NGHIÊN CỨU

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Nghiên cứu

Thương mại Việt - Trung trên đường biển: Nhìn từ thực tiễn vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ

22/02/2023

1. Một số nét khái quát về vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ

Vành đai kinh tế là một tuyến nối liền các vùng lãnh thổ của một hoặc nhiều quốc gia nhằm mục đích liên kết, hỗ trợ lẫn nhau để khai thác có hiệu quả lợi thế so sánh của các khu vực địa - kinh tế nằm trên cùng một dải bao quanh một khu vực (thành phố, vịnh,…). Xây dựng vành đai kinh tế không những phát triển được kinh tế của những địa phương, khu vực nằm trên vành đai mà còn góp phần phát triển cả những vùng xung quanh, thông qua việc thúc đẩy lưu thông hàng hoá và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông ("Hai hành lang và một vành đai kinh tế - từ ý tưởng đến hiện thực", Nguyễn Văn Lịch, Tạp chí Cộng sản số 11 tháng 6-2005).

Vịnh Bắc Bộ là một trong những vịnh lớn ở Đông Nam Á và thế giới, nằm ở phía Tây Bắc biển Đông. Ba mặt Vịnh được bao bọc bởi lục địa Việt Nam và Trung Quốc ở phía Tây và Bắc và đảo Hải Nam ở phía Đông. Vịnh thông ra Biển Đông qua cửa phía Nam, nằm giữa Tây Nam đảo Hải Nam và bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) và qua eo biển Quỳnh Châu nằm giữa bán đảo Lôi Châu và phía Bắc đảo Hải Nam. Bờ Vịnh Bắc Bộ thuộc 10 tỉnh, thành phố của Việt Nam với tổng chiều dài khoảng 763 km và thuộc 3 tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông và Hải Nam của Trung Quốc với tổng chiều dài khoảng 695 km.

Sáng kiến xây dựng “Hai hành lang, một vành đai” được Việt Nam đưa ra tháng 5/2004, trong chuyến thăm Trung Quốc của cố Thủ tướng Phan Văn Khải. Đó là hai hành lang kinh tế “Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng”, hành lang “Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng” và một “Vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ”. Đây là một sáng kiến hợp tác có tính liên vùng và xuyên quốc gia, nhằm tận dụng và khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế của các địa phương mà “Hai hành lang một vành đai kinh tế” đi qua, đồng thời phát huy vai trò lan tỏa của nó đối với các địa phương khác thuộc Tây Bắc, Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam và vùng Tây Nam Trung Quốc, hướng tới mục tiêu chung là cùng có lợi và cùng phát triển bền vững.

Vịnh Bắc Bộ có vị trí chiến lược quan trọng đối với Việt Nam và Trung Quốc cả về kinh tế lẫn quốc phòng, an ninh. Vịnh là con đường ra biển thuận lợi của khu vực Tây Nam Trung Quốc (Khu vực Đại Tây Nam Trung Quốc gồm 3 tỉnh Vân Nam, Quảng Châu, Tứ Xuyên, hai khu tự trị dân tộc là Quảng Tây và Tây Tạng; Diện tích 2,56 triệu km2, chiếm 27% diện tích Trung Quốc; Dân số 250 triệu người), là con đường vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu thuận lợi giữa Trung Quốc và các nước ASEAN thông qua Việt Nam.

Phạm vi hợp tác không gian của vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ: Đứng từ góc độ quốc gia - là hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc; Lấy cấp tỉnh của hai nước làm đơn vị hợp tác - phía Việt Nam có 10 tỉnh, thành phố ven Vịnh Bắc Bộ, phía Trung Quốc có 3 tỉnh ven Vịnh Bắc Bộ là Quảng Tây, Quảng Đông và Hải Nam. Trên thực tế không phải toàn bộ các châu của tỉnh Quảng Tây và Quảng Đông nằm trên Vành đai, mà Quảng Tây có 3 thành phố (Cảng Phòng Thành, Khâm Châu và Bắc Hải) và Quảng Đông có 1 thành phố (Trạm Giang).

Xây dựng vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ không những thúc đẩy kinh tế của 13 tỉnh, thành phố nằm ven Vịnh Bắc Bộ (10 tỉnh, thành phố phía Việt Nam và 3 tỉnh phía Trung Quốc - 10 tỉnh và thành phố của Việt Nam nằm trên vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ (nằm ven Vịnh Bắc Bộ, trong vùng phân tuyến Vịnh Bắc Bộ của Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ): Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị; 3 tỉnh của Trung Quốc nằm trên vành đai Vịnh Bắc Bộ là Quảng Tây, Quảng Đông và Hải Nam) mà còn tác động, lan tỏa tới những vùng xung quanh của hai nước thông qua việc thúc đẩy lưu thông hàng hoá và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông.  

2. Thực tiễn phát triển thương mại Việt - Trung trên vành đai

Kể từ khi bình thường hóa, thương mại, dịch vụ đã góp phần vào việc củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực giữa hai nước, bộ mặt thương mại và thị trường có nhiều khởi sắc, đặc biệt là ở các tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới.

Năm 2010, Trung Quốc lần đầu tiên chính thức trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, hiện vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của nước ta, chiếm 44,5% xuất khẩu và 47,6% nhập khẩu của Việt Nam từ khu vực Đông Bắc Á. Trong những năm qua, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc dù được cải thiện cả về chất lượng và gia tăng về quy mô, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với tốc độ gia tăng của nhập khẩu. Điều  đó có thể thấy rõ khi nhìn vào “bức tranh thống kê ” phản ánh động thái quan hệ thương mại giữa hai nước trên tuyến đường biển vành đai vịnh Bắc Bộ .

Về quy mô xuất, nhập khẩu

Trong giai đoạn 2015-2019, tuy tốc độ tăng không cao, song kim ngạch xuất khẩu qua đường biển của toàn tuyến vành đai vẫn gia tăng với tốc độ trung bình khá. Năm 2019 đạt 6.162,3 triệu USD, gấp 2,4 lần năm 2015. So với kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc của cả nước, chiếm tỷ trọng 14,9%.

Đồ thị 01. Kim ngạch xuất khẩu của vành đai so với kim ngạch xuất khẩu của cả nước sang thị trường Trung Quốc

                                                                                                ĐVT : Triệu USD

Nguồn: Niên giám thống kê Hải quan;Cục Thống kê các địa phương vành đai và tính toán của nhóm nghiên cứu

So sánh trong mối tương quan với các thị trường xuất khẩu của 10 tỉnh thuộc vành đai, có thể thấy mặc dù vẫn chiếm vị trí quan trọng, song tỷ trọng kim ngạch xuất sang thị trường Trung Quốc có xu hướng giảm. Giai đoạn 2015-2019, năm cao nhất - 2017, tỷ trọng chiếm 31,3%, năm 2019, con số này chỉ còn 21,7%.

Đồ thị 02: Kim ngạch xuất khẩu của vành đai sang thị trường Trung Quốc so với tổng kim ngạch xuất khẩu của vành đai

                                                                        ĐVT : Triệu USD

Nguồn: Niên giám thống kê Hải quan; Cục Thống kê các địa phương vành đai và tính toán của nhóm nghiên cứu

Trong 05 năm vừa qua, kim ngạch nhập khẩu của 10 tỉnh thuộc vành đai từ thị trường Trung Quốc không có biến động lớn. Xét về tỷ trọng (so với kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc của cả nước), quy mô nhập khẩu của vành đai có xu hướng giảm, năm cao nhất - 2016, chiếm 26,2%, năm 2019 chỉ chiếm 15,9%.

Xét về tỷ trọng, lượng nhập siêu của vành đai từ thị trường này năm cao nhất - 2018 chiếm 39,4%, năm thấp nhất - 2019 giảm nhanh, chiếm gần 20% lượng nhập siêu từ Trung Quốc của cả nước.

Bảng 01: Nhập siêu của vành đai và tỷ trọng so với mức nhập siêu của cả nước từ thị trường Trung Quốc

                                                                                     ĐVT : Triệu USD


2015

2016

2017

2018

2019

Nhập siêu của cả nước (NSCN)

32389,4

28058,7

22765,7

24169,2

34037,8

Nhập siêu của vành đai (NSVĐ)

8064,3

9588,7

8153,2

9512,5

5869,9

Tỷ trọng NSVĐ so với NSCN %

24,9

34,2

35,8

39,4

17,2

Nguồn: Niên giám thống kê Hải quan;Cục Thống kê các địa phương vành đai và tính toán của nhóm nghiên cứu

Tuy nhiên nếu so với tổng kim ngạch nhập khẩu từ các thị trường của các tỉnh thuộc vành đai, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc giữ tỷ trọng khá lớn, bình quân chiếm trên 50%. Năm cao nhất - 2016, chiếm tới 80,4%, năm thấp nhất là 2019 cũng chiếm 40,7%.

Đồ thị 03: Kim ngạch nhập khẩu của vành đai từ thị trường Trung Quốc so với tổng kim ngạch nhập khẩu của vành đai

                                                                        ĐVT : Triệu USD

Nguồn: Niên giám thống kê Hải quan; Cục Thống kê các địa phương vành đai và tính toán của nhóm nghiên cứu.

Trong những năm 2020-2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, xuất nhập khẩu trên toàn tuyến vành đai cũng bị tác động không nhỏ. Kim ngạch xuất, nhập khẩu đều giảm so với những năm trước. Năm 2022, có xu hướng hồi phục nhanh (chiếm 17,9% so với kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc của cả nước; và 18,1% kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này).

Về mặt hàng xuất, nhập

Nhìn vào thực tiễn các mặt hàng có quan hệ trao đổi thương mại giữa hai nước qua vành đai trong những năm gần đây, có thể thấy Việt Nam đóng vai trò chuyên trách cung cấp nguyên liệu và nông sản thô cho Trung Quốc.

Xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này trên vành đai, tập trung nhiều nhất ở nhóm hàng trung gian (bao gồm quặng, khoáng sản, cao su, xơ sợi…), hàng tiêu dùng (bao gồm rau quả, thủy sản, gạo, sắn…). Giai đoạn 2015-2019, các mặt hàng rau quả, thủy sản, cao su, clanke và xi măng, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng  có xu hướng tăng.

Nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là sản phẩm công nghiệp (máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; ô tô, phương tiện vận tải; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; vải; phụ liệu dệt may, da giày; sắt thép; xăng dầu và sản phẩm…) với khối lượng vượt trội, có xu hướng tăng trong 05 năm gần đây.

3. Những vấn đề đặt ra trong quan hệ thương mại Việt - Trung trên tuyến vành đai

Lợi thế của hàng xuất khẩu Việt Nam vẫn nằm tập trung vào các ngành có hàm lượng kỹ thuật thấp và nông lâm sản. Điều đáng lo ngại là nguồn lợi thu được một cách dễ dãi từ xuất khẩu tài nguyên và hàng thô sơ chế, hàng hóa hàm lượng kĩ thuật thấp có thể triệt tiêu động lực nâng cấp ngành để tham gia vào các phân khúc cao hơn trong chuỗi sản xuất khu vực của quốc gia. 

Lượng hàng trung gian nhập khẩu quá lớn phản ánh kinh tế vành đai, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn đang phải bươn chải, phụ thuộc rất lớn vào nguồn hàng nhập từ Trung Quốc. Khả năng cạnh tranh, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ yếu cũng cho thấy chúng ta đang quá phụ thuộc vào thị trường này, cả hàng trung gian lẫn hàng tiêu dùng cuối cùng. Phần nguyên liệu đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc cũng cho thấy các ngành thuộc khu vực vành đai có khả năng cạnh tranh với Trung Quốc chủ yếu là các ngành sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng thấp .

Nhìn lại những năm đã qua, có thể nói, bên cạnh những mặt đạt được, vẫn còn một số tồn tại có thể kể tới là:

- Chúng ta ch­ưa tận dụng được cơ hội để khai thác, thâm nhập sâu trong bối cảnh Trung Quốc mở cửa thị tr­ường, đặc biệt là đối với mặt hàng nông, thuỷ sản của Việt Nam mà các tỉnh Tây Nam nước Bạn có nhu cầu lớn.

- Thương mại chưa thật sự gắn với đầu tư và chuyển giao công nghệ.

- Mặc dầu có lợi thế về vị trí địa kinh tế, nhưng vẫn chưa khai thác triệt để yếu tố này để gia tăng kim ngạch xuất. Lượng hàng hoá của Trung Quốc quá cảnh qua Vành đai vẫn còn nhỏ. Thực tế cho thấy, nếu không có sự cải thiện, hàng hoá Việt Nam rất khó thâm nhập vào thị trường các khu vực phát triển của Trung Quốc do tính chất tương đồng và sức cạnh tranh .

- Dịch vụ logicstic chậm phát triển, sức cạnh tranh thấp nên ảnh hưởng khá lớn đến tốc độ và việc đa dạng các hình thức thương mại.

- Chống buôn lậu mặc dầu được triển khai quyết liệt song vẫn tiếp tục tiếp diễn với nhiều phương thức tinh vi hơn.

Xem xét các nhân tố khách quan và chủ quan, có thể nói một cách tổng quát: giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo, quan hệ thương mại trên tuyến vành đai tiếp tục tăng trưởng cả về quy mô lẫn giá trị, tuy nhiên Việt Nam vẫn là nước nhập siêu trong quan hệ thương mại với Trung Quốc. Quan hệ này sẽ tiếp tục chịu tác động của nhiều yếu tố đan xen về kinh tế - chính trị - xã hội. Tuy nhiên thương mại đường biển trên vành đai vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong quan hệ thương mại giữa hai quốc gia.

4. Giải pháp khai thác và thúc đẩy phát triển quan hệ thương mại Việt - Trung vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ

4.1. Về phía Nhà nước

4.1.1. Hoàn thiện lập khuôn khổ pháp lý cho việc xây dựng vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ

Mặc dù, đến nay Chính phủ hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết trên 30 Hiệp định hợp tác song phương giữa hai nước, trong đó các Hiệp định liên quan đến xây dựng vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ như Hiệp định Thương mại Việt - Trung (1991), Hiệp định Hợp tác Kinh tế - Thương mại liên chính phủ (1994), Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định về Hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ (2000), Hiệp định Vận tải biển, Hiệp định hàng hoá quá cảnh, Hiệp định Hợp tác du lịch, Hiệp định Thanh toán và Hợp tác liên ngân hàng…  tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc đẩy mạnh hợp tác vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ. Tuy nhiên, để xây dựng thành công vành đai kinh tế này theo các phương hướng, mục tiêu đặt ra, cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ cho các hoạt động hợp tác toàn diện giữa hai nước trên Vành đai. Bao gồm: (1) Khuôn khổ pháp lý về hợp tác giữa hai Nhà nước, hai Chính phủ về xây dựng vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ; (2) Các văn bản pháp lý về hợp tác giữa chính quyền các địa phương của hai nước thuộc khu vực Vành đai; (3) Các qui định pháp lý của Nhà nước Việt Nam về tổ chức quản lý hoạt động kinh tế tại các địa phương thuộc vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ.

Các văn bản pháp lý chính yếu cần được xây dựng, bổ sung, ký kết và ban hành để xây dựng vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ như :

- Văn bản phê duyệt báo cáo/đề án nghiên cứu hợp tác "Xây dựng vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ".

- Hiệp định hợp tác “Xây dựng vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ”. Nội dung cơ bản của Hiệp định sẽ gồm: Mục tiêu và những nguyên tắc hợp tác, cơ chế hợp tác, trách nhiệm của Chính phủ, các bộ/ngành, chính quyền địa phương của hai nước trong quá trình hợp tác xây dựng vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ. Đồng thời, xác định các nội dung và hạng mục chính của sự hợp tác giữa hai nước.

- Một số văn bản hợp tác về các lĩnh vực cụ thể : Đề án xây dựng tuyến đường cao tốc Vịnh Bắc Bộ (đường bộ); Đề án xây dựng tuyến đường sắt Vịnh Bắc Bộ; Đề án xây dựng các tuyến đường cao tốc trên biển Vịnh Bắc Bộ; Đề án xây dựng và khai thác các cảng biển Vịnh Bắc Bộ; Đề án hợp tác về buôn bán hai chiều và xây dựng hệ thống phân phối hàng hoá trên vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ; Đề án hợp tác phát triển du lịch trên vành đai Vịnh Bắc Bộ, xây dựng và khai thác các tuyến du lịch vòng quanh Vịnh Bắc Bộ.

Trong quá trình hợp tác Việt - Trung xây dựng vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ sẽ khó tránh khỏi những bất đồng, khác biệt về lợi ích giữa hai bên. Vì thế, việc xác lập cơ chế giải quyết những bất đồng, khác biệt về lợi ích giữa hai bên Việt - Trung trong quá trình hợp tác xây dựng vành đai là rất cần thiết.

Phương thức chủ yếu để giải quyết các bất đồng, khác biệt về lợi ích giữa hai bên Việt - Trung là thương thảo và nhân nhượng lẫn nhau, tôn trọng và tin cậy lẫn nhau, bổ sung cho nhau để cùng có lợi trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc, tôn trọng các qui luật và nguyên tắc của kinh tế thị trường. Trong trường hợp đột biến phát sinh các bất đồng về lợi ích, các bên có liên quan cần thông báo ngay cho các cơ quan hữu quan để sớm gặp nhau thương thảo điều chỉnh đạt sự thống nhất. Trong mọi trường hợp xảy ra bất đồng và kết quả giải quyết các bất đồng về lợi ích giữa hai bên cần minh bạch hoá các biện pháp giải quyết và công khai hoá kết quả thực hiện. Mặt khác, cả hai bên cần tăng cường công tác dự báo, tiên liệu hoặc giả định các bất đồng, khác biệt lớn về lợi ích có thể xảy ra để phối hợp xây dựng các "kịch bản" giải quyết cho từng dạng thức và tình huống nảy sinh bất đồng đó. Bằng cách này, vừa tăng cường tính tuỳ thuộc lẫn nhau vừa tăng tính chủ động trong xử lý các tình huống nảy sinh bất đồng về lợi ích giữa hai bên.

4.1.2. Xây dựng các chương trình, kế hoạch khai thác lợi ích nhằm tạo lập không gian kinh tế chung của vành đai

Giai đoạn từ nay đến năm 2025, xây dựng vành đai Vịnh Bắc Bộ trở thành tuyến liên kết kinh tế có cơ sở hạ tầng tương đối hoàn thiện (trước hết và nòng cốt là tuyến cao tốc trên bộ, tuyến đường sắt và các tuyến cao tốc trên biển), hệ thống cảng biển.Thời kỳ sau năm 2020, tập trung xây dựng vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ thành trung tâm chế tạo và gia công mang tính khu vực của khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc, trung tâm thương mại và du lịch, trung tâm giao dịch quốc tế, giao lưu văn hoá của không chỉ khu vực ASEAN - Trung Quốc mà còn của cả dải kinh tế xung quanh Thái Bình Dương

Trước mắt cần tập trung vào các chương trình sau:

- Chương trình xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng vùng vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ: xây dựng hệ thống đường bộ, đường sắt xung quanh Vành đai và nối với các cảng biển để tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế thương mại trên vành đai.

- Chương trình cải tạo, nâng cấp, hiện đại hoá các cảng biển hiện có và có kế hoạch xây thêm cảng biển mới khi thấy cần thiết .

- Chương trình phát triển liên kết thị trường và phát triển thương mại của vùng vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ: Hình thành và phát triển các kênh lưu thông hàng hoá ổn định trong khu vực vành đai; thực thi thuận lợi hóa hoạt động xuất nhập khẩu trực tiếp giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực vành đai.

- Chương trình phát triển kinh tế hải sản của vùng vành đai, phương hướng hợp tác trong việc nuôi trồng hải sản ven bờ, đánh bắt hải sản xa bờ, đồng thời phải có biện pháp để bảo vệ nguồn lợi hải sản, các nguồn gen quí hiếm của Vịnh Bắc Bộ.

4.1.3. Cơ chế, chính sách thu hút và khuyến khích đầu tư phát triển kinh tế vành đai

Để thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực kinh doanh cảng biển, kho vận và liên vận quốc tế trên vùng vành đai, cần có những điều chỉnh về chính sách và qui định đầu tư hiện hành.Chính phủ cần có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đến vùng vành đai để đầu tư kinh doanh, cung cấp các dịch vụ vận tải đa phương thức, đồng thời chuyển giao các công nghệ vận tải đa phương thức cho các đối tác Việt Nam.

Nhà nước sử dụng một phần vốn ngân sách làm “vốn mồi” để đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở thông tin liên lạc, hạ tầng nhân lực; xúc tiến đầu tư và thương mại… để tạo hiệu ứng thu hút các nguồn vốn khác đầu tư cho phát triển kinh tế vùng vành đai.

Khuyến khích các mô hình liên kết đầu tư phát triển kinh doanh các ngành nghề trên vùng vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ. Chẳng hạn: khuyến khích các nhà đầu tư Trung Quốc liên kết với các doanh nghiệp Việt Nam thành lập các công ty sản xuất - chế biến - tiêu thụ trên vùng vành đai, bằng cách tạo ra chế độ "đồng sở hữu" giữa các nhà: nhà nông, nhà chế biến, nhà khoa học và nhà phân phối; hình thành mô hình liên kết theo các "Cluster" (cụm, nhóm) giữa các doanh nghiệp sản xuất và phân phối với nhau và với các ngân hàng, các cơ sở đào tạo, các trung tâm nghiên cứu - triển khai của cả phía Việt Nam và  Trung Quốc trên vành đai.

4.1.4. Chính sách tài chính - tín dụng và bảo hiểm

Sử dụng các công cụ hỗ trợ về tài chính đối với xuất khẩu sản phẩm hàng hoá của vùng vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ thông qua các chương trình hỗ trợ nâng cao hiệu quả như nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất hàng xuất khẩu, khuyến nông, khuyến ngư, phổ cập thông tin, xúc tiến thương mại, nâng cao năng lực quản lý… . Tuy nhiên việc hỗ trợ này không nên dàn trải mà nên tập trung cho những chương trình trọng điểm để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả, trước hết hướng vào hỗ trợ các ngành hàng thuỷ sản xuất khẩu, sản xuất chế biến nông sản, thực phẩm an toàn để xuất khẩu và ngành du lịch nhằm đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ, ngành công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển và các ngành kỹ thuật cao trên vùng vành đai Vịnh Bắc Bộ.

 Khuyến khích và hỗ trợ phát triển loại hình dịch vụ bảo hiểm rủi ro không thanh toán cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trên vùng Vành đai khi tiếp cận bạn hàng mới của Trung Quốc.

4.1.5. Chính sách thuận lợi hoá thương mại và phát triển thị trường

Xây dựng vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ trở thành hình mẫu về hợp tác tiểu vùng trong khuôn khổ hợp tác liên vùng ASEAN - Trung Quốc, phù hợp với tuyên bố chung "Hướng tới tăng cường quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc" đã được các nhà lãnh đạo các nước ASEAN và Trung Quốc ký kết (30/10/2006), phù hợp với lộ trình xây dựng khu thương mại tự do ACFTA (đến năm 2010 đối với sáu nước thành viên cũ và đến 2015 đối với bốn nước thành viên mới của ASEAN). Đây cần được coi là mục tiêu chung và các nguyên tắc chung của việc hoạch định các chính sách về phát triển thương mại, phát triển thị trường vùng vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ. Các mục tiêu và nội dung cụ thể cần tiến hành:

- Thuận lợi hoá và nâng cao hiệu suất thông quan tại cặp cửa khẩu quốc tế Móng Cái - Đông Hưng, thực hiện cơ chế thông quan “một điểm dừng một cửa” và tăng giờ làm việc/ngày,để tạo thuận lợi cho hàng hoá xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh.Đồng thời, tiện lợi hoá thủ tục visa cho nhân viên thương mại, các thương nhân đi lại trên vùng vành đai,tiến tới tự do hoá việc đi lại của các thương nhân, nhân viên thương mại, nhân viên du lịch và các nhân viên hoạt động chuyên ngành khác.

- Khuyến khích xây dựng và phát triển hệ thống kho vận liên thông lãnh thổ Việt -Trung trên vùng vành đai.Trong đó cần ưu đãi thu hút đầu tư để xây dựng một số trung tâm dịch vụ kho vận có qui mô lớn, hiện đại tại các khu vực cảng biển quan trọng trên vùng vành đai. Phát triển dịch vụ kho vận quốc tế cần được coi là hướng ưu tiên trọng điểm.

- Áp dụng chính sách ưu đãi đặc thù cho phát triển hoạt động thương mại trên vùng vành đai, gồm: ưu đãi về vị trí mặt bằng xây dựng các công trình thương mại (trung tâm thương mại, siêu thị, sàn giao dịch, kho hàng…); ưu đãi về thuế xuất khẩu đối với hàng hoá được sản xuất trên vùng vành đai; ưu đãi về thuế nhập khẩu vật tư, máy móc thiết bị phục vụ phát triển sản xuất trên vùng vành đai; ưu đãi về xúc tiến thương mại, về cung cấp thông tin thị trường cho các doanh nghiệp hoạt động trên vùng vành đai,v.v… .

- Phát triển thị trường vùng vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ theo mô thức thị trường trung chuyển hàng hoá giữa các nước ASEAN và Trung Quốc. Trong đó, chú trọng phát triển các mô hình trung tâm giao dịch thương mại quốc tế, các sàn giao dịch hàng hoá, sàn giao dịch điện tử, các hoạt động chuyển khẩu, vận tải quá cảnh, giao nhận, kho vận quốc tế…

Theo phương hướng trên, các cơ quan quản lý Nhà nước về thương mại của hai nước (ở cả Trung ương và địa phương các tỉnh, thành phố thuộc khu vực vành đai) cần sớm hợp tác xây dựng qui hoạch tổng thể và chi tiết hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển thương mại quanh Vịnh Bắc Bộ để thu hút đầu tư xây dựng. Đồng thời sớm xây dựng cơ chế khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác hạ tầng thương mại trên khu vực lãnh thổ quanh Vịnh Bắc Bộ. Các khu vực trọng điểm qui hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển thương mại quanh Vịnh Bắc Bộ là các thành phố ven biển, các khu vực cảng biển, cảng hàng không, các tuyến cao tốc và các cặp cửa khẩu biên giới trên bộ. Trong đó, cần ưu tiên hàng đầu cho qui hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển thương mại tại cặp cửa khẩu quốc tế Móng Cái - Đông Hưng, các cặp cửa khẩu quốc gia và địa phương trên tuyến biên giới giữa Quảng Ninh và Quảng Tây

4.2. Về phía doanh nghiệp và hiệp hội

Đẩy nhanh việc liên kết, đầu tư giữa các doanh nghiệp Việt Nam trên  vành đai để mở rộng không gian hoạt động kinh doanh, mở rộng ngành nghề và đầu tư chiều sâu nhằm tạo sức cạnh tranh chung và nâng cao sức cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp.

Đa dạng hóa các phương thức thương mại: Tận dụng mọi cơ hội để tham gia các hội chợ, triển lãm để giới thiệu  hàng của mình, khai thác nguồn hàng của nước bạn và phát triển phương thức xuất khẩu tại chỗ.Duy trì và mở rộng các hình thức kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh, hướng các doanh nghiệp hai bên đi vào hợp tác dài hạn; Mở rộng và phát triển các hình thức xuất khẩu dịch vụ như du lịch, vận tải biển, dịch vụ giao nhận hàng quá cảnh và các loại hình dịch vụ khác.

Thí điểm hình thức hợp tác nuôi trồng hải sản với doanh nghiệp 3 tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông và Hải Nam đi đôi với hợp tác trong chế biến và xuất khẩu các sản phẩm thu được.

4.3. Triển khai ứng dụng các thành tựu kỹ thuật số và công nghệ điện tử hiện đại

Việc làm này nhằm nhanh chóng thiết lập và vận hành một môi trường đầu tư và kinh doanh tiệm cận nền công nghiệp 4.0; đặc biệt thúc đẩy các cam kết trong khu vực và ASEAN về thương mại điện tử, thông quan “một cửa, một điểm dừng” rút ngắn thời gian và chi phí cho các hoạt động thương mại và logistic.

Đẩy nhanh việc hình thành các chuỗi liên kết giá trị giữa sản xuất, thương mại, dịch vụ. Đặc biệt hình thành các chuỗi liên kết vùng và liên kết xuyên biên giới nhằm tận dụng những tiềm năng và lợi thế giữa hai nước cũng như phát huy lợi thế “mắt xích” của 10 tỉnh vành đai với TP Hà Nội và toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.

Tháo gỡ các rào cản về thể chế và chính sách, hài hòa hóa các quy định chính sách cũng như thủ tục giữa hai nước và các địa phương có chung biên giới và cặp cửa khẩu qua đó phát huy được tối đa các chuỗi giá trị sản xuất, thương mại và dịch vụ qua biên giới. Đặc biệt có chủ trương và đề xuất cụ thể nhằm nâng cấp, tập trung nguồn lực thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng thúc đẩy sự hình thành trong tương lai một khu hợp tác kinh tế qua biên giới Móng Cái – Đông Hưng.

5. Kiến nghị những việc trước mắt

Nhu cầu của thị trường láng giềng khổng lồ đang hướng tới các sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh, có nguồn gốc rõ ràng và có trách nhiệm với cộng đồng.Vì vậy cần quyết liệt hơn khi thực thi Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1137/QĐ-TTg ngày 03 tháng 8 năm 2017.

Bộ Công Thương cần tập trung mạnh vào đổi mới, nâng cao hiệu quả của cơ chế phối hợp với các Bộ ngành, địa phương và hiệp hội doanh nghiệp để tạo sự kết nối, phối hợp đồng bộ hơn trong việc xử lý những vấn đề phát sinh trong thương mại hai nước, khắc phục các rào cản  kiểm dịch động thực vật, các vấn đề về chống trợ cấp, chống bán phá giá. Cùng với đó cần thay đổi một cách mạnh mẽ hơn công tác xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường cho hàng hóa XK của Việt Nam.Hoạt động này cần hướng đến khách hàng cuối cùng, giảm tối đa các khâu trung gian.Như vậy rất cần đẩy nhanh các cuộc đàm phán, hoàn thiện các thủ tục pháp lý để Trung Quốc sớm cho phép nhập khẩu thêm hàng hóa nông sản từ Việt Nam cũng như giải quyết các vấn đề vướng mắc khác .

Tổ chức hiệu quả, đồng bộ hoạt động thông tin, tình hình thị trường hàng hoá, luật pháp, chính sách và tập quán buôn bán  để giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường hiệu quả.

Song song với những việc làm trên, cần có các chính sách hợp lý,tạo điều kiện để các tập đoàn, doanh nghiệp lớn có uy tín, có thực lực của Trung Quốc cùng hợp tác, liên doanh, đầu tư vào những nhóm hàng mà vành đai có tiềm năng và Trung Quốc có nhu cầu để nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu và ổn định thị trường tiêu thụ.

Xây dựng quy chế về quản lý kiểm dịch,vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu cùng hệ thống giám sát, kiểm tra và công nhận từ khâu sản xuất để đảm bảo quy mô,chất lượng và nâng cao uy tín hàng hóa.Tăng cường và kiện toàn các trạm kiểm dịch tại các cửa khẩu trọng điểm để giúp doanh nghiệp giải quyết nhanh, hiệu quả yêu cầu về kiểm dịch, đồng thời góp phần giảm bớt chi phí phát sinh không cần thiết cho doanh nghiệp XK.

Phát huy tốt vai trò của Ủy ban Hợp tác kinh tế thương mại Việt - Trung và các cơ chế hợp tác liên quan; thực hiện tốt các văn kiện hợp tác kinh tế thương mại song phương như “Hiệp định thương mại biên giới” (sửa đổi năm 2016); “Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực thương mại hàng nông sản”; “Bản ghi nhớ về danh mục các dự án hợp tác năng lực sản xuất giữa Bộ Công thương Việt Nam với Ủy ban Phát triển và Cải cách Nhà nước Trung Quốc”…

Các doanh nghiệp xuất khẩu cần tích cực, chủ động tìm kiếm đối tác, chào hàng thông qua việc tham gia các cuộc hội chợ, triển lãm (Hội chợ Thương mại ASEAN-Nam Ninh- Quảng Tây; Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc - CIIE 2018; Hội chợ Xuất nhập khẩu Côn Minh tại thành phố Côn Minh, Vân Nam…) và hội thảo chuyên đề được tổ chức tại Việt Nam hoặc Trung Quốc.

Như vậy, Vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ thực chất là tuyến liên kết kinh tế theo hình vòng cung mà trọng tâm hợp tác là Vịnh Bắc Bộ. Các tỉnh, thành phố của Việt Nam và Trung Quốc nằm xung quanh Vịnh là những chủ thể trực tiếp tham gia hợp tác kinh tế và khai thác lợi ích kinh tế từ Vịnh Bắc Bộ. Nhưng hợp tác vành đai kinh tế không chỉ giới hạn ở các chủ thể trực tiếp mà kéo theo là sự tham gia của các tỉnh, thành phố hai bên nằm sâu trong nội địa. Vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ sẽ tạo ra một tuyến kinh tế động lực trong phát triển quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc gắn liền với việc khai thác các lợi ích kinh tế từ Vịnh Bắc Bộ. Trên cơ sở khai thác triệt để nguồn lực tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương thuộc vành đai để phát triển kinh tế của những địa phương này nói riêng, của hai nước nói chung, tạo lập và phát triển quan hệ hợp tác đa phương đồng thời quan tâm phát triển quan hệ hợp tác song phương nhằm đảm bảo sự phát triển nhanh, toàn diện, bền vững của mỗi địa phương và của khu vực vành đai. Thông qua hợp tác kinh tế thúc đẩy hoà bình và hữu nghị của khu vực Vịnh Bắc Bộ. 

Tài liệu tham khảo

1. Báo cáo của Sở Công Thương các tỉnh biên giới

2. Báo cáo “Hợp tác khu vực Vịnh Bắc Bộ và sự phát triển đột phá của Đông Hưng”, Tác giả: Cổ Tiểu Tùng và các đồng nghiệp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Khoa học Xã hội Quảng Tây.

3. "Giá trị chiến lược của hai hành lang một vành đai kinh tế Việt - Trung", Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc số 2 (66)-2006; PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam - Viện Khoa học xã hội Việt Nam.

4. “Xây dựng vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ, độ sâu hợp tác hữu nghị Trung - Việt”, Bài hội thảo, GS. Cổ Tiểu Tùng, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á.

Vũ Huy Hùng

Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT

TS. Nguyễn Xuân Cường

Viện Nghiên cứu Trung Quốc

BÀI VIẾT KHÁC