1. Tình hình chung về sản xuất nông nghiệp
Nền nông nghiệp nước ta hiện nay về cơ bản vẫn sản xuất sản phẩm thô, ứng dụng khoa học và công nghệ, cơ giới hóa trong nông nghiệp còn khiêm tốn, sức cạnh tranh với khu vực và thế giới chưa cao. Tình trạng này là do nguyên nhân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, năng suất lao động thấp, giá thành nông sản cao, thiếu tính liên kết trong nội bộ ngành nông nghiệp và giữa ngành nông nghiệp với các ngành kinh tế khác như công nghiệp và dịch vụ (ví dụ như công nghiệp hỗ trợ), còn tồn tại nhiều các khâu trung gian trong chuỗi giá trị.
Nông nghiệp không chỉ giúp ổn định cuộc sống cho phần lớn dân cư nông thôn mà còn là nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội và ổn định chính trị, tạo tiền đề thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thời gian qua, do tác động của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến nhiều ngành công nghiệp, dịch vụ nhưng sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển, đảm bảo ổn định an ninh lương thực trong nước và xuất khẩu nông sản.
Năm 2022, tăng trưởng GDP của khu vực nông nghiệp đạt 3,36%, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đem về kim ngạch 53,2 tỷ USD. Tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp năm 2022 cao nhất so với 4 năm trước, năm 2021 là 2,90%. Tuy nhiên tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp so với các ngành khác vẫn rất thấp. Ngành nông nghiệp vẫn tồn tại những thách thức cần phải vượt qua trong thời gian sắp tới.
Nhìn tổng thể tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp luôn thấp hơn tăng trưởng GDP của Việt Nam, như năm 2019 tăng trưởng GDP của Việt Nam là 7,15% trong khi tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp chỉ là 2,01%. Thời gian từ 2020 đến 2021 bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid 19 nên tăng trưởng GDP của Việt Nam tụt giảm còn 2,94% năm 2020 và 2,59% năm 2021. Tuy nhiên, thời gian này tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp vẫn duy trì 2,68% năm 2020 và 2,90% năm 2021. Sang năm 2022 do có sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ sau đại dịch nên tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 đạt 11,34% và tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp cũng tăng hơn so với các năm trước đạt 3,36%.
Tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp giai đoạn 2012-2022
Năm
|
Tăng trưởng
GDP của Việt Nam (%)
|
Tăng trưởng
GDP ngành nông nghiệp (%)
|
2012
|
5,50
|
2,72
|
2013
|
5,55
|
2,67
|
2014
|
6,42
|
3,49
|
2015
|
6,99
|
2,41
|
2016
|
6,69
|
1,36
|
2017
|
6,94
|
2,90
|
2018
|
7,20
|
3,76
|
2019
|
7,15
|
2,01
|
2020
|
2,94
|
2,68
|
2021
|
2,59
|
2,90
|
2022
|
11,34
|
3,36
|
Nguồn: Tổng cục Thống kê 2023 và tính toán của tác giả
2. Vai trò của xuất khẩu nông sản trong nền kinh tế
2.1.Khái niệm về nông sản
Hiện nay, có nhiều định nghĩa khác nhau về nông sản của một số tổ chức quốc tế và Việt Nam
- Theo quan điểm của WTO: hàng hóa được chia làm hai nhóm chính là nông sản và phi nông sản. Nông sản được xác định là tất cả các sản phẩm thuộc từ chương 1 đến chương 24 (trừ thủy sản) và một số sản phẩm thuộc các chương khác trong Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa (HS). Tất cả các sản phẩm còn lại trong Hệ thống HS là sản phẩm phi nông nghiệp (hay gọi là sản phẩm công nghiệp).
Với quan điểm này, nông sản bao gồm các loại hàng hóa có nguồn gốc từ hoạt động nông nghiệp như gạo, cà phê, hồ tiêu, hạt điều, chè, rau quả tươi, lúa mỳ, bột mỳ, sữa, động vật sống…và các sản phẩm được chế biến từ sản phẩm nông nghiệp như bánh mỳ, bơ, thịt, dầu ăn, bánh kẹo, sản phẩm từ sữa, nước ngọt, rượu, bia, thuốc lá, bông xơ…
Theo quan điểm của WTO, nông sản không bao gồm các sản phẩm thuộc lĩnh vực thủy sản, lâm nghiệp và diêm nghiệp (khác với định nghĩa của Việt Nam).
- Định nghĩa của FAO: nông sản hay sản phẩm có nguồn gốc nông nghiệp là bất kỳ sản phẩm hoặc mặt hàng nào, ở dạng thô hoặc đã qua chế biến, được đem bán để phục vụ cho tiêu dùng của con người (ngoại trừ nước, muối và các chất phụ gia) hoặc để làm thức ăn cho gia súc.
- Định nghĩa của Việt Nam:
Nông nghiệp được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp và diêm nghiệp. Như vậy, nông sản bao gồm sản phẩm thu được từ hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp và diêm nghiệp; các ngành công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản được gộp vào lĩnh vực công nghiệp.
Như vậy có thể thấy có các quan điểm khác nhau về nông sản giữa Việt Nam và các tổ chức trên thế giới. Như ở Việt Nam các mặt hàng bánh kẹo, rượu, bia, nước ngọt, đường, sữa được xếp vào ngành công nghiệp thì các tổ chức WTO, FAO trên lại xếp vào ngành nông nghiệp trong khi ngành thủy sản, lâm nghiệp, diêm nghiệp được Việt Nam xếp vào ngành nông nghiệp thì các tổ chức trên lại không công nhận. Do vậy, giá trị nông sản sản xuất và xuất khẩu của một số quốc gia do WTO, FAO… đưa ra hàng năm sẽ có sự chênh lệch đáng kể.
2.2. Khái niệm về xuất khẩu nông sản
Trước tiên, xuất khẩu hàng hóa là việc bán hàng hóa hay dịch vụ cho một quốc gia khác. Mục đích mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, phát triển thương mại và kinh tế của từng quốc gia. Như vậy, xuất khẩu còn được hiểu là hoạt động kinh doanh ở phạm vi quốc tế, nhằm mục đích liên kết sản xuất với tiêu dùng giữa các quốc gia với nhau.
Luật Thương mại năm 2005 của Việt Nam định nghĩa: Xuất khẩu hàng hóa là việc hàng hóa được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa vào khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật.
Như vậy xuất khẩu nông sản có thể được hiểu là nông sản được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa vào khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định của pháp luật và bán cho các nước khác nhằm đem lại lợi ích trong phát triển kinh tế.
2.3. Đặc điểm của xuất khẩu nông sản
- Xuất khẩu nông sản chịu ảnh hưởng tính thời vụ cao trong sản xuất nông nghiệp và tác động bởi điều kiện tự nhiên, khí hậu.
- Nông sản xuất khẩu thường có tính vùng miền rõ rệt, mỗi quốc gia hay mỗi vùng miền đều có những mặt hàng nông sản đặc trưng.
- Chủng loại và chất lượng nông sản xuất khẩu thường đa dạng và phong phú
- Nông sản thường là những hàng hóa thiết yếu đối với mỗi quốc gia và phải đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, do vậy xuất khẩu nông sản phải đáp ứng được các yếu tố kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm khi xuất khẩu sang các quốc gia khác.
- Một số mặt hàng nông sản xuất khẩu có đặc tính tươi sống nên khó bảo quản trong thời gian dài.
- Giá cả nông sản xuất khẩu chịu ảnh hưởng trực tiếp của cung cầu nông sản trên thị trường và cung hàng nông sản lại chịu tác động mạnh của yếu tố khách quan về điều kiện tự nhiên luôn thay đổi nên giá nông sản thường không ổn định và có biên độ dao động khá lớn.
2.4. Vai trò của xuất khẩu nông sản
Xuất khẩu nông sản có vai trò quan trọng trong nền kinh tế mỗi quốc gia. Xuất khẩu nông sản đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, phong phú và đa dạng của người tiêu dùng, giúp giải quyết công ăn việc làm, nâng cao đời sống của người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước.
- Thứ nhất, xuất khẩu nông sản góp phần vào phát triển xuất khẩu của quốc gia. Xuất khẩu nông sản sẽ thu về nguồn ngoại tệ cho đất nước, giảm thâm hụt cán cân thương mại, tích lũy phát triển sản xuất như việc đầu tư nhập khẩu máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất. Khai thác hiệu quả nguồn lực của quốc gia
- Thứ hai, xuất khẩu nông sản giúp mở rộng quy mô xuất khẩu, nâng cao hiệu quả xuất khẩu, duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững góp phần tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô.
- Thứ ba, nông nghiệp là ngành sử dụng nhiều lao động nên hoạt động xuất khẩu nông sản sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người lao động, góp phần ổn định xã hội. Xuất khẩu nông sản giúp các doanh nghiệp nông nghiệp mở rộng sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp và đất nước.
- Thứ tư, xuất khẩu nông sản làm tăng hiệu quả sử dụng vốn trong ngành nông nghiệp, có vai trò kích thích đổi mới công nghệ, trang thiết bị ngày càng hiện đại và phương thức quản lý tiên tiến đáp ứng sự phát triển chung của nền kinh tế cũng như ngành nông nghiệp nói riêng.
- Thứ năm, xuất khẩu nông sản sẽ giúp phát huy được lợi thế của đất nước, tận dụng được nguồn lực sẵn có của quốc gia cũng như doanh nghiệp. Sử dụng có hiệu quả lợi thế so sánh của đất nước, tiết kiệm chi phí xã hội.
- Thứ sáu, xuất khẩu nông sản góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành, doanh nghiệp và sản phẩm. Xuất khẩu nông sản sẽ thúc đẩy nâng cao chất lượng, giá cả cạnh tranh đáp ứng nhu cầu của thị trường nhập khẩu. Phát triển xuất khẩu nông sản sẽ đóng góp vào chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng tích cực, gia tăng các sản phẩm chế biến, chất lượng cao, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nông nghiệp.
TS. Trần Thị Thu Hiền
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT