TIN TỨC

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Tin tức

Hội thảo “Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam, cơ hội và thách thức”

02/01/2024

Sáng ngày 29/12/2023, tại Hội trường tầng 1, trụ sở Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, số 17 Yết Kiêu, Phường Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã tổ chức hội thảo khoa học “Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam, cơ hội và thách thức”.


Hội thảo được chủ trì bởi TS. Vũ Quang Hùng - Phó Viện trưởng, Viện nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương.

Khách mời tham dự hội thảo: Ông Nguyễn Thế Quang - Phó Cục trưởng Cục thương mại điện tử và kinh tế số; Ông Phan Đăng Tuất - Chuyên gia cao cấp, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam; Ông Phạm Ngọc Hải - Chuyên gia cao cấp, nguyên phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương; Bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam; Bà Ngô Thị Minh Hiền - Trưởng phòng Kỹ thuật công nghiệp, Ban công nghiệp công nghệ cao, Tập đoàn Viettel; ThS. Đặng Trần Chuyên - Giám đốc Trung tâm điện tử viễn thông, Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa. Cùng với đại diện các doanh nghiệp và đại diện lãnh đạo các phòng, ban thuộc Viện và các cán bộ nghiên cứu thuộc Viện.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Vũ Quang Hùng - Phó Viện trưởng, Viện nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương nhấn mạnh để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam thì đòi hỏi rất nhiều công đoạn  phức tạp, đầu tư lớn và trình độ nguồn nhân lực rất cao, đặc biệt là trong khâu thiết kế. Trong ngành công nghiệp bán dẫn, quy trình sản xuất gồm 3 khâu chính: Thiết kế, sản xuất và đóng gói/kiểm tra. Việt Nam đã tham gia ngành công nghiệp bán dẫn từ rất lâu rồi, nhưng chỉ tham gia được ở khâu đóng gói/kiểm tra cho một số nhà sản xuất chíp như intel,... Chíp bán dẫn có rất nhiều chủng loại, tính năng và độ phức tạp khác nhau, Việt Nam chỉ mới đáp ứng được trong khâu đóng gói các loại chíp đơn giản.

Để phục vụ cho việc xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam trong giai đoạn tới, hội thảo được tổ chức để gợi mở các vấn đề xem Việt Nam có những lợi thế gì? Cơ hội và thách thức trong đầu tư/ thu hút đầu tư để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn như nào? Với sự tham gia và góp ý của các các vị đại biểu, chuyên gia và doanh nghiệp đầu ngành sẽ là những tư liệu quý cho Viện lĩnh hội và có những kế hoạch tiếp theo cho việc đề xuất các chính sách và xây dựng các chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (hay còn gọi là 4.0) đang phát triển như vũ bão, một trong những nhân tố đóng góp tích cực đó là chip GPU để phát triển các sản phẩm trí tuệ nhân tạo AI/ML/DL. Xung đột vũ trang nhiều nơi, thay đổi địa chính trị, dẫn đến chính quyền Mỹ thay đổi cuộc chơi: từ cấm đến hạn chế công nghệ dưới 10nm ra ngoài biên giới nước Mỹ (bao gồm cả máy móc thiết bị, công cụ phần mềm thiết kế chip EDA tools).  

Mỹ, Trung Quốc thăm Việt Nam nâng tầm đối tác chiến lược, chủ tịch NVIDIA sang Việt Nam khảo sát thúc đẩy đổi mới, phát triển khoa học công nghệ và đặc biệt là chip bán dẫn.

Hiện nay, Việt Nam đang tham gia vào khâu đóng gói chip (packaging) chiếm 6%, trong khi thiết kế (design) 53%, sản xuất (foundry) chiếm 24% giá trị hàng hóa. Việt Nam, với đại diện chính là nhà máy Intel tại TP HCM, hiện chỉ tham gia ở khâu cuối cùng trước khi chip được đưa ra thị trường. Intel với thị phần toàn cầu về CPU chiếm 70%, trong đó, 1/3 số CPU là đóng gói tại Việt Nam. Tuy nhiên, với công nghệ đóng gói chip 3D tiên tiến nhất của Intel lại không được đóng gói ở Việt Nam vì chỉ số về đóng gói chip ở Đông Nam Á thì Việt Nam đứng thứ 5 sau: Malaysia, Singapore, Thailand, Philippines, Vietnam, Indonesia, Lao, Cambodia.

Về nghiên cứu phát triển, hiện Intel chưa mở trung tâm R&D, chỉ có hai tập đoàn lớn của Hàn Quốc là Samsung và LG. Các công ty thiết kế chip ở nước ngoài đóng tại Việt Nam khoảng hơn 20 công ty chủ yếu là outsourcing. Các trung tâm R&D về chip của Việt Nam có SIS/ĐH Quốc Gia, ICDREC/ĐHQG TP.HCM, Trung tâm Mạch Tích Hợp / Nacentech, nay có thêm FPT và Viettel. Vị trí giá trị gia tăng của R&D và thiết kế trong chuỗi giá trị có hàm lượng cao hơn nhiều công việc sản xuất.

Hội thảo nhận được rất nhiều các bài viết chuyên sâu, nghiên cứu đóng góp. Trong đó, hội thảo đã tổng hợp và đưa vào 4 bài tham luận để trình bày tại hội thảo gồm:

1. Tham luận “Công nghiệp bán dẫn: cơ hội và tương lai cho Việt Nam” của Bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam;

2. Tham luận “Việt Nam định hướng tham gia chuỗi giá trị của bán dẫn toàn cầu”của ThS. Đặng Trần Chuyên - Giám đốc trung tâm điện tử viễn thông, Viện nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa;

3. Tham luận “Ngành công nghiệp bán dẫn và tác động môi trường” của ThS. Phạm Hồng Hiệp - Trưởng phòng Môi trường và phát triển bền vững, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương;

4. Tham luận “Triển vọng phát triển công nghiệp bán dẫn của Việt Nam và một số giải pháp” - của ThS. Nguyễn Mạnh Linh - Phó trưởng phòng Công nghiệp và Năng lượng, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương.

Qua các bài tham luận và chia sẻ của các vị đại biểu, chuyên gia và doanh nghiệp đầu ngành có thể thấy rằng, trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, công nghiệp vi mạch bán dẫn đóng vai trò quan trọng trong tất cả các hệ thống điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông, tự động hóa... Công nghệ bán dẫn được xem là phần cốt lõi trong cuộc cạnh tranh công nghệ giữa các cường quốc trong thế kỷ 21. Trước xu hướng xây dựng, thiết lập các chuỗi cung ứng mới về sản xuất công nghiệp bán dẫn, Việt Nam đang có những thế mạnh và cơ hội để phát triển lĩnh vực này. Tuy nhiên, để phát triển sản xuất công nghiệp bán dẫn, chúng ta cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và cần có các giải pháp, chính sách mạnh mẽ, dài hạn để tận dụng các cơ hội.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, TS. Vũ Quang Hùng- Phó Viện trưởng trân trọng cảm ơn các nhà khoa học, các chuyên gia và tất cả quý vị đại biểu đã đến dự và đóng góp ý kiến. Những ý kiến đóng góp này sẽ là cơ sở giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến việc xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam trong giai đoạn tới.

Hội thảo “Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam, cơ hội và thách thứcđã kết thúc thành công tốt đẹp.

Một số hình ảnh của Hội thảo:

Lê Anh Tú

Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT

TIN KHÁC