Lịch sử và tiến trình phát triển
Trong những thập niên gần đây, thuật ngữ tự do hóa thương mại đã trở thành phổ biến trên thế giới và tự do hóa thương mại là một chính sách thương mại được nhiều nước chấp nhận, với mức độ khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện từng nước. Tự do thương mại với tính chất là một chính sách kinh tế được pháp luật thừa nhận không xuất hiện đồng thời ở các nước phương Tây. Chính sách tự do hóa thương mại có nguồn gốc từ nước Anh - cường quốc công nghiệp hàng đầu trong thời kỳ đó. Chính sách này bắt nguồn từ sự phát triển không đều về kinh tế và khoa học - công nghệ giữa các quốc gia. Tư bản công nghiệp nước Anh vì lợi ích bản thân và nhằm thu lợi nhuận không chỉ quan tâm đến việc xóa bỏ những trở ngại trong thương mại nội địa mà cũng rất quan tâm đến việc xóa bỏ những trở ngại trong buôn bán với nước ngoài. Tự do hóa thương mại là biện pháp quan trọng để họ chiếm lĩnh thị trường ngoài nước, củng cố và tăng cường địa vị của mình trong nền kinh tế thế giới. Điều đó rõ ràng không có lợi cho các đối tác của nước Anh có nền kinh tế phát triển chậm hơn, sức cạnh tranh yếu hơn. Do đó, trong khi nước Anh chủ trương hóa thương mại, phá bỏ các hàng rào thương mại với các nước có nền kinh tế kém phát triển hơn nước Anh và có nhu cầu nhập khẩu hàng công nghiệp của Pháp, Đức, Nga... thì ngược lại, các nước này lại chủ trương bảo hộ mậu dịch nhằm bảo vệ nền công nghiệp yếu kém của mình trước sự cạnh tranh của công nghiệp Anh. Nhưng một khi công nghiệp các nước này phát triển và đủ sức cạnh tranh với các nước khác thì họ lại chủ trương tự do hóa thương mại để tạo điều kiện xuất khẩu hàng của họ ra thị trường nước ngoài.
Ở nước Anh, tự do thương mại được hệ thống thông luật (common law) thừa nhận khá lâu trước khi nước Pháp áp dụng chính sách này. Ở nước Pháp trước cách mạng 1789, chưa có tự do thương mại, hoạt động thương mại và kinh tế nói chung đều do các phường hội (corporation) qui định. Thế lực các phường hội và sự cạnh tranh giữa các phường hội là nguyên nhân của tình trạng trì trệ kinh tế và xã hội.Vì vậy, tìm kiếm tự do trong lĩnh vực kinh tế là mối quan tâm hàng đầu của các nhà chính trị và kinh tế của thế kỷ thứ 18.
Hai năm sau cách mạng 1789, nguyên tắc tự do thương mại lần đầu tiên được qui định trong sắc luật Allarde ngày 2 và 17 tháng 3/1791, ngày nay vẫn còn có hiệu lực. Sắc luật này ghi rõ :“Mọi công dân (Pháp) được tự do làm bất kỳ nghề gì, được tự do tiến hành bất kỳ hoạt động buôn bán nào miễn là trước đó, đã nộp thuế môn bài và tuân thủ các qui định của pháp luật.” Trên thực tế và về mặt pháp luật, ở các nước có nền kinh tế thị trường, tự do thương mại - là một chính sách đồng thời cũng là quyền của người công dân.
Tự do hóa thương mại được đặt ra như thế nào? Và bao gồm nội dung gì? Đây là vấn đề này đã nảy sinh trong thương mại quốc tế và trong quan hệ giữa các quốc gia với nhau. Trong giao lưu thương mại quốc tế, luôn luôn có 2 khuynh hướng đối lập: Tự do hóa thương mại và bảo hộ mậu dịch. Trong thời kỳ chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh, nhằm mở rộng thị trường, bành trướng kinh tế, các nước tư bản thực hiện chính sách tự do hóa thương mại (thực chất là tự do hóa ngoại thương), đồng thời cũng thực hiện bảo hộ mậu dịch, với mức độ khác nhau, nhằm một mục tiêu chung là bảo đảm và phục vụ lợi ích của quốc gia đó.
Vào cuối thế kỷ thứ XIX, đầu thế kỷ XX với sự xuất hiện của các tổ chức tư bản lũng đoạn quốc tế và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các tổ chức này, các nước tư bản lại chuyển từ chính sách tự do hóa thương mại sang chính sách bảo hộ mậu dịch mang tính chất xâm lược (điều mà V.I. Lênin gọi là chính sách mậu dịch “siêu bảo hộ”). Đặc trưng của chính sách “siêu bảo hộ” là sự can thiệp mãnh mẽ của Nhà nước vào hoạt động ngoại thương, vào thương mại quốc tế thông qua một hệ thống biện pháp hạn chế nhập khẩu, thúc đẩy xuất khẩu, tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế quốc gia bành trướng thương mại ra nước ngoài. Chính sách bảo hộ mậu dịch từ chỗ có tính bảo vệ đã chuyển sang chính sách bảo hộ mậu dịch cực đoan nhằm mục tiêu bành trướng, xâm lược.
Trong thời kỳ giữa hai cuộc Đại chiến thế giới, thứ nhất (1914-1918) và thứ hai (1939-1944), sự cạnh tranh trên thị trường thế giới trở nên hết sức gay gắt, dẫn đến sự tăng cường những biện pháp siêu bảo hộ của khá nhiều quốc gia.
Sau Đại chiến thế giới thứ hai, trong bối cảnh quốc tế mới, với sự hình thành của hệ thống xã hội chủ nghĩa (XHCN) thế giới, sự tan rã hệ thống thuộc địa phù hợp với xu hướng mở rộng chuyên môn hóa và hợp tác quốc tế, các nước tư bản phát triển lại chuyển từ chính sách mậu dịch“siêu bảo hộ ” sang chính sách tự do hóa thương mại (chủ yếu giữa các nước trong các khối liên kết kinh tế khu vực và liên khu vực), có sự kết hợp với chính sách bảo hộ mậu dịch “có điều kiện” (còn gọi là “bảo hộ mậu dịch ôn hòa”).
Kể từ sau Đại chiến thế giới thứ 2, trên thế giới đã hình thành nhiều khối liên kết khu vực và liên khu vực ở các châu lục, trong đó tiêu biểu là:
a) Cộng đồng Kinh tế (CĐKT) châu Âu (EEC) hay khối thị trường chung, thành lập năm 1957- một liên minh kinh tế hùng mạnh với 12 thành viên sáng lập, chiếm 20,9% GNP của thế giới với doanh số buôn bán giữa các nước thành viên chiếm gần 40% doanh số ngoại thương thế giới. Cộng đồng Kinh tế châu Âu đã chuyển thành liên minh châu Âu (EU) với 27 thành viên và đang có xu hướng mở rộng ra nhiều nước châu Âu khác. Từ đầu năm 1993, các nước thành viên CĐKT châu Âu (EEC) đã thực hiện đầy đủ chính sách tự do thương mại, xóa bỏ hàng rào thuế quan giữa các nước trong cộng đồng, thực thi tự do hóa việc di chuyển hàng hóa, dịch vụ, tư bản, lao động giữa các nước thành viên.
b) Hội mậu dịch tự do châu Âu (EFTA), thành lập năm 1959, gồm 6 nước công nghiệp phát triển Bắc và Trung Âu.Ngay từ đầu năm 1993, Liên hiệp thuế quan EEC và EFTA đã xúc tiến xây dựng không gian châu Âu nhằm hình thành một thị trường thống nhất gồm đa số các nước châu Âu.
c) Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ban đầu gồm 6 thành viên và nay đã mở rộng đến 11 quốc gia. Hội nghị thượng đỉnh Asean lần thứ 5 tại Brunei (6/11/2001) đánh dấu một mốc quan trọng của sự hợp tác khu vực giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Các nhà lãnh đạo của Asean và Trung Quốc đã đồng ý thành lập khu vực mậu dịch tự do trong vòng 10 năm (gọi tắt là ACFTA). Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) được ký kết ngày 29-11-2004, có hiệu lực từ đầu năm 2005 và các nước bắt đầu thực hiện cắt giảm thuế từ ngày 1-7-2005. Vào ngày 31 tháng 12 năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community - AEC) được thành lập.
d) Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA), thành lập 1992, bao gồm Bắc Mỹ, Canada và Mehico. Các nước thành viên NAFTA chủ trương từng bước xóa bỏ hàng rào thuế quan và các cản trở sự giao lưu hàng hóa trong nội bộ khu vực trong thời hạn 15 năm (1992-2013).
Gần đây, sau 14 tháng đàm phán, Mỹ, Canada và Mexico đã đạt đồng thuận về một Hiệp định tự do mậu dịch Bắc Mỹ mới - Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) - phiên bản mới của Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), thay thế cho NAFTA vào cuối năm 2018. Tuy nhiên, USMCA vẫn chưa được Quốc hội Mỹ thông qua. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy thỏa thuận thương mại này có thể phải đối mặt với nhiều rào cản để được Hạ Viện Mỹ thông qua.
e) Hiệp định thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA) là một khu vực thương mại tự do bao gồm 54 trong số 55 quốc gia thuộc Liên minh châu Phi, ngoại trừ quốc gia Eritrea, được ký kết tại Kigali - Rwanda vào ngày 21/3/2018. Đây là khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới về các quốc gia tham gia, kể từ khi thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới. Hiệp định này (AfCFTA) nhằm mục đích gắn kết 1,3 tỷ người, tạo ra một khối kinh tế 3,4 nghìn tỷ USD, có thể mở ra một kỷ nguyên phát triển mới tại khu vực châu Phi.
Trên bình diện toàn cầu, Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (HĐTQTM - GATT) ra đời ngày 1-1-1948, là sự cam kết của các nước thành viên GATT không trở lại chính sách mậu dịch “siêu bảo hộ” của những thập niên đầu thế kỷ 20, là sự phản ánh xu hướng tự do hóa thương mại, đồng thời vẫn chấp nhận chính sách bảo hộ mậu dịch có tính tự vệ bằng các biện pháp thuế quan. Hiệp định cũng dành cho các nước đang phát triển một số ưu đãi so với các nước phát triển. Nhìn chung, GATT là một hệ thống các qui định về thương mại quốc tế đối với các nước thành viên, đã thu hút được sự tham gia của đông đảo các quốc gia trên thế giới. Các nước ngày càng nhận thức được lợi ích lâu dài của chính sách tự do hóa thương mại đối với sự phát triển và tăng trưởng nền kinh tế quốc dân. Từ 23 nước thành viên ban đầu, năm 1993 tăng lên 113 nước, chiếm 90% doanh số thương mại thế giới và 125 nước năm 1994.
Tự do hóa thương mại, với nội dung giảm thiểu, từng bước xóa bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan cản trở giao lưu hàng hóa và dịch vụ, phù hợp với xu thế quốc tế hóa đời sống kinh tế, toàn cầu hóa và khu vực hóa kinh tế, trên cơ sở lý thuyết “lợi thế so sánh” và quan điểm kinh tế mở. Dưới góc độ đó, đối với các quốc gia, tự do hóa thương mại là một tất yếu khách quan, một mục tiêu cần đạt. Mặt khác, tự do hóa thương mại mà hệ quả là “mở cửa” thị trường nội địa cho hàng hóa, dịch vụ nước ngoài xâm nhập, thường có lợi cho các nước phát triển, có tiềm lực về kinh tế, khoa học và công nghệ, hàng hóa và dịch vụ có sức cạnh tranh cao và về cơ bản không có lợi cho các nước đang, nhất là kém phát triển mà hàng hóa và dịch vụ chưa đủ sức cạnh tranh với hàng hóa và dịch vụ của nước ngoài, ngay ở thị trường nước mình.
Tự do hóa thương mại là một quá trình, trong quá trình đó, bất kỳ quốc gia nào, dù lớn hay nhỏ, dù phát triển hay đang phát triển, đều phải xuất phát từ lợi ích của bản thân và phải căn cứ vào điều kiện cụ thể của mình để xử lý vấn đề, trên cơ sở kết hợp 2 mặt đối lập: tự do và bảo hộ, trong chính sách thương mại, với mức độ khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện từng nước, từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế. Điều đó giải thích tại sao các nước phát triển đều cổ vũ mạnh mẽ cho chính sách tự do thương mại, tuy mức độ có khác nhau, trong khi các nước đang phát triển lại dè dặt hơn đối với chính sách này và nói chung đều thực hiện chính sách bảo hộ mậu dịch với mức độ khác nhau đối với những mặt hàng hoặc dịch vụ nhất định.
Từ giữa những năm 1980, đối với các nước phát triển, mức độ bảo hộ mậu dịch có giảm so với thời kỳ trước đó. Nhưng sự bảo hộ vẫn tồn tại đối với nông nghiệp và những ngành công nghiệp bị suy giảm (dệt và may mặc, thực phẩm, da, sắt thép, hóa dầu...) và sự can thiệp của nhà nước có xu hướng gia tăng. Thuế nhập khẩu ưu đãi (tối huệ quốc) tại các nước phát triển đối với hàng công nghiệp từ 40% (bình quân) vào những năm cuối chiến tranh thế giới thứ 2 giảm xuống 6% tại vòng đàm phán Tokyo năm 1987 và dưới 5% sau vòng đàm phán Uruguay năm 1994. Nhưng thuế suất (nhập khẩu) đối với lương thực thực phẩm, da, hàng dệt và may mặc là những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của các nước đang phát triển... vẫn được đang duy trì ở mức độ cao, trong khi thuế suất đối với thiết bị, hàng tiêu dùng lâu bền lại tương đối thấp. Điều đó rõ ràng không có lợi cho xuất khẩu của các nước đang phát triển.
Khi một biện pháp phi thuế quan gây cản trở thương mại không biện minh được theo tinh thần và các nguyên tắc của WTO, biện pháp này bị coi là một hàng rào phi thuế quan (Non Tariff Barrier - NTB). Cần phải nhấn mạnh là thuật ngữ “hàng rào phi thuế quan” tuy được sử dụng rộng rãi nhưng là một thuật ngữ khá mơ hồ và không phải là thuật ngữ chính thống được WTO sử dụng. Các văn bản pháp lý của WTO chỉ sử dụng thuật ngữ “biện pháp phi thuế quan” mà không bao giờ nhắc đến hàng rào phi thuế quan. Điều thú vị khi thuật ngữ “hàng rào” chỉ được sử dụng có một lần trong các văn bản của WTO, đó là “ Hiệp định về các Hàng rào kỹ thuật đối với thương mại - TBT”, nhưng trong chính hiệp định, thuật ngữ này không hề được nhắc lại. Cần lưu ý là trong thực tế nhiều khi rất khó phân biệt một biện pháp phi thuế quan có phải là một rào cản phi thuế quan hay không. Ngoài ra, một biện pháp phi thuế quan có thể là hợp pháp trong một giai đoạn nhất định nhưng có thể bị coi là một rào cản phi thuế quan vào một giai đoạn khác.
Nếu như biện pháp thuế quan rất rõ ràng và dễ dự đoán thì các biện pháp phi thuế quan có thể làm nhiễu tín hiệu chỉ dẫn quyết định của người sản xuất và người tiêu dùng cũng như tín hiệu chỉ dẫn việc phân bổ nguồn lực trong nội bộ nền kinh tế, phản ánh không trung thực lợi thế cạnh tranh. Mặc dù về lý thuyết, WTO chỉ thừa nhận thuế quan là công cụ bảo hộ hợp pháp duy nhất nhưng thực tế đã chứng minh rằng các nước không ngừng sử dụng các biện pháp phi thuế quan mới.
Mức độ cần thiết và lý do sâu xa dẫn đến việc bảo hộ sản xuất nội địa của từng nước cũng khác nhau, đối tượng cần bảo hộ cũng khác nhau khiến cho các hàng rào phi thuế ngày càng trở nên đa dạng hơn. Có thể sử dụng nhiều biện pháp phi thuế quan để phục vụ một mục tiêu. Mặt khác, một biện pháp phi thuế quan có thể đồng thời phục vụ hiệu quả nhiều mục tiêu khác nhau. Xu hướng chung trong việc sử dụng các biện pháp phi thuế quan để bảo hộ sản xuất trong nước là chuyển từ các biện pháp mang tính chất hạn chế định lượng trực tiếp: cấm nhập khẩu, quy định các hạn ngạch (quota) nhập khẩu sang các biện pháp tinh vi hơn như chống bán phá giá (CBPG), chống trợ cấp (CTC), tự vệ (TV), tiêu chuẩn kỹ thuật (TCKT). Ngoài ra, xu hướng sử dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu gắn với yêu cầu tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường và lao động đang nổi lên và được nhiều nước phát triển hậu thuẫn mạnh mẽ. Đáng chú ý là các biện pháp phi thuế quan thường được các nước công nghiệp sử dụng đối với hàng xuất khẩu từ các nước đang phát triển nhiều hơn đối với hàng xuất khẩu từ các nước công nghiệp, đặc biệt đối với những sản phẩm công nghiệp (hàng dệt và may mặc, giày dép, thủy sản…) đều là đối tượng của các biện pháp phi thuế quan.
Năm 1995, GATT trở thành WTO theo các điều lệ mới và vòng đàm phán hiện tại mang tên Nghị sự Phát triển Doha (Qatar). Với sự ra đời của WTO), tự do hóa thương mại phát triển về bề rộng và bề sâu. Tổ chức Thương mại Thế giới không phải là sự mở rộng của HĐTQTM (GATT) mà WTO hoàn toàn thay thế GATT và có những khác biệt quan trọng. Là một thể chế, một tổ chức quốc tế thường trực có phạm vi toàn cầu trong lĩnh vực thương mại quốc tế, WTO sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình tự do hóa thương mại giữa các nước thành viên tự nguyên tham gia WTO.
Phân tích lịch sử phát triển, tác động của thương mại quốc tế đối với sự tăng trưởng kinh tế của thế giới và các quốc gia, có thể kết luận: tự do hóa thương mại tạo ra một thị trường thế giới thông thoáng, góp phần thúc đẩy công cuộc chấn hưng kinh tế, mỗi quốc gia có thể khai thác những lợi thế của sự phân công lao động, mở rộng hợp tác quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại. Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy trong điều kiện sự phát triển không đều giữa các quốc gia, tự do hóa ngoại thương là một vấn đề phức tạp. Tự do hóa thương mại có mặt tích cực cần triệt để khai thác để tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Nhưng nước ngoài cũng có thể lợi dụng chính sách tự do hóa thương mại đối với các quốc gia kém phát triển. Vì vậy, khai thác mặt tích cực, đi đôi với hạn chế, khắc phục măt tiêu cực của tự do hóa thương mại nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia, hội nhập với thế giới bên ngoài, nhưng vẫn giữ được bản sắc của mình là rất cần thiết. Đó là mục tiêu và là nội dung của chính sách và cơ chế quản lý ngoại thương của một nước trong từng giai đoạn phát triển.
Các nước tiến hành tự do hóa thương mại thế nào?
Tài liệu nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, được trình bày trong hội thảo “tự do hóa thương mại - những bài học kinh nghiệm ”diễn ra tại Hà nội trong 2 ngày 18 và 19/5/1992 đã khái quát sự phân tích quá trình thương mại hóa ở 19 nước thông qua 36 chương cải cách. Kết quả của công trình nghiên cứu đã đi đến một số kết luận, nhận định có giá trị tham khảo. Những yếu tố chung, bảo đảm sự thành công của tự do hóa thương mại có thể tóm tắt như sau:
1. Lựa chọn cường độ tiến hành cải cách
Những chương trình cải cách mạnh mẽ và sâu rộng đi kèm với những biện pháp cụ thể sẽ đem lại thành công vững chắc hơn là các chương trình cải cách bắt đầu một cách dè dặt, cầm chừng.Thực tế cũng cho thấy: nếu một chương trình cải cách tồn tại được trong khoảng thời gian 6 năm, thì rất có khả năng sẽ tồn tại được mãi mãi. Yếu tố 6 năm được gắn với nhiệm kỳ tồn tại của một chính phủ và thời kỳ chuyển tiếp của chính phủ mới. Khi chính phủ thay đổi - nghĩa là môi trường chính trị có thay đổi mà chương trình cải cách vẫn sống, tức là nó có khả năng tồn tại lâu dài.
2. Giảm những hạn chế về hạn ngạch (quota)
Những chế độ thương mại không tự do thường áp dụng rộng rãi chế độ quản lý bằng hạn ngạch. Do vậy, việc giảm hạn ngạch là một trong những nội dung quan trọng của cải cách thương mại theo hướng tự do hóa. Đặc biệt, những cuộc cải cách thương mại mạnh mẽ thường bao gồm những biện pháp táo bạo để giảm hệ thống hạn ngạch.Công trình nghiên cứu cho thấy: có khoảng một nửa chương trình tự do hơn thương mại tiến hành cải cách sâu rộng hệ thống hạn ngạch. Tỷ lệ thành công của cải cách các chương trình này là 9/11.
Theo các nhà nghiên cứu thì với chế độ hạn ngạch, người sản xuất khó mua được nguyên vật liệu cần thiết, còn với chế độ thuế nhập khẩu thì họ có thể mua được. Chế độ hạn ngạch có thể làm tắc nghẽn lưu thông, khuyến khích các xí nghiệp đầu cơ tích trữ các nguyên vật liệu thiết yếu, dẫn đến lãng phí và tốn kém. Chế độ hạn ngạch tạo ra những hoạt động chủ yếu mưu cầu lợi nhuận và kinh tế ngầm. Ngoài ra, chế độ quota còn che đậy mức độ bảo hộ, và nguồn lợi kinh tế trong nhiều trường hợp rơi vào túi những người hay đơn vị được cấp quota. Thay chế độ cấp quota bằng chế độ thuế là việc làm phổ biến của các nước tiến hành cải cách theo hướng tự do hóa thương mại. Tuy nhiên, trong một số trường hợp chế độ hạn ngạch có ý nghĩa là biện pháp phân bổ nguồn dự trữ ngoại tệ khan hiếm. Mặt khác, với các nhu cầu quan trọng (cả ở chiều xuất lẫn ở chiều nhập), Nhà nước có thể khống chế việc cân đối cung - cầu, nhất là đối với những nước quan hệ cung-cầu còn cẳng thẳng. Nói cách khác, không phải hạn ngạch là mọi mặt đều xấu; cần cân nhắc cái gì giữa hạn ngạch, cái gì cần xóa bỏ cho phù hợp với điều kiện từng nước. Xu hướng chung là giảm mạnh, chỉ giữ một số lượng khống chế bằng hạn ngạch tối thiểu, hoặc xóa quota hoàn toàn.Có thể chuyển cấp quota sang bán đấu giá quota (như trường hợp Tân Tây Lan) cũng cho phép tăng hiệu quả hoạt động kinh tế.
3. Tiến đến một tỷ giá hối đoái thực tế
Ở giai đoạn đầu của quá trình cải cách, người ta thực hiện việc giảm giá đồng bản tệ. Bằng biện pháp đó người ta tăng giá những mặt hàng có thể xuất khẩu được so với những mặt hàng dùng để tiêu dùng trong nước. Sự thay đổi giá cả tương ứng với sự thay đổi giá đồng bản tệ sẽ thúc đẩy việc sản xuất và kinh doanh hàng xuất khẩu phát triển.Giai đoạn tiếp theo là cố gắng ổn định tỷ giá hối đoái thực tế, tránh sự lên xuống đột biến của nó. Để thực hiện vấn đề này, ngoài những biện pháp nghiệp vụ kỹ thuật của ngân hàng, còn phải thực hiện đồng bộ các chính sách tài chính và các biện pháp chống lạm phát hữu hiệu.
4. Phải có chính phủ ổn định và các chính sách kinh tế vĩ mô đúng đắn
Chính phủ phải mạnh, tập trung quyền lực, tạo cơ hội đồng đều cho mọi thành phần kinh tế phát triển. Về điểm này, kinh nghiệm Philippin có 5 điểm đáng chú ý:
- Một là, tầm nhìn các chính sách phải xa và rộng.
- Hai là, có sự phối hợp tốt giữa các ngành hành pháp và lập pháp.
- Ba là, phải khắc phục tình trạng quan liêu
- Bốn là, vai trò quan trọng của các cơ quan cung cấp tài trợ song phương, đa phương.
- Năm là, xử lý tốt các mặt kỹ thuật của tự do hóa thương mại, đặc biệt những vấn đề liên quan đến nghiệp vụ ngân hàng.
5. Có trình tự cải cách hợp lý
Những chương trình cải cách thường thất bại nếu bắt tay ngay vào xử lý việc tự do hóa thị trường vốn, trước khi tiến hành tự do hóa thương mại. (Còn tiếp)
Vũ Huy Hùng
Phòng Thông tin, Thư viện và Xúc tiến thương mại - VIOIT