Kết quả đạt được
Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng cùng nằm trên bán đảo Đông Dương, thuộc vùng hạ lưu sông Mekong, đều có nguồn gốc nền văn minh lúa nước với lịch sử lâu đời ở khu vực Đông Nam Á, đặc biệt đều có vị trí địa lý, chính trị hết sức quan trọng, là tâm điểm kết nối khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Với nhiều điểm tương đồng, hai nước luôn gần gũi, gắn bó, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia khởi đầu từ ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia (đồi 1086 gần Bờ Y-Kon Tum) kéo dài đến sát mép biển Hà Tiên (cột mốc 314), tỉnh Kiên Giang, đi qua 10 tỉnh biên giới miền Tây Nam của Việt Nam (Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang), tiếp giáp với 9 tỉnh biên giới của Căm-pu-chia (Ratarakiri, Mônđunkiri, CôngpôngChàm, Carachê, Sveyriêng, Prâyveng, Kầnđan, Tàkeo và Kămpốt) với chiều dài khoảng 1.137km (trong đó 84% đã phân giới cắm mốc).
Trên vùng biên giới Việt Nam - Campuchia, lợi thế để phát triển thương mại, thị trường quan trọng và nổi bật nhất chính là vị trí chính trị, kinh tế trong cả hiện tại và tương lai, bởi vì:
- Các tỉnh trên tuyến vành đai biên giới giữa 02 quốc gia đều có một hệ thống cửa khẩu quốc tế và quốc gia đã được Nhà nước đầu tư xây dựng và nâng cấp trong những năm vừa qua.
- Vùng cao, biên giới đã, đang và sẽ được chú trọng của chính phủ cả về vốn đầu tư lẫn các chính sách ưu tiên, khuyến khích nhằm đẩy mạnh quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Vị trí kinh tế mà trước hết là lĩnh vực kinh tế đối ngoại của các tỉnh biên giới đang được nâng dần trong nhãn quan của các nhà kinh tế và chính phủ của cả hai phía biên giới.
- Trong tương lai, quan hệ kinh tế đối ngoại giữa Việt Nam với Campuchia được phát triển ở quy mô và phạm vi lớn hơn sẽ tạo nên sức ép phát triển trước hết là phát triển các hoạt động thương mại đối với các tỉnh biên giới.
- Tiềm năng lớn về du lịch của các tỉnh biên giới cũng là một lợi thế không nhỏ trong quá trình phát triển thị trường và các hoạt động thương mại, nhất là trong bối cảnh ngày nay, khi nhu cầu giao lưu và mở rộng hiểu biết của con người về thế giới tự nhiên, xã hội ngày càng cao.
Khu vực biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia đóng vai trò đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa và dịch vụ thương mại du lịch của các nước tiểu vùng sông Mekong và vùng Biển Đông, giữa ASEAN và Trung Quốc.Vì vậy chính phủ rất quan tâm và thông qua Quy hoạch vùng biên giới Việt Nam - Campuchia đến năm 2030, sẽ phát triển thành một trong những vùng kinh tế động lực của cả nước về phát triển nông nghiệp và lâm nghiệp, thủy lợi; và là đầu mối và cửa ngõ giao thông về đường bộ, đường thủy và đường hàng không quan trọng phía Tây và Tây Nam đất nước.
Đến năm 2021, hai nước đã thỏa thuận thành lập 11 cặp cửa khẩu quốc tế, 11 cặp cửa khẩu chính và 26 cặp cửa khẩu phụ. Các cửa khẩu này đều được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo mô hình chuẩn gồm: nhà kiểm soát liên hợp, quốc môn, đường giao thông nội bộ, các khu chức năng… có thể kết nối hoạt động với hệ thống cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính biên giới đất liền trên toàn quốc, nhằm mục tiêu thông quan nhanh chóng, hiệu quả.
Tại các cửa khẩu quốc tế, hai bên chủ trương phát triển các khu kinh tế cửa khẩu (KTCK), hệ thống chợ thương mại biên giới. Người dân và doanh nghiệp hai nước có thể đầu tư làm ăn và tham quan du lịch các khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y ở Kon Tum, khu KTCK đường 19 ở tỉnh Gia Lai; Bonuê ở tỉnh Bình Phước; Mộc Bài, Xa Mát ở tỉnhTây Ninh; Đồng Tháp; Khánh Bình ở tỉnh An Giang; Hà Tiên ở tỉnh Kiên Giang.
Các khu KTCK cũng nằm trong quy hoạch phát triển 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia và hành lang kinh tế đường xuyên Á. Nhằm đáp ứng nhu cầu giao lưu hợp tác qua biên giới, theo quy hoạch, toàn tuyến biên giới được phân thành 2 khu vực lớn là khu vực biên giới Tây Nam và khu vực biên giới Tây Nguyên; trong mỗi khu vực sẽ hình thành các tiểu vùng kinh tế.
Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia đã được hai nước ký và thực hiện từ năm 2006 (sửa đổi, bổ sung 2 năm một lần). Đây là văn kiện pháp lý quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp hai nước khi đã đưa ra mức ưu đãi thuế quan cho nhiều hàng hóa có thế mạnh của mỗi bên, ưu đãi hơn cả Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước.
Ngày 02/6/2023, thực hiện Tuyên bố chung giữa Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Thủ tướng Chính phủ Campuchia (ngày 10/10/2005) và được sự ủy quyền của Chính phủ hai nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia ký Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia giai đoạn 2023-2024 (Bản Thỏa thuận) theo hình thức trực tuyến. Giúp hai nước tiếp tục khai thác tính bổ sung của hai nền kinh tế, thắt chặt kết nối chuỗi cung ứng, phát triển thương mại biên giới và khẳng định quyết tâm của hai bên trong việc thúc đẩy thương mại song phương tương xứng với mối quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” giữa hai nước.
Trải qua 08 lần ký và gia hạn, Bản Thỏa thuận đã góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Campuchia. Đặc biệt, giai đoạn 2010-2015, kim ngạch thương mại giữa 2 nước đã đạt mức tăng trưởng khá cao (bình quân khoảng 18,5%/năm); giai đoạn 2015-2020 tiếp tục tăng trưởng bình quân trên 21%/năm. Năm 2022, mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng kim ngạch thương mại giữa 2 nước vẫn đạt 10,57 tỷ USD, tăng gần 11% so với năm trước, đưa Việt Nam vươn lên là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ ba trên thế giới của Campuchia (sau Trung Quốc và Mỹ).
Tỷ trọng kim ngạch xuất, nhập khẩu biên giới đất liền Việt Nam với Campuchia so với tổng kim ngạch biên giới đất liền Việt Nam với 03 nước Trung Quốc, Lào, Cămpuchia
|
XNK biên giới
|
XK biên giới
|
NK biên giới
|
2019
|
10,3
|
17,6
|
5,3
|
2020
|
10,3
|
19,3
|
5,2
|
2021
|
14,7
|
14,7
|
14,6
|
2022
|
24,3
|
35,2
|
19,8
|
2023
|
12,2
|
14,0
|
11,0
|
Nguồn : Tính toán theo số liệu thống kê Hải quan các tỉnh biên giới
Thách thức và những vấn đề đặt ra
Cơ cấu các vùng kinh tế Việt Nam - Campuchia
Về lý thuyết, các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau sẽ là tiền đề “địa kinh tế” cho những kết quả khác nhau của từng vùng và trọng số khác nhau đối với cả nước. Nhưng “địa kinh tế” chỉ là tiền đề; muốn biến tiền đề (khả năng) thành hiện thực, thì phải có những giải pháp tác động để khai thác các tiềm lực, trong đó có 2 hướng phải tính đến, đó là động lực tăng trưởng của cả nước và không để tụt lại phía sau.
Vùng Tây Nguyên gồm các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Vùng này có tỷ trọng diện tích lớn thứ 3 trong các vùng, nhưng có tỷ trọng về dân số ít nhất. Nếu trước đây di cư thuần mang dấu dương, thì nay mang dấu âm… Tây Nguyên có tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp thứ 5 trong các vùng. GRDP bình quân đầu người thấp nhất so với các vùng, trong đó có một số tỉnh rất thấp như: Kon Tum đạt 2.253 USD, Gia Lai 2.353 USD, Đắk Lắk 2.437 USD, lần lượt xếp thứ 51, thứ 49, thứ 46 trong cả nước. Vốn FDI trong vùng chiếm tỷ trọng rất thấp. Lũy kế vốn FDI đăng ký tính đến cuối 2022 của cả 5 tỉnh đạt thấp (Gia Lai: 21 triệu USD, Kon Tum: 247 triệu USD, Đắk Nông: 311 triệu). Tỷ lệ nghèo đa chiều cao thứ 2 trong các vùng. Thu nhập bình quân một tháng thấp thứ 5 trong các vùng…
Vùng Đông Nam bộ gồm các tỉnh/thành phố: Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh. Vùng Đông Nam bộ đứng thứ nhất trong các vùng về nhiều chỉ tiêu: (1) Tỷ lệ dân số thành thị; (2) Tỷ suất di cư thuần mang dấu dương (nhập cư nhiều hơn xuất cư); (3) Tuổi thọ trung bình; (4) Tổng GRDP; (5) Tổng thu ngân sách… Tổng tỷ suất sinh, tỷ lệ nghèo đa chiều thấp nhất cả nước.
Đồng bằng Sông Cửu Long gồm các tỉnh/thành phố Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Vùng này đứng đầu cả nước về sản xuất và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, nhất là lương thực, thủy sản. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực.
Hạn chế, khó khăn, thách thức của vùng này là: tỷ trọng doanh nghiệp còn thấp; hệ thống giao thông vận tải còn hạn chế; vốn FDI ít; GRDP bình quân đầu người còn thấp: tất cả các tỉnh có mức GRDP thấp hơn mức bình quân chung của cả nước, trong đó nhiều tỉnh thuộc nhóm thấp (dưới 3.000 USD), như: Bến Tre 2.106 USD, An Giang 2.326 USD, Sóc Trăng 2.357 USD, lần lượt xếp thứ 54, 50, 47 trong cả nước...; chỉ có 3 tỉnh nằm trong nhóm trung bình (từ 3.000 đến dưới 4.000 USD) là: Long An 3.874 USD, Cần Thơ 2.697 USD, Trà Vinh 3.054, lần lượt xếp thứ thứ 14, 19, 28... trong cả nước. Nhiều hạn chế, khó khăn cần khắc phục như: cơ cấu kinh tế; cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông vận tải, số lượng doanh nghiệp; giáo dục, đào tạo; đầu tư cho thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Sức mua và dung lượng thị trường
Lõi nghèo tập trung ở vùng dân tộc thiểu số, theo số liệu hiện nay tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số chiếm khoảng 58,5% trong tổng số hộ nghèo của cả nước. Bình quân 5 năm chúng ta giảm nghèo được hơn 1,3%, tỷ lệ nghèo của vùng đồng bào dân tộc miền núi cũng giảm rất nhanh. Tuy giảm nhanh nhưng tỷ trọng vẫn cao và quan trọng là thu nhập bình quân của đồng bào dân tộc miền núi chỉ bằng 2/5 mức bình quân của cả nước.
Thống kê cho thấy: Mức chi tiêu cho đời sống bình quân đầu người/tháng có xu hướng tăng, chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi tiêu (91,9 đến 93,4%). Khoản chi tiêu khác chiếm tỷ trọng thấp (dao động từ 6,6 đến 8,1%). Quỹ mua nhỏ, mang tính phân tán,nhìn chung thu nhập chưa đạt đến mức đủ lớn làm thay đổi về chất của thị trường miền núi biên giới hiện nay.
Khảo sát tháng 8/2019, khu vực miền núi, theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, thu nhập thực tế bình quân một người dân tộc thiểu số khoảng 1,1 đến 1,2 triệu đồng/tháng, tương đương với 13-14 triệu đồng một năm. Như vậy, mức thu nhập của khu vực đồng bào dân tộc thiểu số hiện mới chỉ bằng 1/5 mức thu nhập chung cả nước. Có gần 1 triệu hộ gia đình nghèo, chiếm 20% tổng dân số. Riêng các huyện nghèo, tỷ lệ nghèo bình quân khoảng 45%. Một số huyện miền núi phía Bắc là những nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao (trên 50%). Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 cũng tho thấy, cả nước còn hơn 1,9 triệu hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều, chiếm 7,52%.
Đáng chú ý, tình trạng nghèo sâu, nghèo kinh niên tập trung vào đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực đặc biệt khó khăn, chủ yếu ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, trong đó “lõi nghèo” tập trung nhiều ở khu vực các tỉnh thuộc miền núi Tây Nguyên.
Sự thay đổi độ cao đã tạo cho các tỉnh vùng cao biên giới có nhiều tiểu vùng khí hậu, làm tăng tính đa dạng của các sản vật địa phương. Tuy nhiên do địa bàn bị chia cắt mạnh với độ dốc thay đổi lớn, trong đó, địa hình nghiêng và dốc chiếm phần lớn diện tích đất tự nhiên là yếu tố gây trở ngại lớn tới quá trình phát triển kinh tế hàng hóa của các tỉnh trên nhiều phương diện như: khó mở rộng quy mô sản xuất,nhất là sản xuất nông nghiệp,làm tăng chi phí vận tải và vận chuyển hàng hóa: tăng lượng vốn đầu tư và chi phí ở các khâu của quá trình sản xuất xã hội….
Những năm gần đây, thu nhập và đời sống của dân cư đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên,mức thu nhập bình quân đầu người, khả năng chi tiêu cho các nhu cầu tiêu dùng còn thấp và phần lớn còn mang tính tự cấp tự túc. Như vậy, cùng với số dân ít, mật độ dân cư thấp, thị trường biên giới là thị trường nghèo “chất dinh dưỡng”, nhu cầu trao đổi thấp cả về lưu lượng lẫn nhịp độ.
Nếu nhìn toàn cảnh và phân tích thực trạng thị trường ở các khu vực, vùng sâu, vùng xa thì có thể nói thị trường nông thôn miền núi ở nhiều tỉnh biên giới Việt Nam - Campuchia vẫn là một thị trường nghèo với sức mua bình quân đầu người khá thấp. Thị trường đang có khuynh hướng bị khu vực hoá với một số vùng hết sức khó khăn,có nơi thậm chí chưa có những tiền đề cần thiết cho kinh tế hàng hoá.
Trình độ dân trí thấp,cùng với những tập tục lạc hậu của đồng bào các dân tộc trên các địa bàn đang tạo ra lực cản lớn trước yêu cầu đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Điều đó cũng làm giảm quá trình phát sinh và phát triển thương mại, thị trường trên địa bàn xét từ phía cầu.
Mặc dầu có lợi thế về vị trí địa kinh tế, nhưng Việt Nam vẫn chưa khai thác triệt để yếu tố này để tăng kim ngạch xuất khẩu. Chưa tận dụng được cơ hội để khai thác, thâm nhập sâu thị trường, đặc biệt là đối với mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản của Việt Nam mà các tỉnh nước Bạn có nhu cầu lớn. Lượng hàng hoá quá cảnh qua Việt Nam vẫn còn nhỏ bé.
Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể nói ,bên cạnh những mặt đạt được, vẫn còn một số tồn tại có thể kể tới là :
- Trao đổi thương mại chưa tương xứng với tiềm năng, chưa khai thác hết năng lực hạ tầng cửa khẩu. Xuất khẩu nông thủy sản chủ yếu vẫn là tiểu ngạch. Số lượng, chất lượng, giá cả đều thiếu ổn định.
- Hạ tầng biên giới còn hạn chế. Việc ứng dụng công nghệ mới trong quản lý hoạt động của các cửa khẩu cũng mới chỉ mang tính thí điểm, chưa phải phổ biến các cửa khẩu… Đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông để kết nối với hệ thống giao thông của Campuchia vẫn còn nhiều mặt bất cập.
- Các chính sách thương mại biên giới khá thông thoáng phần nào gây khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước tại khu vực cửa khẩu trong công tác kiểm dịch, kiểm tra, kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và phòng chống gian lận thương mại.
Phát triển kinh tế cửa khẩu
Khảo nghiệm hoạt động ở các khu KTCK ở các tỉnh biên giới cho thấy việc Nhà nước bỏ vốn “mồi”, tăng cường khả năng kết nối giao thông, xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng thời với việc tạo cơ chế thu hút các nhà đầu tư cùng hợp tác kinh doanh theo các hình thức đối tác công tư là tiền đề hết sức quan trọng. Tuy nhiên, nhìn về tổng thể, có thể thấy ở các khu KTCK hiện nay cơ sở hạ tầng đầu tư còn thiếu đồng bộ.Kho bãi và các trang thiết bị bốc dỡ hàng hóa, bảo quản lạnh… chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Nhiều nhà đầu tư phải đối mặt với không ít khó khăn, đặc biệt là giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực và các loại hình dịch vụ gắn với khu KTCK như logistics, đại lý hải quan, kiểm nghiệm, kiểm dịch, tư vấn pháp luật, nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn… mặc dù đã có những “chuyển động” tích cực nhưng cũng chưa đạt được kỳ vọng. Sau thời gian thí điểm, cơ chế chính sách chưa có những thay đổi mang tính “đột phá”… là những nguyên nhân khiến các khu KTCK hoạt động không hiệu quả.
Giải pháp cho thời gian tới
Lý thuyết đã chỉ ra rằng hoạt động thương mại là sự trao đổi tự nguyện giữa các khu vực, quốc gia với nhau trên cơ sở lợi ích thu được. Chính thương mại chứ không phải giải pháp kinh tế nào khác đã mang lại sự năng động cho các yếu tố sản xuất. Vì vậy, có thể nói rằng, mặc dù tiềm năng phát triển kinh tế của các tỉnh vùng biên còn hạn chế, nhưng phát triển kinh tế thương mại sẽ mang lại sự năng động cho các yếu tố sản xuất và đưa hoạt động kinh tế các tỉnh biên giới hội nhập với kinh tế vùng và kinh tế cả nước. Không chỉ ở các ngành sản xuất có tiềm năng, lợi thế so sánh mà còn ở ngay cả những ngành không có tiềm năng hay bất lợi nhưng vẫn có thế đạt lợi thế nhờ qui mô (lợi thế so sánh trong một ngành sản xuất).
Những tác động từ bên ngoài cũng như sự hình thành và mở rộng về không gian và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh biên giới trong thời gian tới đặt ra những yêu cầu phát triển mới về số lượng, chất lượng dịch vụ của ngành thương mại cũng như về cơ cấu, qui mô, phương thức kinh doanh, trình độ tổ chức và phân bố của các loại hình tổ chức thương mại, của hệ thống các kênh phân phối, của không gian thị trường và kết cấu hạ tầng của ngành thương mại trong mối quan hệ chặt chẽ giữa các tỉnh/thành phố trong và ngoài khu vực. Như vậy, có rất nhiều điều kiện và yếu tố mới đã, đang và sẽ tác động đến sự phát triển của thương mại và thị trường, gắn liền với sự phát triển của các vùng có đường biên.
Trong bối cảnh quan hệ hợp tác và phát triển kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Campuchia đang ngày càng mở rộng về quy mô và cải thiện về chất lượng, biên giới Tây Nam có vị thế quan trọng trong chiến lược phát triển các quan hệ kinh tế và thương mại Việt Nam - Campuchia. Trong đó, quan trọng nhất chính là sự hiện diện của hệ thống các cửa khẩu trên tuyến biên giới. Trong tương lai, triển vọng phát triển thương mại của khu vực này trước những biến động của thị trường trong nước không chỉ phụ thuộc vào khối lượng trao đổi sản phẩm được tạo ra giữa các tỉnh với các địa phương khác, mà còn ở sự hợp tác sản xuất, tìm kiếm và khai thác lợi thế so sánh của mỗi tỉnh với các địa phương khác trong và ngoài vùng, trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng phát triển kinh tế thương mại của mỗi địa phương.
“Tư duy về liên kết vùng” cần phải là tư duy chủ đạo, kết nối và dẫn dắt sự phát triển của từng địa phương trong vùng theo một cơ chế điều phối và kết nối hiệu quả nhằm thống nhất về nhận thức và định hướng phát triển vùng, huy động hiệu quả nguồn lực và tăng lợi thế nhờ quy mô, tránh được tình trạng cát cứ, phân mảng, cạnh tranh không lành mạnh, dàn trải trong đầu tư và lãng phí nguồn lực.
Các tỉnh biên giới Tây Nguyên và Tây Nam cần tận dụng lợi thế về vị thế địa kinh tế để phát triển các loại hình dịch vụ như vận tải quá cảnh, chuyển khẩu, tạm nhập tái xuất, du lịch, thu hút FDI.
Các khu KTCK trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, đặc biệt là ở Tây Ninh có một ví trí địa kinh tế vô cùng thuận lợi, là “mắt xích” quan trọng trong tuyến đường hành lang kinh tế Đông - Tây của ASEAN, là điểm kết nối giữa thành phố Hồ Chí Minh và toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với nước bạn Campuchia. Vì vậy, vấn đề lớn nhất hiện nay là làm sao cho các khu KTCK của tỉnh Tây Ninh có thể nắm bắt được các cơ hội phát triển mới trong xu thế phục hồi của nền kinh tế toàn cầu và sự điều chỉnh lớn trong đầu tư quốc tế và phân công cơ cầu ngành nghề/lao động thế giới. Mặt khác thương mại và đầu tư quốc tế cũng cần có sự thay đổi và nâng cấp về chất trong bối cảnh phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ hướng tới cách mạng công nghiệp 4.0 và nền kinh tế số.
Muốn như vậy, các khu KTCK phải có những bước chuyển mình và nâng cấp từ cấp thấp lên cấp cao hơn trong tất cả các chuỗi giá trị từ sản xuất, thương mại và đặc biệt là các dịch vụ (từ các dịch vụ trực tiếp hỗ trợ cho hoạt động thương mại, đầu tư cho đến các dịch vụ công ích và bán công). Theo đó cần tập trung làm rõ một số nội dung sau:
- Thứ nhất, các giải pháp nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư cũng như cho các hoạt động thương mại, dịch vụ theo hướng thông thoáng, minh bạch, cắt giảm các thủ tục và điều kiện kinh doanh theo xu hướng chung và phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế.
- Thứ hai, đầu tư nâng cấp chất lượng cơ sở hạ tầng cả cứng và mềm, đặc biệt là các hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ liên quan đến thuận lợi hóa thương mại và đầu tư như hệ thống đường cao tốc, khu kiểm soát liên hợp, các kho bãi, khu vực hậu cần và đô thị phức hợp, tạo thuận lợi tối đa cho các hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu hàng hóa và phương tiện tại các khu vực cửa khẩu.
- Thứ ba, triển khai ứng dụng các thành tựu kỹ thuật số và công nghệ điện tử hiện đại nhằm nhanh chóng thiết lập và vận hành một môi trường đầu tư và kinh doanh tiệm cận nền công nghiệp 4.0; đặc biệt thúc đẩy các cam kết trong khu vực và ASEAN về thương mại điện tử, thông quan “một cửa, một điểm dừng” rút ngắn thời gian và chi phí cho các hoạt động thương mại và logistic.
- Thứ tư, hình thành các chuỗi liên kết giá trị giữa sản xuất,thương mại, dịch vụ. Đặc biệt hình thành các chuỗi liên kết vùng và liên kết xuyên biên giới nhằm tận dụng những tiềm năng và lợi thế giữa hai nước cũng như phát huy lợi thế điểm “mắt xích” của Tỉnh Tây Ninh với TP Hồ Chí Minh và toàn Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
- Thứ năm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ nhất là các nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển với yêu cầu ngày càng cao cả trong lĩnh vực đầu tư và thương mại và đặc biệt là du lịch đồng thời gắn kết, ứng dụng các thành tự khoa học kỹ thuật hiện đại vào các công tác quản lý, quản trị và kinh doanh tại các khu KTCK của tỉnh.
- Thứ sáu, tháo gỡ các rào cản về thể chế và chính sách, hài hòa hóa các quy định chính sách cũng như thủ tục giữa hai nước Việt nam và Campuchia và hai địa phương có chung biên giới và cặp cửa khẩu qua đó phát huy được tối đa các chuỗi giá trị sản xuất, thương mại và dịch vụ qua biên giới giữa hai địa phương. Đặc biệt có chủ trương và đề xuất cụ thể nhằm nâng cấp, tập trung nguồn lực thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng thúc đẩy sự hình thành trong tương lai một khu hợp tác kinh tế qua biên giới Mộc Bài - Ba Vét.
Việt Nam đã xây dựng được những cơ chế, chính sách về thương mại biên giới: bao gồm hoạt động mua bán hàng hóa qua biên giới của thương nhân, hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới, hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu và chợ trong khu KTCK và dịch vụ hỗ trợ thương mại tại khu vực cửa khẩu, lối mở biên giới. Những quy định về mặt hàng, thương nhân và cư dân biên giới, cửa khẩu và chợ biên giới cũng như chính sách thuế, phí, lệ phí, dịch vụ thanh toán, thu đổi ngoại tệ và các dịch vụ hỗ trợ thương mại biên giới khác như kho bãi, kinh doanh, giao nhận, vận chuyển, hạ tầng kỹ thuật và thủ tục hành chính tại cửa khẩu đang ngày càng được hoàn thiện.
Địa phương các tỉnh biên giới cần tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch đầu tư về hạ tầng kinh tế - xã hội vùng biên, nhất là hạ tầng kinh tế - thương mại biên giới, kể cả hạ tầng thương mại truyền thống và hạ tầng thương mại số.
Xây dựng kế hoạch và ban hành những cơ chế, chính sách của địa phương nhằm thu hút đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực biên giới, nhất là hạ tầng kinh tế thương mại, khu vực biên giới như các chợ, các trung tâm logictics, kho bãi…
Tổ chức các diễn đàn xúc tiến thương mại thường niên và luân phiên giữa các tỉnh của Việt Nam và Campuchia. Thành lập Hiệp hội doanh nghiệp nông sản giúp các cơ quan chức năng tiếp cận gần hơn với các doanh nghiệp, định hướng, hỗ trợ tốt hơn để gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, từ đó xây dựng chuỗi cung ứng nông sản.
Nếu chúng ta quyết tâm thay đổi thì “bức tranh” hợp tác kinh tế biên giới Việt Nam và Campuchia sẽ có sự đột phá và khởi sắc, góp phần tạo nên diện mạo mới cho miền núi, vùng cao, biên giới và kinh tế Việt Nam. Câu hỏi này nằm về phía Chính phủ, các bộ, ngành, từng địa phương và mỗi người dân hai nước trong sự quyết tâm để tạo nên một cuộc đổi mới, phát huy những “nỗ lực” của thương mại và thị trường - bước ngoặt mà chúng ta cần tiến đến trong những năm cuối của thập kỷ này./.
Vũ Huy Hùng
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT