TIN TỨC

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Tin tức

Hội thảo “Giải pháp phát triển công nghiệp và thương mại Việt Nam để đáp ứng yêu cầu của cop28”

26/01/2024

Chiều ngày 23 tháng 1 năm 2024 tại trụ sở 17 Yết Kiêu - Hà Nội, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương (VIOIT) - Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Giải pháp phát triển công nghiệp và thương mại Việt Nam để đáp ứng yêu cầu của COP28”. Đây là phiên thảo luận thứ 26 của chương trình “VIOIT Dialogue” diễn ra hàng tháng nhằm thảo luận các vấn đề liên quan đến công nghiệp và thương mại của Việt Nam do Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương khởi xướng vào tháng 10 năm 2021.

Hội thảo diễn ra dưới hai hình thức trực tiếp tại trụ sở Viện và qua ứng dụng Zoom online. Hội thảo được ông Ayumi Konishi - Cố vấn cấp cao, Giám đốc điều hành, Trung tâm Hợp tác Đa phương về Tài chính Phát triển (MCDF) và là chuyên gia cao cấp/VIOIT điều hành. Tham dự Hội thảo còn có các nhà khoa học trong nước, quốc tế cùng các quý vị đại biểu quan tâm.

Theo Ông Ayumi Konishi - chủ trì buổi hội thảo: “Giải pháp phát triển công nghiệp và thương mại Việt Nam để đáp ứng yêu cầu của COP28, trong cuộc thảo luận tại Phiên đối thoại VIOIT vào tháng 12 đã đề cập đến COP28 và thực tế là nhiều chủ đề mà đối thoại VIOIT đề cập đến vào năm 2023 có liên quan đến cam kết quốc tế của Việt Nam trong việc giảm lượng khí thải CO2. Các quốc gia đã đạt được thỏa thuận loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại COP28, thỏa thuận chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch trong hệ thống năng lượng của chúng ta được coi là một bước đột phá lịch sử, cùng với thỏa thuận tăng gấp ba công suất năng lượng tái tạo trên toàn cầu, và gấp đôi tốc độ cải thiện hiệu quả năng lượng trung bình hàng năm trên toàn cầu vào năm 2030.

Một số quốc gia nhận định thỏa thuận này báo hiệu sự kết thúc của kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch, nhưng các quốc gia tham vọng hơn cho rằng thỏa thuận này vẫn chưa đủ để phản ánh mức độ cấp bách ngày càng tăng của cuộc khủng hoảng khí hậu. Thực vậy, thay vì yêu cầu thế giới “loại bỏ hoàn toàn” dầu mỏ, than và khí đốt, thỏa thuận chỉ “kêu gọi” các quốc gia “đóng góp” vào nỗ lực toàn cầu nhằm giảm ô nhiễm carbon theo những cách mà họ thấy phù hợp, đưa ra một số lựa chọn, một trong số đó là “chuyển đổi khỏi sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng… đẩy nhanh hành động trong thập kỷ quan trọng này, để đạt được số 0 ròng vào năm 2050”.

Đánh giá cao rằng do tiến trình COP bao gồm nhiều cuộc thảo luận và thỏa thuận song song nên những gì đạt được tại COP28 không phải dễ dàng, đặc biệt là về các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp và thương mại của Việt Nam cũng như các phản hồi chính sách cần thiết, mang lại cơ hội quan trọng để điều chỉnh hướng đi và xây dựng nền tảng cho những hành động đầy tham vọng hơn trong những năm tới. Điều này cũng nhắc nhở Việt Nam phải cảnh giác về tính phù hợp của các mục tiêu và tính hiệu quả của các biện pháp mà Việt Nam đang áp dụng.

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Hiện nay có khoảng 38% dân số sinh sống ở khu vực đô thị. Nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát ở Việt Nam tăng đáng kể trong những năm gần đây. Thực tế cho thấy, làm mát không bền vững sẽ tiêu thụ nhiều năng lượng, nhiên liệu trong vận hành đô thị và làm gia tăng phát thải khí nhà kính. Thực hiện quản lý hiệu quả lĩnh vực làm mát nhằm hạn chế sự rò rỉ các chất gây phát thải khí nhà kính môi trường, kết hợp với giải pháp về làm mát bền vững, thân thiện với khí hậu sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tiết kiệm chi phí điện năng. Việc thay đổi công nghệ làm mát cũng giúp các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp, hộ gia đình của Việt Nam nâng cao hiệu quả kinh tế, sản xuất bền vững, tăng sức cạnh tranh và mở ra nhiều cơ hội mới trong kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm và phát triển kinh tế - xã hội.

Việc Việt Nam tham gia cam kết làm mát toàn cầu là cơ hội để triển khai các chương trình, dự án hợp tác với các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước về làm mát bền vững. Cụ thể như chuyển đổi sang công nghệ hiệu suất năng lượng cao, sử dụng môi chất lạnh có giá trị tiềm năng nóng lên toàn cầu thấp, áp dụng các giải pháp làm mát thụ động, làm mát dựa vào tự nhiên… phù hợp với xu thế chung của thế giới. Điều này cũng góp phần thực hiện các điều ước quốc tế và quy định pháp luật của Việt Nam về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-zôn. Nội dung cam kết làm mát toàn cầu phù hợp với định hướng trong Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 và đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật năm 2022.

Qua phần thảo luận, Ban tổ chức Hội thảo sẽ tổng hợp các kiến nghị, cũng như các ý kiến của các đại biểu, của các chuyên gia và các nhà khoa học làm cơ sở để xây dựng báo cáo tổng hợp, đánh giá và đề xuất giải pháp phát triển công nghiệp và thương mại Việt Nam để đáp ứng yêu cầu của COP28 ./.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Ths.Lương Thanh Hải

Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT

TIN KHÁC