Sáng ngày 23/08/2024, tại hội trường tầng 1, trụ sở của Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, số 17 Yết Kiêu, Phường Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học góp ý hoàn thiện đề án “Phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp sản xuất - chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông lâm, thủy hải sản và thực phẩm vùng đồng bằng sông Hồng” do TS. Trần Thị Thu Hiền - Phó Trưởng phòng, Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại làm chủ nhiệm. Nội dung Hội thảo tập trung vào chủ đề: Thực trạng phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp sản xuất - chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông lâm, thủy hải sản và thực phẩm vùng đồng bằng sông Hồng
Hội thảo do TS. Lê Huy Khôi - Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương chủ trì. Tham dự buổi hội thảo còn có các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các Phòng, Ban trong Viện và các đại biểu quan tâm đến nội dung đề án.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Lê Huy Khôi đã nêu rõ vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh của vùng đồng bằng Sông Hồng. Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23 tháng 11 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhấn mạnh sự cần thiết phát triển các cụm liên kết ngành, hình thành các cụm liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ nông sản gắn với doanh nghiệp, hợp tác xã. Vì vậy việc phân tích và tìm hiểu thực trạng hiện nay, nhận diện và khắc phục những khó khăn, thách thức để hình thành và phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp sản xuất - chế biến nông, lâm, thủy hải sản vùng đồng bằng Sông Hồng đóng vai trò rất quan trọng. Hội thảo nhằm mục đích nhận được thêm các ý kiến đóng góp từ phía các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học để nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện đề án.
Thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Trần Thị Thu Hiền đã trình bày nội dung về thực trạng phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp sản xuất - chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy hải sản và thực phẩm vùng đồng bằng Sông Hồng. Hiện nay vùng đồng bằng sông Hồng vẫn thiếu sự liên kết giữa các khu công nghiệp, chưa hình thành cụm liên kết ngành. Với những lợi thế nhất định, vùng đồng bằng sông Hồng (trọng tâm là vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ) cần phát triển công nghiệp chế biến có giá trị gia tăng cao, công nghiệp công nghệ cao, phát triển ngành nông nghiệp hiệu quả cao dựa trên công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn, công nghiệp bảo quản, chế biến nông sản. Từ đó tạo cơ sở vững chắc cho việc phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp sản xuất - chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy hải sản và thực phẩm vùng đồng bằng sông Hồng.
Sau khi nghe TS. Trần Thị Thu Hiền trình bày, các chuyên gia, các nhà khoa học tham dự đã có những ý kiến đóng góp thiết thực nhằm hoàn thiện nội dung của đề án. Các nhà khoa học đánh giá đề án là một công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc, đầy đủ các nội dung cần nghiên cứu, có ý nghĩa trên cả mặt lý luận và thực tiễn. Về phần thực trạng, đề án đã phân tích được về mặt định tính cũng như định lượng để nhận diện việc hình thành cụm liên kết ngành công nghiệp sản xuất - chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy hải sản và thực phẩm vùng đồng bằng sông Hồng. Mỗi cụm liên kết ngành công nghiệp đều có sự tập trung của các doanh nghiệp công nghiệp sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy hải sản, thực phẩm và nguồn nguyên liệu cung cấp cho hoạt động sản xuất, chế biến. Nguồn nguyên liệu từ nông nghiệp tập trung cao ở các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Ninh Bình, Vĩnh Phúc; nguồn nguyên liệu thủy sản tập trung cao ở các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Phòng; nguồn nguyên liệu từ lâm nghiệp tập trung cao tại các tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình, Vĩnh Phúc. Các tỉnh hình thành cụm sẽ có sự thuận lợi về mặt địa lý, giao thông khi liên kết với nhau trong quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đề án đã đạt được mục tiêu đề ra và cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện thêm trong phần đánh giá thực trạng phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy hải sản và thực phẩm vùng đồng bằng sông Hồng.
Kết thúc Hội thảo, Phó Viện trưởng, TS. Lê Huy Khôi đã trân trọng cảm ơn các nhà khoa học, các chuyên gia và các đại biểu đã đến tham dự và đóng góp ý kiến, đồng thời đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu các ý kiến góp ý, chỉnh sửa, bổ sung nhằm tiếp tục hoàn thiện đề án./.
Nguyễn Kiều Ly
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT