Chiều ngày 25 tháng 06 năm 2024, tại trụ sở chính Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương số 17 Yết Kiêu, Hà Nội, đã diễn ra buổi Đối thoại VIOIT DIALOGUE số 32 với chủ đề “Giải pháp tăng cường hợp tác Công nghiệp năng lượng và thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc”. Đây là phiên thảo luận thứ 32 của chương trình “VIOIT Dialogue” diễn ra hàng tháng nhằm thảo luận các vấn đề liên quan đến công nghiệp và thương mại của Việt Nam do Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương khởi xướng vào tháng 10 năm 2021.
Buổi đối thoại diễn ra dưới hai hình thức trực tiếp tại trụ sở Viện số 17 Yết Kiêu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội và hình thức trực tuyến qua zoom. Buổi đối thoại do ông Ayumi Konishi - Điều phối viên, Cố vấn cao cấp Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương (VIOIT), Cố cấn cao cấp cho Giám đốc Điều hành - Trung tâm Hợp tác Đa phương về Tài chính Phát triển (MCDF) chủ trì điều hành. Tham dự buổi Đối thoại còn có lãnh đạo các phòng ban, các cán bộ nghiên cứu, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu quốc tế đã yêu thích, gắn bó với Chương trình VIOIT Dialogue của Viện trong thời gian qua.
Trong buổi đối thoại, các chuyên gia đã tập trung thảo luận về các vấn đề quan trọng như:
- Mở rộng phạm vi hợp tác thương mại song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc: Thảo luận về hiệu quả và tính phù hợp của các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống và tìm kiếm các giải pháp thay thế hiện đại như thương mại điện tử và công cụ kỹ thuật số.
- Thách thức trong việc gia tăng giá trị gia tăng nội địa của Việt Nam: Xác định các yếu tố góp phần vào việc phát triển hạn chế của các ngành công nghiệp hỗ trợ và tìm biện pháp giải quyết cụ thể.
- Đề xuất các dự án thí điểm: Phát triển ý tưởng cho các dự án thí điểm nhỏ để đánh giá hiệu quả của các biện pháp và chính sách, nhằm tăng cường hợp tác công nghiệp và thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc.Những câu hỏi lớn đã được đặt ra: Thách thức nào là nghiêm trọng và khó giải quyết nhất? Làm thế nào để chúng ta giải quyết những thách thức như vậy? Có vấn đề nào khác mà chúng ta cần hết sức chú ý không?
Xoay quanh các chủ đề thảo luận trên, buổi Đối thoại đã nhận đươc rất nhiều tham luận và ý kiến trao đổi hữu ích, đóng góp và chia sẻ từ các chuyên gia, các doanh nghiệp trong và ngoài Viện.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Hiến - Trung tâm tham vấn WTO và FTAs, một số thống kê về sự tham gia của các nhà cung cấp Việt Nam, tỷ lệ cung của một số ngành công nghiệp của Việt Nam :
- Dệt may, Da giày: 64% cung cấp trong nước (3% cho doanh nghiệp FDI), 9% xuất khẩu, 27% cung cấp cả hai.
- Cao su, Nhựa và Hóa chất: 52% cung cấp trong nước, 4% xuất khẩu, 44% cung cấp cả hai.
- Điện tử: 44% cung cấp trong nước (22% cho FDI), 16% xuất khẩu, 40% cung cấp cả hai.
- Cơ khí và ô tô: 83% cung cấp trong nước, 3% xuất khẩu, 14% cung cấp cả hai.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 5.000 doanh nghiệp gia công cung cấp phụ tùng, linh kiện cho ngành ô tô, cơ khí. Trong đó, 70% cung cấp cho các nhà sản xuất trong nước, 8% cung cấp cho các nhà xuất khẩu và 17% cung cấp cho cả hai. Khoảng 30% tham gia vào chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu, bao gồm cả các công ty Hàn Quốc.
Ví dụ cụ thể về việc tham gia chuỗi giá trị: Theo nghiên cứu, 5 bộ phận cốt lõi của điện thoại Samsung đều do các doanh nghiệp FDI nhập khẩu và sản xuất, loại bỏ các công ty Việt Nam khỏi những linh kiện có giá trị nhất. Năm 2019, xuất khẩu của Samsung từ Việt Nam đạt 36 tỷ USD nhưng linh kiện phải nhập khẩu trị giá 59 tỷ USD, tạo ra thâm hụt thương mại 23 tỷ USD. Gần 50 công ty Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất của Samsung nhưng chỉ sản xuất linh kiện đơn giản Chi phí cao và kết nối yếu giữa doanh nghiệp nước ngoài và trong nước cản trở hội nhập sâu hơn.
Một trường hợp điển hình tại Công ty TNHH Cao su Giải Phóng, mặc dù sản xuất cho các công ty như Panasonic và LG, Công ty TNHH Cao su Giải Phóng vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc gia nhập chuỗi cung ứng của Samsung do chi phí cao và việc Samsung ưu tiên các nhà cung cấp Hàn Quốc lâu đời.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các công ty FDI tại Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức trong việc tìm kiếm nhà cung cấp Việt Nam có tiềm năng với quy trình thu thập dữ liệu và đánh giá sơ bộ kéo dài.
Qua trao đổi cùng các chuyên gia, Ban tổ chức chương trình đã tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của các đại biểu, các nhà khoa học làm cơ sở để đề xuất các kiến nghị, giải pháp tronh các chiến lược, chính sách trong thời gian tới.
Dưới đây là một số hình ảnh buổi Đối thoại:
Lê Anh Tú, Lương Thanh Hải
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT