NGHIÊN CỨU

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Nghiên cứu

Quan hệ Mỹ - Trung và những tác động tới thương mại Việt Nam

30/10/2023

1. Cạnh tranh Mỹ - Trung

Theo bình luận viên về thời sự quốc tế, trong chỉ dẫn an ninh quốc gia và đối ngoại của Hoa Kỳ được công bố gần đây, có 02 điểm cần lưu ý :

- Coi Trung Quốc là thách thức lớn nhất của thế kỷ 21, có thể thách thức vai trò lãnh đạo của Mỹ và trật tự thế giới mà Mỹ và phương Tây xây dựng từ sau Thế chiến 2. Người ta gọi đây là sự thức tỉnh chiến lược của nước Mỹ. Sự thức tỉnh này có sự tiếp nối của ông Donald Trump, khi tiếp tục coi cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại. Nhưng cũng có khác biệt, tức là nước Mỹ quay trở lại và tham gia vào vai trò lãnh đạo toàn cầu.

- Hoa Kỳ vẫn giữ lại tất cả những gì về cạnh tranh thời ông Trump, đặc biệt về đánh thuế và những giới hạn trừng phạt liên quan đến Trung Quốc. Khẳng định Trung Quốc là thách thức lớn nhất, đồng thời nhấn mạnh 3 điểm - cạnh tranh khi cần, hợp tác khi có thể và đối thủ khi bắt buộc.

Cạnh tranh Mỹ - Trung là cuộc đua về ngôi vị và quyền lợi, nhưng giữa họ vẫn đan xen chằng chịt những lợi ích. Thời điểm Tổng thống Donald Trump rời nhiệm sở đầu năm 2021, quan hệ của Mỹ với Trung Quốc càng thêm căng thẳng. Cuối tháng 1/2021, khi trở thành ông chủ Nhà Trắng, Joe Biden đã áp dụng cách tiếp cận thận trọng tương tự người tiền nhiệm trong quan hệ với Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục xác định và tinh chỉnh chính sách ứng phó Trung Quốc theo những cách có thể tác động sâu rộng đối với nền kinh tế toàn cầu. Ông đã nối dài cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh do người tiền nhiệm Donald Trump phát động khi áp đặt các hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc những công nghệ then chốt. Ông đã đưa ra các khoản trợ cấp khổng lồ cho ngành sản xuất trong nước, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng sạch. Đồng thời, vẫn duy trì thuế quan nhằm vào một loạt mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc được dựng lên từ thời chính quyền Donald Trump.

Chính quyền của Tổng thống Biden đang ráo riết theo đuổi chiến lược hạn chế Bắc Kinh, đặc biệt là trong ngành công nghệ. Đây được đánh giá là một bước đột phá khá lớn so với chính sách của Mỹ trong 30 năm qua.

Để hạn chế điều mà Washington cho là sự trỗi dậy về kinh tế và chính trị của Bắc Kinh, ông Biden đã thực hiện chiến lược “Bảo vệ và Thúc đẩy”. Một loạt mệnh lệnh và quy tắc hành pháp đang được thực hiện nhằm làm chậm sự phát triển kinh tế và công nghệ của Trung Quốc. Trong số các biện pháp mới này, có cái được gọi là Quy tắc sản phẩm trực tiếp nước ngoài (FDPR). Quy tắc thương mại được cho là “hà khắc” này nhằm ngăn chặn các nhà sản xuất chip trên toàn cầu cung cấp chip máy tính tiên tiến cho Trung Quốc.

Tháng 10/2022, Hoa Kỳ tuyên bố áp đặt một loạt biện pháp hạn chế xuất khẩu, buộc các công ty Trung Quốc phải xin phép trước khi mua chip và thiết bị sản xuất chip tiên tiến. Để các biện pháp hạn chế hiệu quả hơn,Washington kêu gọi các nhà cung cấp quan trọng khác ở Hà Lan và Nhật Bản cùng tham gia áp đặt hạn chế. Lệnh cấm xuất khẩu con chip mạnh dùng trong các trung tâm dữ liệu đám mây, đã tác động mạnh lên nỗ lực xây dựng các hệ thống AI nền tảng. Phân tích 26 mô hình AI lớn của Trung Quốc, một tổ chức nghiên cứu của Anh nhận thấy hơn một nửa phụ thuộc vào chip Nvidia, một hãng thiết kế chip của Mỹ.

Ngoài ra còn có một sắc lệnh hành pháp tạo ra thẩm quyền liên bang để điều chỉnh các khoản đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc (lần đầu tiên chính phủ liên bang có khả năng can thiệp vào ngành công nghiệp Mỹ) và thỏa thuận lưỡng đảng về các bước sàng lọc đầu tư vào quốc gia Đông Bắc Á, cũng như các hạn chế đối với việc sử dụng phần mềm và ứng dụng của Trung Quốc tại Mỹ (như Tik Tok).

Mặc dù ngành công nghệ cao hiện đang nằm trong danh sách mục tiêu của chính quyền ông Biden, nhưng chính sách này cũng đặt mục tiêu triển khai chiến lược “Bảo vệ và Thúc đẩy” sang các lĩnh vực chính khác như công nghệ sinh học và năng lượng sạch - hai ngành mà Mỹ không muốn để Trung Quốc chiếm lấy vị trí dẫn đầu.

Đầu tuần thứ hai tháng 6/2023, Chính phủ Mỹ  thêm 43 thực thể vào danh sách kiểm soát xuất khẩu (Danh sách thực thể), cáo buộc các thực thể này đào tạo cho các phi công quân sự Trung Quốc và hỗ trợ các hoạt động khác đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ.Trong số này, 31 thực thể đến từ Trung Quốc, còn lại là các nước khác. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng để duy trì quyền bá chủ về quân sự và công nghệ của mình, Mỹ đã chèn ép các công ty Trung Quốc đến mức "cuồng loạn và vô đạo đức".

Ngày 9/8/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh hạn chế một số khoản đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Macao trong các lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI), chất bán dẫn và công nghệ máy tính lượng tử. Sắc lệnh dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2024. Sắc lệnh được đưa ra vào dịp kỷ niệm ngày ông Biden ban hành luật CHIPS và Đạo luật Khoa học được sự ủng hộ của cả Dân chủ lẫn Cộng hòa, với những hạn chế đối với việc đầu tư vào sản xuất chất bán dẫn tiên tiến ở Trung Quốc.

Theo Reuters, sắc lệnh cấm công dân Mỹ thực hiện “một số giao dịch nhất định” trong chất bán dẫn và vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử và lĩnh vực AI, đồng thời yêu cầu họ phải thông báo cho Bộ Tài chính khi thực hiện các giao dịch đó. Sắc lệnh này cũng quy định sẽ có một số lĩnh vực bị cấm tuyệt đối không được đầu tư. Cordell Hull, cựu quan chức Bộ Thương mại Mỹ, đánh giá: “Sắc lệnh này sẽ lấp đầy lỗ hỗng trong các cơ chế hiện có, sẽ giúp thu hẹp khoảng cách về tài trợ và chuyển giao bí quyết công nghệ, đồng thời giúp chính phủ liên bang giám sát các dòng vốn vào mảng công nghệ”. Những khoản đầu tư bị hạn chế dự kiến nhằm đánh giá các quy định kiểm soát xuất khẩu đối với Trung Quốc do Bộ Thương mại Mỹ ban hành hồi tháng 10/2022.

Trả đũa các động thái của Mỹ, vào tháng 4/2022, Trung Quốc khởi động cuộc điều tra về an ninh mạng đối với Micron,sau đó ra lệnh cấm các công ty Trung Quốc sử dụng sản phẩm của công ty này trong các dự án hạ tầng quan trọng. Và gần đây nhất, ngày 3/7/2023, theo Gadgettendency, Bắc Kinh tuyên bố hạn chế xuất khẩu gallium và germanium ra nước ngoài kể từ ngày1/8/2023 (50% lượng tiêu thụ gallium và germanium của Mỹ trong năm 2021 được nhập khẩu từ Trung Quốc, theo dữ liệu từ USGS), nhằm "bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia". Động thái hạn chế xuất khẩu hai vật liệu trên của Bắc Kinh được so sánh với nỗ lực của Bắc Kinh vào đầu năm 2021 nhằm hạn chế xuất khẩu đất hiếm - nhóm gồm 17 nguyên tố hóa học mà Trung Quốc đang nắm giữ hơn 50% nguồn cung toàn cầu.

Các nhà phân tích của Eurasia Group mô tả động thái hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc là “phát súng cảnh báo” nhằm nhắc nhở các quốc gia, trong đó có Mỹ, Nhật và Hà Lan, rằng Bắc Kinh có các lựa chọn để trả đũa để ngăn cản các quốc gia này áp đặt thêm biện pháp nhằm hạn chế Trung Quốc tiếp cận chip và thiết bị sản xuất chip tiên tiến. Còn các chuyên gia của Jefferies lại nhận định: việc Bắc Kinh thông báo hạn chế xuất khẩu hai vật liệu quan trọng ở thời điểm này “khó có thể là một quyết định ngẫu nhiên”. Trong bài xã luận đăng ngày 4/7, Global Times nói rằng đây là “cách cụ thể” để nói với Mỹ và các đồng minh rằng những nỗ lực của họ nhằm hạn chế Trung Quốc sản xuất công nghệ hiện đại chỉ là “tính toán sai lầm”. Việc Trung Quốc kiểm soát xuất khẩu những kim loại dùng để sản xuất chất bán dẫn “chỉ là khởi đầu”. Các nhà phân tích cho rằng bước tiếp theo của Bắc Kinh có thể là hạn chế xuất khẩu đất hiếm, giống như cách nước này đã làm với Nhật Bản khi quan hệ hai nước căng thẳng cách đây 12 năm.

Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu Bắc Kinh có thể leo thang căng thẳng với việc tiếp tục đưa ra các biện pháp trả đũa nữa hay không. Jefferies cho rằng điều này hoàn toàn có thể xảy ra, nếu như động thái với gallium và germanium không thể khiến Mỹ lùi bước.

Đồng, graphite, lithium, nickel, đất hiếm… tất cả đều có vai trò quan trọng với công nghệ hiện đại. Chúng là những nguyên liệu thiết yếu để sản xuất smartphone, turbine gió, những tấm pin, xe điện, thiết bị quốc phòng và nhiều thiết bị công nghệ khác. Tương lai năng lượng sạch mà thế giới mong muốn sẽ không thể trở thành hiện thực nếu thiếu chúng. Trung Quốc hiện đang giữ vị thế độc quyền với rất nhiều loại khoáng sản. Nước này cung cấp gần 90% lượng nguyên tố đất hiếm đã qua xử lý trên toàn thế giới. Trung Quốc cũng là nước sản xuất lithium nhiều nhất. Ông chủ của Raytheon, nhà sản xuất tên lửa hàng đầu thế giới, mới đây cũng phải thú nhận trên Financial Times rằng: chấm dứt phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc gần như là điều không thể. Chúng ta có thể giảm bớt rủi ro chứ không thể tách rời hoàn toàn.

Dịch chuyển, đa dạng hóa nhà xưởng ra khỏi Trung Quốc. Trái với dự báo, toàn cầu hóa không bị đảo ngược, mà giai đoạn tiếp theo của toàn cầu hóa sẽ tập trung vào các mạng lưới mang tầm khu vực. Xu hướng “nearshoring”, tức các quốc gia dịch chuyển chuỗi cung ứng những mặt hàng quan trọng nhất về các quốc gia gần hơn với họ cả về vị trí địa lý và chính trị đã xuất hiện.

Mỹ sẽ theo đuổi chiến lược ứng phó Trung Quốc theo hai hướng (i) Tăng tốc trợ cấp cho các ngành công nghiệp tạo ra việc làm ở Mỹ và (ii) Kìm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc bằng cách áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và rào cản thương mại mạnh mẽ hơn.Mặc dù các chính sách này sẽ không tách rời hoàn toàn nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc trong trung hạn, nhưng về cơ bản, chúng có thể định hình lại mối quan hệ hai bên theo cách làm tăng giá cả tiêu dùng và làm giảm năng suất toàn cầu.

Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị giữa Washington và Bắc Kinh dâng cao, để né tránh các chính sách thuế cùng biện pháp phòng hộ thương mại giữa 2 cường quốc, trong thời gian qua, các công ty đa quốc gia của Mỹ và châu Âu đã hoặc có kế hoạch chuyển một số hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Ấn Độ và các nước ở Đông Nam Á. Trên thực tế, việc chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc đã diễn ra cách đây hơn 10 năm, bắt đầu từ các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc.

Sự dịch chuyển sản xuất sang các nước như Việt Nam là một phần của chiến lược “Trung Quốc + 1” nhằm định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu để tránh phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc. Hàng loạt tập đoàn nước ngoài sẽ không dồn tất cả vốn đầu tư vào Trung Quốc mà sẽ phân tán và đa dạng hóa đầu tư sang một nước khác, trong đó Việt Nam là một sự lựa chọn trong khu vực Đông Nam Á.

Với vị trí chiến lược quan trọng, tiếp giáp với Trung Quốc, nơi cung ứng nguồn hàng hóa, nguyên liệu quy mô lớn và là một thị trường lớn, Việt Nam có điều kiện để nhà đầu tư tiết giảm chi phí vận chuyển và kết nối ổn định chuỗi cung ứng tại Trung Quốc. Việt Nam được đánh giá là lựa chọn hàng đầu ở khu vực ASEAN trong xu hướng này.

Đáng chú ý, với 16 Hiệp định thương mại tự do (FTAs) đã có hiệu lực, hàng hóa của Việt Nam vào các thị trường này thuế suất bằng 0 hoặc rất thấp sẽ là cơ hội rất lớn cho các nhà đầu tư.

Thực tế cho thấy hoạt động sản xuất ở Trung Quốc không còn được xem là giải pháp an toàn nhất. Bởi vị thế là “công xưởng của thế giới” của Trung Quốc đang bị “lung lay”. Cùng với nỗi lo về vấn đề địa chính trị, mối quan ngại Trung Quốc đang đối mặt một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học khiến các doanh nghiệp ở đây gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động có tay nghề.

Các nhà đầu tư Trung Quốc cũng tăng tốc dịch chuyển đến Việt Nam trong những năm gần đây, bắt nguồn từ nỗ lực mang tính chiến lược nhằm phòng ngừa rủi ro chính trị đang ngày càng gia tăng và mong muốn giữ chân các khách hàng phương Tây. “Nếu chỉ xét về vấn đề năng lực sản xuất thì chúng tôi sẽ không phải xây nhà máy mới ở Việt Nam,nhưng ở góc độ địa chính trị, chúng tôi buộc phải làm vậy.Các khách hàng Mỹ đã thúc giục chúng tôi dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam. Vì họ cam kết sẽ đặt đơn hàng từ Việt Nam, nên chúng tôi quyết định đến quốc gia này”, South China Morning Post dẫn lời một doanh nhân người Hoa. Tuy nhiên, kể cả khi có kế hoạch mở rộng sản xuất sang quốc gia khác, doanh nghiệp không có ý định bỏ Trung Quốc.

Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy trong năm 2022, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam khoảng 2,52 tỉ USD với 283 dự án cấp mới, xếp thứ 4 trong tổng số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Tính đến tháng 3-2023, tổng vốn đầu tư lũy kế của Trung Quốc vào Việt Nam đạt 23,85 tỉ USD với tổng 3.651 dự án, xếp thứ 6 trong danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam, tăng 2 bậc so với các năm trước.

Theo giới phân tích, làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam được xem vừa là cơ hội nhưng cũng là không ít thách thức. Xét ở góc độ thu hút đầu tư đơn thuần cũng như đối với các doanh nghiệp phát triển hạ tầng bất động sản công nghiệp tại Việt Nam thì đây là một tín hiệu tốt. Trong bối cảnh đất nước mở cửa chào đón đầu tư FDI, dù là nhà đầu tư đến từ quốc gia nào thì doanh nghiệp làm hạ tầng cũng sẽ thu được tiền thuê đất, có dự án là sẽ có vốn đầu tư được giải ngân, qua đó sẽ tạo nhiều việc làm, đóng góp kinh tế, các loại thuế vào ngân sách… Tuy nhiên, đằng sau bức tranh thu hút đầu tư được cho là khá tích cực, các chuyên gia cũng đặt ra không ít băn khoăn. Trong bối cảnh cuộc thương chiến Mỹ - Trung hiện nay, Việt Nam sẽ có nguy cơ bị biến thành “cứ điểm” để các doanh nghiệp Trung Quốc gian lận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Việc này khiến hàng Việt Nam có nguy cơ bị áp thuế trừng phạt với mức cao từ các quốc gia nhập khẩu, trong đó có Mỹ và các nước châu Âu,…

2. Thương mại Mỹ - Trung

Cuộc chiến thương mại toàn cầu nổi tiếng nhất thế kỷ XX diễn ra khi Hoa Kỳ ban hành Luật Smoot Hawley Tariff Act (1930), đánh thuế với hơn 20.000 hàng hóa nhập khẩu (NK) vào Mỹ và tiếp đó là sự trả đũa của các nước.Thập niên thứ hai của thế kỷ 21 đã diễn ra điều mà Mark Twain đã từng nói: “Lịch sử không lặp lại chính nó, nhưng giai điệu của nó thì có”.

Với tư cách là nền kinh tế số 1 và số 2 thế giới, Mỹ và Trung Quốc đã có một lịch sử “đối đầu chiến lược” lâu dài. Sự bùng nổ thương mại giữa hai nước diễn ra vào những năm 1990, khi Bắc Kinh trở thành đối tác thương mại lớn và là điểm đến quan trọng cho đầu tư của Washington.

Năm 2018 là năm Washington bắt đầu chuyển dần sang trạng thái tách khỏi Bắc Kinh. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt các hạn chế đối với xuất khẩu và đầu tư nhằm hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với công nghệ tiên tiến của Mỹ.

Ngày 6-7- 2018, xung đột - cọ xát hay chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã bùng phát.Theo đó, nhóm đầu tiên gồm 818 sản phẩm, phần lớn là sản phẩm công nghệ cao của Trung Quốc có trị giá xuất khẩu (XK) năm 2017 khoảng 34 tỉ đô la Mỹ (USD), khi  NK vào Mỹ sẽ phải chịu thêm khoản thuế suất 25%. Hoa Kỳ có thể tiếp tục sẽ áp thuế thêm 10% lên lượng hàng hóa NK có giá trị tới 200 tỷ USD từ Trung Quốc (thậm chí còn lên tới 500 tỷ USD – tức là gần 100% kim ngạch hàng hóa Trung Quốc xuất sang Hoa Kỳ). Số dòng sản phẩm trị giá 200 tỷ USD chịu thuế thêm 10% lên tới gần 5.900. Chiếm tỷ trọng lớn nhất vẫn là máy móc thiết bị điện, điện tử (24,6%), máy móc thiết bị cơ khí (19,7%). Nhưng nhiều sản phẩm tiêu dùng cũng có trong danh sách như đồ gỗ, nội thất (16,7%), hóa chất (5,1%), nhựa, cao su (5%) và nông sản, thủy sản (2,7%). Tác động khi đó sẽ là rất đáng kể.

Theo tin từ CNBC, động thái đánh dấu một bước leo thang quan trọng trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới khi ngày 17/9/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định áp thuế quan bổ sung 10% lên các mặt hàng Trung Quốc có tổng kim ngạch NK 200 tỷ USD vào Mỹ mỗi năm (mức thuế bổ sung 10% sẽ được áp dụng từ ngày 24/9 cho tới hết năm 2018. Từ ngày 1/1/2019, mức thuế bổ sung sẽ tăng lên 25%). Trước khi áp thuế lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, Mỹ đã áp thuế lên 50 tỷ USD hàng Trung Quốc và Bắc Kinh đã đáp trả bằng cách áp thuế lên 50 tỷ USD hàng Mỹ

Theo The Conference Board (Mỹ), XK sang Trung Quốc giúp GDP của Mỹ tăng thêm 0,7%. Ngược lại, XK sang Mỹ giúp GDP của Trung Quốc gia tăng 3%. Nếu xung đột thương mại với Mỹ leo thang, Trung Quốc sẽ chịu tổn thất lớn hơn.

Năm 2009, Trung Quốc vượt Canada trở thành nước XK hàng hóa lớn nhất vào Mỹ. Khi ngành sản xuất với chi phí cao của Mỹ trở nên kém cạnh tranh hơn trong bối cảnh suy thoái kinh tế do khủng hoảng tài chính gây ra, Trung Quốc đã tận dụng thời cơ với chi phí sản xuất thấp và chuỗi cung ứng tập trung để giành chỗ đứng trong thương mại toàn cầu.

Tuy nhiên, sau khi đạt đỉnh ở mức khoảng 20% trong giai đoạn 2015-2018, tỷ trọng hàng Trung Quốc trong tổng NK của Mỹ bắt đầu giảm xuống dưới thời Tổng thống Donald Trump. Chính quyền của ông Trump đã áp đặt thuế quan mạnh tay với khoảng 370 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc NK vào Mỹ nhằm hồi sinh ngành sản xuất trong nước.

Bước vào nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, chính phủ Mỹ vẫn giữ các thuế quan này. Ông Biden cũng kêu gọi tái cấu trúc chuỗi cung ứng ở 4 lĩnh vực quan trọng, bao gồm con chip và pin điện.

Theo tạp chí Asia Times ngày 19-6-2023, do ít đầu tư vào ngành sản xuất trong khoảng 20 năm qua, Mỹ đang phải NK hầu hết trang thiết bị phục vụ ngành này. Năm 2022, Mỹ nhập siêu lên đến 1.000 tỉ USD, trong đó, có khoảng 300 tỉ USD từ NK tư liệu sản xuất - tức máy móc, nguyên vật liệu để làm ra các sản phẩm khác. Trong năm 2022, Trung Quốc đã XK sang Mỹ số thiết bị điện tử trị giá gần 140 tỉ USD. Trị giá máy móc công nghiệp, nồi hơi và thiết bị phục vụ nhà máy điện được Mỹ nhập từ Trung Quốc cũng lên đến 125 tỉ USD.

Nguồn: Tổng cục Hải quan Trung Quốc

Số liệu của tạp chí Asia Times cho thấy Trung Quốc là một trong những nhà cung cấp tư liệu sản xuất lớn nhất của Mỹ. Các mặt hàng Hoa Kỳ NK từ Trung Quốc rất đa dạng, trải dài từ máy móc công nghiệp đến xe cơ giới, rơ moóc, phụ tùng; máy tính và các sản phẩm điện tử; hóa chất, dệt may… cho thấy nền sản xuất của Mỹ hiện phụ thuộc khá nhiều vào hàng hóa đến từ Trung Quốc. Do đó, việc cắt đứt đột ngột nguồn hàng NK này sẽ dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung lập tức và rất tai hại với nhiều ngành công nghiệp Mỹ. Việc chia tách kinh tế Mỹ khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vì thế cũng mang lại rủi ro vô cùng lớn.

Trung Quốc hiện vẫn đang là nguồn cung số 1 của Mỹ cho mảng đồ gia dụng, giường, đèn ngủ, đồ chơi, đồ thể thao.

Mỹ chắc chắn sẽ dùng hàng rào thuế quan để giảm phụ thuộc hàng NK từ Trung Quốc, nhưng sự bất nhất trong các giải pháp đưa ra đang khiến nhiều doanh nghiệp không nỡ rời bỏ nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này, khi chuỗi cung ứng nơi đây quá hoàn thiện.

Trong khi Washington cố gắng ngăn chặn việc tiếp cận công nghệ cao của Bắc Kinh thì dữ liệu tài chính của Nikkei Asia cho thấy, các công ty công nghệ Mỹ vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc. Doanh số thu được của các thương hiệu công nghệ hàng đầu đã tăng hoặc hầu như không thay đổi kể từ năm 2018.

Ngay cả các công ty trong lĩnh vực bán dẫn, vốn là mục tiêu cụ thể của chính phủ Mỹ cũng ít nhận thấy sự thay đổi trong doanh thu. Theo QUICK-FactSet, Apple - công ty có giá trị nhất thế giới tính theo vốn hóa thị trường, kiếm được nhiều tiền nhất ở Trung Quốc vào năm 2022, gần 70 tỷ USD.Trong khi đó, doanh thu của Qualcomm - một công ty chip lớn của Mỹ - cũng phụ thuộc vào thị trường này tới hơn 60%. Qualcomm, Lam Research và 4 công ty khác của Mỹ trong ngành bán dẫn cho rằng, thị trường Trung Quốc là nguồn doanh thu lớn nhất của họ, vượt qua các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ hay Nhật Bản.

Sự phụ thuộc vào Trung Quốc lớn đến mức nhiều công ty Mỹ đã dịch chuyển sản xuất khỏi thị trường này nhưng rồi lại trở về, hoặc ít nhất chuyển một phần hoạt động trở lại vì chẳng tìm thấy lựa chọn tốt hơn. Các doanh nghiệp đã dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc thường lại phải hợp tác với một nhà cung ứng đến từ Trung Quốc trên thị trường mới, hoặc phải nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị từ cường quốc châu Á này.

Theo một số chuyên gia, dù Mỹ có cấm cản nguyên liệu từ Trung Quốc song cũng khó xác định được chúng đến từ đâu, trong khi nguồn nguyên liệu thay thế chẳng có sẵn. "Chỉ có thể là Trung Quốc" - lời ngậm ngùi cay đắng của các hãng thời trang Mỹ khi không thể tìm được chuỗi cung ứng nào khác thay thế, thừa nhận mọi thứ ở đất nước hơn tỷ dân này đều quá tốt.

Dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 7/2/2023 cho thấy kim ngạch thương mại hàng hóa giữa Mỹ và Trung Quốc đã tăng lên 690,6 tỉ USD vào năm 2022, vượt qua mức kỷ lục từng được ghi nhận vào năm 2018 (659 tỉ USD). Giá trị XK hàng hóa từ Mỹ sang Trung Quốc tăng thêm 2,4 tỉ USD lên 153,8 tỉ USD, còn giá trị NK từ Trung Quốc vào Mỹ tăng 31,8 tỉ USD lên 536,8 tỉ USD trong năm 2022.

Tuy nhiên, thống kê 5 tháng đầu năm 2023 cho thấy, lần đầu tiên trong 15 năm qua, Trung Quốc đã mất vị trí là nước XK hàng hóa lớn nhất sang Mỹ vào tay Mexico và Canada. Theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Mỹ, NK hàng hóa Trung Quốc của Mỹ từ tháng 1 đến tháng 5/2023 đã giảm khoảng 25% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 169 tỷ USD. Trung Quốc chiếm khoảng 13,4% tổng hàng hóa NK của Mỹ, mức thấp nhất trong 19 năm và giảm 3,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch NK giảm ở nhiều danh mục, đáng chú ý chất bán dẫn giảm tới 50%.

Ở chiều ngược lại, XK của Mỹ sang Trung Quốc gần như đi ngang trong 5 tháng đầu năm 2023, ở mức khoảng 62 tỷ USD, con số này vẫn đủ để Trung Quốc là thị trường XK lớn thứ ba của Mỹ. Tỷ trọng hàng Mỹ trong tổng kim ngạch NK của Trung Quốc hiện là 7,5%, giảm từ mức đỉnh 9% của năm 2020 và chỉ bằng một nửa so với Mexico và Canada.

Việc Mexico vượt qua Trung Quốc - nước đã dành 2 thập kỷ vừa qua để gắn kết sâu hơn với kinh tế Mỹ - là dấu hiệu rõ ràng cho thấy những hỗn loạn của năm 2020 sẽ tiếp tục định hình thế giới trong những năm sắp tới. Trung bình  hàng hóa NK từ Mexico “có tới 40% được sản xuất ở Mỹ”. Tỷ lệ của hàng hóa NK từ Canada là 25%.

Cùng với đó, các quốc gia Đông Nam Á cũng tăng cường XK vào Mỹ. Nhập khẩu của Mỹ từ các quốc gia thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tăng vọt lên 124 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2023. Tỷ trọng của hàng hóa ASEAN trong tổng NK của Mỹ đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua.

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có thể kéo dài nhiều năm. Đó là nhận định của Tom McGregor - nhà phân tích chính trị trong bài viết đăng trên trang tin Channel News Asia ngày 10-8-2018.

Cách tiếp cận của Tổng thống Biden đối với thương mại và hợp tác với Trung Quốc tuy có “uyển chuyển” hơn song vẫn không kém phần cứng rắn. Thậm chí còn có những người muốn có hành động khắc nghiệt hơn đối với Bắc Kinh. Thống đốc bang California - Ron DeSantis, người của đảng Cộng hòa, dường như là một trong số họ.Ba dự luật chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc tại bang Florida do DeSantis ký đã được công bố trên trang web của bang Florida. Đây rõ ràng là sự leo thang căng thẳng và gợi nhớ lại thời kỳ Chiến tranh lạnh.Ngày 9/7/2023, DeSantis cho biết sẽ rút lại quy chế bình thường hóa quan hệ thương mại vĩnh viễn (PNTR - còn gọi là Quy chế Tối huệ quốc) với Trung Quốc nếu đắc cử vào năm sau.

Trong quan hệ thương mại với Mỹ, chỉ có một số ít đối tác không được hưởng quy chế này. Các khoản thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ một nước hưởng quy chế PNTR sẽ thấp hơn nhiều so với hàng nhập khẩu từ một nước không hưởng quy chế.

Có khả năng là vào năm 2024, Mỹ sẽ áp dụng các biện pháp tăng cường nhằm giảm khối lượng thương mại với Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao (kéo theo các lĩnh vực quan trọng khác).

Các quy trình hải quan sẽ ngày càng trở nên phức tạp khi hai bên đều đưa ra các biện pháp để bảo vệ nền kinh tế của chính họ và thúc đẩy phát triển tại địa phương. (Còn tiếp)

Vũ Huy Hùng

Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT

BÀI VIẾT KHÁC