NGHIÊN CỨU

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Nghiên cứu

Nghiệm thu cấp cơ sở Đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ cấp quốc gia “Các giải pháp cơ bản, cấp bách nhằm phát triển thị trường ở Vùng dân tộc thiểu số và miền núi Việt Nam”

23/10/2020

Ngày 02/10/2020, tại trụ sở Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương 17 Yết Kiêu, Hai Bà Trưng, Hà Nội đã tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở Đề tài khoa học công nghệ cấp quốc gia “Các giải pháp cơ bản, cấp bách nhằm phát triển thị trường ở Vùng dân tộc thiểu số và miền núi Việt Nam” mã số CTDT.41.18/16-20 thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030” (Chương trình CTDT 16-20).  Đề tài do TS. Trịnh Thị Thanh Thủy - Phó Viện trưởng làm chủ nhiệm; Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương là cơ quan chủ trì và thực hiện nhiệm vụ.

Hội đồng nghiệm thu được thành lập theo Quyết định số 663/QĐ-CLCT ngày 17 tháng 9 năm 2020 do TS. Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương làm Chủ tịch Hội đồng. Các thành viên khác tham gia Hội đồng gồm: PGS.TS Đinh Văn Thành - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương; PGS.TS Lê Xuân Bá - chuyên gia độc lập; TS. Nguyễn Cao Thịnh - Ủy ban Dân tộc; PGS.TS Nguyễn Thị Dương Nga - Học viện Nông nghiệp; PGS.TS Trần Văn Bão - Trường Đại học Kinh tế quốc dân; ThS. Nguyễn Khánh Linh - Phó Trưởng phòng QLKH và Đào tạo sau đại học là Ủy viên thư ký

Tham dự cuộc họp nghiệm thu cấp cơ sở còn có đại diện Cơ quản chủ quản Đề tài là ông Nguyễn Văn Huân - Chánh văn phòng Chương trình CTDT 16-20 thuộc Ủy ban dân tộc; Lãnh đạo và chuyên viên các phòng ban của Viện; các thành viên tham gia nghiên cứu và phối hợp thực hiện Đề tài thuộc Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Trịnh Thị Thanh Thủy, Chủ nhiệm Đề tài đã báo cáo tóm tắt về các kết quả của Đề tài. Được triển khai trong thời gian 30 tháng (từ tháng 4/2018 đến tháng 10/2020), nhóm nghiên cứu đã thực hiện 5 bài báo trong nước, 3 bài báo quốc tế, xuất bản 1 đầu sách, tham gia hướng dẫn 5 thạc sỹ, 01 nghiên cứu sinh, điều tra 4.040 phiếu tại 12 tỉnh thành trong cả nước; tổ chức 04 cuộc hội thảo và nhiều cuộc phỏng vấn sâu. 

Tóm tắt các kết quả nghiên cứu của Đề tài cho thấy: Từ năm 1986 đến nay, đồng thời với việc đổi mới trong nhận thức, hoạch định, ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách dân tộc, thì các công trình nghiên cứu về chính sách liên quan đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở Việt Nam được các tổ chức, cá nhân nhà khoa học trong nước và quốc tế quan tâm tiếp cận trên nhiều bình diện khác nhau. Với nhiều loại hình nghiên cứu (đề tài, dự án, nhiệm vụ khoa học, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hợp tác nghiên cứu trong nước và quốc tế, tổng kết và đánh giá chính sách…), chính sách Vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã được tiếp cận trên bình diện vĩ mô và vi mô từ quan điểm chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước đến các loại hình chính sách theo vùng, theo lĩnh vực, chính sách đặc thù; sự phát triển chính sách trong từng giai đoạn phát triển của đất nước…). Tuy nhiên, các nghiên cứu về chính sách Vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong thời gian qua chưa có nghiên cứu nào tập trung một cách toàn diện và sâu sắc về các thị trường chủ yếu (hàng hóa và dịch vụ) mang tính quyết định đến đời sống, phát triển kinh tế - xã hội ở vùng, miền này, đồng thời gắn với công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng của nước nhà, cũng như phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta.

Do vậy, việc thực hiện nghiên cứu “Các giải pháp cơ bản, cấp bách nhằm phát triển thị trường ở Vùng dân tộc thiểu số và miền núi Việt Nam” nhằm đánh giá kết quả, hiệu quả, tác động của chính sách phát triển thị trường (hàng hóa, lao động, tài chính và khoa học công nghệ) ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi nước ta từ năm 1986 đến nay, từ đó nhận diện những vấn đề cơ bản, cấp bách trong phát triển thị trường ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi và đề xuất quan điểm, hệ thống các giải pháp, chính sách cơ bản nhằm tiếp tục dạo lập, hoàn thiện và phát triển thị trường đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng bền vững.

Đánh giá cao nỗ lực của Ban Chủ nhiệm đề tài đã triển khai nghiêm túc, có tính khoa học và thực tiễn, với nhiều điểm mới, phát hiện giá trị, các thành viên Hội đồng nhận định: Đề tài đã triển khai hoàn thành các nội dung nhiệm vụ, đề ra được định hướng, giải pháp theo yêu cầu. Một số ý kiến đề nghị phân tích sâu hơn hướng tiếp cận thị trường dân tộc thiểu số và miền núi; kết nối việc đánh giá thực trạng với cơ sở lý luận; rà soát, chỉnh lý và làm rõ hơn những vấn đề cơ bản, cấp bách về phát triển thị trường; tập trung hơn vào nguồn lực và tổ chức thực hiện...

Kết quả phiên họp, Hội đồng đánh giá Đề tài được nghiệm thu và đề nghị Ban Chủ nhiệm Đề tài tiếp thu, hoàn thiện theo các ý kiến của các thành viên Hội đồng.

Một số hình ảnh tại buổi nghiệm thu:

 

Trương Thị Quỳnh Vân

Phòng Thông tin, Thư viện và Xúc tiến thương mại - VIOIT

BÀI VIẾT KHÁC