Ngày 10 tháng 4 năm 2024 tại thành phố Đà Nẵng, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương đã tổ chức Hội thảo “Đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm phân bón của Việt Nam” thuộc “Chuỗi hội thảo đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp hóa chất của Việt Nam”.
TS. Vương Quang Lượng - Trưởng phòng Nghiên cứu và dự báo thị trường chủ trì buổi Hội thảo. Tham dự hội thảo còn có đại diện lãnh đạo Sở Công Thương Đà Nẵng, đại diện Cục Quản lý thị trường Đà Nẵng, các nhà khoa học, các chuyên gia và các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón trên địa bàn thành phố.
Phát biểu tại Hội thảo, TS.Vương Quang Lượng nhấn mạnh phân bón có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp và là yếu tố then chốt giúp đảm bảo năng suất thu hoạch trong nông nghiệp, từ đó đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Trong bối cảnh dân số tăng, mức độ đô thị hóa ngày càng cao, dẫn đến đất canh tác nông nghiệp bị giảm dần, việc nâng cao năng lực sản xuất và tăng cường sử dụng các loại phân bón hiệu quả cao là vấn đề cấp thiết đầu tiên để đáp ứng những thách thức mới về an ninh lương thực trong thế kỷ 21. Theo các chuyên gia phân tích, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (Compound Annual Growth Rate - CAGR) là 3,4% từ năm 2022 đến năm 2030, có thể thấy thị trường phân bón thế giới đang ngày càng được mở rộng.
Việt Nam là một trong những nền kinh tế có độ mở rất cao, tham gia ngày càng nhiều các hiệp định thương mại tự do (FTA) và các FTA thế hệ mới, được hưởng những ưu đãi thuế quan trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nói chung và phân bón nói riêng. Do đó, mọi biến động trên thị trường thế giới sẽ có tác động trực tiếp đến thị trường hàng hóa của Việt Nam, trong đó có phân bón.
Trong đó, xuất khẩu phân bón của Việt Nam thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần không nhỏ vào tăng trưởng của ngành hóa chất. Giá phân bón trong nước tăng lên theo giá thế giới khi nhu cầu gia tăng và nguồn cung bị thu hẹp đang là những động lực thúc đẩy sự phục hồi cho các doanh nghiệp ngành trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Vì vậy, việc đánh giá tình hình xuất khẩu phân bón của Việt Nam để đưa ra những nhận định làm cơ sở cho việc đề xuất các giải pháp là cần thiết nhằm thúc đẩy xuất khẩu phân bón của Việt Nam thời gian tới, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu sắc.
Trong buổi hội thảo, các đại biểu đã góp ý và có đưa ra một số giải pháp thúc đẩy xuất khẩu phân bón Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế như sau:
Thứ nhất, phát triển nguồn nhân lực cho ngành phân bón thông qua việc nhân cao chất lượng và năng suất lao động, tạo môi trường làm việc thân thiện, chuyên nghiệp, mang bản sắc văn hóa doanh nghiệp. Đầu tư cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo kế cận, xây dựng chính sách phúc lợi nhân sự, cơ chế thăng tiến theo năng lực, cân bằng lợi ích cho người lao động.
Thứ hai, doanh nghiệp phân bón cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0. Cuộc CMCN 4.0 đã và đang đem lại nhiều nền tảng công nghệ cho doanh nghiệp trong sản xuất phân bón và nâng cao chất lượng sản phẩm đóng góp cho sự phát triển của ngành phân bón, tiến tới ứng dụng những công nghệ then chốt, tạo động lực phát triển cho ngành, đồng thời nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu của công nghệ tiên tiến khi tiếp nhận đầu tư nước ngoài.
Thứ ba, doanh nghiệp cần tận dụng nguồn lực, tiềm lực và lợi thế cạnh tranh để tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu phân bón. Với nguồn cung phân ure trong nước vượt xa nhu cầu, nhiều doanh nghiệp tiếp tục triển khai các giải pháp mở rộng thị trường xuất khẩu; trong đó đẩy mạnh xuất khẩu phân bón vào các thị trường khó tính nhưng có giá cao như Australia, New Zealand bên cạnh thị trường quan trọng như Campuchia và châu Mỹ - nơi nông nghiệp rất phát triển và đòi hỏi rất cao về chất lượng trong việc sử dụng phân bón.
Thứ tư, kiến nghị giảm thuế xuất khẩu. Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, với thực tế nguồn cung phân bón trong nước đã vượt nhu cầu, việc có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu là cần thiết. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp phân bón trong nước vẫn bị áp thuế xuất khẩu 5% khiến phân bón Việt Nam khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng chủng loại của nước ngoài.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, TS. Vương Quang Lượng trân trọng cảm ơn các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý, các đại biểu đến tham dự hội thảo và có các góp ý quý báu đối với các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm phân bón của Việt Nam trong thời gian tới./.
Trần Thị Thúy Hằng
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT
Một số hình ảnh tại hội thảo: