TIN TỨC

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Tin tức

Hội thảo “Thực trạng và giải pháp thúc đẩy chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn để tận dụng tối đa những cơ hội của CPTPP và EVFTA

30/11/2023

Trong khuôn khổ thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương năm 2023, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương được Bộ Công Thương phê duyệt thực hiện Nhiệm vụ “Tổ chức chuỗi hội thảo tham vấn chính sách về thực hiện tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030” theo Quyết định số 322/QĐ-BCT ngày 30/2/2023. Thực hiện sự phân công và chỉ đạo của Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, Ban Xúc tiến Hợp tác Quốc tế tổ chức Hội thảo với chủ đề “Thực trạng và giải pháp thúc đẩy chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn để tận dụng tối đa những cơ hội của CPTPP và EVFTA”. Hội thảo diễn ra vào chiều ngày 24 tháng 11 năm 2023 theo 2 hình thức: trực tiếp tại Hội trường tầng 1, trụ sở của Viện tại 17 Yết Kiêu, Phường Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội và trực tuyến qua zoom.

Ảnh 1: PGS.TS. Đinh Văn Thành - Chuyên gia cao cấp Viện phát biểu khai mạc Hội thảo

Chủ trì và điều hành Hội thảo do PGS.TS Đinh Văn Thành, chuyên gia cao cấp Viện. Tham gia Hội thảo có Bà Trần Thị Hương, đại diện Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương; Bà Bùi Thị An - nhà khoa học, nguyên Đại biểu quốc hội - Ủy viên, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội khóa XIII; TS. Khúc Văn Quý - Trường Đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội; TS. Nguyễn Xuân Trường - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ; lãnh đạo Phòng, Ban của Viện cùng các viên chức quan tâm.

Kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Nếu mô hình kinh tế truyền thống chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên, sản xuất và loại bỏ sau tiêu thụ, dẫn đến việc tạo ra một lượng phế thải khổng lồ thì mô hình kinh tế tuần hoàn chú trọng việc quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra phế thải. Việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn là một cơ hội lớn để phát triển bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế - xã hội, môi trường, mà còn để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Luật bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022 nhìn chung đã cập nhập được xu hướng phát triển của pháp luật quốc tế về môi trường trên thế giới và phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội của Việt Nam.

Các quy định trong Luật tương thích với định hướng trong CPTPP và EVFTA về một nền kinh tế ít chất thải, “phát triển thương mại ưu tiên bảo vệ môi trường”, theo đó thương mại và đầu tư đối với các hàng hóa và dịch vụ thân thiện với môi trường phải được thúc đẩy, xem mục tiêu bảo vệ môi trường song hanh với mục tiêu phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, mức độ đáp ứng đối với yêu cầu của CPTPP và EVFTA về mô hình quản lý chất thải, đòi hỏi chuyển đổi sang nền kinh tế ít chất thải và có sức chống chịu của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn chứ chưa nói đến việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Ảnh 2: Ths. Nguyễn Văn Hiến - Trung tâm tham vấn WTO và FTAs - Chủ nhiệm nhiệm vụ

giới thiệu và tuyên bố lý do Hội thảo

Mở đầu buổi Hội thảo là bài phát biểu tham luận của CN. Nguyễn Thức -  Trung tâm tham vấn WTO và FTAs với chủ đề: Đánh giá tổng quan các quy định liên quan cam kết về môi trường trong hiệp định CPTPP, EVFTA: cơ hội, thách thức của Việt Nam trong việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn.

Tiếp theo là các bải phát biểu tham luận của Ông Ngô Đức Thanh, Phó trưởng Phòng Môi trường và phát triển bền vững với chủ đề: Phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn ở các khu công nghiệp tại Việt Nam; Ông Nguyễn Thế Thông, Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường - ISPONRE với bài tham luận: Thực trạng phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam; Ông Vũ Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, đào tạo và phát triển địa phương - Giám đốc chiến lược Công ty CP đầu tư thương mại XNK Thái Hưng; PGS.TS. Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội kinh tế môi trường Việt Nam với bài tham luận: sự cấp thiết áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong khai thác và chế biến bauxite ở Tây Nguyên; Ông Trần Gia Hiển, Phòng Môi trường phát triển bền vững với bài tham luận: Kinh nghiệm quốc tế về phát triển kinh tế tuần hoàn và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Sau khi nghe các bài tham luận, các đại biểu tham dự Hội thảo đã có nhiều ý kiến đóng góp cho Hội thảo: Theo bà Bùi Thị An, để đánh giá thực trạng và giải pháp thúc đẩy chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn để tận dụng tối đa những cơ hội của CPTPP và EVFTA cần nghiên cứu tất cả các lĩnh vực từ đó đánh giá kinh tế tuần hoàn ra sao, lĩnh vực nào ít, lĩnh vực nào nhiều, doanh nghiệp, thị trường nào từ đó đưa ra chính sách phù hợp; Bà Trần Thị Hương, đại diện Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương góp ý: tổ chức hội thảo chủ đề này là rất cần thiết. Cục Công nghiệp đang xây dựng 4 chương trình chiến lược cho ngành sản xuất ô tô, ngành thép, giấy và nhựa, đề ra quan điểm, mục tiêu phát triển tuần hoàn và các giải pháp giúp cho doanh nghiệp phát triển kinh tế tuần hoàn và mong Ban thực hiện nhiệm vụ sẽ phối hợp với Cục Công nghiệp trong xây dựng nghiên cứu về chủ đề này.

Tổng hợp ý kiến của các chuyên gia, các đại biểu tham gia Hội thảo, PGS. TS Đinh Văn Thành - chủ trì Hội thảo phát biểu: phát triển kinh tế tuần hoàn là mới, cần có yêu cầu về kỹ thuật cho các doanh nghiệp. Mô hình thế nào cần có sự can thiệp của Nhà nước; để phát triển kinh tế tuần hoàn cần có nghiên cứu khoa học công nghệ và đề án khoa học cấp Bộ, cơ quan Nhà nước; cần có thể chế chính sách để phát triển kinh tế tuần hoàn từ đó có kiến nghị lên các cấp, ngành có liên quan.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, PGS.TS. Đinh Văn Thành trân trọng cảm ơn các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý, các đại biểu đến tham dự và đóng góp ý kiến thảo luận về chủ đề Hội thảo “Thực trạng và giải pháp thúc đẩy chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn để tận dụng tối đa những cơ hội của CPTPP và EVFTA”.

Một số hình ảnh của Hội thảo:

 

                                                                                 Nguyễn Ngọc Lan

Phòng Thông tin và Xúc tiến Thương mại - VIOIT

TIN KHÁC