Năm 2023, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam phục hồi mạnh mẽ, tiến sát mức trước đại dịch Covid-19. Bước sang năm 2024 - năm bứt phá của chặng đường kinh tế 5 năm giai đoạn 2021-2025, ngay từ đầu năm, hoạt động thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam đã rất sôi động với những dự án trăm triệu USD.
Không chỉ tăng về giá trị vốn thu hút, nhiều tổ chức quốc tế còn đánh giá Việt Nam đang nổi lên như một điểm sáng thu hút FDI trong các lĩnh vực đầu tư mới như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghiệp công nghệ cao…
Bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng HSBC còn nhận định, Việt Nam thuộc nhóm 3 quốc gia vượt trội trong ASEAN về thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ (cùng với Singapore, Malaysia). Xu hướng này mang lại hy vọng phục hồi cho Việt Nam khi chu kỳ kinh tế thay đổi.
Thu hút FDI công nghệ cao đang là xu hướng
Bên cạnh nguồn vốn vào lĩnh vực khởi nghiệp, đối với lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, từ nhiều năm qua, nhất là giai đoạn từ sau năm 2019 đến nay, khi Bộ Chính trị chính thức ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam đã có tính chọn lọc hơn, tập trung vào những lĩnh vực công nghệ cao, những ngành mang tính chất mũi nhọn và có tính lan tỏa.
Điển hình là nhiều dự án FDI chất lượng cao, như: sản xuất điện thoại, linh kiện điện tử, sản xuất chip đã tới đầu tư vào Việt Nam. Đơn cử như Tập đoàn Amkor đầu tư 1,6 tỷ USD vào Khu công nghiệp Yên Phong 2 (Bắc Ninh) để xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn. Đây cũng là nhà máy bán dẫn lớn nhất thế giới của Amkor (đã chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10/2023).
Trước đó, tháng 9/2023, Hana Micron Vina (Hàn Quốc) - doanh nghiệp sản xuất và gia công bảng vi mạch tích hợp sử dụng cho điện thoại di động và các sản phẩm điện tử thông minh khác - cũng đã chính thức khánh thành nhà máy sản xuất chất bán dẫn của Công ty Hana Micron Vina tại Khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên (Bắc Giang). Đây là dự án sản xuất chất bán dẫn đầu tiên tại miền Bắc. Lãnh đạo Hana Micron Vina cho biết đến năm 2025, công ty có kế hoạch tăng tổng mức đầu tư lên trên 1 tỷ USD, doanh thu hàng năm dự kiến đạt 800 triệu USD và tạo ra 4.000 việc làm cho người lao động Việt Nam.
Công ty Luxshare - ICT Việt Nam, thuộc tập đoàn đa quốc gia Luxshare - ICT của Trung Quốc, tháng 11/2023 đã đầu tư thêm 330 triệu USD để mở rộng nhà máy sản xuất tại Bắc Giang, nâng tổng số vốn của công ty này tại tỉnh Bắc Giang lên 504 triệu USD. Luxshare - ICT là nhà sản xuất Airpods và nhiều thiết bị khác cho Apple. Luxshare - ICT ngoài ra cũng đầu tư vào Nghệ An 290 triệu USD với hai dự án là Luxshare ICT 1 trị giá 140 triệu USD và Luxshare 2 trị giá 150 triệu USD tại Khu công nghiệp VSIP Nghệ An (Hưng Nguyên), để sản xuất linh kiện điện tử.
Một tập đoàn công nghệ khác là Quanta - tập đoàn lớn về sản xuất thiết bị máy tính của Đài Loan (Trung Quốc) - trong năm 2023 cũng đã ký với tỉnh Nam Định thỏa thuận phát triển dự án sản xuất và gia công máy tính xách tay và máy tính để bàn tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận (huyện Mỹ Lộc) với tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 120 triệu USD.
Tại Hải Phòng, tháng 6/2023, tỉnh này đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh tăng vốn cho dự án Nhà máy LG Innotek Hải Phòng giai đoạn 2023 - 2025 với số vốn 1 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư của dự án lên hơn 2 tỷ USD, để xây dựng nhà máy V3 sản xuất modul camera xuất khẩu; tạo thêm 2.600 việc làm cho người lao động, lợi nhuận dự kiến đạt 400 triệu USD/năm và nộp ngân sách khoảng 100 tỷ đồng/năm. Tập đoàn LG là nhà đầu tư lớn nhất tại Hải Phòng với tổng vốn đầu tư 7,24 tỷ USD, chiếm 37% tổng vốn FDI toàn thành phố (tính tới thời điểm giữa năm 2023).
Như vậy, với các dự án lớn được triển khai trong năm 2023, cùng với các Tập đoàn công nghệ vào Việt Nam trước đó như Intel, Samsung,… cho thấy việc thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao và thúc đẩy chuyển giao công nghệ tại Việt Nam đã và đang đạt được những kết quả tích cực.
Nhiều chuyên gia cho rằng từ thực tiễn dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong thời gian qua, có thể thấy đã xuất hiện xu thế mới, theo đó vốn FDI tập trung vào các lĩnh vực công nghệ xanh, sạch và đi vào những lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao như sản xuất chip, chất bán dẫn. Đây chính là những điểm tích cực của dòng vốn FDI vào Việt Nam trong những năm gần đây. Trong một thị trường còn non trẻ như Việt Nam, gần như tất cả các ngành đều mở ra nhiều cơ hội cho những dự án khởi nghiệp (startup) phát triển và thu hút vốn đầu tư. Mặc dù vậy, những dấu hiệu trên cũng đặt ra cho Việt Nam những yêu cầu mới về vấn đề nhân sự trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn, đòi hỏi phải có giải pháp thích ứng để hấp thụ dòng vốn đầu tư chất lượng cao từ các tập đoàn nước ngoài.
Theo số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố: Quý I/2024, đã có hơn 6,17 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong số này, vốn đăng ký mới đạt hơn 4,77 tỷ USD, tăng 57,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, vốn tăng thêm đạt 934,6 triệu USD, giảm 22,6%; còn vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt hơn 466 triệu USD, giảm 61,7% so với cùng kỳ.
Trong quý I năm 2024, nhiều dự án lớn trong các lĩnh vực năng lượng, bao gồm: Sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic, các dự án sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng đã được đầu tư mới và mở rộng vốn.
Chỉ tính riêng với nhóm nhà đầu tư châu Âu, theo khảo sát từ Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), các doanh nghiệp châu Âu không chỉ bình chọn Việt Nam thuộc top 10 điểm đến đầu tư hàng đầu thế giới, trong đó gần 20% lãnh đạo các doanh nghiệp được khảo sát xếp Việt Nam ở vị trí ưu tiên số 1. Những lĩnh vực doanh nghiệp châu Âu tự tin để triển khai đầu tư tại Việt Nam là công nghệ, tài chính…
Các dự án trong các lĩnh vực công nghệ cao được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư trong 3 tháng đầu năm 2024 như: Dự án 120 triệu USD của Boviet Hải Dương, chuyên sản xuất tấm tế bào quang điện năng lượng mặt trời; dự án 454 triệu USD của Trina Solar Cell tại Thái Nguyên; hay dự án 275 triệu USD của Gokin Solar Hải Hà Việt Nam tại Quảng Ninh…
Đồng Nai là một trong những địa phương lọt vào Top 10 địa phương có thu hút vốn FDI lớn nhất cả nước trong quý 1/2024. Theo đó, nguồn vốn đầu tư FDI vào Đồng Nai chủ yếu tập trung các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp được cấp phép mới.
Đối với các dự án mở rộng quy mô sản xuất, có một số dự án điển hình như: Công ty SMC Manufacturing đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất với số vốn khoảng 570 tỷ đồng; Công ty TKG Taekwang Vina đầu tư mở rộng nhà xưởng với số vốn 106 tỷ đồng; Công ty Formosa Taffeta đầu tư xây dựng nhà xưởng số vốn 163 tỷ đồng; Công ty Pou Chen thực hiện 112 tỷ đồng…
Là doanh nghiệp châu Âu hoạt động tại Việt Nam được gần 30 năm, Công ty Nestlé Việt Nam cũng vừa công bố đầu tư thêm 100 triệu USD nhằm tăng gấp đôi công suất chế biến các dòng cà phê chất lượng cao của nhà máy được đặt tại tỉnh Đồng Nai.
Trong khi đó, Hana Micron (Hàn Quốc), doanh nghiệp chuyên đóng gói và kiểm định chất bán dẫn đã khánh thành giai đoạn 2 và nâng tổng mức đầu tư tại Việt Nam lên 1 tỷ USD; LG Innotech (Hải Phòng) đã đầu tư mở rộng dự án thêm 1 tỷ USD trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm điện tử; Tập đoàn Shenzhen MTC Trung Quốc đầu tư tổng vốn đăng ký 24 triệu USD để sản xuất bộ định vị tuyến, thiết bị chuyển đổi tín hiệu số, đèn led chiếu sáng và tivi… Mới đây, công ty Kine SIC Semi (Mỹ) chuyên sản xuất chip công nghệ cao cũng đang mong muốn xây nhà máy tại Bắc Ninh khoảng 200 triệu USD.
Với việc Việt Nam đã ký 17 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với rất nhiều quốc gia trên thế giới, thuộc Top 20 quốc gia có mức tăng trưởng cao nhất thế giới trong năm 2023, đặc biệt là nền chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng hàng chục năm liên tiếp và đều ở mức cao, đây chính là thời cơ để Việt Nam có thể thay đổi nền sản xuất bằng việc sử dụng công nghệ cao, ứng dụng năng suất lao động mới, làm thay đổi toàn bộ cấu trúc nền sản xuất tại Việt Nam.
Thời gian gần đây, Việt Nam nổi lên như một nhân tố đầy tiềm năng trong ngành bán dẫn với nhiều lợi thế như vị trí chiến lược, cơ sở hạ tầng số ngày càng phát triển, người dân thành thạo công nghệ và lực lượng lao động trẻ dồi dào, có sức sáng tạo.
Ngành bán dẫn ở Việt Nam đang có tiềm năng tăng trưởng đáng kể trong thời gian tới. Theo dự báo của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA), thị trường bán dẫn Việt Nam có thể tăng trưởng hơn 6% trong giai đoạn 2022-2027.
Thực tế, nhiều tập đoàn lớn về bán dẫn đã đến xây nhà máy tại Việt Nam. Trước đó, năm 2023, Công ty bán dẫn Hana Micron (Hàn Quốc) đã khánh thành nhà máy sản xuất chất bán dẫn tại khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang), dự kiến tăng tổng mức đầu tư lên hơn 1 tỷ USD, doanh thu đem về 800 triệu USD. Hay sự kiện Amkor khánh thành nhà máy bán dẫn lớn nhất thế giới tại Bắc Ninh, với tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD…
Sự xuất hiện của những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới nói trên giúp Việt Nam thâm nhập vào thị trường bán dẫn toàn cầu, thậm chí có thể trở thành trung tâm tăng trưởng của ngành.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bán dẫn là ngành công nghiệp được nhiều nước phát triển và đang phát triển quan tâm. Nhiều quốc gia phát triển mạnh công nghiệp bán dẫn, sẵn sàng bỏ tiền mặt để thu hút các đầu tư vào bán dẫn. Ngành công nghiệp này đã mở ra nhiều cơ hội cho tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam cụ thể như: Với sự phát triển của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, xe tự lái, Internet of Things (IoT)… đang tạo ra nhu cầu lớn cho các linh kiện bán dẫn. Việc sản xuất chip có thể tạo ra cơ hội xuất khẩu lớn, đặc biệt là khi nhiều quốc gia đang tìm kiếm nguồn cung cấp an toàn và độc lập trong lĩnh vực bán dẫn.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp bán dẫn đang đặt ra các thách thức cho các doanh nghiệp và Chính phủ các nước, trong đó Việt Nam cũng đang phải đối mặt như mức đầu tư cho sản xuất chip là rất lớn, đòi hỏi cơ sở hạ tầng đặc biệt và các dây chuyền sản xuất phức tạp. Trong thực tế, việc xây dựng một xưởng đúc chip có thể tiêu tốn tới 50 tỷ USD.
Đáng chú ý, ngành công nghiệp bán dẫn đang chịu áp lực từ sự cạnh tranh cao, đặc biệt là từ các nước như Trung Quốc, Mỹ và châu Âu. Những quốc gia/khu vực này đã công bố kế hoạch cho lĩnh vực chip của mình từ 50 tới 150 tỷ USD.
Cùng với đó, sự phức tạp ngày càng tăng của công nghệ bán dẫn đòi hỏi sự đầu tư lớn vào nghiên cứu và phát triển để duy trì sự cạnh tranh. Yêu cầu về đội ngũ nhân sự chất lượng cao rất lớn và thực tế nguồn nhân lực của Việt Nam mới chỉ đang dừng lại ở giai đoạn đầu, kỹ năng và trình độ chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.
Điều này cho thấy, Việt Nam cần tập trung nhiều giải pháp như xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách, trong đó có cơ chế ưu đãi cho dự án công nghệ cao, hoàn thiện cơ sở hạ tầng cảng biển, xây bay… Đồng thời, Việt Nam phải đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu trong lĩnh vực này.
Tồn tại những khó khăn trong thu hút FDI công nghệ cao vào Việt Nam
Được đánh giá đứng trước cơ hội thu hút dòng vốn FDI công nghệ cao, nhờ sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng trên toàn cầu, song đến nay dường như các doanh nghiệp FDI công nghệ cao vẫn đang “lưỡng lự” với thị trường Việt Nam bởi một số yếu tố.
+ Nguồn điện không đảm bảo:
Trong kiến nghị đề xuất gửi đến Chính phủ và các cơ quan liên quan mới đây, một nội dung quan trọng các doanh nghiệp FDI Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc cùng thể hiện sự quan tâm về khả năng cung ứng điện của Việt Nam, ở cả hiện tại và tương lai, nhất là trong bối cảnh những ngành sản xuất công nghệ cao đòi hỏi nguồn điện lớn và phải đảm bảo vận hành thường xuyên.
Duy trì các hệ thống năng lượng chính là cung cấp cho các nhà đầu tư khả năng tiếp cận năng lượng tái tạo, giúp cho đất nước có lợi thế cạnh tranh hơn. Do vậy cách tiếp cận hợp tác giữa khu vực công và tư là điều cần thiết để phát triển nguồn điện bền vững. Và Việt Nam có thể thu hút nguồn tài chính toàn cầu nhờ hệ thống quản lý năng lượng hiệu quả.
Theo Hiệp hội Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Việt Nam nên có cơ chế thiết lập các quy định để có thể cung cấp năng lượng từ các dự án năng lượng tái tạo trực tiếp đến người dùng cuối (chứ không phải qua EVN và lưới điện), với việc bao tiêu trực tiếp dưới hình thức Thỏa thuận mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa nhà phát điện và người tiêu dùng cuối cùng.
Theo số liệu tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2023 Việt Nam thiệt hại khoảng 1,4 tỷ USD do thiếu điện, tương đương 0,3% GDP. Do vậy không đủ điện hiện nay đang là yếu tố lớn khiến nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, đặc biệt công ty công nghệ cao chần chừ khi rót vốn đầu tư vào Việt Nam.
+ Chính sách ưu đãi “thiếu nhất quán”:
Theo đại diện các hiệp hội doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, mặc dù Việt Nam đang có quyết tâm rất lớn trong việc thu hút những lĩnh vực FDI công nghệ cao như chất bán dẫn, tuy nhiên những vấn đề như thiếu ưu đãi cho doanh nghiệp sau khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, hay thiếu điện cục bộ tại miền Bắc là những rào cản khiến Việt Nam kém hấp dẫn trong mắt các doanh nghiệp bán dẫn.
Kể từ đầu năm 2024 Việt Nam chính thức áp thuế tối thiểu toàn cầu. Thuế suất sẽ áp dụng 15% với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất 750 triệu EUR (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề nhất. Theo ước tính, ngân sách sẽ thu được 14.600 tỷ đồng từ khoảng 122 tập đoàn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thuộc diện nộp thuế này.
Tuy nhiên, đến nay Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể về những ưu đãi doanh nghiệp FDI được hưởng sau khi áp dụng thuế suất trên. Hiện Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã xây dựng Nghị định ưu đãi cho doanh nghiệp sau khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, tuy nhiên mức hỗ trợ hiện vẫn chưa rõ ràng.
Bên cạnh đó, các đối tượng hỗ trợ trong Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư còn trong phạm vi hẹp. Cụ thể, dự thảo đưa ra đối tượng là các doanh nghiệp có dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, đáp ứng điều kiện về quy mô vốn đầu tư trên 12.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu trên 20.000 tỷ đồng/năm.
Với điều kiện này, về quy mô chỉ có số lượng rất ít doanh nghiệp có thể đạt được, theo đó chính sách sẽ chỉ tập trung áp dụng cho một nhóm đối tượng hẹp, chưa đại diện được cho nhóm các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao và cũng chưa đảm bảo đáp ứng được mục tiêu thu hút đối với các nhà đầu tư chiến lược như tinh thần Quốc hội đã đặt ra tại Nghị quyết 107/2023/QH15 về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.
Thực tế, những chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp FDI khi đầu tư ban đầu cần được giữ lâu dài cho các giai đoạn sau. Điều này cho thấy tính chắc chắn của chính sách cũng như nhất quán của Chính phủ. Bởi chỉ khi ổn định được môi trường đầu tư, khuyến khích thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư, khi đó Việt Nam mới có nguồn thu tăng thêm từ thuế.
Tăng cường giải pháp thu hút FDI công nghệ cao
Môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tiếp tục được cộng đồng quốc tế đánh giá tích cực, nhiều tập đoàn đa quốc gia. Đặc biệt là các tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghệ, điện tử, bán dẫn đã và đang nghiên cứu, thành lập cứ điểm sản xuất tại Việt Nam.
Tăng cường thu hút dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao đang là chiến lược mà nhiều địa phương bám sát. Theo Ban quản lý các khu chế xuất - công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (Hepza) cho biết, thành phố sẽ ưu tiên thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp sạch, các dự án sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường... Các dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư thấp, công nghệ lạc hậu, thâm dụng lao động... sẽ bị hạn chế.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, hướng tới chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường; ưu tiên các dự án có giá trị gia tăng cao, hàm lượng công nghệ cao, có sự liên kết với doanh nghiệp trong nước, tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, cụ thể là điện, điện tử, bán dẫn; năng lượng tái tạo; nông nghiệp hiệu quả cao; kinh tế số, chuyển đổi số; đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển và trung tâm tài chính…
Cần xem xét lại toàn bộ khung chính sách ưu đãi đầu tư hiện tại đối với FDI và tập trung ưu đãi cho các dự án công nghệ cao để hướng các nhà đầu tư FDI vào các dự án công nghệ cao mà Việt Nam cần, trong giai đoạn tới chỉ nên dành ưu tiên đặc biệt cho các dự án FDI công nghệ cao. Đối với những lĩnh vực và địa bàn mà các doanh nghiệp Việt Nam đã có thể thực hiện bằng công nghệ và kỹ thuật ngang bằng mức tiên tiến thế giới, thì không thu hút FDI (như: bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng, bán buôn - bán lẻ...).
Các nhà đầu tư nước ngoài quy mô lớn đòi hỏi rất cao về nguồn nhân lực. Việt Nam có lợi thế nguồn nhân lực hết sức dồi dào, vẫn còn trong thời kỳ dân số vàng nhưng cần tập trung nhiều hơn là trình độ, kỹ năng của người lao động. Đây cũng là điều Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm, các bộ ngành đều phải chung tay để có thể nhanh chóng cải thiện được trình độ của người lao động Việt Nam. Thông qua đó chúng ta mới tăng được chất lượng tăng trưởng trong năng suất lao động.
Tập trung đầu tư vốn, nhân lực, nâng chất cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh…; cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt về cảng, hạ tầng giao thông vận tải và năng lực của ngành logistics để duy trì tốc độ tăng trưởng.
Việt Nam cần thay đổi nhanh trên bước thang giá trị trong chuỗi sản xuất. Nếu không hướng phát triển vào những ngành công nghiệp đòi hỏi kỹ thuật cao, Việt Nam sẽ tụt hậu trong quá trình tái cấu trúc dòng vốn đang diễn ra mạnh mẽ.
Đặc biệt, cần xây dựng khối kinh tế tư nhân với những doanh nghiệp vừa, đủ sức đồng hành cùng doanh nghiệp FDI trong chuỗi giá trị. Đáng chú ý là doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phụ trợ đủ chất lượng để có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất của nhà đầu tư nước ngoài, bù đắp sự thiếu hụt linh kiện, trở thành môi trường hấp dẫn thu hút và giữ chân dòng vốn FDI.
Tuy nhiên, bên cạnh những điều đáng mừng thì cũng nhiều thách thức rất đáng lo. Hiện nay, lực lượng lao động công nghệ trình độ cao chưa nhiều, chưa đáp ứng được ngay nhu cầu trước mắt của các tập đoàn lớn; các nhà đầu tư vào công nghệ cao mới dừng lại ở khâu đóng gói, lắp ráp, chế tạo đơn thuần; tuy nhiên, thuế tối thiểu toàn cầu đã bắt đầu lộ trình thực hiện tại Việt Nam trong năm 2024, khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì tất cả các doanh nghiệp đa quốc gia đều chịu thuế suất tối thiểu 15%... Ngoài ra, để thực hiện những cam kết của Việt Nam trong lĩnh vực phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững rất cần sự đồng hành của các doanh nghiệp FDI ngành công nghệ cao.
Ngoài ra, để thay đổi tư duy tiếp cận thu hút FDI chất lượng cao, cần bỏ cách tiếp cận ưu đãi thuế trong chiến lược thu hút FDI (ngoài các doanh nghiệp công nghệ cao), tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng và bình đẳng.
Trong tương lai, Việt Nam vẫn sẽ điểm đến hấp dẫn của các tập đoàn công nghệ, vì doanh nghiệp và con người Việt Nam rất cần cù, sáng tạo. Với năng lực đào tạo trong nước và những hợp tác từ nguồn lực bên ngoài, Việt Nam tự tin sẽ sớm đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho phát triển ngành. Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia theo hướng hiệu quả, thiết thực, đóng góp tích cực, tạo bứt phá phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời lắng nghe tiếng nói của các doanh nghiệp. Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết những khó khăn, thách thức của cộng đồng doanh nghiệp, với chính sách cởi mở và hướng đến phát triển kinh tế số, trí tuệ nhân tạo, Việt Nam chắc chắn sẽ có thêm cơ hội nâng cao vị thế phát triển bên bản đồ ngành công nghê cao của thế giới./.
Lê Anh Tú; Lương Thanh Hải
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT