Thực hiện Quyết định số 1814/QĐ-BCT ngày 09 tháng 9 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc phê duyệt nhiệm vụ xúc tiến thương mại thường xuyên năm 2023 và giai đoạn 3 năm 2023-2025, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương - VIOIT tổ chức chuỗi Hội thảo “Kết nối doanh nghiệp với các nhà thiết kế sản phẩm xuất khẩu trọng điểm” với mục tiêu tạo ra một diễn đàn linh hoạt, thuận tiện, khuyến khích việc tham gia, trao đổi của nhiều tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thiết kế và xuất khẩu các sản phẩm trọng điểm của Việt Nam.
Chiều ngày 31/10/2023, tại Trụ sở 17 Yết Kiêu, Hà Nội, Ban Xúc tiến Hợp tác quốc tế VIOIT tổ chức Hội thảo trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của đại diện lãnh đạo VIOIT, Viện nghiên cứu da giày, Viện Máy và Dụng cụ Công nghiệp (IMI), một số doanh nghiệp trong ngành may mặc, cơ khí, dược liệu, doanh nghiệp thiết kế thuộc Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc, Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam…
Hội thảo được tổ chức nhằm kết nối các doanh nghiệp với các nhà thiết kế sản phẩm xuất khẩu trọng điểm như dệt may, da giày, là những đơn vị có kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế mẫu mã sản phẩm.
Chủ trì và phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Quang Hùng - Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương cho biết, những năm gần đây, vai trò của giá trị gia tăng trong sản phẩm ngày càng được chú trọng, là yếu tố chính góp phần vào kết quả phát triển của doanh nghiệp. Trong các yếu tố làm nên giá trị gia tăng cho sản phẩm, thiết kế là yếu tố vô cùng quan trọng.
Tuy nhiên hiện nay, tại Việt Nam, vai trò của thiết kế chưa được đánh giá đúng tầm, đơn củ như các công ty sản xuất trong các ngành da giày, dệt may của Việt Nam đa phần đang nhận hợp đồng gia công là chính, khâu thiết kế mẫu mã sản phẩm được đưa từ nước ngoài vào. Chính vì vậy, vai trò của khâu thiết kế sản phẩm rất cần được chú trọng và nâng cao.
Hội thảo là cơ hội cho các nhà quản lý đưa ra các ý đóng góp tạo điều kiện cho sự phát triển của các nhà thiết kế Việt Nam kết nối với các nhà xuất khẩu, đưa sản phẩm Made in Vietnam, Make in Vietnam ra thị trường quốc tế.
Phát biểu tham luận tại hội thảo về giải pháp nâng cao nghiên cứu sản phẩm da giày tại Việt Nam, ông Nguyễn Hùng Sơn - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu da giày Việt Nam cho biết, Viện Nghiên cứu da giày Việt Nam là đơn vị vừa thiết kế, vừa sản xuất. Trong thời gian qua, các sản phẩm của Viện thay đổi rất nhiều, đặc biệt là về mẫu mã, và khối lượng sản phẩm được các đối tác đặt hàng ngày một tăng.
Hiện trung bình mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,1 tỷ đôi giày dép các loại, 400 ngàn túi xách sang nhiều thị trường, mang lại nhiều ngoại tệ, thu hút khoảng 1,4 triệu lao động. Trên bình diện ngành da giày thế giới, ngành da giày Việt Nam đứng top 3 về sản lượng, top 5 về giá trị kim ngạch.
Tính đến cuối 2022, cả nước có khoảng 1.700 doanh nghiệp xuất khẩu giày dép, tập trung nhiều ở khu vực miền Đông và Tây Nam Bộ, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước chiếm hơn 70%, còn lại dưới 30% là các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đặc biệt, doanh nghiệp FDI nắm toàn bộ khâu nghiên cứu, thiết kế, phân phối, là những khâu có giá trị gia tăng cao, trong khi Việt Nam chủ yếu chỉ sản xuất gia công. Do đó, doanh nghiệp trong nước bị động cả về mẫu mã và nguyên vật liệu. Vốn đầu tư cho công tác nghiên cứu thiết kế sản phẩm rất lớn, cần thời gian lâu dài, cũng như cần đội ngũ nhân sự giỏi và sáng tạo, đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng.
Gần đây, các doanh nghiệp trong nước đã nỗ lực tạo giá trị gia tăng cho chính mình bằng việc chủ động nghiên cứu, ra mắt các bộ sưu tập sản phẩm mới, đây là bước tiến của ngành da giày Việt Nam. Công tác đào tạo nhân lực trong nghiên cứu thiết kế sản phẩm cũng dần được chú trọng nâng cao.
Tại hội thảo, đại diện Tổng công ty May 10 cho biết, ngoài các sản phẩm xuất khẩu, May 10 đầu tư nhiều vào thương hiệu thời trang trong nước. Hiện doanh nghiệp này có 4 dòng sản phẩm dành cho thị trường nội địa.
Về quy trình để thiết kế ra 1 sản phẩm của May 10, đại diện đơn vị cho biết, trước khi đầu tư vào 1 sản phẩm mới, doanh nghiệp nghiên cứu rất kỹ về xu hướng thời trang, tìm hiểu thị hiếu quốc tế và thị hiếu nội địa, từ đó có cái nhìn tổng quát, rồi nội địa hóa cho từng thị trường phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Doanh nghiệp cũng tính rất kỹ tới yếu tố mùa vụ, thời tiết, chất liệu, màu sắc, thẩm mỹ, từ đó nhóm thiết kế mới đưa ra các phương án thiết kế sản phẩm phù hợp nhất.
Cũng tại hội thảo, đại diện tới từ Viện Nghiên cứu da giày, Bộ Công Thương; Công ty TNHH truyền thông thiết kế Mass C&G Hàn Quốc; Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp (IMI); Công ty thảo dược Tuệ Tâm… cũng đã trình bày những bài tham luận về thực trạng và kinh nghiệm hoạt động tại đơn vị, đặc biệt trong lĩnh vực thiết kế mẫu mã sản phẩm.
Các bài tham luận tập trung vào các chủ đề: Giải pháp nâng cao năng lực nghiên cứu, thiết kế, phát triển sản phẩm da giày tại Việt Nam; kinh nghiệm phát triển các trung tâm thiết kế sản phẩm của Hàn Quốc và kết nối với doanh nghiệp; giải pháp tăng cường năng lực thiết kế sản phẩm trong các doanh nghiệp may mặc của Việt Nam; đánh giá vai trò của thiết kế sản phầm đối với nâng cao giá trị gia tăng cho doanh nghiệp…
Các đại biểu cũng đã thảo luận, trao đổi kinh nghiệm phát triển thiết kế, đổi mới mẫu mã sản phẩm của doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Những bài học kinh nghiệm thực tế từ các doanh nghiệp đã mang lại cho đại biểu cái nhìn rõ hơn về thực tế xây dựng thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm, để hiểu hơn về thị hiếu người tiêu dùng, từng bước chinh phục thị trường trong và ngoài nước./.
Một số hình ảnh tại hội thảo:
Lê Anh Tú; Đặng Hoàng Mai
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT