TIN TỨC

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Tin tức

Hội thảo “Chiến lược phát triển thị trường bán lẻ của Việt Nam đến năm 2030, định hướng 2045”

02/11/2023

Sáng ngày 31 tháng 10 năm 2023, tại Hội trường tầng 1, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, số 17 Yết Kiêu, Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội đã diễn ra Hội thảo góp ý cho nhiệm vụ “Chiến lược phát triển thị trường bán lẻ của Việt Nam đến năm 2030, định hướng năm 2045” do TS. Vương Quang Lượng làm chủ nhiệm.

Chủ trì và điều hành buổi hội thảo do Ông Nguyễn Khắc Quyền  - Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương. Góp ý và phản biện cho nhiệm vụ gồm:  TS. Phạm Hữu Thìn - Chuyên gia cao cấp Viện và TS. Lê Huy Khôi - Trưởng phòng Phòng Quản lý Khoa học và đào tạo. Tham dự hội thảo còn có TS. Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương; đại diện lãnh đạo các Phòng, Ban của Viện và các viên chức quan tâm.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ông Nguyễn Khắc Quyền - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công thương, chủ trì Hội thảo nhấn mạnh: Bán lẻ là một khâu quan trọng của quá trình tái sản xuất xã hội, là một trong những lĩnh vực đóng góp quan trọng vào GDP và tạo việc làm của nền kinh tế. Thực trạng phát triển thị trường bán lẻ của Việt Nam thời kỳ 2011-2022 cho thấy những kết quả và thành tựu đã đạt được là đáng khích lệ. Bên cạnh những mặt tích cực, thị trường bán lẻ Việt Nam còn có một số tồn tại, bất cập như: năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp phân phối trong nước còn hạn chế, việc xây dựng hệ thống hàng rào kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu để bảo vệ thị trường trong nước trước sự thâm nhập của các doanh nghiệp phân phối nước ngoài và nguồn cung hàng hóa nhập khẩu… Tuy vậy, triển vọng phát triển thị trường bán lẻ Việt Nam thời gian tới có khá nhiều điểm sáng: Quá trình hội nhập sâu rộng của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả bán lẻ giúp mở ra cơ hội hợp tác về công nghệ, thu hút luồng vốn và kỹ năng quản trị cho DN bán lẻ trong nước; thương mại điện tử và các nền tảng thanh toán trực tuyến được ứng dụng rộng rãi và phát triển mạnh mẽ dần trở thành một kênh phân phối ngày càng quan trọng, góp phần thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, thúc đẩy mua sắm trực tuyến.

Hội thảo sẽ lắng nghe những ý kiến đóng góp từ phía chuyên gia và các nhà khoa học trong Viện, giúp ban chủ nhiệm đánh giá được những mặt được và chưa được của nhiệm vụ để chỉnh sửa và hoàn thành nhiệm vụ với chất lượng tốt nhất.

Thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Vương Quang Lượng- chủ nhiệm nhiệm vụ đã trình bày tóm tắt nội dung của bản báo cáo. Nội dung báo cáo được chia làm 3 phần: Phần 1: Thực trạng thị trường bán lẻ của Việt Nam 2011-2021; Phần 2: Quan điểm, mục tiêu và định hướng chiến lược phát triển thị trường bán lẻ đến năm 2030, định hướng 2045; Phần 3: Giải pháp và tổ chức thực hiện chiến lược. Từ thực trạng phát triển thị trường bán lẻ giai đoạn 2011-2021 bối cảnh trong và ngoài nước, báo cáo đã xác định mục tiêu phát triển thị trường bán lẻ góp phần thực hiện chức năng kết nối giữa sản xuất- tiêu dùng, theo hướng bền vững, đóng vai trò quan trọng trong định hướng, dẫn dắt cho sản xuất trong nước phát triển theo yêu cầu của thị trường. Phát triển thị trường bán lẻ gắn liền với hoàn thiện chính sách nhằm hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp bán lẻ nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia thị trường một cách vững chắc ổn định lâu dài. Để có thể đạt được các mục tiêu đề ra, báo cáo cũng đã xây dựng định hướng chiến lược, đưa ra 6 giải pháp để thực hiện Chiến lược phát triển thị trường bán lẻ của Việt Nam đến năm 2030, định hướng 2045”.

Tại Hội thảo, TS Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương và hai nhà khoa học bình luận là TS. Lê Huy Khôi và TS. Phạm Hữu Thìn đã có những góp ý xác đáng, chặt chẽ, có giá trị khoa học giúp Ban chủ nhiệm đề án hoàn thiện nội dung nghiên cứu: Nhiệm vụ cần làm rõ giới hạn phạm vi về nội dung nên xem xét giới hạn theo các yếu tố cấu thành thị trường và chủ thể tham gia vào thị trường (Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng). Đối với phần đánh giá Thực trạng các yếu tố tác động đến phát triển thị trường bán lẻ cần phải phân tích theo yếu tố môi trường trong nước (thể chế, chính sách, phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, hội nhập quốc tế và tham gia các FTA); yếu tố môi trường quốc tế. Ban chủ nhiệm cần bổ sung số liệu về tình hình đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ, đặc biệt phân tích sâu về hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) ngành bán lẻ Việt Nam hiện nay.

Một số đại biểu tham gia Hội thảo cũng đã có những ý kiến góp ý cho nhiệm vụ như: nhiệm vụ cần tập trung phân tích, đánh giá và dự báo xu hướng phát triển thị trường bán lẻ Việt Nam; cần bổ sung dự báo về dân số, tăng trưởng kinh tế, thương mại, thu nhập và tiêu dùng cư dân.

TS. Vương Quang Lượng thay mặt Ban chủ nhiệm nhiệm vụ xin tiếp thu các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các đại biểu để tiếp tục hoàn thiện nhiệm vụ nghiên cứu.

Phát biểu bế mạc Hội Thảo, Ông Nguyễn Khắc Quyền, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương trân trọng cảm ơn các nhà khoa học, các chuyên gia và các đại biểu đã đến tham dự và đóng góp ý kiến. Những ý kiến đóng góp trong Hội thảo sẽ là giúp cho Ban chủ nhiệm nhiệm vụ trong việc chỉnh sửa, hoàn thiện nhiệm vụ: “Chiến lược phát triển thị trường bán lẻ của Việt Nam đến năm 2030, định hướng năm 2045” và sẽ đưa ra nghiệm thu chính thức nhiệm vụ thời gian sắp tới.

Một số hình ảnh của buổi Hội thảo.

                                                                                    Nguyễn Ngọc Lan

                                          Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT

TIN KHÁC