Hội nghị COP28 được tổ chức tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất - UAE) vào tháng 12/2023 trong bối cảnh cuộc khủng hoảng khí hậu trên thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp: Mức tăng nhiệt đang có nguy cơ vượt mục tiêu giới hạn 1,5 độ C; nỗi lo về an ninh năng lượng dẫn tới sự gia tăng trong nhu cầu sử dụng nhiên liệu phát thải cao; căng thẳng địa chính trị đe doạ đảo ngược tiến trình toàn cầu hoá hàng thập kỷ qua; khủng hoảng khí hậu và nỗi lo an ninh lương thực; cũng như việc những cộng đồng dễ tổn thương trước khủng hoảng khí hậu nhận được ít sự hỗ trợ nhất. COP28 diễn ra vào thời điểm then chốt cho hành động của toàn cầu về chống biến đổi khí hậu (BĐKH). Nhiệt độ tăng cao kỷ lục và tác động nặng nề của các hiện tượng thời tiết cực đoan như cháy rừng, lũ lụt, bão và hạn hán trên toàn thế giới đang khiến việc giải quyết các vấn đề khí hậu ngày càng trở nên cấp bách.
Tại Hội nghị lần thứ 26, Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) diễn ra tại TP. Glasgow, (Vương quốc Anh) vào năm 2021, Việt Nam đã tuyên bố đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Tuyên bố này đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong việc đẩy mạnh giảm phát thải khí nhà kính (KNK) góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu, đạt mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Đây là tiền đề để Việt Nam tái khẳng định nỗ lực và quyết tâm của mình để chung tay cùng thế giới trong cuộc chiến chống BĐKH tại Hội nghị COP 28.
Thông qua COP28, Việt Nam sẽ một lần nữa cho thế giới thấy sự quyết tâm và nỗ lực mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, các Bộ, ngành và người dân trong việc thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 và đồng hành cùng thế giới chống BĐKH, góp phần phát triển xanh và bền vững đất nước.
Thực tế, các thị trường đang thúc đẩy thế giới hướng tới mức sử dụng nhiên liệu hóa thạch cao nhất. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hiện dự đoán than, dầu và khí đốt sẽ đạt đỉnh cao “trước năm 2030”. Ngoài ra, một báo cáo trong tháng 11 năm 2023 từ tổ chức Phân tích Khí hậu phi lợi nhuận (có trụ sở tại Berlin) dự đoán nhu cầu than đạt đỉnh vào năm 2023, khí đốt đạt đỉnh vào năm 2024 và đỉnh dầu vào năm 2025. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu của COP28, các biện pháp tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng cần được sớm áp dụng trong thời gian tới.
1. Đầu tư vào năng lượng tái tạo:
Phát triển và mở rộng sử dụng năng lượng tái tạo như điện mặt trời, gió, thủy điện và năng lượng sinh học là những bước đi quan trọng để giảm thiểu sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch ơ Việt Nam.
Theo số liệu từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến hết năm 2022, đã có 8.908 MW điện mặt trời, 7.660MW điện mặt trời áp mái, 5.059 MW điện gió, 395 MW điện sinh khối và điện chất thải rắn trong tổng công suất nguồn điện.
Tổng công suất lắp đặt của các nguồn điện gió và mặt trời đã chiếm gần 27% tổng công suất đặt của hệ thống trong đó điện gió chiếm 6,27% và điện mặt trời chiếm 19,53%, đưa Việt Nam trở thành một trong các nước đi đầu về công suất lắp đặt điện năng lượng tái tạo trên thế giới và trong khu vực.
Theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, các nguồn điện năng lượng tái tạo (bao gồm thủy điện, điện mặt trời, gió, sinh khối) tăng từ 38,2 GW năm 2020 lên 73,78 GW; tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo trong cơ cấu công suất chiếm 50,3%, mặc dù tỷ trọng thủy điện ước tính giảm từ 30% xuống 20% do tiềm năng còn ít; điện sản xuất từ nguồn điện năng lượng tái tạo chiếm 36%. Đến năm 2050, tổng công suất các nguồn năng lượng tái tạo là gần 400 GW, chiếm 69,8% tổng công suất nguồn điện. Vì vậy, Quy hoạch điện VIII sẽ là nền tảng cho chính sách năng lượng trong những năm tới.
Với điện năng lượng tái tạo, thời gian qua, nhiều chủ đầu tư tham gia vào phát triển dự án điện mặt trời, điện gió, nhưng chưa được đấu nối truyền tải, phân phối vì nhiều lý do, trong đó giá điện ưu đãi cố định (giá FIT) trong 20 năm đã hết hiệu lực, còn cơ chế giá điện chuyển tiếp không hấp dẫn.
Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển điện gió và mặt trời, nhưng có nghịch lý là nơi có tiềm năng về nắng và gió lại là nơi có phụ tải thấp. Vì thế, muốn sử dụng nguồn năng lượng này phải đầu tư lớn cho hệ thống truyền tải hoặc lưu trữ điện. Để thu hút đầu tư phát triển nguồn điện mới thì cơ chế giá điện phải được ưu tiên hàng đầu. Nhà đầu tư sẽ nhìn vào lợi nhuận kỳ vọng để xem xét đầu tư. Khi Việt Nam giảm dần tỷ trọng các dự án điện than bằng điện khí và năng lượng tái tạo thì sẽ có sự đánh đổi giữa giá mua điện và giảm khí thải.
Việt Nam tiến tới đa dạng hóa nguồn năng lượng, chú trọng phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo
Những năm qua, ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã và đang có nhiều tiến triển tích cực, mở ra nhiều cơ hội cho việc hợp tác thương mại quốc tế. Đáng chú ý thời gian gần đây dòng vốn đầu tư có dịch chuyển tương đối của các nhà đầu tư từ khu vực Tây Âu như Đức, Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha vào các ngành năng lượng tái tạo. Nhiều DN châu Âu cũng cho biết, sẽ tăng cường đầu tư, thiết lập các trung tâm nghiên cứu tại Việt Nam trong các lĩnh vực mới như: năng lượng tái tạo, Hydrogen xanh, hạ tầng xanh, chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh, công nghiệp phát thải thấp…
Một số lĩnh vực Việt Nam mong muốn thu hút đầu tư phát triển năng lượng, bao gồm hợp tác trong nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ năng lượng, đặc biệt là công nghệ sản xuất điện năng quy mô lớn từ các nguồn năng lượng sơ cấp mới như hydrogen, ammoniac, công nghệ lưu trữ năng lượng tiên tiến, công nghệ hấp thụ và lưu trữ CO2... phát triển lưới điện thông minh; hiện đại hóa hệ thống điều độ hệ thống điện, điều hành thị trường điện nhằm tích hợp quy mô lớn các nguồn năng lượng tái tạo và các giải pháp công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc thu hút đầu tư vào phát triển các dự án năng lượng tái tạo vẫn đang gặp khó khăn về thủ tục, chính sách giá...
Đến nay, ước tính có khoảng 20 tỷ USD chủ yếu từ nguồn vốn tư nhân và nước ngoài được huy động vào năng lượng tái tạo. Điều này giảm sức ép nguồn vốn nhà nước đầu tư nguồn điện trong bối cảnh ngân sách còn hạn chế. Nhiều vùng đất hoang hóa, khô cằn tại các tỉnh như Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông... đã được khai thác sử dụng đem lại giá trị kinh tế cao, gia tăng giá trị sử dụng đất, đem lại công ăn việc làm cho người dân tại các địa phương nghèo.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần củng cố lưới điện để truyền tải điện tái tạo từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ. Lưới điện cũng cần được đầu tư theo hướng "thông minh" để có thể phản ứng linh hoạt với những biến động của cung và cầu. Hệ thống lưới điện mạnh hơn và thông minh hơn sẽ giảm thiểu các sự cố mất điện và có giá cả phải chăng hơn.
2. Cải thiện hiệu quả năng lượng
Có nhiều lý do khác nhau để cải thiện hiệu quả năng lượng, trong đó, áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng và quy trình sản xuất hiệu quả năng lượng là một trong những biện pháp giúp làm giảm lượng năng lượng tiêu thụ trong quá trình sản xuất và vận hành. Sử dụng năng lượng hiệu quả là mục tiêu của những nỗ lực nhằm giảm năng lượng cần thiết cung cấp cho các sản phẩm và dịch vụ. Những cải tiến việc sử dụng năng lượng hiệu quả thường đạt được chủ yếu thông qua việc áp dụng công nghệ tiên tiến hoặc những quá trình sản xuất hiệu quả hơn. Giảm sử dụng năng lượng góp phần làm giảm giá thành năng lượng và tiết kiệm chi phí tài chính cho người tiêu thụ. Năng lượng tiết kiệm được có khả năng bù lại những chi phí phát sinh khác trong quá trình lắp đặt công nghệ có hiệu suất năng lượng cao.
Tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng là một quốc sách quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững, bảo tồn tài nguyên và bảo vệ môi trường. Thời gian qua, Việt Nam vẫn đang tích cực tuyên truyền và phổ biến đến các doanh nghiệp sản xuất trong việc nghiên cứu để sản phẩm có thể đạt được hiệu quả năng lượng cao nhất. Việc nâng cao tiêu chuẩn, hiệu suất năng lượng sẽ là thách thức mới với công nghệ tiết kiệm điện, hiệu suất năng lượng cao để đáp ứng các tiêu chí của quy chuẩn mới và của người tiêu dùng.
Ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (Chương trình VNEEP 3). Chương trình đã triển khai đồng bộ các hoạt động trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Chương trình được ban hành thể hiện sự cam kết của các cấp chính quyền, các cơ quan ban ngành từ trung ương đến địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và cộng đồng về tiết kiệm năng lượng nói riêng, về ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường nói chung.
Mục tiêu của chương trình nhằm huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế cho thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp quản lý nhà nước, hỗ trợ kỹ thuật, nghiên cứu khoa học công nghệ và phát triển sản phẩm, chuyển đổi thị trường, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, tranh thủ kinh nghiệm và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Bên cạnh đó, hình thành thói quen sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong mọi hoạt động của xã hội; giảm cường độ năng lượng trong các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế; tiết kiệm năng lượng trở thành hoạt động thường xuyên đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm và các ngành kinh tế trọng điểm tiêu thụ nhiều năng lượng; hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Hoạt động Dán nhãn năng lượng đã được thực hiện từ lâu, tính đến nay, gần 300 sản phẩm được công nhận và dán nhãn hiệu suất năng lượng cao nhất, 11 thương hiệu đã được Bộ Công Thương tôn vinh. Các sản phẩm bao gồm: điều hòa không khí, máy giặt, bình nước nóng, đèn led chiếu sáng, máy biến áp, động cơ điện....
Theo thống kê của Bộ Công Thương, thực hiện Chương trình dán nhãn bắt buộc, gần 90% thiết bị gia dụng đã được dán nhãn. Chương trình giúp loại bỏ khoảng 45 triệu bóng đèn sợi đốt ra khỏi thị trường, nâng hiệu suất 06 loại sản phẩm tiêu thụ điện phổ biến gồm máy biến áp, điều hòa không khí, nồi cơm điện, quạt, đèn huỳnh quang ống, CFL; trong đó hiệu quả sử dụng điều hòa không khí tăng 13% hàng năm, tiết kiệm khoảng 100 triệu kWh.
Chương trình dán nhãn năng lượng cho sản phẩm điều hòa không khí gia dụng đã dãn nhãn (<40.000BTU) kinh doanh trên thị trường, có 62,8% mẫu lưu hành đạt mức hiệu suất cao từ 4 sao đến 5 sao. Việc nâng cấp tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng cho sản phẩm điều hòa không khí từ 2,54 lên 3,8 và lên 4,2 vào năm 2015 đã tiết kiệm điện năng trong lĩnh vực điều hòa không khí mỗi năm hơn 100 triệu kWh và giúp cắt giảm công suất phụ tải tương đương với việc tiết kiệm đầu tư xây dựng một nhà máy nhiệt điện với công suất 300MW.
“Nhãn năng lượng” trên thiết bị để xác định mức tiết kiệm điện năng
Mục tiêu của chương trình là tới năm 2030, cả nước sẽ tiết kiệm tiêu dùng tích lũy khoảng 10 nghìn tỷ đồng (480 triệu USD), tương đương giảm 34 triệu tấn khí thải carbon. Điều này đồng nghĩa với việc tiết kiệm khoảng 6.000 GWh/năm, tương đương hai nhà máy điện đốt than 500 MW.
Để đạt được mục tiêu tiết kiệm năng lượng 5 - 7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 đến 2025 và 8 - 10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc giai đoạn từ năm 2019 - 2030 theo Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 (Chương trình VNEEP 3), một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ đặt ra đó là Chương trình chuyển đổi thị trường và hiệu suất năng lượng của phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng.
Như vậy, giảm sử dụng năng lượng cũng được xem là một giải pháp chính cho vấn đề giảm thải khí nhà kính. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, cải thiện hiệu quả năng lượng trong các tòa nhà, quy trình công nghiệp và giao thông vận tải có thể làm giảm khoảng 1/3 nhu cầu năng lượng thế giới vào năm 2050, đồng thời giúp kiểm soát việc thải khí nhà kính toàn cầu.
Hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo được cho là những trụ cột song sinh của chính sách năng lượng bền vững. Tại nhiều quốc gia, hiệu quả năng lượng cũng được đánh giá là mang lại lợi ích an ninh quốc gia vì có thể sử dụng để làm giảm mức nhập khẩu năng lượng từ nước ngoài và làm góp phần làm giảm tốc độ cạn kiệt các nguồn năng lượng trong nước.
3. Quản lý năng lượng thông minh
Cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2022 đã chỉ ra rằng một số quốc gia cần chấm dứt tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào các quốc gia khác trong lĩnh vực năng lương. Và việc sử dụng hệ thống quản lý năng lượng thông minh trong việc tiết kiệm năng lượng có thể là chìa khóa giúp quản lý năng lượng hiệu quả và tối ưu hóa sử dụng năng lượng trong các ngành công nghiệp. Một số giải pháp quản lý năng lượng hiệu quả có thể được sử dụng như:
3.1. Ứng dụng IoT trong tiết kiệm năng lượng
Chuyển đổi kỹ thuật số và siêu kết nối đòi hỏi mức tiêu thụ năng lượng cao hơn. Do đó, sự đòi hỏi về các công nghệ giúp tiết kiệm năng lượng là cần thiết. Các công nghệ đã được phát triển như 5G hiệu quả hơn tới 90% so với 4G, cùng với các công cụ khác để giảm nhu cầu tiêu thụ. Ví dụ, lưới năng lượng thông minh sử dụng các cảm biến và thiết bị IoT có thể xác định và ngăn ngừa thất thoát năng lượng cũng như tối ưu hóa truyền tải năng lượng để giảm thiểu lãng phí.
IoT kết nối kỹ thuật số tất cả các loại máy móc và thiết bị với nhau, qua internet hoặc qua mạng riêng. Bằng cách này, tất cả những thứ được kết nối có thể tương tác với nhau mà không cần sự can thiệp của con người, điều mà trước đây không có. Mục đích là tạo ra một môi trường có thể kiểm soát được bằng cách tạo ra các không gian như nhà máy thông minh - nơi có thể điều chỉnh mức tiêu thụ năng lượng vì mục đích bền vững.
Một trong những lĩnh vực được biết đến nhiều nhất là tự động hóa gia đình. Nhà ở được kết nối để trở thành ngôi nhà thông minh. Trong lĩnh vực gia dụng, số hóa được sử dụng để kiểm soát và tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng trong nhà, chẳng hạn như việc tự động điều chỉnh nhiệt độ theo các biến số như: điều kiện thời tiết ngoài trời, điều khiển ánh sáng, theo thời gian trong ngày hoặc trong khi sử dụng đồng thời các thiết bị gia dụng… nhằm đưa ra cảnh báo nếu có mức tiêu thụ không đồng đều.
Trong không gian trong nhà ở, các thiết bị hỗ trợ IoT có thể thu thập và cung cấp thông tin cho người dùng về mức tiêu thụ năng lượng để có kế hoạch tiết kiệm năng lượng.
Ứng dụng IoT quảng lý trong môi trường công nghiệp
Internet vạn vật đang góp phần giúp kiểm soát và tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng trong các môi trường công nghiệp. Mức độ tiêu thụ năng lượng sẽ được cập nhật thông qua các cảm biến khác nhau, giúp người sử dụng có thể điều chỉnh mức độ tiêu thụ khi cần thiết cho cả thiết bị và máy móc cũng như cả quá trình vận hành sản xuất.
Trong môi trường công nghiệp, IoT không chỉ giúp kiểm soát chi phí năng lượng mà còn cung cấp thông tin toàn diện về chi phí trong lĩnh vực này, theo một cách có giới hạn và có thể dự đoán được, đồng thời giúp giảm chi phí bảo trì dự đoán. Ngoài công nghiệp 4.0, việc sử dụng các công cụ IoT để tiết kiệm năng lượng cũng được ứng dụng trong giao thông vận tải
3.2. Chuyển đổi sang phương tiện giao thông sạch
Trong bối cảnh doanh số bán xe điện tăng vọt trên toàn cầu, COP28 vừa diễn ra nhận thấy “kế hoạch phối hợp” đầu tiên nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển tăng cường các phương tiện không phát thải. Việc khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông sạch, bao gồm xe điện và xe chạy bằng năng lượng tái tạo có thể giúp giảm lượng khí thải từ phương tiện giao thông.
Than và khí đốt đang hướng tới nhu cầu cao nhất do sự chuyển đổi của hệ thống điện và sưởi ấm, được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ của năng lượng mặt trời và gió, cũng như máy bơm nhiệt. Dầu - từ lâu đã là thị trường hàng hóa có giá trị nhất thế giới - dự kiến sẽ giảm phần lớn do doanh số bán xe điện (EV) bùng nổ trên toàn thế giới.
Cuộc cách mạng điện khí hóa ngành ô tô
Giao thông vận tải đáp ứng khoảng 60% nhu cầu dầu thế giới, trong khi chỉ riêng vận tải đường bộ đã chiếm tới 15% lượng khí thải liên quan đến năng lượng toàn cầu. Xe điện hiện được nhiều người coi là phương tiện chính để khử carbon trong lĩnh vực này.
Doanh số bán xe điện đã bùng nổ trong vài năm qua, IEA dự đoán doanh số bán xe điện trên thị trường ô tô toàn cầu sẽ đạt 18% năm 2023. Sự tăng trưởng về xe điện có nghĩa là IEA hiện kỳ vọng xe điện sẽ xóa sạch nhu cầu dầu thế giới 5 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2030 .
Trước COP28, xe điện chỉ là một trong ba lĩnh vực mà IEA đánh giá là “đi đúng hướng” đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này. Công ty mẹ của Energy Monitor, GlobalData, dự kiến doanh số bán xe điện toàn cầu sẽ đạt 51,6 triệu chiếc vào năm 2035.
Doanh số bán xe điện ở Trung Quốc đã tăng vọt trong những năm gần đây, chiếm khoảng 1/4 thị trường. Tại Mỹ, Đạo luật Giảm lạm phát đã thu hút 100 tỷ USD thông báo đầu tư mới vào sản xuất xe điện và pin, cũng như vào các thành phần và tái chế pin.
Nhưng không giống như quang điện mặt trời – giá rẻ và tính chất phân tán khiến nó trở thành một triển vọng đầu tư hấp dẫn trên toàn thế giới – xe điện có rất ít tác động ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển do giá mua xe điện tương đối cao và thiếu cơ sở hạ tầng sạc sẵn có.
Điều này đã được một số nhà lãnh đạo khí hậu quốc gia trên thế giới chú ý, những người đã đưa ra Lộ trình chuyển đổi phương tiện không phát thải toàn cầu (ZEV) mới, như một phần của “Chương trình nghị sự đột phá” tại COP28. Chương trình nghị sự đột phá là một quy trình lấy COP làm trung tâm hàng năm và được quốc tế công nhận, được đưa ra hai năm trước tại COP26. Được hỗ trợ bởi 56 quốc gia, mục tiêu của nó là tăng cường hợp tác quốc tế về khử carbon trong thập kỷ này trong một số lĩnh vực phát thải cao, bao gồm cả vận tải.
Để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang phương tiện giao thông sạch tương lai, việc nhanh chóng hướng tới một tương lai phương tiện không phát thải sẽ là chìa khóa để cải thiện chất lượng không khí, giảm tác động của biến đổi khí hậu và thúc đẩy nền kinh tế.
4. Hỗ trợ chính sách và đầu tư cho phát triển năng lượng tiết kiệm
Xây dựng chính sách hỗ trợ và khuyến khích đầu tư vào các dự án và công nghệ tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng. Các chính sách và luật sử dụng năng lượng tiết kiệm dưới các nội dung sau:
4.1. Chính sách sử dụng năng lượng tiết kiệm
Chính sách giá: Chính phủ có thể thiết lập mức giá khuyến khích cho các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, giảm giá cho các thiết bị và hỗ trợ tài chính để các doanh nghiệp có thể đầu tư vào các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Quy định và tiêu chuẩn: Chính phủ có thể đưa ra quy định và tiêu chuẩn để đảm bảo rằng các sản phẩm tiết kiệm năng lượng đáp ứng yêu cầu về hiệu quả năng lượng và bảo vệ môi trường.
Khuyến khích và động viên: Chính phủ sẽ đưa ra các chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm như giảm thuế, cung cấp hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm; các khoản hỗ trợ tài chính, khuyến khích thông qua các chương trình giáo dục, tuyên truyền, các cuộc thi hoặc giải thưởng.
Thúc đẩy nghiên cứu và phát triển: Chính phủ có thể đầu tư cho các chương trình nghiên cứu và phát triển về các giải pháp tiết kiệm năng lượng để đưa ra các sản phẩm tiết kiệm năng lượng mới và cải tiến các sản phẩm hiện có. Đồng thời, thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham gia vào các dự án nghiên cứu và phát triển năng lượng tiết kiệm.
Hỗ trợ đối tượng: Chính phủ có thể hỗ trợ cho các đối tượng khác nhau như các doanh nghiệp, hộ gia đình, trường học, bệnh viện hoặc cơ quan Chính phủ để đầu tư vào các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo: Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch. Chính phủ đang khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo.
Thực hiện các biện pháp quản lý và kiểm soát năng lượng: Chính phủ sẽ đưa ra các biện pháp quản lý và kiểm soát năng lượng để giảm thiểu lãng phí năng lượng và tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm.
Tăng cường giáo dục và tạo đào tạo về năng lượng tiết kiệm: Chính phủ sẽ tăng cường giáo dục và đào tạo về năng lượng tiết kiệm để nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm.
4.2. Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm
Thứ nhất, Luật Năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng (sửa đổi và bổ sung) năm 2020 là một sửa đổi quan trọng của Luật Năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng của Việt Nam năm 2015. Luật sửa đổi này được Quốc hội thông qua vào ngày 17 tháng 11 năm 2020 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2021. Luật sửa đổi này tập trung vào nhiều mục tiêu, bao gồm tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, tăng cường hiệu quả năng lượng và giảm lượng khí thải nhà kính. Luật sửa đổi cung cấp các chính sách hỗ trợ tài chính cho các dự án năng lượng tái tạo và các hoạt động tiết kiệm năng lượng.
Thứ hai, Nghị định số 21/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng. Nghị định này quy định về các tiêu chuẩn và yêu cầu về tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, hợp tác xã, tòa nhà, đô thị và vận tải. Nghị định số 21/2011/NĐ-CP của Chính phủ là một văn bản quan trọng về tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng tại Việt Nam. Nghị định này được ban hành vào ngày 15 tháng 3 năm 2011 và đã được sửa đổi và bổ sung một số điều vào năm 2019. Nội dung chính của Nghị định này nhằm quy định về tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng để giảm thiểu lượng tiêu thụ năng lượng trong sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt, đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.
Thứ ba, Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 04 tháng 5 năm 2016 về tăng cường tiết kiệm năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo. Chỉ thị này yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường việc tiết kiệm năng lượng và sử dụng hiệu quả năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo và đảm bảo an toàn năng lượng trong các ngành công nghiệp, dân dụng, giao thông vận tải, đô thị và nông nghiệp. Chỉ thị số 16/CT-TTg là một chính sách quan trọng của Chính phủ Việt Nam về việc tăng cường tiết kiệm năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo.
Mục đích của chỉ thị nhằm tăng cường nâng cao nhận thức về tiết kiệm năng lượng và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là trong các ngành kinh tế và xã hội ngoài ra chỉ thị này là động lực để phát triển và ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng và năng lượng tái tạo vào các ngành kinh tế và xã hội, đồng thời đẩy mạnh sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất các thiết bị và giải pháp tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo. Đẩy mạnh đầu tư vào phát triển năng lượng tái tạo, tăng cường phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, thủy điện và nhiên liệu sinh học.
Chỉ thị này là một bước quan trọng trong việc nâng cao ý thức tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, đồng thời giúp tăng cường sự phát triển bền vững của đất nước. Nó cũng là một tài liệu quan trọng để các cơ quan chức năng triển khai các hoạt động tiết kiệm năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo.
Thứ tư, Quyết định số 353/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược quốc gia về tiết kiệm năng lượng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quyết định này quy định các mục tiêu và biện pháp để tăng cường tiết kiệm năng lượng và sử dụng hiệu quả năng lượng trong các ngành công nghiệp, dân dụng, giao thông vận tải, đô thị và nông nghiệp. Mục tiêu chính của chiến lược này như: Tăng cường tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, nông nghiệp và các lĩnh vực khác. Phát triển và ứng dụng các công nghệ, thiết bị tiết kiệm năng lượng và các nguồn năng lượng tái tạo. Giảm tỷ lệ lãng phí năng lượng, tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng.
Quản lý, Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả
Những biện pháp trên có thể giúp các quốc gia đáp ứng các mục tiêu và cam kết giảm lượng khí thải, tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng và đóng góp vào việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Tăng cường tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp, đạt mức tiết kiệm 10-15% vào năm 2030. Phát triển và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, đạt mức sử dụng 10% vào năm 2030. Giảm tỷ lệ lãng phí năng lượng trong các ngành sản xuất và vận hành hệ thống, giảm mức lãng phí năng lượng đến 3% vào năm 2030. Các thị trường phát triển đã có cách thức thay đổi thông qua các chính sách, quy định kỹ thuật và kinh tế, để khái niệm bền vững không còn là sự lựa chọn mang tính khuyến khích mà trở thành bắt buộc. Chính phủ cần lên kế hoạch hành động và các cơ quan chức năng cần tăng tốc nhanh hơn nữa để giúp doanh nghiệp chuyển đổi, thích ứng, tận dụng cơ hội, tối ưu hóa năng lực vốn có./.
Lê Anh Tú; Lương Thanh Hải
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT