Chiều ngày 28 tháng 05 năm 2024, tại trụ sở chính Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương số 17 Yết Kiêu, Hà Nội, đã diễn ra buổi Đối thoại VIOIT DIALOGUE số 31 với chủ đề “Làm thế nào để đảm bảo triển khai thành công Quy hoạch điện VIII (PDP8)?”. Đây là phiên thảo luận thứ 31 của chương trình “VIOIT Dialogue” diễn ra hàng tháng nhằm thảo luận các vấn đề liên quan đến công nghiệp và thương mại của Việt Nam do Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương khởi xướng vào tháng 10 năm 2021.
Buổi đối thoại diễn ra dưới hai hình thức trực tiếp tại trụ sở Viện số 17 Yết Kiêu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội và hình thức trực tuyến qua zoom. Buổi đối thoại do ông Ayumi Konishi - Điều phối viên, Cố vấn cao cấp Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương (VIOIT), Cố vấn cao cấp cho Giám đốc Điều hành - Trung tâm Hợp tác Đa phương về Tài chính Phát triển (MCDF) chủ trì điều hành. Tham dự buổi Đối thoại còn có lãnh đạo các phòng ban, các cán bộ nghiên cứu, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu quốc tế đã yêu thích, gắn bó với Chương trình VIOIT Dialogue của Viện trong thời gian qua.
Tại phiên họp thứ 23 (tháng 8 năm 2023), với chủ đề “Việt Nam cần làm thế nào để thực hiện hiệu quả Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII)”. Xoay quanh chủ đề thảo luận, buổi Đối thoại 23 đã nhận đươc rất nhiều ý kiến trao đổi, đóng góp và chia sẻ từ các chuyên gia, các doanh nghiệp trong và ngoài Viện. Ban tổ chức đánh giá cao các ý kiến của các chuyên gia và nhận thấy việc phát triển PDP8 là rất khó khăn trong giai đoanh tới. PDP8 cần phải đảm bảo kỳ vọng của Việt Nam trong việc cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế trong khi hướng tới cam kết quốc tế đầy tham vọng của Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định Paris và các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Vì vậy, tại phiên đối thoại 31 này, Ban tổ chức tiếp tục thảo luận với chủ đề “Làm thế nào để đảm bảo triển khai thành công Quy hoạch điện VIII (PDP8)?” tập trung vào các vấn đề còn tồn tại, thách thức quan trọng tác động tới việc triển khai thành công PDP8 trong thời gian tới.Theo đánh giá, 8 thách thức chính được xác định: (1) Phát triển cơ sở hạ tầng; (2) Tài chính và đầu tư; (3) Khung chính sách và quy định; (4) Các vấn đề kỹ thuật liên quan đến việc tích hợp năng lượng tái tạo; (5) Việc sử dụng đất và tác động môi trường;(6) Phát triển năng lực và kỹ năng của nhân sự ngành năng lượng; (7) Nhận thức và sự chấp nhận của công chúng; (8) Những cân nhắc về địa chính trị. Những câu hỏi lớn đã được đặt ra: Thách thức nào là nghiêm trọng và khó giải quyết nhất? Làm thế nào để chúng ta giải quyết những thách thức như vậy? Có vấn đề nào khác mà chúng ta cần hết sức chú ý không?
Buổi đối thoại đã nhận được nhiều bài tham luận của các chuyên gia, trong đó có bài tham luận “Kinh nghiệm quốc tế về phát triển năng lượng bền vững và một số bài học cho Việt Nam” của NCV. Trần Gia Hiển, Phòng Môi trường và phát triển bền vững; Tham luận “Triển khai kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII của Việt Nam hướng tới năng lượng bền vững” của NCV Nguyễn Minh Anh, Tạp chí Nghiên cứu Công nghiệp và Thương mại; Tham luận “Vai trò của quy hoạch điện VIII trong phát triển bền vững ngành năng lượng Việt Nam và các thách thức trong triển khai” của NCV. Trịnh Quốc Vinh, Trung tâm tham vấn WTO và FTAs.
Xoay quanh các chủ đề thảo luận trên, buổi Đối thoại đã nhận được rất nhiều ý kiến trao đổi hữu ích, đóng góp và chia sẻ từ các chuyên gia, các doanh nghiệp trong và ngoài Viện.
Qua trao đổi cùng các chuyên gia, Ban tổ chức chương trình đã tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của các tham luận, cũng như các ý kiến phát biểu của các đại biểu, các nhà khoa học làm cơ sở để đề xuất các kiến nghị, giải pháp đến các cơ quan chức năng trong thời gian tới.
Dưới đây là một số hình ảnh buổi Đối thoại:
Lê Anh Tú; Lương Thanh Hải
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT