th.S. Phạm Hồng Hiệp - Trưởng phòng Phòng Môi trường và phát triển bền vững trình bày bài tham luận: “Nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách ngành công nghiệp hóa chất”.  Bài tham luận đã  phân tích tổng quan ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam; đưa ra Công ước quốc tế, văn bản quy phạm pháp luật  hạn chế, bất cập chính sách và đề xuất giải pháp chính sách.

Cuối cùng, Th.S. Lê Anh Tú - Phòng Thông tin và xúc tiến Thương mại trình bày bài tham luận với chủ đề: “Ngành nhựa Việt Nam: tiềm năng phát triển và thách thức trong hội nhập kinh tế quốc tế”. Bài tham luận đã nêu bật được tiềm năng phát triển của ngành nhựa; Cơ hội, thách thức khi mở rộng thị trường xuất khẩu nhựa và đề xuất giải pháp phát triển ngành công nghiệp nhựa Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Hiện nay, Việt Nam đã và đang thực hiện 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với các khu vực, đối tác trên thế giới. Đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp trong nước mở rộng thị trường, khai thác các ưu đãi, tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận trong hoạt động xuất, nhập khẩu. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phải đương đầu với rất nhiều thách thức đến từ việc phải đáp ứng được các quy tắc như: quy tắc xuất xứ, quy định nhập khẩu và thị hiếu người tiêu dùng, nguy cơ các biện pháp phòng vệ Thương mại; thách thức về áp lực cạnh tranh; thách thức gia tăng chi phí từ các cam kết về phát triển bền vững trong các hiệp định thương mại. Để hạn chế các thách thức này, bài tham luận đưa ra các giải pháp phát triển ngành công nghiệp nhựa Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Xoay quanh chủ đề thảo luận trên,  Hội thảo đã nhận được rất nhiều ý kiến trao đổi, đóng góp và chia sẻ từ các chuyên gia, các doanh nghiệp trong nước. Ban tổ chức hội thảo sẽ tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của các tham luận, cũng như các ý kiến phát biểu của các đại biểu, các nhà khoa học làm cơ sở để đề xuất các kiến nghị, giải pháp đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền trong thời gian tới.

Phát biểu bế mạc hội thảo, thay mặt Ban tổ chức,  TS. Vũ Quang Hùng - Phó Viện trưởng chân thành cảm ơn tới các nhà khoa học, các chuyên gia và tất cả các quý vị đại biểu đã đến tham dự và đóng góp ý kiến tích cực vào Hội thảo “Đẩy mạnh sản xuất, phân phối và xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp hóa chất”.

Ảnh 3.  TS. Vũ Quang Hùng - Phó Viện trưởng phát biểu bế mạc hội thảo

Hội thảo đã kết thúc thành công tốt đẹp trong buổi sáng cùng ngày.

Nguyễn Ngọc Lan

Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT

TIN KHÁC