“Diễn đàn Đông Nam Á” là chương trình do Trung tâm giao lưu văn hóa quốc tế tỉnh Quảng Đông, Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á SCNU thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc và Hiệp hội Hữu nghị Nhân dân tỉnh Quảng Đông với nước ngoài, Hiệp hội Hợp tác Viện Nghiên cứu-Đại học-Công nghiệp Trung Quốc, Trường Đại học Sư phạm Hoa Nam Trung Quốc tổ chức thường niên. Đến nay, chương trình đã được tổ chức thành công trong 05 năm liên tiếp và đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường đối thoại, hợp tác giữa Khu Quảng Đông, Hồng Kông, Ma Cao của Trung Quốc và các nước Đông Nam Á trong lĩnh vực kinh tế, giáo dục, khoa học, công nghệ và du lịch, v.v.
Nhận lời mời tham dự của Ban tổ chức Chương trình Hội thảo quốc tế, Diễn đàn Đông Nam Á năm 2022, được sự chấp thuận của Lãnh đạo Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, thành viên Ban Xúc tiến Hợp tác Quốc tế của Viện gồm có Ông Đặng Hoàng Mai - Phó Trưởng Ban, Ông Trần Gia Hiển - Thành viên, đã tham dự chương trình Hội thảo qua hình thức họp trực tuyến và có bài phát biểu tham gia chương trình.
Chủ đề của Hội thảo năm 2022 là “Chung tay giải quyết các thách thức: Tăng cường Đối thoại và Hợp tác giữa Khu vực Vịnh Lớn Quảng Đông - Hồng Kông - Macao và các nước Asean”, và các chủ đề thảo luận bao gồm:
(1) Những thách thức và biện pháp ứng phó đối với việc khôi phục kinh tế chung và đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa Khu vực Vịnh Lớn Quảng Đông - Hồng Kông - Macao và các nước Asean;
(2) Những thách thức và biện pháp ứng phó đối với việc đổi mới và ứng dụng công nghệ phát triển bền vững ở Khu vực Vịnh Lớn Quảng Đông - Hồng Kông - Macao và Đông Nam Á;
(3) Tầm nhìn và thách thức mới đối với hợp tác đào tạo tiếng Trung giữa Vùng Vịnh Lớn Quảng Đông - Hồng Kông - Macao và các nước Asean;
(4) Những thách thức và giải pháp đối với giao tiếp của giới trẻ và sự phát triển chung ở Khu vực Vịnh Lớn Quảng Đông - Hồng Kông - Macao và Đông Nam Á.
(5) Nghiên cứu, đề xuất biện pháp thúc đẩy hợp tác giữa Khu vực Vịnh Lớn Quảng Đông -Hồng Kông - Macao và các nước Asean.
Tham dự chương trình, thành viên Ban Xúc tiến Hợp tác Quốc tế của Viện đã giới thiệu về quá trình hình thành, phát triển của tổ chức Asean, quá trình gia nhập Asean của Việt Nam cũng như các cơ hội, thách thức đặt ra khi Việt Nam gia nhập Asean.
• Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - gọi tắt là “ASEAN”, được thành lập ngày 08/8/1967 bởi các quốc gia sáng lập gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore.
Mục đích của việc thành lập ASEAN là tăng cường hợp tác kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các quốc gia thành viên, tạo điều kiện để các quốc gia hội nhập ngày càng sâu rộng vào khu vực và thế giới.
Trong hơn 50 năm tồn tại và phát triển, ASEAN đã từng bước chuyển mình từ một liên minh đơn thuần gồm các nước trong khu vực thành một tổ chức lớn với sự hợp tác ngày càng sâu rộng và chặt chẽ. Ngày nay, hoạt động hợp tác của ASEAN bao trùm hầu hết các lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của các nước Đông Nam Á. ASEAN đã trở thành tổ chức khu vực có ảnh hưởng nhất ở Đông Nam Á và đóng vai trò quan trọng ở Đông Á.
• Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ngày 28-7-1995 và trở thành một trong những thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm, có tác động to lớn đến hoạt động thống nhất của ASEAN, duy trì hòa bình, thịnh vượng của khu vực.
Trong những năm qua, Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào hợp tác ASEAN trên các lĩnh vực và có những đóng góp tích cực vào việc duy trì sự thống nhất trong khu vực và tăng cường hợp tác giữa các quốc gia thành viên trong và ngoài ASEAN.
Để tăng cường hợp tác giữa Việt Nam, Asean và các tỉnh khu vực vùng Vịnh, Ban Xúc tiến Hợp tác Quốc tế có ý kiến:
1. Tăng cường đối thoại và nâng cao lòng tin
Như lời Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối thoại giữa ASEAN và Trung Quốc (1991-2021), những thành tựu hợp tác trong hơn 30 năm qua dựa trên sự tin cậy lẫn nhau về chính trị, hợp tác hữu nghị toàn diện, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau. Nhìn về tương lai, ASEAN và Trung Quốc cần tiếp tục củng cố lòng tin, thúc đẩy hợp tác toàn diện, nhân rộng thành quả, hướng tới mục tiêu cao hơn và lợi ích rộng lớn hơn, thúc đẩy quan hệ ASEAN-Trung Quốc phát triển.
Để đảm bảo hòa bình, an ninh và ổn định khu vực, tất cả các nước cần tăng cường đối thoại, tăng cường tin cậy lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế, có thái độ trách nhiệm và cùng nhau hành động.
2. Tăng cường giao lưu văn hóa, tôn trọng tính đặc trưng các dân tộc
Cộng đồng các dân tộc ASEAN có dân số hơn 700 triệu người, mang nhiều nét văn hóa đặc sắc của từng dân tộc. Để thúc đẩy sự liên kết của các nhóm dân tộc khác nhau trong ASEAN và Trung Quốc, cần trao đổi và tổ chức các dự án hợp tác nghiên cứu chung. Cộng đồng ASEAN cũng hoan nghênh các cơ quan, tổ chức của Trung Quốc tổ chức các dự án giới thiệu và tìm hiểu văn hóa hai bên, Hợp tác thanh niên nhiều hơn.
3. Tăng cường hợp tác, đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa trong khu vực luôn thông suốt trong mọi tình huống, tiếp tục mở cửa thị trường, đồng thời kịp thời hành động để mở cửa trở lại các nền kinh tế, nối lại hoạt động đi lại và thương mại giữa các nền kinh tế.
Tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, ban hành chính sách, chia sẻ kinh nghiệm đầu tư, kinh doanh; tăng cường hợp tác, phối hợp trong hoạt động logistics khu vực và thậm chí toàn cầu, giải quyết vấn đề giá cước vận tải đường biển, giá thuê Container tăng bất thường.
4. Tăng cường hợp tác tài chính và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua các chương trình hợp tác khu vực, bao gồm nâng cao năng lực, cung cấp và chia sẻ thông tin thị trường và chính sách phát triển kinh doanh.
5. Trong những năm gần đây, với việc không ngừng mở rộng quy mô hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương, nhu cầu du lịch, giao lưu, gặp gỡ của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Hong Kong cũng tăng nhanh như một điều tất yếu, đề nghị chính quyền Hồng Kông tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp visa cho các công ty Việt Nam, đặc biệt là visa lao động cho các công ty Việt Nam đầu tư tại Hồng Kông.
Tạo thuận lợi cho việc đi lại và xuất nhập cảnh cho các doanh nhân cũng sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển bền vững của hợp tác kinh tế và thương mại song phương.
Thay lời cảm ơn cho sự tham gia của Ban Xúc tiến Hợp tác Quốc tế, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hoa Nam, Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á hy vọng trong các chương trình tới sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương và hy vọng các nhà khoa học, đại diện của Viện sẽ trực tiếp tham gia tại Trung Quốc trong các Hội thảo tiếp theo./.
Một số hình ảnh tại sự kiện:
Bài và ảnh: Trần Gia Hiển
Ban Xúc tiến Hợp tác Quốc tế - VIOIT