1. Thông tin chung về Đề án
Tên đề án: “Hoàn thiện chính sách quản lý về hoạt động sản xuất và kinh doanh bia”.
Chủ nhiệm đề án: ThS. Nguyễn Khắc Quyền - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương - Bộ Công Thương
2. Sự cần thiết thực hiện đề án
(1) Ngành sản xuất và kinh doanh bia thuộc lĩnh vực kinh doanh đồ uống (bia, rượu, nước giải khát), một ngành kinh tế - kỹ thuật đã và đang có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, thúc đẩy các ngành du lịch, dịch vụ, thương mại phát triển, đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước với khoảng 70 ngàn tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp trong chuỗi cung ứng.
(2) Ngành sản xuất bia ở Việt Nam chỉ phát triển từ năm 1991 khi nhà nước có chính sách mở cửa nền kinh tế. Các nhà máy bia Sài Gòn, Hà Nội được đầu tư, đồng thời nhiều hãng bia lớn trên thế giới đã thâm nhập vào Việt Nam như bia Heineken, Carlsberg..., giúp cung cấp đủ sản lượng tiêu dùng trong nước và đẩy lùi được vấn nạn bia nhập lậu từ nước ngoài. Hiện nay, các doanh nghiệp có xu hướng sản xuất những sản phẩm có nồng độ cồn thấp, sản phẩm bia không cồn, nước trái cây lên men..., đồng thời tăng cường đầu tư nghiên cứu và cho ra thị trường các sản phẩm mới, mẫu mã đa dạng, phong phú, đáp ứng thị hiếu và nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.
(3) Ở Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, Chính phủ và các Bộ ngành đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng bia. Theo danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Nghị định số 19/VBHN-BCT ngày 9/5/2014 và danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện quy định trong Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 ngày 17/6/2020, kinh doanh bia không phải là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện và cũng không thuộc mặt hàng kinh doanh bị cấm. Tuy nhiên, cơ sở sản xuất, kinh doanh bia cần tuân thủ Thông tư số 53/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương ngày 18/12/2014 quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh bia. Ngày 12/9/2016, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 3690/QĐ-BCT phê duyệt quy hoạch phát triển ngành bia, rượu, nước giải khát Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Ngày 14/6/2019, Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 7 đã ban hành Luật số 44/2019/QH14 về Phòng, chống tác hại của rượu, bia; kèm theo đó là Nghị định số 24/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24/2/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Bên cạnh các quy định quản lý nhà nước về thương mại nói chung, cũng như quy định kiểm tra về chất lượng và an toàn thực phẩm, hoạt động sản xuất, kinh doanh bia còn phải tuân thủ các quy định về thuế xuất khẩu, nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp. Hiện nay, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng bia là 35%, thuế VAT là 10% và thuế tiêu thụ đặc biệt lên tới 65% (áp dụng từ 1/1/2018 đến nay theo Luật số 70/2014/QH13 ngày 26/11/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt). Trong trường hợp nhập khẩu từ nước có ký kết hiệp định thương mại tự do với Việt Nam có thể được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt nếu đáp ứng đủ các điều kiện mà hiệp định đưa ra. Các quy định này là cơ sở pháp lý quan trọng cho quản lý nhà nước về chính sách thuế đối với hoạt động sản xuất và kinh doanh mặt hàng bia.
(4) Bên cạnh những kết quả đạt được, việc ban hành và áp dụng các chính sách quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh bia ở Việt Nam còn gặp phải một số vấn đề liên quan đến tính đồng bộ, thống nhất của các quy định pháp lý, hiệu quả giám sát và thực thi chính sách trên thực tế chưa cao, chưa gắn với những quy định nhằm nâng cao trách nhiệm xã hội của các thương nhân, doanh nghiệp ngành bia.
Đáng chú ý, chính sách thuế, phí áp dụng đối với bia nhập khẩu chưa phù hợp, cách thức tính thuế, căn cứ và giá tính thuế dựa trên giá trị phù hợp với quy luật kinh tế học đôi khi còn chưa thống nhất giữa các văn bản pháp lý. Mặc dù Nghị định số100/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế đã quy định: Giá tính thuế đối với hàng hóa sản xuất trong nước, hàng hóa nhập khẩu là giá do cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu bán ra. Trường hợp giá bán của cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu bán ra không theo giá giao dịch thông thường trên thị trường thì cơ quan thuế thực hiện ấn định thuế theo quy định của Luật quản lý thuế. Tuy nhiên trên thực tế, cách xác định giá tính thuế và trị giá hải quan đối với bia nhập khẩu còn nhiều vấn đề gây tranh cãi. Điều đó dẫn đến mức thuế đối với bia nhập khẩu vào Việt Nam tương đối thấp, nhất là mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với bia nhập khẩu từ những quốc gia ký kết hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, bia nhập khẩu cạnh tranh mạnh với bia sản xuất trong nước gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước.
(5) Quyết định số 3690/QĐ-BCT ngày 12/9/2016 của Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch phát triển ngành bia, rượu, nước giải khát Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã nêu rõ quan điểm phát triển: "a) Phát triển ngành công nghiệp bia, rượu, nước giải khát trên cơ sở cân đối sản xuất và tiêu thụ giữa các vùng trên cả nước, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, xã hội và doanh nghiệp; đồng thời ngăn ngừa lạm dụng đồ uống có cồn; b) Phát triển ngành trên cơ sở áp dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến; không ngừng đổi mới và cải tiến công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm; nghiên cứu sản xuất sản phẩm mới có chất lượng cao và đa dạng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, nâng cao sức cạnh tranh trong hội nhập toàn cầu; c) Phát triển theo hướng bền vững, chú trọng bảo đảm an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái".
Mục tiêu tổng quát đó là: “Xây dựng ngành bia, rượu, nước giải khát Việt Nam thành ngành công nghiệp hiện đại, xứng đáng với vị trí, vai trò trong nền kinh tế, có thương hiệu mạnh trên thị trường, sản phẩm có chất lượng cao, đa dạng về chủng loại, mẫu mã, bảo đảm an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng, cạnh tranh tốt trong quá trình hội nhập, đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu”.
Với những lý do nêu trên, ngày 22/5/2023 tại cuộc họp giao ban Bộ Công Thương, Lãnh đạo Bộ đã giao Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương chủ trì xây dựng đề án “Hoàn thiện chính sách quản lý về hoạt động sản xuất và kinh doanh bia” (theo Thông báo số 119/TB-BCT ngày 26/5/2023 của Văn phòng Bộ). Đây là nhiệm vụ mang tính cấp thiết, đáp ứng nhu cầu thực tiễn hiện nay.
3. Mục tiêu của đề án
Nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách về hoạt động sản xuất, kinh doanh bia và đề xuất giải pháp tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với ngành bia.
4. Phạm vi nghiên cứu của đề án
Đề án tập trung đánh giá thực trạng sản xuất và kinh doanh bia trên lãnh thổ Việt Nam giai đoạn 2015-2023 và đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.
5. Phương pháp nghiên cứu đề án
- Phương pháp thu thập các tài liệu sơ cấp và thứ cấp;
- Phương pháp thống kê, phân tích, so sánh, tổng hợp;
- Phương pháp dự báo, phương pháp chuyên gia;
- Phương án phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong nước xây dựng và hoàn thành Đề án.
6. Nội dung nghiên cứu chính của đề án
Phần 1: Tổng quan về sản xuất và kinh doanh bia ở Việt Nam
Phần 2: Thực trạng quản lý nhà nước về hoạt động sản xuất và kinh doanh bia
Phần 3: Thực trạng quản lý nhà nước về chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt và các loại thuế khác đối với hoạt động sản xuất và kinh doanh bia.
Phần 4: Định hướng hoàn thiện chính sách về hoạt động sản xuất, kinh doanh bia và giải pháp tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với ngành Bia.
Phần 5: Kiến nghị và tổ chức thực hiện Đề án
7. Những kết quả nghiên cứu chính của Đề án
Thứ nhất, khái quát một số vấn đề lý luận cơ bản về ngành sản xuất, kinh doanh bia, đặc điểm, vai trò, những đóng góp của ngành bia cho nền kinh tế, xã hội và môi trường.
Thứ hai, nghiên cứu, đánh giá tổng quan về hoạt động sản xuất và kinh doanh bia ở Việt Nam; đánh giá thực trạng quản lý nhà nước về hoạt động sản xuất và kinh doanh bia giai đoạn 2015-2023, chỉ ra những thành tựu, kết quả đạt được, những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại đó.
Thứ ba, nghiên cứu, đánh giá thực trạng quản lý nhà nước về chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt và các loại thuế khác đối với hoạt động sản xuất và kinh doanh bia; cơ sở khoa học và cách thức áp dụng chính sách thuế TTĐB đối với hoạt động sản xuất và kinh doanh bia ở Việt Nam, nhận định về một số vấn đề đặt ra đối với quản lý nhà nước về chính sách thuế TTĐB trong hoạt động sản xuất và kinh doanh bia.
Thứ tư, xác định các quan điểm, định hướng hoàn thiện chính sách quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh bia và đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với ngành bia, bao gồm: Hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh bia; nhóm giải pháp quản lý ngành kinh tế, kỹ thuật gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh bia; hoàn thiện chính sách thuế TTĐB và một số giải pháp đối với các doanh nghiệp, hiệp hội nhằm thực hiện hiệu quả chính sách quản lý nhà nước trong hoạt động sản xuất và kinh doanh bia.
Thứ năm, đề xuất một số kiến nghị với Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước và phối hợp tổ chức thực hiện đề án đối với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan./.