Khái niệm
Thuế tối thiểu toàn cầu (TTTTC) là một loại thuế do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng và hiện nay đã được hơn 142 quốc gia đồng thuận trong đó có Việt Nam. Quy định về thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu cho phép nước đầu tư (ví dụ như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản ...vv) đánh thuế tối thiểu 15% đối với thu nhập mà doanh nghiệp được miễn, giảm thuế bao gồm các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư như ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế nhập khẩu được ghi trên giấy chứng nhận đầu tư tại nước nhận đầu tư. Theo cổng thông tin điện tử chính phủ, ngày 15/12/2022 Liên minh Châu (EU) đã thông qua kế hoạch áp thuế suất tối thiểu 15%.
Tháng 7/2021, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của G20 đã thống nhất về nguyên tắc Giải pháp hai trụ cột nhằm giải quyết những thách thức về thuế phát sinh trong nền kinh tế số. Theo đó Trụ cột I quy định về phân bổ thuế đối với hoạt động kỹ thuật số và Trụ cột II quy định về thuế suất tối thiểu toàn cầu.
Hai quy tắc chính trong Trụ cột II bao gồm: Quy tắc Chống xói mòn cơ sở toàn cầu (GloBE) và Quy tắc Đối tượng chịu thuế (STTR). Quy tắc GloBE đưa ra 2 quy tắc nhỏ: Quy tắc Bao trùm thu nhập (IIR) và Quy tắc đối với khoản chịu thuế dưới mức tối thiểu (UTPR). Theo Quy tắc IIR, thuế bổ sung sẽ được đánh khi thuế suất áp dụng đối với lợi nhuận ở bất kỳ khu vực tài phán thấp hơn mức tối thiểu 15%, trách nhiệm tính thuế bổ sung thuộc về khu vực tài phán của các thực thể mẹ. Còn theo Quy tắc UTPR, cho phép các khu vực tài phán áp dụng thuế bổ sung đối với các công ty đa quốc gia hoạt động trong khu vực tài phán, cho dù khu vực tài phán có áp dụng Quy tắc GloBE hay không. Điều này có nghĩa là, nếu một quốc gia không thực hiện thỏa thuận quốc tế, thì các tập đoàn của chính quốc gia đó vẫn có thể phải trả mức thuế ít nhất là 15% tại các khu vực tài phán khác - nơi các tập đoàn hoạt động đang áp dụng thuế bổ sung theo UTPR. Trái ngược hoàn toàn với IIR, trách nhiệm tính thuế bổ sung UTPR thuộc về khu vực tài phán nơi các công ty con được đặt.
Các thành viên tham gia Khung khổ bao trùm của OECD/G20 không bắt buộc phải áp dụng Quy tắc GloBE. Tuy nhiên, các quốc gia phải chấp nhận việc áp dụng Quy tắc GloBE bởi các quốc gia thành viên khác. Một số tổ chức trong nhóm công ty đa quốc gia được loại trừ không áp dụng Quy tắc GloBE, bao gồm: tổ chức chính phủ, tổ chức quốc tế, tổ chức phi lợi nhuận, quỹ hưu trí hoặc quỹ đầu tư.
Thuế tối thiểu toàn cầu là loại thuế đánh vào các tập đoàn, doanh nghiệp (DN), công ty đa quốc gia có doanh thu lớn, nhưng lại đầu tư vào những nước có mức thuế suất thấp, tiềm ẩn nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh. Để phòng tránh,mà không làm mất đi tính cạnh tranh toàn cầu, các nước đã thống nhất áp dụng công cụ TTTTC, bằng cách đặt ra giới hạn về đóng thuế tại nước sở tại hoặc chính quốc, tạo sự công bằng, tránh trốn thuế.
Các nước đã thống nhất mức thuế áp dụng cho các DN đa quốc gia có doanh thu toàn cầu trên 750 triệu euro và có mức lợi nhuận trên 10% doanh thu; sẽ bị áp dụng mức thuế suất tối thiểu 15% trên mức lợi nhuận.Điều này có nghĩa, khi các công ty này đi đầu tư ở nước ngoài mà nộp thuế thu nhập tại nước đầu tư dưới mức 15% thì sẽ phải nộp phần chênh lệch tại nước nơi họ có trụ sở chính. Các doanh nghiệp có doanh thu dưới 750 triệu euro sẽ không phải đối tượng của sắc thuế này. Điều này cũng nhằm hỗ trợ các DN nhỏ và vừa có thể tham gia đầu tư tại nước ngoài phát triển ổn định hơn.Theo quy định của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) về TTTTC, nếu DN FDI đáp ứng đủ điều kiện, không nộp thuế hoặc nộp thuế thấp hơn mức sàn 15% tại nước nhận đầu tư, thì nước có công ty mẹ đóng trụ sở chính sẽ thu phần chênh lệch này. Như vậy, toàn bộ ưu đãi về thuế dành cho DN FDI của nước nhận đầu tư sẽ rơi vào ngân khố quốc gia có công ty mẹ.
Tác động của thuế tối thiểu toàn cầu
Khởi xướng bởi Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), quy tắc thuế mới là một cột mốc quan trọng giúp các nước đã phát triển và các nước đang phát triển giảm thiểu thiệt hại của chính phủ khi các DN thực hiện các phương thức xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận ngày càng phổ biến trong thời đại bùng nổ kỹ thuật số.
Ưu điểm của TTTTC là tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng giữa các quốc gia, tránh trốn thuế…Nếu áp dụng, có thể kiểm soát được các DN đầu tư ra nước ngoài an toàn hơn, tránh thất thu thuế khi những DN này trốn thuế tại các nước không bị truy thu thuế, góp phần cải cách hệ thống thuế theo hướng phù hợp hệ thông lệ, chuẩn mực quốc tế, góp phần tăng thu thuế, hạn chế được trốn tránh thuế, chuyển giá... của các tập đoàn đa quốc gia kinh doanh trong nước. Tuy nhiên, sức cạnh tranh trong thu hút vốn FDI có thể bị ảnh hưởng trong ngắn hạn khi chính sách ưu đãi thuế thay đổi. Việc áp TTTTC có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động của các tập đoàn đa quốc gia…
Tuy nhiên, chính sách TTTTC thực sự là một nỗi lo cho những quốc gia có độ mở kinh tế lớn và phụ thuộc vào thu hút dòng vốn FDI để phát triển kinh tế. Chính sách này sẽ tác động đến DN FDI lớn, có doanh thu toàn cầu trên 750 triệu euro, nhưng cũng tác động đến tất cả các dự án nhỏ. Bởi lẽ với nguyên tắc toàn cầu và cộng gộp, dự án nhỏ nhưng lại nằm trong mạng lưới kinh doanh toàn cầu của công ty đó thì cũng bị tác động.
Hơn 35 năm qua, Việt Nam đã và đang sử dụng ưu đãi thuế và giá đất để thu hút dòng vốn đầu tư (đó là chính sách miễn 4 năm đầu, giảm 9 năm tiếp theo, ưu đãi 23 lĩnh vực đặc biệt, 7 lĩnh vực ưu đãi thấp hơn, áp dụng trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao…). Các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập DN của Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn so với các nước trong khu vực: Mức thuế suất phổ thông: 20% (cao hơn mức TTTTC); thuế suất ưu đãi: 10%, 15% và 17% tùy theo lĩnh vực, ngành nghề, quy mô và địa bàn đầu tư; thuế suất ưu đãi đặc biệt có các mức 5%, 7% và 9%. Cùng với ưu đãi về thuế suất, pháp luật hiện hành có quy định về việc miễn thuế, giảm 50% thuế suất trong thời gian được miễn, giảm. Thống kê của Tổng Cục thuế cho thấy, trong khi thuế suất phổ thông dành cho các DN Việt Nam là 20% thì thuế suất thực tế với các DN FDI trong kỳ ưu đãi thuế trung bình là 12,3%, thấp hơn so với TTTTC.
Các tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam cũng như các tập đoàn Việt Nam có vốn đầu tư ra nước ngoài lo ngại về tác động của Trụ cột 2. Liệu việc áp dụng mức TTTTC có làm giảm hoặc mất đi các ưu đãi về thuế (đặc biệt là thuế thu nhập DN) mà các DN này đang được hưởng theo quy định hiện hành hay không ? Liệu Chính phủ Việt Nam có đền bù trong trường hợp các ưu đãi thuế thu nhập DN kém thuận lợi hơn hoặc trở nên kém hiệu quả do áp dụng mức TTTTC hay không?
Hiện Việt Nam thu hút vốn FDI từ 141 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó chủ yếu đến từ khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Riêng nguồn vốn đến từ Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản (chưa tính Hồng Kông, Trung Quốc và Đài Loan) chiếm trên 50% tổng vốn FDI của Việt Nam.
Rà soát theo số liệu quyết toán thuế thu nhập DN năm 2022, Tổng cục Thuế cho biết có khoảng 120 Tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam (với khoảng trên 1000 DN) chịu ảnh hưởng của TTTTC nếu được áp dụng từ năm 2024 (sau khi đã loại trừ các trường hợp không phải áp dụng TTTTC). Theo đó, nếu các quốc gia khác đều áp dụng TTTTC bắt đầu từ năm 2024, các quốc gia có công ty mẹ sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính khoảng trên 14.000 tỷ đồng.
Theo Viện Quản trị chính sách và chiến lược phát triển (Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam), trong 1.015 công ty con của các tập đoàn đa quốc gia đang hiện diện tại Việt Nam, thì 72 công ty có doanh thu trên 750 triệu EUR, sẽ bị tác động bởi TTTTC. Kể từ ngày 1/1/2024, Hàn Quốc, Nhật Bản và Hồng Kông chính thức áp thuế tối thiểu, Singapore và các đối tác đầu tư lớn khác sẽ thực hiện sau 1 năm. Khi các nhà đầu tư lớn áp thuế tối thiểu thì họ sẽ thu được 12.040-20.000 tỷ đồng tiền thuế từ các DN FDI tại Việt Nam, đồng nghĩa toàn bộ ưu đãi của Việt Nam dành cho DN FDI thông qua thuế thu nhập DN sẽ chảy ra nước khác.
Giải pháp cho việt Nam
Luật thuế của Việt Nam yêu cầu các công ty phải nộp 20% thu nhập chịu thuế của họ. Con số này phù hợp với mức trung bình quốc tế và tương đương thuế suất ở các nước Đông Nam Á, mang lại cho ngân sách nguồn thu chiếm 3% GDP. Cùng với các khoản thu khác như thuế VAT và thuế nhập khẩu, khoản thu này đảm bảo kinh phí thiết yếu cho các dịch vụ công và phúc lợi xã hội.
Việc áp dụng các quy định về TTTTC sẽ góp phần gia tăng nguồn thu ngân sách nhà nước từ phần thu thuế bổ sung, đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, cải cách hệ thống thuế phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế thông qua việc sửa đổi chính sách thuế thu nhập DN và pháp luật có liên quan. Góp phần giảm thiểu hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận, tạo một bằng chung về thuế tại tất cả các quốc gia,tránh việc cạnh tranh về thuế giữa các nước, giữ vững nguồn thu thuế.
Một khi Quy tắc TTTTC được thực hiện, các công ty đa quốc gia lớn đầu tư vào Việt Nam có thể phải chịu thêm một số hình thức thuế bổ sung. Cơ quan thuế tại nước sở tại sẽ có quyền yêu cầu khoản thanh toán bổ sung này nằm trong phạm vi thuế suất thực tế nộp tại Việt Nam dưới 15%. Do đó, sức hấp dẫn của thuế suất thấp hơn và ưu đãi thuế sẽ giảm đi đáng kể, vì các công ty sẽ bị đánh thuế với mức thuế suất tối thiểu 15%, bất kể họ hoạt động kinh doanh ở đâu.
Có thể thấy, nếu các biện pháp ưu đãi đầu tư bị “vô hiệu hóa”, trong khi các quốc gia khác sẵn sàng có các biện pháp ưu đãi bổ sung,Việt Nam sẽ “hụt hơi” không chỉ trong cạnh tranh thu hút đầu tư mới, mà câu chuyện mở rộng đầu tư theo thời gian cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Tổng cục Thuế đánh giá TTTTC sẽ tác động đến vị thế cạnh tranh của Việt Nam trên nhiều phương diện như: các chính sách ưu đãi thuế hiện tại của Việt Nam trở nên kém hấp dẫn với các nhà đầu tư là các Tập đoàn công ty đa quốc gia (MNE) - những DN đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế của Việt Nam, gây ra tác động không nhỏ tới các DN vệ tinh của các MNE, cũng như có thể dẫn đến việc chuyển dịch đầu tư từ Việt Nam sang quốc gia khác có chính sách ưu đãi hấp dẫn, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn.
Các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu như Thụy Sỹ, Anh và Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Indonesia, Hồng Kông (Trung Quốc), Australia đều xác nhận sẽ áp dụng Quy tắc thuế suất tối thiểu 15% bắt đầu từ năm 2024.
Các nước nhận vốn đầu tư từ nước ngoài đang nghiên cứu để đưa ra chính sách ứng phó, trong đó có việc áp dụng Thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (Qualified Domestic Minimum Top-up Tax - QDMTT) để tránh mất quyền đánh thuế vào tay các quốc gia có công ty mẹ đóng trụ sở chính (theo cơ chế IIR) hoặc quốc gia có công ty trung gian thuộc tập đoàn (theo cơ chế UTPR), đồng thời nghiên cứu một số giải pháp hỗ trợ về tài chính để giữ chân các công ty thuộc đối tượng áp dụng TTTTC và thu hút công ty mới.
Nếu không có những hành động kịp thời, hoặc chậm trễ trong việc triển khai TTTTC, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội giành quyền đánh thuế, vì khi đó các quốc gia đầu tư thuộc khối EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác sẽ thực hiện thu thuế bổ sung, nhiều khả năng bắt đầu từ năm 2024. Nếu Việt Nam không tiến hành những cải cách hợp lý và kịp thời về chính sách ưu đãi thuế, trong trường hợp các đối thủ cạnh tranh là các quốc gia đang thu hút và nhận đầu tư nước ngoài cân nhắc các biện pháp và chính sách ưu đãi đầu tư thuận lợi để thích ứng với TTTTC, thì Việt Nam có thể bị “bỏ lại phía sau” trong việc thu hút FDI.
Việt Nam xây dựng chính sách TTTTC để áp dụng từ năm 2024 (bao gồm quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu IIR) và thuế tối thiểu bổ sung nội địa đạt chuẩn (QDMTT) được các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, tài chính khẳng định là yêu cầu cấp thiết nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam.
Trước mắt, Việt Nam có thể cân nhắc giải pháp áp dụng cơ chế thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn (QDMTT) để giành quyền thu phần thuế bổ sung trước các quốc gia khác. Đây là cơ chế nội địa, theo đó, việc tính toán lợi nhuận thặng dư và thuế tối thiểu được áp dụng tương đương với các quy định tại Trụ cột 2 theo hướng dẫn của OECD, là biện pháp mà một số quốc gia và vũng lãnh thổ như Hồng Kông, Singapore, Malaysia đã công bố ý định áp dụng.Là biện pháp phản ứng nhanh, việc áp dụng QDMTT cũng cần được cân nhắc chỉ nên áp dụng cho các đối tượng là các DN chịu ảnh hưởng của Trụ cột 2, tức là các DN thuộc tập đoàn đa quốc gia có quy mô doanh thu hợp nhất toàn cầu hàng năm trên 750 triệu EUR. Việc áp dụng cho tất cả các DN có thể gây tác động tiêu cực đến các công ty không thuộc phạm vi Trụ cột 2 mà đang được hưởng các chính sách ưu đãi hiện hành. Việt Nam có thể cân nhắc ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi theo chi phí nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang áp dụng ưu đãi thuế chịu tác động từ Trụ cột 2 - quan điểm của ông Thomas McClelland, Phó tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ tư vấn thuế, Deloitte Việt Nam.
Các chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN của Việt Nam hiện tập trung chủ yếu vào các ưu đãi theo thu nhập, như ưu đãi về thuế suất và miễn giảm thuế, chưa phổ biến các ưu đãi theo chi phí, đặc biệt là hình thức ưu đãi trợ cấp bằng tiền - có thể thực hiện bằng cách hỗ trợ một phần chi phí của nhà đầu tư vào các cơ sở vật chất máy móc nhà xưởng, nhân lực, hoặc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, sở hữu trí tuệ.
Thực tế cho thấy, chính phủ một số quốc gia tại châu Á, châu Âu đã và đang cung cấp các khoản ưu đãi bằng tiền mặt cho các DN thực hiện các dự án trong một số lĩnh vực nhất định. Đây được đánh giá là một biện pháp khá hiệu quả trong việc thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, việc cân nhắc ưu đãi bằng tiền hoặc tương đương nên được xem xét trên cả khía cạnh ưu điểm và nhược điểm trong bối cảnh riêng của đất nước.
Về ưu điểm, loại hình ưu đãi này có tác dụng hỗ trợ trực tiếp cho các DN chịu ảnh hưởng bởi TTTTC. Khi Trụ cột 2 đi vào thực tiễn, các ưu đãi với mức thuế thu nhập DN sẽ không còn nhiều tác dụng, cộng thêm việc DN thường phát sinh chi phí đầu tư lớn ban đầu, tất cả trở thành bất lợi lớn cho hoạt động tại Việt Nam.Việc được hỗ trợ bằng tiền cũng sẽ thúc đẩy các hoạt động đầu tư thực chất, do DN sẽ được trừ một tỷ lệ nhất định theo giá trị còn lại của tài sản hữu hình và chi phí trả lương khi tính toán thuế phải nộp bổ sung. Cơ chế ưu đãi bằng tiền sẽ giúp đa dạng hóa các chính sách ưu đãi đầu tư hiện tại, giúp môi trường đầu tư của Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư lớn, tạo ra cơ sở kinh tế ổn định, hạn chế tình trạng chuyển dịch lợi nhuận hoặc đầu tư ngắn hạn như đối với ưu đãi theo lợi nhuận. Các khoản ưu đãi bằng tiền có thể sẽ phải trả trước từ ngân sách, nhưng sẽ dễ ước tính hơn dựa trên giá trị đầu tư, không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của DN, có thể được thiết kế theo hướng chi trả nhiều lần để phù hợp cho việc hoạch định ngân sách.
Ảnh hưởng lên ngân sách quốc gia là quan ngại chính của các nước đang phát triển do vấn đề ngân sách hạn chế và khó khăn trong việc phát sinh chi trả trước. Đó là chưa kể đến việc ban hành cơ chế ưu đãi mới có thể gia tăng số lượng thủ tục hành chính về mặt quản lý, ví dụ như thủ tục xin áp dụng ưu đãi, thủ tục xét duyệt, quản lý hành chính, cũng như hậu kiểm để đảm bảo cơ chế ưu đãi được thực hiện hợp lý, đúng mục tiêu, không phát sinh thất thoát. Chính vì vậy, cơ chế ưu đãi bằng tiền hoặc tương đương cũng cần tuân thủ theo các cam kết quốc tế của Việt Nam và cần được nghiên cứu kỹ càng khi đối chiếu với các quy định của OECD.
Để bảo vệ nguồn thu thuế, trước mắt có thể xem xét áp dụng cơ chế thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn (QDMTT) để giành quyền thu phần thuế bổ sung trước các quốc gia khác. Đây cũng chính là biện pháp mà nhiều quốc gia, như Hồng Kông, Singapore, Malaysia… đang cân nhắc và nhiều khả năng sẽ áp dụng, trong trường hợp thỏa thuận về TTTTC bắt đầu được thực hiện từ tháng 01 năm 2024.
Do không phải doanh nghiệp nào tại Việt Nam cũng nằm trong phạm vi áp dụng của TTTTC, mà chỉ các doanh nghiệp thuộc tập đoàn đa quốc gia có quy mô doanh thu hợp nhất toàn cầu hàng năm trên 750 triệu EUR. Vì thế, việc áp dụng QDMTT cho tất cả các doanh nghiệp có thể gây tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp không thuộc phạm vi nộp TTTTC đang được hưởng các chính sách ưu đãi hiện hành tại Việt Nam. Vì vậy, dù được coi là biện pháp phản ứng nhanh trong bối cảnh TTTTC sẽ được áp dụng vào đầu năm 2024, nhưng việc áp dụng QDMTT cũng cần được cân nhắc thận trọng, trên cơ sở xem xét thấu đáo các nhân tố trong và ngoài nước.
Những ảnh hưởng tới các doanh nghiệp FDI là không nhỏ và cấp bách, trong Sách trắng được công bố, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã đề nghị Chính phủ Việt Nam hợp tác với các nước đang phát triển khác để đàm phán các điều kiện hạn chế, ngoại lệ, nhằm bảo vệ các lợi ích ưu đãi thuế của nhà đầu tư nước ngoài trong các ngành cụ thể, dựa trên mức độ sử dụng lao động, chuyển giao công nghệ để hiện đại hóa phát triển kinh tế…; hoặc duy trì giai đoạn chuyển tiếp, gia hạn đăng ký, ví dụ 2-3 năm, đối với đầu tư vào các nước đang phát triển.
Việt Nam có thể đàm phán với các nước nơi nhà đầu tư nước ngoài cư trú, thành lập để ký các hiệp định song phương về việc không áp dụng Trụ cột 2 của OECD cho các dự án đầu tư cụ thể, các chuyên gia của EuroCham khuyến nghị và cho rằng, Việt Nam cũng có thể xem xét sửa đổi các luật thuế trong nước để đưa ra các chính sách khuyến khích thay thế, như ưu đãi dựa trên chi phí, miễn thuế nhập khẩu, thời gian hưởng ưu đãi thuế đất dài hơn…
Một số việc cần làm trước mắt
1. Cần đẩy nhanh việc nghiên cứu lấy ý kiến từ cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, hiệp hội các doanh nghiệp từ các quốc gia chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Trụ cột 2, các chuyên gia tư vấn, kiểm toán… về thực trạng của Trụ cột 2, các đề xuất về chính sách ứng phó với tác động của Trụ cột 2 trong ngắn và dài hạn, nhằm ban hành nội luật hướng dẫn áp dụng một cách thống nhất và toàn diện.
2. Để thực thi Nghị quyết 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện các thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, cần sớm rà soát và cải cách các quy định, cân nhắc chính sách hỗ trợ nhà đầu tư dựa trên cơ sở chi phí, thay vì dựa trên thuế suất như hiện tại, áp dụng đồng thời với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khác. Các chính sách hỗ trợ cần được nghiên cứu áp dụng trên diện rộng (không giới hạn các đối tượng chịu ảnh hưởng của Trụ cột 2) và cần được áp dụng theo lộ trình nhằm đảm bảo kết quả như mong muốn.
Ngoài ra, cải thiện thủ tục hành chính về đầu tư và các quy định đi kèm như hỗ trợ xuất nhập cảnh, lao động cho chuyên gia nước ngoài có trình độ cao, hỗ trợ người lao động làm việc trong khu công nghệ cao... cải thiện chất lượng môi trường đầu tư và kinh doanh, chú trọng các vấn đề về thể chế như cơ sở hạ tầng, nâng cao trình độ công nghệ cho nguồn nhân lực dưới hình thức cung cấp gói hỗ trợ công nhân lành nghề… cùng với đó là ưu đãi về đất đai, ưu đãi lãi suất cho vay với giai đoạn đầu tư của các dự án tiềm năng, hỗ trợ bằng tiền.
3. Nhà nước cần tăng cường thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ, nhằm thúc đẩy hoạt động sáng tạo và chuyển giao công nghệ, đặc biệt là các công nghệ tiên tiến và công nghệ mới, đơn giản hóa quy trình phát triển và đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp. Việc đưa ra các hình thức hỗ trợ cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực tăng trưởng xanh cũng là cách khuyến khích việc chuyển đổi năng lượng sạch và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết theo COP26.
Vũ Huy Hùng
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT