Chiều ngày 15 tháng 08 năm 2023, tại trụ sở Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, số 17 Yết Kiêu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương đã tổ chức Hội thảo: “Hoàn thiện chính sách quản lý về hoạt động sản xuất và kinh doanh rượu bia”.
Tới dự Hội thảo có: ThS. Nguyễn Khắc Quyền - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, chủ trì Hội thảo; PGS.TS. Phan Đăng Tuất -nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị Sabeco, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo; TS. Vũ Quang Hùng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương; GS. TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài; TS. Vũ Đình Ánh - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả - Bộ Tài chính; các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia của Bộ Tài chính, Tổng Cục Thuế, Vụ Thị trường trong nước, đại diện Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát, đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp rượu, bia, nước giải khát, Báo Công Thương, Tạp chí Công Thương… và các chuyên gia của Viện cùng đông đảo cán bộ, chuyên viên quan tâm.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Vũ Quang Hùng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương đã đề cập tới vai trò của ngành sản xuất và kinh doanh rượu, bia như là một ngành kinh tế - kỹ thuật có quy mô lớn trong nền kinh tế Việt Nam và có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn vừa qua. Mặc dù có những bước phát triển nhưng sau đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành bia rượu gặp nhiều khó khăn, một số nguyên nhân chính như: (1) Do nhu cầu tiêu thụ liên tục tăng và tâm lý chuộng đồ nhập khẩu nên cạnh tranh trên thị trường diễn ra khá khốc liệt về cả khía cạnh giá cả và chất lượng, thậm chí xuất hiện tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh thông qua tin đồn thất thiệt làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của nhiều doanh nghiệp ngành rượu, bia trong nước; (2) Vấn nạn rượu giả, rượu nhái ngày một gia tăng nhưng chưa được kiểm soát một cách triệt để.
Nhằm thúc đẩy ngành sản xuất và kinh doanh rượu, bia phát triển phù hợp với sự phát triển chung của đất nước, trong giai đoạn vừa qua, nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Tuy nhiên, những thay đổi trong chính sách quản lý kinh doanh rượu, bia cũng đã có tác động không nhỏ đối với các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là tác động từ các chính sách quản lý chuyên ngành, đặc thù như các quy định hạn chế toàn diện về quảng cáo, khuyến mại, sản xuất, kinh doanh trong Luật số 44/2019/QH14, hay các quy định kiểm soát chặt chẽ vi phạm về nồng độ cồn với chế tài phạt rất nặng trong Nghị định số 100/2019/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, việc ban hành và áp dụng các chính sách quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, bia ở Việt Nam còn gặp phải một số vấn đề liên quan đến tính đồng bộ, thống nhất của các quy định pháp lý, hiệu quả giám sát và thực thi chính sách trên thực tế chưa cao, chưa thực sự gắn với những quy định nhằm nâng cao trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp ngành rượu, bia. Ngoài ra, chính sách thuế, phí áp dụng đối với rượu, bia nhập khẩu chưa phù hợp, cách thức tính thuế, căn cứ và giá tính thuế dựa trên giá trị phù hợp với quy luật kinh tế học đôi khi còn chưa thống nhất giữa các văn bản pháp lý. Trên thực tế, cách xác định giá tính thuế và trị giá hải quan đối với rượu, bia nhập khẩu còn nhiều vấn đề gây tranh cãi, rượu, bia nhập khẩu cạnh tranh mạnh và gây khó khăn cho các doanh nghiệp rượu, bia trong nước.
Quyết định số 3690/QĐ-BCT ngày 12/9/2016 của Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch phát triển ngành bia, rượu, nước giải khát Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã nêu rõ mục tiêu tổng quát đó là: “Xây dựng ngành bia, rượu, nước giải khát Việt Nam thành ngành công nghiệp hiện đại, xứng đáng với vị trí, vai trò trong nền kinh tế..., cạnh tranh tốt trong quá trình hội nhập, đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu”. Để ngành sản xuất rượu, bia phát triển như mục tiêu quy hoạch đề ra, cần phải giải quyết được một số vấn đề bất cập liên quan đến cơ chế, chính sách được nêu ở trên, trong đó có chính sách liên quan đến thuế. Quá trình điều chỉnh, sửa đổi cần có những đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng để áp dụng cho phù hợp với bối cảnh, điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Hội thảo đã nghe 03 bài tham luận của các chuyên gia, các nhà khoa học trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động sản xuất và kinh doanh rượu bia: GS. TSKH Nguyễn Mại với bài tham luận rất cô đọng, sâu sắc với chủ đề: “Một số ý kiến về chính sách thuế đối với ngành rượu bia”; TS. Vũ Đình Ánh với bài tham luận “Bàn về chính sách thuế đối với ngành rượu bia”; PGS. TS. Phan Đăng Tuất đề cập tới các khía cạnh của thuế tiêu thụ đặc biệt với bài tham luận “Những bất trắc khi tính thuế tiêu thụ đặc biệt lên rượu bia trực tiếp theo sản lượng”.
Xoay quanh các chủ đề thảo luận trên, buổi Hội thảo đã nhận được rất nhiều ý kiến trao đổi, đóng góp và chia sẻ từ các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài Viện, với các nội dung về: Thực trạng ngành sản xuất và kinh doanh rượu, bia; tình hình cạnh tranh trên thị trường; một số cơ chế, chính sách quản lý về hoạt động sản xuất và kinh doanh rượu bia; những tác động của việc thay đổi chính sách quản lý đối với các doanh nghiệp trong ngành; những vấn đề tồn tại cần sửa đổi trong chính sách thuế, phí áp dụng đối với rượu, bia nhập khẩu, đặc biệt là về cách thức tính thuế, căn cứ và cách xác định giá tính thuế dựa trên giá trị (thuế tương đối, tuyệt đối hay thuế hỗn hợp). Hội thảo cũng đã nhấn mạnh đến vai trò và tầm quan trọng của ngành công nghiệp bia, rượu, nước giải khát Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung, cũng như trong việc thúc đẩy các ngành du lịch, dịch vụ, thương mại phát triển, đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước.
Sau khi nghe bài tham luận của 03 chuyên gia, đại diện của Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát Việt Nam, đại diện các doanh nghiệp Sabeco, Heineken, Carlsberg và Habeco đã có những trao đổi, chia sẻ về thực trạng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ngành rượu bia trong thời gian qua, đồng thời đóng góp ý kiến đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Tài Chính về thời hạn áp dụng tăng thuế và cách thức đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng rượu bia. Đại diện của Bộ Tài chính, Tổng cục thuế, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã ghi nhận những ý kiến đóng góp và đưa ra những giải thích cô đọng, xúc tích.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Phó Viện trưởng Nguyễn Khắc Quyền trân trọng cảm ơn các nhà khoa học, các chuyên gia và tất cả quý vị đại biểu đã đến dự và đóng góp ý kiến. Những ý kiến đóng góp sẽ là cơ sở giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý hoạt động sản xuất và kinh doanh rượu bia tại Việt Nam, nhất là việc sửa đổi, hoàn thiện chính sách, pháp luật về thuế tiêu thụ đặc biệt phù hợp với bối cảnh, điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, tuân thủ các cam kết quốc tế và thực hiện tốt vai trò là công cụ hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong ngành phục hồi sản xuất kinh doanh để tạo sự phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập mới.
Với tinh thần trách nhiệm và tâm huyết, các ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, nhà khoa học và các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội tại Hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển ngành bia, rượu, nước giải khát Việt Nam thành ngành công nghiệp hiện đại, xứng đáng với vị trí, vai trò trong nền kinh tế, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, xã hội và doanh nghiệp; sản phẩm có thương hiệu mạnh trên thị trường, có chất lượng cao, đa dạng về chủng loại, mẫu mã, bảo đảm an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường sinh thái, có khả năng cạnh tranh tốt trong quá trình hội nhập, đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Hội thảo “Hoàn thiện chính sách quản lý về hoạt động sản xuất và kinh doanh rượu bia” đã kết thúc thành công tốt đẹp trong buổi chiều cùng ngày.
Một số hình ảnh của buổi Hội thảo:
Ngô Mai Hương
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT