TIN TỨC

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Tin tức

Chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại - kinh nghiệm đối với ngành Dệt may

27/10/2023

 Trong thương mại quốc tế, các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) là những công cụ chính sách thương mại được tổ chức Thương mại Thế giới thừa nhận và cho phép các thành viên áp dụng để bảo vệ thị trường trong nước trước sự thâm nhập của hàng hóa nước ngoài. Hiện nay các nước trong đó có Việt Nam đã tham gia hội nhập quốc tế sâu rộng, với việc ký kết rất nhiều các Hiệp định thương mại tự do (FTAs), bên cạnh việc tích cực tham gia vào quá trình hội nhập, các quốc gia vẫn phải duy trì áp dụng một số biện pháp có tính chất bảo hộ, đặc biệt là các biện pháp PVTM để bảo vệ sản xuất trong nước.

Sáng ngày 26/10/2023, Cục Phòng vệ Thương mại - Bộ Công Thương phối hợp với Hội Dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảoChính sách và quy định về xuất xứ và chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại - Kinh nghiệm đối với ngành dệt maydiễn ra tại Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô - Số 91 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bà Quách Kim Hồng, Phó chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh và Bà Đỗ Thị Sa, Phó giám đốc Trung tâm thông tin và cảnh báo - Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương nêu ra xu hướng phòng vệ thương mại của các quốc gia trên thế giới, hiện tượng lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và sự cần thiết trong việc giới thiệu và chia sẻ các thông tin cập nhật về các quy định pháp lý, thực tiễn cũng như kinh nghiệm ứng phó với vụ việc PVTM của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, từ đó góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu nói chung và các doanh nghiệp dệt may nói riêng.

Mở đầu Hội thảo, Bà Nguyễn Trang Nhung - Phòng Pháp chế, Cục Phòng vệ thương mại đã có bài tham luận: “Quy định và thực tiễn về điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” với những nội dung chính về sự cần thiết của các biện pháp PVTM; hệ thống pháp luật PVTM; xu hướng áp dụng các biện pháp PVTM trên thế giới và lẩn tránh các biện pháp PVTM.

Với bối cảnh hội nhập quốc tế và Việt Nam tham gia rất nhiều các FTA đa phương và song phương. Hội nhập kinh tế quốc tế đã khiến cho hàng nhập khẩu tăng đột biến, hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh xảy ra gây thiệt hại cho các ngành sản xuất trong nước. Để ứng phó với tình hình đó nhằm bảo vệ sản xuất trong nước trước hàng nhập khẩu cần phải đưa ra các biện pháp PVTM như chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ.

Một số các biện pháp chống bán phá giá phổ biến như áp dụng thuế chống bán phá giá, khoản thuế này được tính khá cao và nằm ngoài thuế nhập khẩu thông thường, ngoài ra còn có những cam kết về các biện pháp loại trừ bán phá giá với cơ quan điều tra hay với nhà sản xuất trong nước nếu được cơ quan điều tra chấp thuận.

Các biện pháp chống trợ cấp bao gồm áp dụng thuế chống trợ cấp, cam kết tự nguyện chấm dứt trợ cấp, giảm mức trợ cấp, điều chỉnh giá xuất khẩu và một số biện pháp khác. Cuối cùng là các biện pháp tự vệ như áp dụng thuế tự vệ, cấp giấy phép nhập khẩu, áp dụng hạn ngạch thuế quan, hạn ngạch nhập khẩu…

Các biện pháp PVTM luôn phải tuân theo các trình tự thủ tục chặt chẽ theo quy định của pháp luật trong đó có hệ thống pháp luật của WTO và các Hiệp định liên quan đến phòng vệ thương mại như Hiệp định khung, các biện pháp thuế quan và hạn ngạch vòng đàm phán Urugoay, các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên. Hệ thống văn bản pháp luật PVTM hiện hành (từ năm 2017 đến nay) gồm có Luật quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14- Chương IV về các biện pháp phòng vệ thương mại; Nghị định số 10/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý ngoại thương; Thông tư số 37/2019/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp PVTM; Các thông tư hướng dẫn thực hiện các biện pháp PVTM tại các Hiệp định FTA.

Cùng với hệ thống các văn bản luật như trên, Chính phủ đã có những chủ trương kiên quyết ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh bất hợp pháp biện pháp PVTM nhằm nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tham gia các FTA, bảo vệ lợi ích của các ngành, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính và bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trong thương mại quốc tế. Bên cạnh đó các doanh nghiệp cần chủ động ứng phó, không tham gia, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra, ngăn chặn, tránh để hành vi của một vài doanh nghiệp làm ảnh hưởng tới các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.

Tiếp theo, Bà Nguyễn Hằng Nga, Phó trưởng phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại có bài tham luận: “Nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại trong bối ảnh mới đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam - Một số kinh nghiệm trong việc ứng phó với vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài và lưu ý đối với ngành dệt may” với nội dung chính: Thực tiễn và xu hướng điều tra PVTM trên thế giới; Thực tiễn ứng phó với các vụ việc điều tra PVTM chống lẩn tránh PVTM của nước ngoài với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam nói chung và dệt may nói riêng; Một số lưu ý và khuyến nghị đối với ngành dệt may.

Từ năm 1995 đến năm 2022 trên thế giới đã diễn ra 7.665 vụ việc điều tra PVTM, trong đó 2/3 số vụ việc có áp dụng biện pháp, nhiều nhất là các vụ chống bán phá giá, tiếp theo là chống trợ cấp và tự vệ. Các nước điều tra chống bán phá giá nhiều nhất là Hoa Kỳ với 199 vụ, Argentina 66, Canada 52, Australia 46, Việt Nam 27…

Hiện nay, xu hướng điều tra PVTM đối với Việt Nam tăng nhanh về số lượng vụ việc điều tra, đặc biệt là chống lẩn tránh, số lượng các vụ việc PVTM đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam gia tăng nhanh chóng: giai đoạn 2001-2011: 50 vụ, đến giai đoạn 2012-2022:172 vụ (tăng gần 3,5 lần). Hầu hết các thị trường xuất khẩu truyền thống lớn đều đã khởi xướng điều tra PVTM đối với Việt Nam, ngoài Hoa Kỳ, số vụ việc do các nước ASEAN tiến hành cũng tăng nhanh hay Mexico cũng bắt đầu điều tra do việc thực thi các FTA dẫn đến xuất khẩu của nước ta tăng mạnh, cạnh tranh với ngành sản xuất nội địa của nước nhập khẩu. Quy trình điều tra PVTM gồm có 5 giai đoạn: khởi xướng, bình luận, bản câu hỏi điều tra, kết luận sơ bộ, kết luận cuối cùng.

Quyết định 316/QĐ-TTg ngày 01/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về PVTM” và Cục PVTM đã và đang theo dõi biến động xuất khẩu của gần 40 mặt hàng và định kỳ đưa ra danh sách cảnh báo khoảng 10 mặt hàng, nhờ vậy doanh nghiệp và hiệp hội nắm bắt được kịp thời diễn biến vụ việc, chia sẻ thông tin và cùng phối hợp lên phương án ứng phó chung. Trên cơ sở danh sách cảnh báo, các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố phối hợp, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xác minh việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ, khai báo xuất xứ khi thông quan, đăng ký đầu tư nước ngoài…

Thời gian qua đã xảy ra các vụ việc PVTM đối với sản phẩm sợi trong hoạt động xuất khẩu dệt may của Việt Nam, các nước điều tra như Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Brazil, EU...Bài tham luận đã đưa ra một số lưu ý và khuyến nghị đối với ngành dệt may trong đó có các cơ quan quản lý địa phương mà có các doanh nghiệp hoạt động và đối với Hiệp hội dệt may. Các cơ quan quản lý địa phương cần theo dõi thông tin cảnh báo sớm và thông tin cho các Hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động tại địa phương, quản lý và giám sát hoạt động của doanh nghiệp dệt may trên địa bàn để phát hiện và ngăn chặn các hành vi lẩn tránh, cung cấp thông tin đúng thời hạn trong trường hợp xử lý vụ việc điều tra PVTM, chống lẩn tránh PVTM của nước ngoài, phối hợp trong các hoạt động thẩm tra theo yêu cầu. Bên cạnh đó các doanh nghiệp dệt may cũng cần tìm hiểu quy định pháp luật, thực tiễn điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM của nước nhập khẩu. Cạnh tranh bằng chất lượng, hạn chế cạnh tranh bằng giá, đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, tuân thủ chặt chẽ các quy định trong đó có quy định về chứng nhận xuất xứ, phối hợp với Bộ Công Thương ngăn chặn các hành vi giả mạo, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp. Trong trường hợp bị nước nhập khẩu điều tra PVTM, chống lẩn tránh PVTM cần xây dựng chiến lược xử lý vụ việc thống nhất, xuyên suốt, bố trí nguồn lực xử lý vụ việc, phối hợp đầy đủ, cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu, phối hợp chạt chẽ với Cục PVTM trong quá trình xử lý vụ việc để được hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời.

Tiếp đến, một số đại biểu đã đưa ra câu hỏi về một số trường hợp chống lẩn tránh PVTM đối với hàng dệt may ở một số quốc gia trên thế giới. Sau những ý kiến trao đổi, thảo luận và tiếp thu các ý kiến đóng góp cho Hội thảo, Bà Đỗ Thị Sa, Phó giám đốc Trung tâm thông tin và cảnh báo - Cục Phòng vệ Thương mại phát biểu bế mạc Hội thảo và cảm ơn các chuyên gia, các quý vị đại biểu đã tham dự./.

 Người đăng tin: Trần Thị Thu Hiền

TIN KHÁC