Sáng ngày 22/11/2023 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, số 35-37 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội, Báo Sài Gòn Giải Phóng, Báo Đầu tư tài chính phối hợp cùng các bên liên quan tổ chức “Diễn đàn Phát triển thị trường khí Việt Nam” với chủ đề “Phát triển điện khí LNG - Xu hướng dất yếu trong chính sách đảm bảo an ninh năng lượng”.
Diễn đàn có sự tham dự của đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương), các chuyên gia từ Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, Viện Dầu khí Việt Nam, Hiệp hội Dầu khí Việt Nam, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam; đại diện Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)...Diễn đàn còn có sự hiện diện của các đại biểu là các chuyên gia kinh tế, Hiệp hội, doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu, đại diện các trường đại học và các cơ quan báo chí truyền thông đến tham dự và đưa tin về sự kiện này.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng cho biết Nghị Quyết số 55 của Bộ Chính trị ngày 11/2/2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đưa ra nhiệm vụ phát triển công nghiệp khí “Ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ khí hóa lỏng” đồng thời “Chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng khí hóa lỏng, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống.Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện phục vụ nhu cầu trong nước là 150.489 MW (không bao gồm nhập khẩu, điện mặt trời mái nhà tự dùng, năng lượng tái tạo để sản xuất năng lượng mới) và định hướng năm 2050, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 490.000 đến 573.000 MW.
Cơ cấu nguồn nhiệt điện khí trong nước và khí hóa lỏng đến năm 2030 sẽ đạt 37.330 MW, tương ứng 24,8% tổng công suất nguồn điện, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện (trong đó nhiệt điện khí trong nước là 14.930 MW chiếm 9,9% và nhiệt điện khí hóa lỏng là 22.400 MW chiếm 14,9%).
Trong khi đó, nhiệt điện than, thủy điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi lần lượt chiếm tỷ trọng là 20%, 19,5% và 18,5%. Phát triển điện khí là phù hợp với chủ trương của Việt Nam trong Quy hoạch điện VIII để đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống và giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường; bù đắp thiếu hụt năng lượng cho hệ thống và đảm bảo đa dạng nguồn cung cấp nhiên liệu; là nguồn dự phòng khi tỷ trọng của các nguồn điện năng lượng tái tạo tăng cao trong cơ cấu nguồn, đảm bảo ổn định cung cấp điện cho hệ thống.
Tuy vậy, trong phát triển điện khí, thách thức trước tiên là nguồn cung và giá khí hoá lỏng hoàn toàn phụ thuộc nhập khẩu. Việt Nam không chủ động được nguồn cấp khí hóa lỏng do hoàn toàn phải nhập khẩu loại nhiên liệu này.
Do vậy, trong bối thế giới có nhiều thay đổi khó lường, giá nhiên liệu khí hóa lỏng biến động thất thường và thường chiếm tỷ lệ từ 70-80% giá thành điện năng sản xuất, nên việc xây dựng cơ chế giá phù hợp để thích nghi với những thay đổi giá nhiên liệu, nhưng không tác động quá lớn tới giá bán lẻ điện là thách thức rất lớn với Việt Nam.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, các vướng mắc trong việc triển khai các dự án điện khí hiện nay vẫn là đàm phán giá điện do bên mua là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính toán giá mua đang cao hơn giá bán lẻ điện bình quân mà EVN bán ra; chưa ban hành khung giá phát điện cho các nhà máy điện khí hóa lỏng; khung pháp lý cho các dự án khí hóa lỏng chưa hoàn thiện; việc thu xếp vốn cho dự án khí hóa lỏng gặp nhiều khó khăn do cần đáp ứng yêu cầu của các tổ chức tài chính về các điều kiện bảo lãnh, cam kết để dự án đầu tư có hiệu quả.
Trong khi đó, từ nay đến năm 2030 chỉ còn 7 năm nữa để các dự án khí hóa lỏng triển khai và đi vào vận hành. Nếu như chúng ta không nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc thì việc triển khai các dự án khí hóa lỏng sẽ gặp trở ngại lớn, đồng thời sẽ ảnh hưởng đến bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Ông Tăng Hữu Phong - Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng phát biểu khai mạc Diễn đàn
Mục đích chính của Diễn đàn nhằm tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh khí, bảo đảm cân bằng thị trường, hướng tới đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và thực hiện các mục tiêu, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Diễn đàn là cơ hội trao đổi giữa cơ quan quản lý nhà nước bộ, ngành, cơ quan lập pháp và các nhà nghiên cứu kinh tế về vướng mắc trong các quy định, thể chế đối với phát triển ngành công nghiệp khí, điện khí, từ đó đóng góp nhằm từng bước hoàn thiện các quy định, cơ chế, chính sách hướng tới phát triển điện khí hiệu quả và bền vững trong tương lai.
Nội dung của Diễn đàn gồm 2 phần. Ở phần thứ nhất, các chuyên gia sẽ trình bày tham luận về các vấn đề như cơ hội và thách thức của điện khí LNG Việt Nam; Tiềm năng và dự báo xu thế điện khí cũng như khí LNG tại Việt Nam; Tầm nhìn mới về điện khí LNG cho phát triển năng lượng tại Quy hoạch điện VIII…
Ở phần tiếp theo, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, doanh nghiệp sẽ thảo luận, phân tích và đề xuất, kiến nghị về những vấn đề nóng cùng những giải pháp quan trọng về điện khí LNG.
Trong phần thứ nhất, các đại biểu tham dự Diễn đàn đã nghe phần trình bày tham luận đến từ chuyên gia và các nhà quản lý sau:
- Ông Bùi Quốc Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo với tham luận “Điện khí LNG Việt Nam - Cơ hội và thách thức”.
Ông Bùi Quốc Hùng trình bày tham luận tại Diễn đàn
- Ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trình bày tham luận về “Năng lượng mới - Xu hướng toàn cầu và tình huống Việt Nam”.
Ông Nguyễn Đức Kiên trình bày tham luận tại Diễn đàn
- Ông Lê Ngọc Anh, Giám đốc Dữ liệu, Viện Dầu khí Việt Nam, chia sẻ thêm những nghiên cứu về tiềm năng và xu thế điện khí cũng như khí LNG tại Việt Nam.
Ông Lê Ngọc Anh trình bày tham luận tại Diễn đàn
- Ông Huỳnh Quang Hải, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas)với tham luận “Quy hoạch Điện VIII - Vai trò, cơ hội và thách thức đối với PV GAS”, đã đưa ra một số nhận định về những cơ hội và thách thức trong việc triển khai Quy hoạch điện VIII, trong đó có vai trò và cơ hội của PVGAS trong việc triển khai Quy hoạch điện VIII.
Ông Huỳnh Quang Hải trình bày tham luận tại Diễn đàn
- PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế với tham luận “Tầm nhìn mới về điện khí LNG cho phát triển năng lượng tại Quy hoạch điện VIII.
Trong phần thảo luận, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận đầy trách nhiệm, tâm huyết với nhiều nội dung có giá trị cao giúp nhận điện được bức tranh rõ nét và thực tế hơn về tình hình thực hiện Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị trong vấn đề phát triển điện khí hóa lỏng, nhận rõ được những khó khăn, thách thức trong việc hoàn thành mục tiêu phát triển điện khí theo Quy hoạch điện VIII. Điển hình nhưnhư PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế Học viện Tài chính, cho rằng khi nói đến điện khí thì phải nói đến quy hoạch. Không có quy hoạch thì không thể phát triển được. Cơ sở hạ tầng là rất quan trọng để phát triển điện khí, nó liên quan đến cả cảng nước sâu, phải có các quy chuẩn quốc tế. Cam kết bao tiêu điện đầu ra cũng đang là trở ngại đối với các dự án điện khí; TS Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế Bộ Tài chính chia sẻ 2 vấn đề về thị trường điện khí. Đồng quan điểm với chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh là cần quan tâm tới thị trường, nhưng ông Nguyễn Hùng Dũng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Dầu khí Việt Nam, cho rằng cơ chế thị trường phải hoàn toàn theo thị trường của dầu khí, muốn phát triển thị trường khí cần quy hoạch tổng thể, có chiến lược dài hơn, để các doanh nghiệp chủ động, không phải chạy theo. Điện khí là xu hướng tất yếu. Do đó, việc có cơ chế, có chính sách để đảm bảo cho các nhà đầu tư yên tâm.
Sau hơn 3 giờ làm việc tích cực, “Diễn đàn Phát triển thị trường khí Việt Nam” với chủ đề “Phát triển điện khí LNG- Xu hướng dất yếu trong chính sách đảm bảo an ninh năng lượng” đã hoàn thành toàn bộ nội dung đã đề ra và thành công tốt đẹp.
Thay mặt Báo Sài Gòn Giải Phóng, ông Tăng Hữu Phong trân trọng cảm ơn các ban, bộ, ngành, các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp đã quan tâm tham dự và đóng góp cho diễn đàn; cảm ơn các phóng viên, nhà báo, cơ quan truyền thông đã tích cực đưa tin, truyền thông cho sự kiện; cảm ơn các đối tác đã đồng hành, hỗ trợ tổ chức thành công diễn đàn.
Trương Thị Quỳnh Vân
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT