Ngành dệt may giúp tăng trưởng kinh tế, giải quyết công ăn việc làm cho một lực lượng lớn lao động, nâng cao đời sống của người dân và thúc đẩy các ngành sản xuất khác trong nước phát triển. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may tăng trưởng bình quân 13,2 %/năm và đạt giá trị 44 tỷ USD vào năm 2022, tăng 11,5% so với năm 2021. Mặc dù giá trị kim ngạch xuất khẩu cao nhưng giá trị gia tăng của ngành dệt may Việt Nam vẫn còn thấp, chưa có sự phát triển bền vững do công nghiệp hỗ trợ (CNHT) chưa phát triển tương xứng. Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải sản xuất chủ yếu theo phương thức gia công xuất khẩu (chiếm tới 70% kim ngạch), nguyên phụ liệu chủ yếu là nhập khẩu. Phát triển CNHT dệt may giúp tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất dệt may của khu vực và thế giới. CNHT sẽ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và CNHT phát triển hiệu quả cũng tạo điều kiện thu hút FDI.
1. Thu hút FDI giữ vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp hỗ trợ dệt may Việt Nam
Phát triển ngành dệt may luôn là mục tiêu trong chiến lược phát triển kinh tế, xuất khẩu dệt may luôn đóng vai trò chủ lực với kim ngạch xuất khẩu lên đến 44 tỷ USD vào năm 2022. Ngành dệt may giúp tăng trưởng kinh tế, cân bằng cán cân thương mại, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống của người dân, thúc đẩy các ngành sản xuất trong nước phát triển. Tuy nhiên ngành dệt may Việt Nam chưa có sự phát triển bền vững do CNHT dệt may chưa phát triển tương xứng. Nguyên nhân của việc các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải sản xuất chủ yếu theo phương thức gia công xuất khẩu. Như vậy, thu hút FDI vào phát triển CNHT dệt may là vấn đề rất cấp thiết hiện nay, Việt Nam cần khuyến khích thu hút FDI với định hướng xúc tiến đầu tư vào những ngành CNHT phù hợp. Thu hút FDI vào ngành dệt may ngày càng tăng, tuy nhiên mới chỉ chủ yếu tập trung vào công đoạn kéo sợi và may chứ chưa đầu tư thích đáng vào lĩnh vực dệt nhuộm. Đây là những khâu rất quan trọng trong quá trình dệt may để tạo ra sản phẩm vải phục vụ cho sản xuất, đáp ứng quy tắc xuất xứ chặt chẽ trong các FTAs thế hệ mới. Việc thu hút FDI phát triển CNHT sẽ góp phần tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn trong ngành dệt may, nâng cao năng lực cạnh tranh và đóng góp vào tăng trưởng bền vững. Thu hút FDI vào phát triển CNHT sẽ giúp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị dệt may toàn cầu.
Việc ký kết và thực thi các FTAs thế hệ mới cũng tạo thêm sức hút cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực dệt may, đặc biệt là thu hút được nhiều FDI vào phát triển công nghiệp hỗ trợ dệt may, một mảng còn yếu trong ngành dệt may ở nước ta. Nguồn vốn FDI từ các tập đoàn lớn như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản… sẽ giúp ngành dệt may hòa nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu và tác động tích cực tới việc mở rộng thị trường xuất khẩu, thay đổi cơ cấu xuất khẩu theo chiều hướng tích cực. Để đáp ứng được nguồn nguyên phụ liệu dệt may cho sản xuất và xuất khẩu, cần phải tập trung các dự án FDI vào các khâu từ kéo sợi, dệt, nhuộm, hoàn tất. Ngành dệt may Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế từ viêc đầu tư nếu chú trọng thu hút FDI vào khâu dệt nhuộm. FTAs thế hệ mới đang tạo ra sức hút mạnh mẽ đối với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài do lợi thế về thị trường xuất khẩu và giảm thuế. Việt Nam cần phải phát triển CNHT dệt may để thay thế phương thức sản xuất gia công, tăng giá trị nội địa trong sản phẩm dệt may xuất khẩu.
2. Một số hạn chế trong việc thu hút FDI phát triển công nghiệp hỗ trợ dệt may
- Các chính sách khuyến khích ưu đãi cho các doanh nghiệp CNHT dệt may chưa nhiều do khó thực hiện vì ảnh hưởng đến các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Ngoài ra ngành CNHT được coi là ngành thâm dụng công nghệ và vốn nên các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm phát triển và tìm kiếm nguồn vốn FDI.
- Các hỗ trợ ưu đãi cho các doanh nghiệp về CNHT dệt may hầu như chưa có, và các quy định gần như các quy định đối với các doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác. Bên cạnh đó, các tổ chức, hiêp hội, cơ quan quản lý nhà nước chưa làm tốt vai trò hỗ trợ trung gian từ khâu hoạch định chính sách đến giai đoạn thực thi. Từ đó làm giảm thu hút FDI phát triển CNHT dệt may của Việt Nam.
- Việc thu hút FDI trong thời gian qua chủ yếu tập trung vào các tập đoàn lớn của các nước đầu tư vào Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất CNHT dệt may có quy mô nhỏ và vừa trong nước chưa được quan tâm trong việc thu hút FDI để phát triển và chưa có sự tác động lan tỏa, liên kết giữa các doanh nghiệp nước ngoài với các doanh nghiệp trong nước.
- Các nhà đầu tư nước ngoài mới chỉ chú trọng đến đầu tư vào CNHT sản xuất sợi, chưa thu hút được FDI vào các lĩnh vực dệt, nhuộm, hoàn tất và sản xuất các phụ liệu dệt may. Gây ra sự mất cân bằng trong các khâu sản xuất, thiếu sự liên kết giữa các khâu và chưa đáp ứng được nguồn nguyên phụ liệu cần thiết cho ngành dệt may.
- Chưa tạo ra môi trường thuận lợi về mặt thể chế, pháp lý, các thủ tục hành chính để khuyến khích và thu hút FDI vào phát triển CNHT dệt may.
- Rào cản về ngôn ngữ, văn hóa cũng là một yếu tố cản trở việc thu hút FDI vào trong nước. Các doanh nghiệp cần phải tìm hiểu kỹ về văn hóa của các nước muốn thu hút đầu tư và đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng và giỏi ngoại ngữ để làm tốt khâu xúc tiến đầu tư, từ đó có thể thu hút được nguồn FDI lớn.
3. Một số giải pháp vĩ mô nhằm thu hút FDI phát triển công nghiệp hỗ trợ dệt may Việt Nam
- Hoàn thiện pháp luật, chính sách nhằm thu hút FDI và phù hợp với xu hướng phát triển, tiếp cận được các tiêu chuẩn quốc tế và hài hòa với các cam kết quốc tế. Một số chính sách như chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp sản xuất CNHT dệt may như các quy định về thủ tục đăng ký kinh doanh, ưu đãi về giá thuê đất, giảm thuế, cải cách, hỗ trợ về các thủ tục hành chính. Ngoài ra, cần có các chính sách ưu đãi phát triển cơ sở hạ tầng cho CNHT dệt may như xây dựng các khu công nghiệp hỗ trợ, các cụm liên kết ngành liên quan đến CNHT.
- Định hướng ưu tiên các dự án FDI vào CNHT dệt may có giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu, có tác động lan tỏa tới các khu vực kinh tế trong nước, phù hợp với quá trình phát triển, tăng trưởng của nền kinh tế, nâng cao chất lượng, năng suất và tính cạnh tranh, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và công bằng xã hội.
- Tổ chức các chương trình quốc gia về quảng bá, xúc tiến đầu tư FDI phát triển CNHT dệt may, cần phổ biến, quảng bá rộng rãi đến cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Cơ quan xúc tiến đầu tư FDI cần được chuyên môn hóa và đưa ra các danh mục dự án thu hút đầu tư phù hợp với các lĩnh vực CNHT dệt may cần phát triển như lĩnh vực dệt, nhuộm, hoàn tất đáp ứng quy tắc xuất xứ khi thực thi các FTA thế hệ mới.
- Tạo điều kiện để các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp trong nước tăng cường liên kết kinh doanh, có điều kiện gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác trong sản xuất, tạo điều kiện cho CNHT dệt may phát triển, từ đó thu hút nhiều hơn các dự án FDI vào trong nước. Cần khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài đào tạo, nâng cao kỹ năng, trình độ lao động cho Việt Nam làm việc trong các công ty, nhà máy.
- Khuyến khích đầu tư FDI nhưng cần xây dựng, bổ sung các nguyên tắc ưu đãi đầu tư, nâng cao các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm, bảo vệ môi trường, tài nguyên và tiết kiệm năng lượng phù hợp với tiêu chuẩn của khu vực và thế giới. Ngoài ra, đảm bảo quyền, nghĩa vụ, bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp về tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, vốn đầu tư, thu nhập và lợi ích hợp pháp khác của nhà đầu tư và chủ thể có liên quan, phù hợp với các cam kết quốc tế.
- Hoàn thiện, đổi mới và mở rộng các phương thức tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của nhà đầu tư, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án đầu tư. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin quốc gia về đầu tư một cách đồng bộ, kết nối chặt chẽ giữa các lĩnh vực về lao động, đất đai, thuế, tín dụng…đảm bảo thông tin phải đầy đủ, kịp thời, chính xác và phù hợp với các thông lệ quốc tế giúp cho việc thu hút được FDI vào phát triển CNHT dệt may nhiều hơn nữa trong những năm tới.
Trần Thị Thu Hiền
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại -VIOIT