TIN TỨC

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Tin tức

Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2021

15/12/2021

Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2021 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu góp phần phục hồi và phát triển kinh tế” do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức sáng 15/12 tại Hà Nội theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến nhằm đưa ra nhận định các cơ hội thị trường, giải pháp xúc tiến xuất khẩu hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, duy trì và phát triển xuất khẩu bền vững trong bối cảnh bình thường mới.

Phát biểu Khai mạc tại Diễn đàn Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh rằng Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2021 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu góp phần phục hồi và phát triển kinh tế” mục đích nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu bền vững cũng như hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19, Bộ Công Thương cũng đã triển khai hiệu quả các Chương trình hành động, ban hành hàng chục văn bản chỉ đạo điều hành, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, địa phương khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh và xuất khẩu; trong đó, xúc tiến thương mại là một trong những giải pháp quan trọng.

Tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu năm 2021 ước đạt khoảng 660,1 tỷ USD tăng 21% so với năm 2020; trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 331,1 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2020. Ngoài ra, kim ngạch nhập khẩu ước đạt khoảng 329 tỷ USD, tăng 25,2% so với năm 2020. Cán cân thương mại năm 2021 ước xuất siêu là khoảng 2,1 tỷ USD, tăng 0,64% so với năm 2020.

Đại diện ngành Công Thương nhìn nhận, hoạt động xúc tiến xuất khẩu vẫn còn nhiều khoảng trống đòi hỏi phải nỗ lực hơn để nâng cao hiệu quả, nhằm duy trì và phát triển xuất - nhập khẩu bền vững. Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, hoạt động XTTM trên môi trường số là tất yếu và sẽ được tiếp tục coi trọng đẩy mạnh trong năm 2022 tới đây, cần có sự phối hợp của các địa phương, doanh nghiệp dành nguồn lực cho hoạt động này.

"Trong bối cảnh nguồn lực của quốc gia còn có hạn, nguồn lực của ngân sách cũng có hạn, rồi thì nguồn lực tài chính của các doanh nghiệp, các hiệp hội cũng rất hạn chế thì chúng ta không thể triển khai những hoạt động xúc tiến thương mại một cách dàn trải theo nhu cầu được, mà phải có tập trung ưu tiên trọng tâm trọng điểm vào một số ngành hàng hoặc là những ngành hàng mà đang có cơ hội trên thị trường. Đó là một hướng mà chúng tôi rất mong muốn các địa phương cũng như các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp sẽ phối hợp cùng với Bộ Công thương để xây dựng được những đề án tốt cho hoạt động xúc tiến thương mại trung hạn dài hạn..." - Ông Vũ Bá Phú bày tỏ.

Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2021 gồm 02 phiên tham luận: Phiên 1 về Triển vọng của một số khu vực thị trường xuất khẩu giai đoạn sau Covid-19. Quan hệ thương mại Việt Nam - EU: Triển vọng và khuyến nghị đối với xuất khẩu của Việt Nam sang EU trong thời gian tới. Quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ: Triển vọng và khuyến nghị đối với xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ trong thời gian tới. Chiến lược quốc gia của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) giai đoạn 2021-2025 và định hướng phối hợp với các đối tác trong lĩnh vực thương mại tại Việt Nam.

Phiên 2 về Các hoạt động xúc tiến xuất khẩu góp phần phục hồi và phát triển kinh tế. Một số định hướng để cải thiện hiệu quả xúc tiến thương mại thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh mới. Đề xuất nhu cầu hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu của doanh nghiệp địa phương để phục hồi và phát triển trong bối cảnh mới. Hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu sản phẩm chủ lực của địa phương tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Đề xuất nhu cầu hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu của hiệp hội và doanh nghiệp thành viên để phục hồi và phát triển trong bối cảnh mới.

Diễn đàn được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, thu hút sự tham gia của khoảng các đại biểu là đại diện Lãnh đạo các bộ, ngành trung ương; một số cơ quan địa phương; đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Công Thương; UBND tỉnh Bình Dương, Yên Bái, Khánh Hoà, Đắk Lắk, Bạc Liêu; Sở công thương Hà Nội, Hồ Chí Minh, Thái Bình, Thái Nguyên, Hải Phòng, Sơn La, Lạng Sơn, Đà Nẵng... Thương vụ Việt Nam tại các nước Hà Lan, Chi Lê, Thuỵ Điển, Nhật Bản, Israel, Pakistan, Trung Quốc, Thái Lan...; tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp; nhà khoa học, chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước; tổ chức quốc tế (ADB, SECO, Phòng công nghiệp và thương mại Hoa Kỳ, Phái đoàn thương mại liên minh Châu âu tại Việt Nam...)

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Bartosz Cieleszynsky-Bí thư thứ nhất kiêm Phó Ban thương mại Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam cho biết, mặc dù phải đối mặt với dịch COVID-19 khiến chi phí vận chuyển tăng cao, thiếu nhân công nghiêm trọng, gián đoạn chuỗi cung ứng, nhu cầu thu hẹp do chi tiêu hợp lý của người tiêu dùng…nhưng Hiệp định Thương mại Việt Nam châu Âu (EVFTA) sau 1 năm thực thi đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu, ở mức gần 20% so với cùng kỳ năm 2020.
“Số hóa đã trở thành một xu hướng phổ biến đối với xuất khẩu và xúc tiến bán hàng. Vì vậy, dù COVID-19 đặt ra thách thức chưa từng có đối với các hoạt động thương mại truyền thống, nhưng cũng mang lại những cơ hội lớn”, ông Bartosz Cieleszynsky nhấn mạnh.

TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phát biểu “Một số định hướng để cải thiện hiệu quả xúc tiến thương mại thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh mới ”. Việt Nam đã tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA… với các tiêu chuẩn cao của các thị trường về hàng hoá xuất khẩu, vì vậy, cũng cần “xanh hoá” để cải thiện hiệu quả xúc tiến thương mại thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh mới. Cùng với đó cần coi trọng “thị trường cửa ngõ” để XTTM, tăng tính lan toả.

"Cần phải nhấn mạnh tư duy thúc đẩy xúc tiến thương mại mạnh hơn ở các thị trường cửa ngõ. Đây là nội dung mà Viện rút ra được từ việc nghiên cứu và tham khảo báo cáo của các cơ quan. Chúng tôi cho rằng các thị trường cửa ngõ sẽ là một địa bàn cũng cực kỳ quan trọng đối với công tác xúc tiến xuất khẩu ở cái thời điểm hiện nay cũng như trong thời gian sắp tới. Cùng với đó, tôi cho rằng phải tìm kiếm thêm các thị trường mới, còn tiềm năng - thông qua các thị trường cửa ngõ có thể là một cách gián tiếp để chúng ta mở rộng thị trường và mang tính tiếp nối…"- TS. Trần Thị Hồng Minh cho biết.

Tại diễn đàn này, ông Mai Hùng Dũng Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương;  đã trình bày báo cáo tham luận về “Tình hình xuất khẩu của tỉnh Bình Dương trong năm 2021 và đề xuất khó khăn, cần tháo gỡ trong chính sách xúc tiến thương mại trên môi trường mạng nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá”. Phó Chủ tịch khẳng định trong năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do tình hình dịch bệnh Covid-19, song chỉ số sản xuất công nghiệp của Bình Dương (IIP) năm 2021 ước tăng 4,5% so với năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 31,5 tỷ đô la Mỹ (tăng 13,5%). Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 24,7 tỷ đô la Mỹ (tăng 14,7%). Thặng dư thương mại năm 2021 đạt 6,8 tỷ đô la Mỹ. Tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh luôn đạt mức tăng trưởng khá cao so với mức tăng trưởng bình quân chung của cả nước.

Sau đó là phần trao đổi thảo luận của các doanh nghiệp, hiệp hội…

Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2021 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu góp phần phục hồi và phát triển kinh tế” đã thành công tốt đẹp./.

Một số hình ảnh tại Diễn đàn (ảnh chụp màn hình):

Lương Thanh Hải

Phòng Thông tin, Thư viện và Xúc tiến thương mại -VIOIT

TIN KHÁC