Sáng ngày 28/10/2020, tại trụ sở 17 Yết Kiêu - Hà Nội, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương đã tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: “Nghiên cứu đề xuất giải pháp phát triển xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Nhật Bản trong bối cảnh thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên thái bình dương (CPTPP)” do ThS. Vương Quang Lượng - Phó Trưởng Phòng Môi trường và Phát triển bền vững làm chủ nhiệm đề tài.
Các thành viên Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở đề tài gồm có: TS. Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương - Chủ tịch hội đồng; PGS.TS Lê Trịnh Minh Châu - Uỷ viên, phản biện 1; Th.S Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương - Uỷ viên, phản biện 2; TS. Phạm Hữu Thìn - Chuyên gia nghiên cứu, Cố vấn cao cấp của Viện - Ủy viên; TS. Lê Huy Khôi - Trưởng phòng Nghiên cứu và Đào tạo sau đại học - Ủy viên, thư ký.
Cuộc họp nghiệm thu cấp cơ sở đề tài trên còn có sự tham dự của Đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công Thương, các thành viên nhóm nghiên cứu đề tài và các chuyên viên nghiên cứu thuộc các Phòng, Ban của Viện.
Báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu của đề tài, Th.S Vương Quang Lượng cho biết: Đề tài đã hệ thống hóa và làm rõ một số vấn đề lý luận về phát triển xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ. Trong đó, chỉ rõ khái niệm, nội dung và tiêu chí đánh giá phát triển xuất khẩu trên cả ba góc độ tiếp cận là kinh tế, môi trường và xã hội. Đề tài cũng đã tìm hiểu và nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước (bao gồm cả trong và ngoài CPTTP) trong việc phát triển xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Nhật Bản và rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Nội dung chính của đề tài tập trung vào việc phân tích, đánh giá thực trạng xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Nhật Bản, đánh giá những tác động của hoạt động xuất khẩu các mặt hàng này đến các chỉ tiêu về kinh tế, xã hội và môi trường; Phân tích và dự báo tác động của việc thực hiện hiệp định CPTPP đối với xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản, từ đó đưa ra những quan điểm, định hướng và đề xuất một số giải pháp chủ yếu nhằm phát triển xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Nhật Bản đến năm 2025.
Nhận xét đề tài, TS Nguyễn Văn Hội, Chủ tịch Hội đồng và các thành viên trong hội đồng nghiệm thu đề tài đều khẳng định: Đây là một đề tài có ý nghĩa quan trọng về mặt khoa học, lý luận và thực tiễn trong tình hình hiện nay. Việc nghiên cứu, đánh giá thực trạng, dự báo xu hướng và đề xuất một số giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ là một mục tiêu, một yêu cầu khách quan, nhằm duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản trong tình hình mới - bối cảnh thực hiện các FTAs, trong đó có CPTTP. Đây là công trình khoa học có giá trị tham khảo tốt đối với các cơ quan, đơn vị trong công tác hoạch định chính sách và đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ trong việc tìm kiếm và mở rộng thị trường.
Để hoàn thiện đề tài, Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban Chủ nhiệm nghiên cứu, sắp xếp lại danh mục tài liệu tham khảo, chủ động trao đổi với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam để cập nhật thêm thông tin, số liệu cũng như nhận được những đóng góp cụ thể hơn cho đề tài, cân nhắc các nguồn thông tin khi sử dụng để đánh giá việc thực hiện các chuỗi sản phẩm xuất khẩu, các kiến nghị đề xuất nên cụ thể và rõ ràng hơn...
Phát biểu kết luận, TS Nguyễn Văn Hội đã thông báo kết quả bỏ phiếu đồng ý nghiệm thu cấp cơ sở của các thành viên Hội đồng và đề nghị Ban Chủ nhiệm sớm chỉnh lý, bổ sung hoàn thiện Đề tài, đảm bảo nghiệm thu cấp Bộ đúng tiến độ.
Một số hình ảnh tại buổi nghiệm thu:


Lê Anh Tú
Phòng Thông tin, Thư viện và Xúc tiến thương mại - VIOIT