Việt Nam có biên giới phía Bắc giáp Trung Quốc (1.449,566 km), một quốc gia gấp nhiều lần cả về diện tích (28,6 lần), dân số (15,2 lần), GDP (35,7 lần), GDP bình quân đầu người (2,3 lần), quy mô xuất khẩu (17,9 lần) so với Việt Nam. Là quốc gia hàng đầu trong các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới có quan hệ thương mại, đầu tư, du lịch với nước ta. Các nước thường “quan hệ” với Trung Quốc dưới 3 hình thức chủ yếu:
1) Đầu tư FDI để làm chủ cơ sở sản xuất ở Trung Quốc.
2) Xuất khẩu (XK) máy móc, thiết bị hiện đại và “vật tư” đầu vào để tham gia tiến trình sản xuất và XK của Trung Quốc.
3) Xuất khẩu nguyên nhiên liệu, khoáng sản. Nhập khẩu (NK), vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong nước.
Việt Nam chủ yếu giao lưu với Trung Quốc thông qua hình thức thứ 3. Nhìn lại quan hệ thương mại Việt - Trung trong những năm qua, có thể thấy khá nhiều vấn đề nổi lên, thể hiện chủ yếu trên các mặt sau:
1. Mục tiêu kim ngạch luôn bị “san phẳng” trước thời gian
Giai đoạn 1991 - 2000, Việt Nam liên tục xuất siêu sang Trung Quốc (trừ năm 1998, Việt Nam nhập siêu 74,9 triệu USD, chiếm 17% kim ngạch XK của Việt Nam sang Trung Quốc). Tổng xuất siêu của Việt Nam vào Trung Quốc giai đoạn 1991 - 2000 là 502,8 triệu USD, chiếm 12% so với tổng kim ngạch XK của Việt Nam vào Trung Quốc và 0,7% so với kim ngạch XK của cả nước giai đoạn này. Đây là thời kỳ tốc độ tăng trưởng xuất siêu bình quân của Việt Nam đối với thị trường Trung Quốc là khá cao (79,5%/năm).
Năm 2010, Trung Quốc lần đầu tiên chính thức trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam (kim ngạch buôn bán hai chiều đạt 27,328 tỷ USD). Việt Nam trở thành bạn hàng lớn thứ 5 của Trung Quốc trong khối các nước ASEAN.
Năm 2020, Trung Quốc là đối tác thương mại, thị trường NK lớn nhất, đồng thời là thị trường XK lớn thứ 2 của Việt Nam sau Hoa Kỳ (Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc kể từ năm 2020 - theo thống kê của phía Trung Quốc, tăng 2 bậc so với năm 2019).
Năm 2021, kim ngạch hai chiều đạt 165,8 tỷ USD, tăng 24,6% so năm trước. Trong đó, XK hàng hóa sang thị trường này đạt gần 56 tỷ USD,tăng 14,5% và nhập khẩu xấp xỉ 110 tỷ USD từ Trung Quốc, tăng tới 30,5% so với năm 2020, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.
Con số kim ngạch NK hàng hoá của nước ta từ thị trường Trung Quốc gấp 1,7 - 2,88 lần kim ngạch XK hàng hoá sang thị trường này cho thấy: dù thị trường quy mô nhỏ, nhưng các doanh nghiệp Trung Quốc đã khai thác thị trường Việt Nam khá tốt so với các doanh nghiệp nước ta làm được với thị trường này.
Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc giai đoạn 1991 - 2020
Đơn vị : Triệu USD
Nguồn: Niên giám Thống kê - Tổng cục Thống kê 1995-2020
2. Cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam chậm thay đổi, nhập khẩu chủ yếu là sản phẩm công nghiệp
Có thể thấy Việt Nam chủ yếu đóng vai trò cung cấp nguyên liệu và nông sản thô cho Trung Quốc. Nhóm hàng trung gian (chiếm 51,5%, bao gồm khoáng sản, cao su, xơ sợi…), hàng tiêu dùng (chiếm 22,4%, bao gồm rau quả, thủy sản, gạo, sắn…). Những năm gần đây nhóm hàng công nghiệp chế biến gia tăng (chủ yếu do các doanh nghiệp FDI). Kim ngạch XK hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc chiếm bình quân 28,16% tổng kim ngạch XK hàng nông sản của Việt Nam. Hiện Việt Nam có 9 loại trái cây XK chính ngạch sang Trung Quốc trong khi Thái Lan có tới 22 loại.
Sản phẩm công nghiệp (lớn nhất là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; tiếp đến là điện thoại các loại và phụ tùng; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; vải; sắt thép; xăng dầu) chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch nhập. Liên tục trong những năm qua, Trung Quốc luôn ở vị trí dẫn đầu về cung cấp máy móc, thiết bị cho Việt Nam. Tuy nhiên, việc NK máy móc, thiết bị có công nghệ và chất lượng ở mức trung bình như Trung Quốc về dài hạn sẽ gây khó khăn cho Việt Nam trong nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất và toàn chuỗi cung ứng.
3. Thương mại biên giới
Kể từ khi bình thường hóa, thương mại biên giới Việt - Trung thực sự là động lực góp phần vào việc phát triển quan hệ, hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực giữa hai nước nói chung và các tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới nói riêng. Hoạt động XNK biên mậu tại 7 tỉnh miền núi biên giới phía Bắc - nơi có 7 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu song phương, 21 cửa khẩu phụ, 37 lối mở biên giới được tiến hành chủ yếu theo các hình thức: chính ngạch, buôn bán qua biên giới, tạm nhập tái xuất, quá cảnh, chuyển khẩu, kho ngoại quan, trao đổi hàng hoá giữa cư dân biên giới hai nước. Tổng kim ngạch XNK biên mậu năm 2018 đạt 21,43 tỷ USD (XK đạt 8,82 tỷ và NK đạt 12,61 tỷ), chiếm 20,1% kim ngạch XNK Việt - Trung (XK chiếm 21,4% và NK chiếm19,3%). Năm 2019, tổng giá trị XNK đạt 24,85 tỷ USD, tăng 16,0% so với năm 2018, trong đó XK đạt 9,2 tỷ USD, tăng 4,4%; NK đạt 15,65 tỷ USD, tăng 24,1%. Năm 2020 kim ngạch XNK đạt 28,7 tỷ USD, tăng 15,5% so với năm 2019. Trong đó, XK đạt 9,24 tỷ USD, tăng 0.34%; NK đạt 19,46 tỷ USD, tăng 20,5% so với năm 2019.
Mặt hàng xuất, mua bán, trao đổi qua biên giới chủ yếu vẫn là nông lâm sản như cao su và các sản phẩm từ cao su, sắn lát và tinh bột sắn, thóc, gạo, đường, gừng, chuối xanh, khoai lang, trái cây tươi các loại (thanh long, vải, dưa hấu), thủy sản, gỗ ván bóc… Hàng NK chủ yếu gồm: máy móc thiết bị, điện năng, phân bón các loại, than cốc, nguyên liệu lá thuốc lá, trái cây tươi... Hàng tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, kho ngoại quan có xu hướng tăng, giảm thất thường.
Sự phát triển của thương mại biên mậu đã góp phần gia tăng, thúc đẩy kênh giao lưu hàng hóa giữa hai nước. Bộ mặt thị trường miền núi, vùng cao, biên giới nhờ đó cũng khởi sắc. Thương mại góp phần tạo thêm nhiều công ăn việc làm, thu nhập và sức mua dân cư nhờ đó cũng được nâng lên. Cơ cấu kinh tế - xã hội các tỉnh vùng cao biên giới từng bước có nhiều chuyển dịch theo hướng tích cực, tạo sức hấp dẫn, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI).
Buôn bán tiểu ngạch tạo thuận lợi cho doanh nghiệp giảm được thuế, tiết kiệm một số chi phí, bao bì, chất lượng hàng hoá không đòi hỏi cao, thậm chí tránh được kiểm dịch về vệ sinh… chủ yếu diễn ra qua các lối mòn, cửa khẩu phụ, cánh gà... Tuy nhiên, yếu tố không chắc chắn trong buôn bán tiểu ngạch khiến thương mại biên mậu có độ rủi ro cao, có tác động mạnh tới các hợp đồng thương mại chính ngạch.
Một số nhận xét :
Không chỉ là bạn hàng lớn nhất, dễ tính nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN,Việt Nam trở thành thị trường bên ngoài hoàn hảo cho hàng hóa Trung Quốc vì điều kiện kinh tế tương đồng, văn hóa tiêu dùng và chi phí vận chuyển thấp. Năm 2010, XK sang Trung Quốc chiếm 10,7% kim ngạch XK cả nước và NK chiếm 23,8% kim ngạch NK cả nước. Năm 2015 là 10,6% và 29,8%. Năm 2020, XK và NK chiếm tương ứng 17,3% và 32,1% kim ngạch XK và kim ngạch NK cả nước. Về tổng thể, kim ngạch thương mại với Trung Quốc chiếm 24,4% tổng kim ngạch XNK của Việt Nam.
Cơ cấu thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc là một ví dụ điển hình cho quan hệ Bắc - Nam (khái niệm trong kinh tế học được dùng để chỉ quan hệ thương mại giữa nước phát triển ở phía Bắc Bán Cầu và nước đang phát triển ở phía Nam). Nghịch lý này đặt ra những câu hỏi nghiêm túc: thâm hụt thương mại này có thể tiếp diễn đến mức độ nào và sẽ tác động như thế nào tới nền kinh tế Việt Nam (về cán cân thanh toán quốc tế, nhất là cán cân vãng lai, việc làm và thu nhập của lao động Việt Nam...).
Nhìn lại những năm đã qua, có thể nói, thương mại biên mậu, bên cạnh những mặt đạt được, vẫn còn một số tồn tại có thể kể tới là:
- Mặc dầu có lợi thế về vị trí địa kinh tế, nhưng Việt Nam vẫn chưa khai thác triệt để yếu tố này để tăng kim ngạch XK. Chưa tận dụng được cơ hội để khai thác, thâm nhập sâu trong bối cảnh Trung Quốc mở cửa thị trường, đặc biệt là đối với mặt hàng nông, thuỷ sản của Việt Nam mà các tỉnh Tây Nam nước Bạn có nhu cầu lớn. Lượng hàng hoá của Trung Quốc quá cảnh qua Việt Nam vẫn còn nhỏ bé.
- Hiểu biết về thị trường Trung Quốc, về các qui định, chính sách XNK của Trung Quốc của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế.
Với việc Trung Quốc cho phép, duy trì chế độ ưu đãi cho trao đổi hàng hóa giữa cư dân hai bên biên giới, với hạn mức được miễn thuế là 8000 NDT/người/ngày. Hàng hóa trao đổi theo hình thức này thường là theo thỏa thuận miệng, không có hợp đồng với các điều khoản chặt chẽ về quy cách hàng hóa, điều kiện giao hàng… và chủ yếu XK qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới để vào các chợ đường biên. Các ưu đãi về chính sách thuế biên mậu và chính sách miễn thuế trong trao đổi hàng hoá giữa cư dân biên giới hai nước, đã vô tình tạo nên sức “hấp dẫn” với các doanh nghiệp Việt Nam.
Nếu như thâm hụt thương mại về số lượng đặt ra những vấn đề nghiêm túc về cân đối tài khoản vãng lai giữa hai nền kinh tế thì cơ cấu hàng XNK lại cho thấy chất lượng của trao đổi thương mại giữa hai nước ngày càng bất lợi cho phía Việt Nam.
Kết quả phân tích thử nghiệm mô hình thị phần không đổi (CMS - Constant Market Share Model) ở thị trường Trung Quốc cho thấy: tăng NK của thị trường Trung Quốc đã trở thành động lực làm cho XK nông sản của Việt Nam tăng lên chứ không phải do khả năng cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam được cải thiện. Do đó, để tiếp tục duy trì và gia tăng XK nông sản, một sự điều chỉnh là rất cần thiết đối với khu vực sản xuất nông nghiệp của Việt Nam nói chung và chiến lược XK nông sản nói riêng. Nhìn chung phần giá trị của Việt Nam trong chuỗi cung ứng của Trung Quốc còn thấp. Sau 30 năm, hàng hóa của nước ta XK sang thị trường này vẫn dựa nhiều vào tiểu ngạch, chưa kiến tạo được hệ thống phân phối và phụ thuộc hoàn toàn vào các doanh nghiệp sở tại. Nếu như cơ cấu hàng hoá xuất khẩu không có những đột phá và chuyển biến mạnh mẽ, xu thế suy giảm tốc độ và kim ngạch XK sang thị trường này sẽ là điều không thể tránh khỏi.
Lượng hàng trung gian NK quá lớn phản ánh nền kinh tế Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải bươn chải, phụ thuộc rất lớn vào nguồn hàng nhập từ Trung Quốc. Khả năng cạnh tranh, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam yếu cũng cho thấy chúng ta đang quá phụ thuộc vào thị trường này cả hàng trung gian lẫn hàng tiêu dùng cuối cùng.
Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) trong báo cáo khảo sát năm 2018, cho thấy: nhiều ngành sản xuất của Việt Nam có mức độ phụ thuộc rất cao vào Trung Quốc cả ở đầu vào (vật tư, nguyên liệu) và đầu ra (thị trường tiêu thụ). Có tới 80% nguyên vật liệu đầu vào và 60% XK nông sản của Việt Nam đang phụ thuộc vào Trung Quốc. Theo Nguyễn Quang Thái và Bùi Trinh, trong quan hệ thương mại giữa hai nước, ở khía cạnh sản xuất, cũng có sự khác biệt rất rõ và khá lớn. Trong chi phí trung gian của Việt Nam có 8% đầu vào được NK từ Trung Quốc, thì Trung Quốc chỉ sử dụng 0,1% đầu vào là sản phẩm NK từ Việt Nam. Điều này phần nào cho thấy mức độ quan trọng tương đối của các sản phẩm NK từ Trung Quốc đối với nền sản xuất của Việt Nam là lớn hơn hẳn chiều ngược lại. Sự lệ thuộc này rất đáng được lưu tâm.
Với nền kinh tế mà số doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến 96% và lệ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên vật liệu từ Trung Quốc, tác động của việc tạm thời gián đoạn giao thương với “công xưởng thế giới” đã và đang bước vào “kinh tế số và trí tuệ nhân tạo” sẽ để lại “những di chứng” không nhỏ.
Nhập siêu lớn với Trung Quốc đã hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ nguồn. Các ngành Việt Nam có khả năng cạnh tranh với Trung Quốc chủ yếu là sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng thấp như dệt may, giày dép, nhựa, gỗ, giấy, thép, sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp… “Việt Nam là điểm cuối mạng lưới sản xuất toàn cầu của nhiều mặt hàng chi phí thấp, sử dụng nhiều lao động”, báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2019 từng lưu ý.
Việt Nam đang phải dùng thặng dư thương mại với các quốc gia khác để bù đắp cho thiếu hụt thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, khả năng bù đắp có xu hướng giảm dần, do nhập siêu từ Trung Quốc vẫn rất lớn trong khi XK sang các thị trường khác khó mở rộng, thậm chí một số thị trường đang bị thu hẹp vì nhiều lý do (hàng rào kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng được nâng cao, cạnh tranh diễn ra khốc liệt...).
Một số nghiên cứu của các chuyên gia đã so sánh cơ cấu kinh tế và phát thải CO2 của Việt Nam và Trung Quốc cảnh báo, lượng phát thải CO2 bình quân cho một đơn vị sản phẩm cuối cùng của Trung Quốc cao hơn Việt Nam khoảng 26% và trong hầu hết các ngành Trung Quốc có lượng phát thải CO2 cao hơn Việt Nam. Khi đó, cùng với tỉ trọng NK ngày càng tăng của Việt Nam từ Trung Quốc (trong đó hơn 90% NK cho sản xuất) hiển nhiên là nguy cơ NK ô nhiễm. Nhóm hàng máy móc thiết bị luôn dẫn đầu kim ngạch NK từ Trung Quốc chứng tỏ nỗi lo trở thành bãi đáp cho máy móc lạc hậu từ nước láng giềng chưa được xoa dịu.
Sự gần gũi về mặt địa lý và ở trình độ sản xuất thấp hơn khiến Việt Nam đang dần bị hút vào vòng xoáy “giải công nghiệp hóa” hay còn được gọi là “lời nguyền tài nguyên mới”. Lợi thế của hàng XK Việt Nam vẫn nằm tập trung vào các ngành có hàm lượng kỹ thuật thấp và hàng hóa nông sản. Điều đáng lo ngại là nguồn lợi thu được một cách dễ dãi từ XK tài nguyên và hàng thô, sơ chế, hàng hóa hàm lượng kĩ thuật thấp (như quần áo, giày dép...) có thể triệt tiêu động lực nâng cấp ngành, tham gia vào các phân khúc cao hơn trong chuỗi sản xuất khu vực của quốc gia.
Từ năm 2007 đến nay, NK của Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường châu Á (đặc biệt là Trung Quốc). Với tỷ trọng NK cao từ thị trường châu Á (nhập siêu chủ yếu từ các thị trường này) và xuất siêu sang các thị trường có công nghệ nguồn - Việt Nam đang đi theo lý thuyết đàn sếu bay một cách tuần tự nhưng với tốc độ chậm hơn nhiều các nước mới công nghiệp hóa (NICs). Việt Nam đang bị “neo chặt” ở khâu có giá trị gia tăng thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này sẽ gây khó khăn cho việc phát triển theo kiểu rút ngắn, đi tắt đón đầu, xác định vị thế quốc gia, nguy cơ tụt hậu rất lớn.
Hệ quả là chỉ cần Trung Quốc điều chỉnh chính sách thương mại hoặc có động thái áp dụng các biện pháp bảo hộ hàng sản xuất trong nước, hỗ trợ XK, cấm hoặc hạn chế mặt hàng xuất - NK nào đó thì nền kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt với không ít khó khăn, cho dù là trong ngắn hạn. (Còn tiếp).
Vũ Huy Hùng
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT
TS. Hoàng Vĩnh Thắng
Học viện Ngân hàng Hà nội