NGHIÊN CỨU

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Nghiên cứu

Quảng Nam: Ngành công nghiệp đóng góp tích cực vào nền kinh tế

05/11/2020

Sau 4 năm triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, nền kinh tế Quảng Nam tiếp tục phát triển vượt bậc, trở thành điểm sáng của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2016 - 2019 đạt 10,7%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 66,3 triệu đồng. Trong đó, ngành công nghiệp có những đóng góp tích cực vào nền kinh tế. Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) năm 2019 ước đạt 95,328 tỉ đồng, gấp 3,87 lần so với 2010, gấp 1,46 lần so với 2015, bình quân giai đoạn 2016 - 2019 tăng 9,89% năm thấp hơn giai đoạn 2011 - 2015. Cơ cấu nội bộ ngành chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng công nghiệp khai khoáng, ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Ngành khai khoáng chiếm tỷ trọng từ 1,63% (năm 2015) giảm xuống còn 1,09% (ước năm 2019), tương ứng ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước chiếm tỷ trọng từ 4,86% giảm xuống 3,38%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải chiếm tỷ trọng từ 0,32% giảm xuống còn 0,27%; ngành chế biến chế tạo từ 93,19% tăng lên 95,25%.

Một số ngành công nghiệp lớn của tỉnh như sản xuất và lắp ráp ô tô, sản xuất đồ uống, sản xuất trang phục (may mặc), sản xuất da và các sản phẩm liên quan (da giày)...tiếp tục tăng trưởng, đóng góp vào tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp. Ngành công nghiệp hỗ trợ được hình thành và phát triển với sự xuất hiện của các doanh nghiệp lớn tại Tổ hợp Khu công nghiệp cơ khí và ô tô Chu Lai - Trường Hải tại khu công nghiệp (KCN) Tam Hiệp. Khu công nghiệp Dệt may tại KCN Tam Thăng và Khu Liên Hiệp sơi - dệt - nhuộm - may tại Quế Sơn, đây là điểm sáng, và tiềm năng lớn trong phát triển công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ của tỉnh. Nhiều sản phẩm công nghiệp đã khẳng định được chất lượng và thương hiệu trên toàn quốc như ô tô các loại, sản phẩm điện tử, hàng thủ công mỹ nghệ...

Doanh nghiệp công nghiệp tiếp tục tăng về số lượng, chiếm 18,43% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bản tỉnh. Theo số liệu thống kê đến hết năm 2018, trên địa bản tỉnh có 1.116 doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp, gấp 1,5 lần so với năm 2015, gấp 2,56 lần so với năm 2010, giải quyết việc làm cho hơn 95 nghìn lao động. So với năm 2015, số lao động trong các doanh nghiệp công nghiêp năm 2018 gấp 1,31 lần, và gấp 1,95 so với năm 2010. Nguồn vốn kinh doanh bình quân trên một doanh nghiệp đạt 70,84 tỷ đồng/doanh nghiệp, tăng 11,8% (tăng 7,49 tỷ đồng) so với năm 2015, gấp 1,8 lần so với năm 2010, Doanh thu thuần đạt khoảng 84.784 tỷ đồng, tăng 35,6% (tăng 22,284 tỷ đồng) so với năm 2015, gấp 4,65 lần so với năm 2010, bình quân giai đoạn 2016 - 2018 tăng 10,7%/năm.

Về hạ tầng các khu, cụm công nghiệp tiếp tục được quan tâm đầu tư, ngày dần được hoàn thiện, góp phần tích cực trong việc thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư.

Toàn tỉnh đã quy hoạch phát triển 11 KCN tập trung với diện tích là 6.135,72ha, bao gồm:

Khu kinh tế (KKT) mở Chu Lai: gồm 7 KCN với diện tích quy hoạch 4.950ha. Đến nay, Ban Quản lý KKT mở Chu Lai đã thu hút được 03 Nhà đầu tư trong nước, 01 Nhà đầu tư nước ngoài và 02  đơn vị thuộc Nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng vào 04 KCN, hình thành 09 phân KCN. Trong đó, 05 phân KCN đã đi vào hoạt động, 04 phân KCN đang trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng Dự án, Hiện KKT mở Chu Lai đã thu hút được 143 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, trong đó có 41 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 102 dự án trong nước, với tổng vốn đầu tư đăng ký 57.961,8 tỷ  đồng.

- Các KCN ngoài KKT mở Chu Lai (do Sở Công Thương quản lý): 04 KCN tập trung có diện tích quy hoạch là 1.185,72 ha, trong đó có 03 KCN (KCN Điện Nam - Điện Ngọc; KCN Thuận Yên; KCN Đông Quế Sơn) đã triển khai xây dựng đi vào hoạt động. Đến nay có 90 dự án còn hiệu lực và đang hoạt động, trong đó có 37 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 53 dự án có vốn đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư đăng ký 2.794,1 tỷ đồng và 570,648 triệu USD, diện tích sử dụng đất 313,33 ha, giải quyết việc làm cho khoảng 33.000 lao động

Theo quy hoạch cụm công nghiệp (CCN), trên địa bàn tỉnh có 92 CCN với tổng diện tích 2.280,47 ha đến năm 2025, 2.613,14 ha đến năm 2035. Đến nay đã có 51 CCN với tổng diện tích đất theo quy hoạch 1.355,18 ha, diện tích đất công nghiệp 995,15 ha. Trong đó có 49 CCN đã phê duyệt quy hoạch chi tiết, đang triển khai thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng và đi vào hoạt động với diện tích 1.260,18 ha, diện tích đất công nghiệp 929,09 ha. Có 53 CCN có quyết định thành lập với tổng diện tích 1.489,65 ha, diện tích đất công nghiệp 1.085,21 ha. Nguốn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng CCN theo dự án được phê duyệt 1.775 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng đã thực hiện 867,5 tỷ đồng , trong đó nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và Tỉnh 336,942 tỷ đồng.

Các CCN trên địa bàn đã thu hút được 280 dự án đăng ký đầu tư vào các CCN với tổng diện tích đất thuê và đăng ký thuê 715,24 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký theo dự án 15.484,6 tỷ đồng, tổng số lao động đăng ký theo dự án 63.867 người; trong đó có 199 dự án đã thực hiện đầu tư với tổng vốn đầu tư thực hiện 9.125,02 tỷ đồng, tổng số lao động làm việc trong các CCN là 29.718 người; 13 dự án ngưng hoạt động với tổng diện tích 26,2 ha, tổng vốn thực hiện 527,81 tỷ đồng. Tỉ lệ lấp đầy bình quân của 49 CCN đã phê duyệt quy hoạch chính thức và đi vào hoạt động đạt 68,36%.

Ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn tiếp tục phát triển, đã tạo được liên kết giữa các nhóm ngành nghề trong quá trình sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch lao động từ thuần nông sang lao động ngành nghề, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 19.856 cơ sở công nghiệp nông thôn, 47 hợp tác xã giải quyết khoảng 99,7 nghìn lao động. Số lượng lao động các cơ sở công nghiệp nông thôn tăng lên qua các năm.

- Về làng có nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bản tỉnh hiện có 45 làng, trong đó có 33 làng nghề và làng nghề truyền thống được Ủy ban Nhân dân tỉnh công nhận. Tổng số cơ sở sản xuất tham gia hoạt động làng nghề là 3.592 hộ, giải quyết 7.580 lao động. Thu nhập bình quân/lao động/tháng dao động t 2 triệu đồng đến 3,5 triệu đồng. Hộ gia đình tham gia hoạt động làng nghề là chủ yếu, còn doanh nghiệp, HTX tham gia trong hoạt động này là rất ít. Ngành nghề hoạt động của các làng nghề chủ yếu tập trung vào một số ngành nghề như: chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản (chế biến nước mắm, hải sản, làm bánh tráng, phở sắn); sản xuất thủ công mỹ nghệ (dệt vải, dệt thổ cẩm, dệt chiếu cói; gốm sứ; gỗ gia dụng; mây, tre đan), nhóm khác (làm hương, chổi đót, rèn, đóng tàu...). Các mặt hàng gỗ mỹ nghệ, gỗ gia dụng, gốm đỏ, đèn lồng, mây tre đan có thị trường tiêu thụ ở các nước Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản,... các sản phẩm chế biến nông lâm, thủy sản tiêu thụ chủ yếu ở địa phương.

- Về các chương trình khuyến công được đẩy mạnh, đã hỗ trợ phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Tổng nguốn khinh phí hỗ trợ hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - đến nay là 26,93 tỷ đồng. Chủ yếu tập trung vào các nội dung sau: Hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề, phát triển nghề; Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp công nghiệp nông thôn (CNNT); Hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT; Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; Hỗ trợ phát triển hoạt động tư vấn, cung cấp thông tin; Hỗ trợ hợp tác kinh tế, phát triển CCN và di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường.

Cùng với chương trình khuyến công, các hoạt động hỗ trợ phát triển làng có nghề TTCN như: xét tặng nghệ nhân, thợ giỏi, người có công đưa nghề về làng; bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu; cấp con dấu xác thực đối với sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã tạo động lực phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp của tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành công nghiệp tỉnh Quảng Nam còn có những hạn chế sau:

- Ngành công nghiệp 2016 - đến nay vẫn tiếp tục tăng trưởng nhưng thấp hơn so với giai đoạn trước. Ngành sản xuất và lắp ráp ô tô chiếm tỷ trọng lớn trong toàn ngành công nghiệp nhưng thời gian qua tăng trưởng không ổn định đã tác động đến mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp. Các sản phẩm công nghiệp như sản phẩm ngành may mặc, da giày... vẫn chưa tham gia được nhiều vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị, cơ bản mới chỉ có thể tham gia vào khâu gia công với giá trị gia tăng thấp. Công nghiệp hỗ trợ mới chỉ là giai đoạn đầu của quá trình phát triển.

- Việc dịch chuyển công nghiệp theo vùng lãnh thổ còn chậm, phân bố và phát triển không đồng đều, chủ yếu tập trung ở các huyện đồng bằng, các huyện miền núi thưa thớt.

- Đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật các KCN, CCN thời gian qua đã được quan tâm, tuy nhiên vẫn chưa đồng bộ.

- Các công trình hạ tầng xã hội (nhà ở công nhân, cơ sở văn hóa, giáo dục, y tế, dịch vụ vui chơi, giải trí...) chưa được đầu tư phát triển đồng bộ với sự phát triển các khu, cụm công nghiệp.

- Nguồn nhân lực đáp ứng cho nhu cầu phát triển còn hạn chế.

- Hầu hết các cơ sở công nghiệp nông thôn sản xuất với quy mô nhỏ, sản phẩm làm ra phục vụ cho thị trường nội địa là chủ yếu, sức cạnh tranh còn yếu, thiếu nắm bắt các thông tin về thị trường. Bản thân mỗi ngành nghề chưa có doanh nghiệp đầu đàn làm đầu mối cho việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Phần lớn lao động đều ở tuổi trung niên, lớn tuổi, già yếu, mất sức lao động, còn lao động trẻ lại không gấn bó với nghề. Việc đưa nghề về những vùng xa đô thị, nhất là các xã nghèo, làng thuần nông tại các huyện miền núi còn nhiều khó khăn, khó duy trì nghề sau khi được đào tạo nghề.

 Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại:

 - Ngành sản xuất và lắp ráp ô tô chiếm tỷ trọng lớn trong toàn ngành công nghiệp nhưng thời gian do chịu tác động giảm từ yếu tố thị trường tiêu thụ, sự cạnh tranh khốc liệt từ xe nhập khẩu và sự thay đổi chính sách thuế nên ngành này gặp nhiều khó khăn.

 - Ngành may trong thời gian qua đã có nhiều năng lực mới tăng, điển hình nhiều dự án lớn như nhóm dự án dệt may tại KCN Tam Thăng. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm may mặc trên địa bàn tỉnh Quảng Nam được sản xuất theo hình thức gia công (CMT) cho các doanh nghiệp nước ngoài để xuất khẩu (chiếm 90%); sản xuất theo phương thức mua nguyên liệu, bán thành phẩm (FOB) chiếm tỷ trọng còn thấp (khoảng 10%).

- Do thiên tai diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến sản xuất nói chung và ngành sản xuất điện nói riêng.

- Do hạn chế về vốn nên hạ tầng kỹ thuật các KCN, CCN, hạ tầng xã hội (nhà ở công nhân, cơ sở văn hóa, giáo dục, y tế, dịch vụ vui chơi, giải trí...) chưa đồng bộ.

- Hệ thống hạ tầng giao thông liên kết ở khu vực các huyện miền núi còn yếu nên khó khăn cho phát triển công nghiệp.

- Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư còn một số vướng mắc chưa giải quyết kịp thời.

- Các cơ chế chính sách phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ đã được triển khai thực hiện tuy nhiên vẫn chưa phát huy hiệu quả.

- Về phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp: Các doanh nghiệp công nghiệp ở nông thôn có quy mô còn bé, thiếu vốn, công nghệ còn lạc hậu, chậm cải tiến, sản xuất theo phương pháp truyền thống (sản xuất thủ công là chính), chưa áp dụng nhiều công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế, hạ giá thành sản phẩm. Chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn còn hạn chế, sự phân bố không đều, nguồn nhân lực qua đào tạo chưa phổ biến.

Phát huy kết quả đạt được và lợi thế so sánh đồng thời khắc phục các hạn chế tồn tại, nhất định thời gian tới ngành công nghiệp Quảng Nam sẽ phát triển bền vững đồng hành với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.

Nguồn: Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam

 

Trần Thị Thúy Hằng

Phòng Thông tin, Thư viện và Xúc tiến Thương mại - VIOIT

BÀI VIẾT KHÁC