Sáng ngày 28 tháng 6 năm 2024, tại Hội trường tầng 1, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, số 17 Yết Kiêu, Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội đã diễn ra buổi Hội thảo “Chuyển đổi xanh trong một số ngành công nghiệp”.
Hội thảo được chủ trì và điều hành bởi TS. Vũ Quang Hùng - Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương.
Hội thảo có sự tham dự của đại diện Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp, Bộ Công Thương; Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC); Lãnh đạo các Phòng và các viên chức thuộc các phòng, ban nghiên cứu trong Viện.
Sau phát biểu khai mạc hội thảo của TS Vũ Quang Hùng, lần lượt các bài tham luận được trình bày:
Tham luận: “Tổng quan kinh nghiệm thế giới về tăng trưởng xanh và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam” - ThS. Phạm Hồng Hiệp, Trưởng phòng, Phòng môi trường và phát triển bền vững.
Tham luận: “Tìm hiểu các quy định liên quan đến chuyển đổi xanh và đề xuất một số giải pháp chính sách” - ThS. Nguyễn Thanh Phương, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp, Bộ Công Thương.
Tham luận: “Mô hình sản xuất bền vững và tiết kiệm năng lượng ngành dệt may”- ThS. Đỗ Thị Dịu, Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC)
Tham luận: “Phân tích dấu chân cacbon xe điện: Hàm ý chính sách cho Việt Nam” - ThS. Nguyễn Đức Tùng, Phòng Nghiên cứu phát triển công nghiệp và năng lượng, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương.
Sau các tham luận được trình bày tại hội thảo, TS. Vũ Quang Hùng - Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương đã phát biểu nhận xét các bài tham luận đều đầy đủ, nhiều thông tin và tất các nội dung này là một tập hợp các chính sách, chiến lược và thực tiễn với mục tiêu đảm bảo tính bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Mục tiêu chính của chuyển đổi xanh là quá trình chuyển đổi toàn diện sang nền kinh tế xanh, tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng, phát thải thấp nhằm hướng tới mục tiêu thịnh vượng và bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống, phục vụ quá trình chuyển dịch tiến đến thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.
Theo TS. Vũ Quang Hùng, bài tham luận “Mô hình sản xuất bền vững và tiết kiệm năng lượng ngành dệt may” đi vào thực tế phân tích ví dụ ngành dệt may, diện tích nhà xưởng rất lớn nên đi theo hướng sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời tiết kiệm năng lượng rất tốt, việc sử dụng lò hơi tiết kiệm tối ưu hóa hơi đó là tiết kiệm năng lượng rất nhiều, việc tối ưu hóa điều hòa và lưu thông không khí trong hệ thống nhà xưởng, tiết kiệm nước giảm gây ô nhiễm môi trường trong nhuộm sử dụng công nghệ nhuộm khô…chắc chắn những vấn đề này rất đáng được phổ biến cho các doanh nghiệp dệt may. Các số liệu tổng lượng phát thải của các dòng xe ô tô điện tại Việt Nam tính trên 1 Km xe chạy so với xe ô tô chạy xăng tại Việt Nam từ đó hiểu rõ dấu chân cacbon của ô tô điện và áp dụng các chính sách phù hợp là cần thiết để thúc đẩy phát triển bền vững. Các bài tham luận còn đưa ra kinh nghiệm xây dựng chiến lược phát triển tăng trưởng xanh của Trung Quốc và Hàn Quốc từ đó làm cơ sở cho các chiến lược sắp tới trình Chính phủ, làm định hướng cho các doanh nghiệp triển khai chiến lược phát triển tăng trưởng xanh trong các ngành công nghiệp theo hướng rác thải các bon thấp và chuyển dịch năng lượng xanh cho các ngành công nghiệp này trong giai đoạn 2026 -2030.
Kết thúc hội thảo, Phó Viện trưởng Vũ Quang Hùng đã chân thành cảm ơn các khách mời tham dự. Buổi hội thảo này đã thu hoạch được rất nhiều thông tin bổ ích, đưa ra những kiến nghị và giải pháp xây dựng chiến lược phát triển chuyển đổi xanh trong một số ngành công nghiệp ở Việt Nam trong thời gian tới.
Hội thảo diễn ra thành công tốt đẹp./.
Từ Quỳnh Châu
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT