Chiều ngày 27 tháng 2 năm 2024 tại trụ sở 17 Yết Kiêu - Hà Nội, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương (VIOIT) - Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Giải pháp phát triển xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam”. Đây là phiên thảo luận thứ 28 của chương trình “VIOIT Dialogue” diễn ra hàng tháng nhằm thảo luận các vấn đề liên quan đến công nghiệp và thương mại của Việt Nam do Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương khởi xướng vào tháng 10 năm 2021.
Buổi đối thoại diễn ra dưới hai hình thức trực tiếp tại trụ sở Viện số 17 Yết Kiêu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội và hình thức trực tuyến qua zoom. Buổi đối thoại do ông Ayumi Konishi - Điều phối viên, Cố vấn cao cấp Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương (VIOIT), Cố cấn cao cấp cho Giám đốc Điều hành - Trung tâm Hợp tác Đa phương về Tài chính Phát triển (MCDF) chủ trì điều hành. Tham dự buổi Đối thoại còn có lãnh đạo các phòng ban, các cán bộ nghiên cứu, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu quốc tế đã yêu thích, gắn bó với Chương trình VIOIT Dialogue của Viện trong thời gian qua.
Trong bài phát biểu khai mạc buổi Đối thoại, Tiến sỹ Nguyễn Văn Hội đã gửi lời nhiệt liệt chào mừng các quý vị đại biểu, các diễn giả đã đến với phiên Đối thoại VIOIT lần thứ 28. Đây là phiên họp đầu tiên sau Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024, tập trung thảo luận về giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông nghiệp. Thúc đẩy xuất khẩu nông sản được coi là phương thức hiệu quả nhất để nâng cao năng suất và gia tăng giá trị cho ngành nông nghiệp - lĩnh vực kinh tế chủ chốt cho người nghèo nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, vấn đề xuất khẩu nông nghiệp là một mối quan tâm lớn. Nhiều người tin rằng ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn còn tiềm năng xuất khẩu lớn. Nhưng làm thế nào để biến “tiềm năng” thành “hiện thực”? Những thách thức hay ràng buộc nào trong việc nắm bắt cơ hội này? Buổi Đối thoại sẽ thảo luận về phản ứng chính sách cần thiết của các ngành công nghiệp và thương mại để tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam, đảm bảo tăng trưởng đáng kể kim ngạch xuất khẩu nông sản và tăng xuất khẩu nông nghiệp sẽ mang lại thu nhập cao hơn cho người nông dân, đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo của Việt Nam.
Buổi đổi thoại tập trung thảo luận ba vấn đề chính: (i) phát triển thị trường xuất khẩu; (ii) cải thiện các hoạt động liên quan đến tạo thuận lợi thương mại, bao gồm logistics và phát triển chuỗi giá trị; và (iii) nỗ lực từ phía cung, bao gồm các chính sách tích cực hơn về thương hiệu, thúc đẩy "nông nghiệp bền vững" hoặc đưa ra các biện pháp khác để biến nông sản Việt Nam thành "hàng hóa xuất khẩu" hấp dẫn và hiệu quả hơn.
Buổi đối thoại đã nhận được bài tham luận của các chuyên gia, trong đó có bài tham luận của Ths. Phùng Thị Vân Kiều, Phòng Nghiên cứu chiến lược, chính sách thương mại, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương với chủ đề “ Phát triển xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam: Thực trạng và Giải pháp”.
Theo Bà Kiều thì nông sản là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Giai đoạn 2019 - 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản có xu hướng gia tăng, các mặt hàng nông sản ngày càng đa dạng phong phú, thị trường xuất khẩu được mở rộng… Bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số hạn chế như xuất khẩu hàng nông sản chưa thực sự bền vững, nông sản xuất khẩu chủ yếu dưới dạng nguyên liệu thô hoặc sơ chế, chất lượng chưa ổn định, sức cạnh tranh kém... Vì vậy, cần phải đưa ra các định hướng, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm của nhà nước và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam đến năm 2030.
Tiếp theo là bài tham luận của Bà Nguyễn Diệu Thúy, Phó giám đốc Trung tâm tham vấn WTO và FTAs. Dựa trên thông tin từ Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương, Bà Thúy nhấn mạnh, các nước đã cùng nhau ghi nhận giai đoạn then chốt của đàm phán nông nghiệp. Trong vô số các cuộc thảo luận trong WTO, nông nghiệp nổi lên là lĩnh vực quan trọng nhất. Cải cách thương mại nông nghiệp là trọng tâm của hệ thống thương mại đa phương và là nền tảng trong việc thiết lập các quy tắc thương mại toàn cầu trong tương lai.
Nông nghiệp đảm bảo phúc lợi, an ninh lương thực và phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Nó là xương sống của nền kinh tế thế giới, đặc biệt quan trọng khi chúng ta điều hướng giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19. Sự đồng thuận giữa các quốc gia thành viên nhằm đẩy nhanh tiến độ trong ba trụ cột của Hiệp định về Nông nghiệp - hỗ trợ trong nước, tiếp cận thị trường và khả năng cạnh tranh xuất khẩu - là một bước tiến quan trọng hướng tới đảm bảo cải cách cân bằng và thúc đẩy thương mại nông nghiệp công bằng.
Việt Nam, với tư cách là thành viên tích cực của WTO và Nhóm các nước xuất khẩu nông sản (Nhóm Cairns), hoàn toàn cam kết ủng hộ một sân chơi cởi mở, theo định hướng thị trường và công bằng trong thương mại nông sản toàn cầu.
Xoay quanh các chủ đề thảo luận trên, buổi Đối thoại đã nhận đươc rất nhiều ý kiến trao đổi, đóng góp và chia sẻ từ các chuyên gia, các doanh nghiệp trong và ngoài Viện, với nội dung chủ yếu xoay quanh: (i) Thực trạng xuất khẩu của hàng nông sản Việt Nam trong giai đoạn 2019-2023 (ii) Các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam đến năm 2030;
Qua đó, ban tổ chức chương trình đã tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của các tham luận, cũng như các ý kiến phát biểu của các đại biểu, các nhà khoa học làm cơ sở để đề xuất các kiến nghị, giải pháp đến các cơ quan chức năng trong thời gian tới.
Buổi Đối thoại đã kết thúc thành công tốt đẹp trong buổi chiều cùng ngày.
Dưới đây là một số hình ảnh buổi Đối thoại:
Ths.Lương Thanh Hải
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT