NGHIÊN CỨU

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Nghiên cứu

Phát triển sản xuất hàng hóa carbon thấp ở một số các quốc gia - bài học cho Việt Nam

20/11/2023

I. Bối cảnh và những vấn đề đặt ra

Nhân loại đang phải đối mặt với khủng hoảng “kép” do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, giảm nguồn tài nguyên thiên nhiên.Theo các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu Mercator - CHLB Đức, nếu chúng ta không có những hành động mạnh mẽ, quyết liệt để giảm mức phát thải carbon đi-ô-xít (CO2), thì chỉ còn có “5 năm 333 ngày” nữa (ngày 23/7/2029), nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng thêm 1,5oC so với thời kỳ tiền công nghiệp. Ước tính sẽ có hơn 1,7 tỷ người (1/5 dân số toàn cầu) sẽ phải đối mặt với nguy cơ đói, nghèo, đe doạ đến an ninh lương thực,an ninh năng lượng, hệ sinh thái. Sự đa dạng sinh học sẽ bị suy giảm nghiêm trọng, dẫn tới những nguy cơ khủng hoảng, dịch bệnh và có thể là cả chiến tranh, xung đột vũ trang…

Tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ 21 (COP21), các quốc gia đã thông qua một thỏa thuận đồng ý rằng phải giới hạn mức nhiệt ở 1,5C, điều này đồng nghĩa với việc phát thải khí nhà kính toàn cầu phải giảm xuống 45% vào năm 2030 và đạt mức trung hòa vào năm 2050. Một hành trình kéo dài 21 năm chỉ để có một mục tiêu thống nhất. Xây dựng tương lai xanh, phát triển bền vững đã trở thành trào lưu, xu thế toàn cầu, có ý nghĩa sống còn đối với hành tinh, nhân loại.

Với trách nhiệm quốc tế, Việt Nam đang khẩn trương chuyển đổi, thúc đẩy mô hình tăng trưởng xanh - bền vững, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp, thực hành sản xuất kinh doanh xanh, sạch…

Trước đây, chúng ta mới chỉ hình dung kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp chỉ là chủ trương, quan điểm, tư duy cần hướng đến. Nhưng đến hôm nay,nó chính là những mô hình thực tế mà Chính phủ, doanh nghiệp và người dân coi đây là mô hình cần phải xác định rõ mục tiêu, nội hàm và phương thức để hành động.

II. Kinh nghiệm của một số quốc gia

Nhiều quốc gia đã, đang đẩy nhanh quá trình chuyển sang kinh tế carbon thấp, với những bài học thành công và thất bại, có thể kể tới là :

1. Hoa Kỳ

Hoa Kỳ cũng như các nước phát triển thuộc OECD từ cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, đã áp dụng hình thức dán nhãn sinh thái cho sản phẩm để thông tin tới người tiêu dùng về tác động có thể của sản phẩm tới môi trường sinh thái. Việc doanh nghiệp thực hiện và được công nhận chứng chỉ ISO 14001 cũng là một hình thức công bố thông tin cho công chúng biết về trách nhiệm thực hiện bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất của mình.

Ngày 3-2-2010, chính quyền Obama và Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) đã cùng công bố Tiêu chuẩn nhiên liệu tái tạo (RFS) để thúc đẩy việc phát triển nhiên liệu sinh học. Hiện xăng E15 (15% ethanol) được coi là sử dụng an toàn cho ô tô ở Mỹ.

Các nguồn nhiên liệu mới được khuyến khích cụ thể bằng chính sách miễn giảm thuế. Năm 2011, chính phủ của Tổng thống Barack Obama đã hủy mức thuế 54 cent cho mỗi gallon xăng sinh học. Điều này có nghĩa rằng, xăng sinh học nhập khẩu vào Mỹ gần như sẽ không phải chịu bất kỳ một khoản thuế nào.

Sáng kiến của Wal - Mart - một tập đoàn bán lẻ lớn, được triển khai với việc đưa Liên hiệp Lãnh đạo dây chuyền cung cấp vào hoạt động.Theo đó, một số công ty hàng đầu thế giới, hợp tác với nhau, gây áp lực lên các nhà cung cấp, buộc họ phải báo cáo sản lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, và phải cởi mở hơn về các nỗ lực đối phó với sự thay đổi khí hậu.

Cơ quan quản lý và bảo vệ môi trường Hoa Kỳ đã đề ra các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe hơn về khí thải đối với nhà máy điện chạy bằng than đá trong vòng một năm và đã thực thi các tiêu chuẩn đó vào năm 2015. Trong nhiệm kỳ thứ nhất của Tổng thống Obama, chưa có bất kỳ nhà máy điện chạy bằng than mới nào được xây dựng trong khi đã có hơn 100 nhà máy phải đóng cửa và khoảng 150 nhà máy khác có thể cũng sẽ phải đóng cửa do các quy định khắt khe về khí thải độc hại.

Trong năm 2022, Mỹ đã ban hành Đạo luật Giảm lạm phát trị giá 369 tỉ đô la, bao gồm các ưu đãi dành sản xuất điện mặt trời với 10 tỉ đô la được phân bổ cho các khoản tín dụng thuế cho năng lượng sạch nói chung và 27 tỉ đô la dành cho một “ngân hàng xanh” để hỗ trợ các dự án năng lượng sạch trong cộng đồng.

Khuynh hướng chung của các dòng vốn là không chỉ đổ vào các doanh nghiệp sinh lợi nhiều mà còn vào những doanh nghiệp ít phát thải. Nhằm bảo đảm mục tiêu thứ hai này, vào tháng 3-2022, Mỹ đã ban bố hồ sơ Trách nhiệm về công khai tài chính liên quan đến khí hậu (Task Force on Climate-related Financial Disclosures - TCFD) đối với các doanh nghiệp của họ (kể từ tháng 4-2022, Nhật Bản quy định các công ty niêm yết trên thị trường Prime của Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo phải tuân thủ các yêu cầu bắt buộc về công bố thông tin rủi ro khí hậu theo tiêu chuẩn TCFD. Trước đó, châu Âu khuyến cáo các quyết định đầu tư thông qua Chỉ thị Báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp - Corporate Sustainability Reporting Directive – CSRD)…

2. Liên minh châu Âu (EU)

EU đã đặt ra mục tiêu chiến lược 20-20-20 cho chính sách về khí hậu đến năm 2020, trong đó, giảm thiểu ít nhất 20% khí thải nhà kính so với năm 1990; 20% năng lượng tiêu thụ đến từ năng lượng tái tạo và giảm thiểu được 20% năng lượng tiêu thụ đến từ cải tiến hiệu quả năng lượng.

Châu Âu đã tập trung vào 03 nhóm chính sách nền tảng là xây dựng cơ chế và tạo lập thị trường về mua bán khí thải (quyết định số 87/2003/EC và quyết định số 29/2009/EC); thúc đẩy nghiên cứu và đẩy mạnh phát triển chương trình năng lượng hiệu quả (quyết định số 91/2002/EC và quyết định số 31/2010) và phát triển năng lượng tái tạo (quyết định số 77/2001/EC và quyết định số 28/2009/EC). Có thể thấy,mục tiêu thứ hai và thứ ba có liên quan đặc biệt đến thúc đẩy phát triển hàng hóa carbon thấp.

 “Kế hoạch hành động về năng lượng hiệu quả” được xây dựng vào năm 2006, EU sau đó đã cụ thể hóa bằng việc ban hành quyết định về xanh hóa ngành điện với mục tiêu sử dụng tới 19% năng lượng tái tạo vào năm 2010, yêu cầu công ty cung cấp năng lượng giảm doanh số bán hàng tới 1.5% vào năm 2015.

Ủy ban châu Âu đã đề xuất không đưa những loại nhiên liệu sinh học không đáp ứng tiêu chí bền vững vào các chỉ tiêu và nghĩa vụ phát triển nhiên liệu sinh học của quốc gia, đồng thời cũng không xếp chúng vào diện được giảm thuế và nhận các hình thức hỗ trợ tài chính khác.

Hiện có một số nước và nhóm khu vực đã và đang thúc đẩy xây dựng hệ thống cấp chứng nhận cho sinh khối và nhiên liệu sinh học.Vương quốc Bỉ năm 2010 có 6% trên tổng lượng điện tiêu thụ được sản xuất từ năng lượng tái sinh. Để hỗ trợ thực hiện mục tiêu này, Brussels đã cho xây dựng một hệ thống “thu giữ và buôn bán” khí thải các bon, trong đó kết hợp nghĩa vụ về hạn ngạch tối thiểu với hệ thống các chứng nhận có thể mua bán được

Hà Lan là quốc gia đi đâu trong việc xây dựng tiêu chuẩn cho nhiên liệu sinh học và sinh khối bền vững. Năm 2006, Chương trình Liên bộ về Quản lý Chuyển hóa Năng lượng đã lập ra một nhóm dự án mang tên Sản xuất Sinh khối Bền vững, hay còn được gọi là ủy ban Cramer với mục tiêu “Lập ra bộ tiêu chuẩn bền vững cho sản xuất và chuyển đổi sinh khối thành năng lượng, nhiên liệu và hóa chất”. Báo cáo cuối cùng của nhóm dự án này được công bố tháng 3 năm 2007.

Từ tháng 4 năm 2008, nước Anh đã xây dựng Chương trình Sử dụng Năng lượng Tái sinh cho Giao thông (RTFO). Bắt buộc các công ty năng lượng phải đảm bảo tỷ lệ bán nhiên liệu tái sinh cho ngành giao thông ở mức tối thiểu là 2,5% trên tổng số nhiên liệu tiêu thụ ở Anh quốc trong giai đoạn 2008 - 2009, và tăng lên gấp đôi (5%) cho giai đoạn 2010 - 2011.

Trước đó, vào tháng 6 năm 2007, Chính phủ Anh đã thông báo gói biện pháp về tính bền vững của các nhiên liệu sinh học được cung ứng theo RTFO. Trong đó đặt mục tiêu sẽ thưởng nhiên liệu sinh học tương ứng với lượng cắt giảm khí thải các bon cho các công ty, tính từ tháng 4 năm 2010 trở đi. Tuy nhiên, từ tháng 4 năm 2011 sẽ chỉ thưởng nhiên liệu sinh học cho các công ty sản xuất nguyên liệu đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững nhất định.

Tháng 1 năm 2007, CHLB Đức ban hành và đưa vào thực hiện Đạo luật Hạn ngạch Nhiên liệu Sinh học. Đạo luật này quy định về mức bổ sung tối thiểu nhiên liệu sinh học vào trong thành phần xăng và diezel được sản xuất tại Đức, đồng thời cho phép chính phủ định ra các chỉ tiêu bền vững đối với những nhiên liệu sinh học được tham gia hệ thống hạn ngạch.

Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2012, EU đã cắt giảm 18% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.Tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo cũng đã chạm mức 12,4% từ năm 2010.

Mục tiêu của EU là tính trung lập về khí hậu vào năm 2050. Vì mục tiêu này, Luật Khí hậu được ban hành để đảm bảo rằng tất cả các chính sách của EU đều đóng góp vào mục tiêu trung lập về khí hậu. Luật đã được đưa ra vào tháng 7 năm 2021 bởi “Gói Fit for 55”. Số 55 tượng trưng cho mục tiêu giảm 55% lượng phát thải khí nhà kính (KNK) vào năm 2030. Gói này bao gồm các công cụ lập pháp để thực hiện mục tiêu này trong các lĩnh vực khí hậu, năng lượng, sử dụng đất, giao thông và thuế.

Vào năm 2019, Châu Âu đã tiến hành bàn thảo về Thỏa thuận Xanh Châu Âu (European Green Deal-EGD) nhằm hướng đến mục tiêu giảm thiểu sự phát thải KNK và hạn chế sử dụng tài nguyên thiên nhiên nhưng vẫn đảm bảo về mặt phát triển kinh tế.Thỏa thuận được phê duyệt vào năm 2020,là một bộ chính sách tái thiết lập cam kết của Ủy ban Châu Âu trong việc giải quyết các thách thức liên quan đến khí hậu và môi trường.

Vì một Châu Âu không có carbon (CO2), Thỏa thuận Xanh Châu Âu có thể xem là một kế hoạch toàn diện.Một lộ trình với các hành động cắt giảm triệt để lượng phát thải KNK ít nhất là 55% vào năm 2030 (so với năm 1990) và biến cuộc khủng hoảng khí hậu thành bước tiến để phát triển bền vững hơn trong tương lai. Thỏa thuận đã có kế hoạch cho các khoản đầu tư cần thiết và các công cụ tài chính để đạt được mục tiêu trong quá trình chuyển đổi này.  

Để đạt được các mục tiêu về khí hậu, châu Âu dự kiến phải chi tới 2% GDP để “xanh hóa” nền kinh tế,bao gồm việc đầu tư cơ sở hạ tầng mới, mua sắm công, tái cơ cầu nền công nghiệp,... 

Một loạt chính sách có tầm nhìn tới năm 2050 được ban hành có thể giúp EU trở thành một nền kinh tế xanh và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Các chính sách và biện pháp chính của thỏa thuận: Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (Carbon Border Adjustment Mechanism - CBAM); Chiến lược từ Trang trại đến bàn ăn (Farm to Fork); Kế hoạch Hành động kinh tế tuần hoàn (Circular Economy Action Plan) hay Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030.

Cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới - bộ phận quan trọng nhất trong Thỏa thuận Xanh châu Âu đang trở thành mối quan tâm đặc biệt của các quốc gia và doanh nghiệp. Tháng 12/2022 vừa qua, EU thông báo thực hiện CBAM. Điều chỉnh Biên giới carbon là cơ chế, chứ không phải thuế. Tuy nhiên để thực hiện CBAM (sẽ áp dụng từ tháng 10 năm 2023), EU sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa được nhập khẩu vào thị trường này, dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất ở nước sở tại.

Liên minh châu Âu đề xuất ban hành Đạo luật Công nghiệp Net-ZeroĐạo luật Nguyên liệu thô quan trọng. Đây là một phần trong Kế hoạch Công nghiệp thỏa thuận Xanh, được thiết kế nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh của khối trong lĩnh vực công nghệ sạch. Theo đó, EU có thể cung cấp 40% mức sử dụng công nghệ Net-zero vào năm 2030.

Dự thảo được công bố vào ngày 16/3/2023 vừa qua,là một trụ cột của Kế hoạch Công nghiệp Thỏa thuận Xanh - phản ứng của EC đối với khoản hỗ trợ trị giá 396 tỷ USD do Chính phủ Hoa Kỳ đưa ra thông qua Đạo luật Giảm lạm phát. 

Đạo luật cho phép chính phủ các quốc gia thành viên thiết lập các nhà máy điều tiết để thử nghiệm các công nghệ xanh và cung cấp viện trợ nhà nước cho các dự án sản xuất nếu chỉ riêng đầu tư tư nhân là không đủ. 

Đạo luật Nguyên liệu thô quan trọng nhằm cải thiện khả năng tự túc của khối đối với các khoáng chất cần thiết để sản xuất pin xe điện và các công nghệ xanh khác. Dự thảo luật nhằm cắt giảm sự phụ thuộc của EU vào Trung Quốc bằng cách đáp ứng 10% nhu cầu khai thác trong nước và 40% nhu cầu chế biến vào năm 2030. Các đề xuất này cũng nhằm tìm cách hạn chế tiêu thụ nguyên liệu thô chiến lược được chế biến ở bất kỳ quốc gia nào ngoài EU ở mức 65%. Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC),cơ quan hành pháp của EU đã đề xuất nới lỏng các quy tắc về trợ cấp nhà nước đối với các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo, công nghiệp khử carbon, hydro hoặc phương tiện không phát thải.

Quy định về Chống mất rừng và suy thoái rừng (Deforestation-free Regulation - EUDR) cấm một số nhóm mặt hàng nông - lâm sản có liên quan (trực tiếp hoặc gián tiếp) tới mất rừng được nhập khẩu vào thị trường này.Lý do EU đưa ra là bởi mất rừng là nguyên nhân trực tiếp gây ra biến đổi khí hậu. Nhóm mặt hàng đang nằm trong sự quản lý của EUDR bao gồm gỗ, cà phê, ca cao, dầu cọ, thịt bò, đậu tương, cao su …và các sản phẩm được chế biến từ các nhóm này.

Ngành nông nghiệp tưởng như sẽ không phải chịu thuế cacbon vì ít phát thải, và còn hấp thụ carbonic. Tuy nhiên, do sản xuất nông nghiệp cũng tiêu thụ nhiều vật tư, đặc biệt là phân bón, thuốc trừ sâu - những sản phẩm có mức tiêu thụ năng lượng khá cao,và để sản xuất ra những vật tư ấy thì đều tiêu tốn năng lượng, phải phát thải.

Thực tiễn cho thấy ở nước ta và một số quốc gia, nhiều diện tích rừng tự nhiên đã bị chuyển đổi sang đất trồng trọt để sản xuất các cây hàng hóa. Điều này là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến mất rừng và suy thoái rừng, tác nhân quan trọng có ảnh hưởng lớn đế biến đổi khí hậu.

3. Nhật Bản

Ngay từ năm 1995, chính phủ Nhật Bản đã xây dựng kế hoạch "Hành động xanh". Nội dung của kế hoạch, bao gồm: Gắn việc bảo vệ môi trường (BVMT) khi mua và sử dụng các loại hàng hoá dịch vụ đối với các cơ quan hành chính trung ương và địa phương, gắn nội dung BVMT với tổ chức đào tạo đội ngũ viên chức và thiết lập hệ thống kiểm tra, đánh giá thực hiện kế hoạch này.  

Năm 2009, chính phủ Nhật Bản đã khai trương chương trình thử nghiệm mới với tên gọi mà Hệ thống dấu vết carbon (Carbon Footprint System - CFS), chú trọng vào cung cấp thông tin về khí thải GHGs trong toàn bộ vòng đời sản phẩm.

Từ năm 2010 đã có 3 nhà máy ở Nhật Bản sản xuất xăng sinh học và cả nước có trên 2000 trạm bán xăng sinh học. Các nhà máy này đã chuyển hóa thân mía và rơm rạ lúa mỳ thành ethanol (càng thấy việc sản xuất từ sắn ở nước ta là không hợp lý). Trộn 43% cồn sinh học với 57% khí thiên nhiên để tạo thành Ethyl tert-butyl ether (ETBE), lại trộn với 99% xăng để tạo thành xăng sinh học. Nhờ đó mà CO2 thải ra rất ít, có lợi lớn cho môi trường.

Sự sụt giảm của thị trường tín dụng carbon trên thế giới đã làm cho các dự án được triển khai thực hiện theo Cơ chế phát triển sạch (CDM) không còn hấp dẫn nữa. Một cơ chế từ Nhật Bản có thể thay thế CDM, được xem là kênh mới cho đầu tư cắt giảm khí thải.Đó là Cơ chế bù đắp tín dụng song phương - BOCM, nay là Cơ chế tín chỉ chung - JCM được Nhật Bản triển khai ở nhiều nước. Nhật Bản sẽ hỗ trợ một phần tài chính cho doanh nghiệp (DN) và người dân tham gia các dự án đầu tư thiết bị công nghệ có mức thải carbon thấp. Với JCM, các DN và người dân tham gia sẽ được hỗ trợ tài chính từ 20 - 30%, thậm chí đến 50% giá trị thiết bị công nghệ, nếu chứng minh rằng công nghệ được đầu tư cắt giảm được khí thải.

4. Ôxtrâylia

Ôxtrâylia nhận thấy sự cần thiết tham gia vào xu thế năng lượng sạch và chuyển đổi sang Net Zero, nếu không sẽ bị bỏ lại phía sau. Ngay từ đầu, Canberra vạch ra mục tiêu rõ ràng: “Hãy đi từ kẻ lạc hậu trở thành người dẫn đầu!”.

Theo đó,các doanh nghiệp được hỗ trợ 10 tỷ đô la Ôxtrâylia trong 5 năm khi đầu tư vào lĩnh vực năng lượng gió, năng lượng mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo khác; 3.2 tỷ đô la cho cơ quan năng lượng tái tạo quốc gia để hỗ trợ hoạt động, hỗ trợ 40% doanh thu cho các doanh nghiệp khi chuyển sang dạng năng lượng sạch hơn, nếu họ gặp phải sự cạnh tranh từ các nước khác.

Từ cuối năm 2021, chính phủ Ôxtrâylia chính thức công bố mô hình đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, trong đó công nghệ đóng vai trò trọng tâm. Ôxtrâylia đã đưa ra bốn mục tiêu cần thực hiện.

Thứ nhất là giảm tổng lượng phát thải và cường độ phát thải trong quá trình sản xuất và tiêu dùng kinh tế.Việc khai thác than giảm 50% vào năm 2050 trong khi hoạt động xuất khẩu than và khí gas giảm trong thời gian tới.

Thứ hai là tăng cường hấp thụ cacbon thông qua việc trồng rừng, trồng thêm cây trong các trang trại và tăng cường hiệu quả của việc quản lý lâm nghiệp.

Thứ ba là tăng mua bán hạn ngạch khí thải với các nước trong khu vực.

Cuối cùng là thúc đẩy các công nghệ thu giữ và lưu trữ cacbon.

Phát triển công nghệ giảm phát thải là ưu tiên hàng đầu. Các công nghệ sẽ được Ôxtrâylia ưu tiên phát triển trong thời gian tới gồm hydro xanh, năng lượng mặt trời giá thấp, lưu trữ năng lượng, thép phát thải thấp, nhôm phát thải thấp, công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon, carbon đất.

Hiện tại, Ôxtrâylia đã có kế hoạch đầu tư 21 tỷ AUD (khoảng 13,69 tỷ USD) đến năm 2030 để giúp phát triển các công nghệ này. Bằng cách khai thác xu hướng chuyển đổi sang mức phát thải ròng bằng 0 trên toàn cầu, ngành công nghiệp Ôxtrâylia có thể nâng thu nhập quốc dân thêm 40 tỷ USD vào năm 2050.

Theo mô hình trên, việc phát triển và ứng dụng các công nghệ mới không chỉ giúp giảm khí phát thải mà còn hạn chế tác động tiêu cực của hoạt động này đến nền kinh tế. Cụ thể, mô hình dự báo việc phát triển công nghệ mới sẽ tạo ra khoảng 100.000 việc làm mới trong các ngành này tại Ôxtrâylia.Trong đó, 62.000 việc làm mới được tạo ra trong ngành khai thác mỏ và công nghiệp nặng. Bên cạnh đó, sở hữu các công nghệ phát thải thấp sẽ góp phần làm kim ngạch xuất khẩu của nước này tăng gấp ba lần vào năm 2050.

Các nhà lãnh đạo Ôxtrâylia từng nhiều lần khẳng định, do đặc thù riêng nên nước này không sử dụng thuế mà sẽ đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 bằng cách thức riêng. Theo đó, trọng tâm thúc đẩy phát triển và áp dụng công nghệ giảm phát thải được hy vọng vừa giúp Canberra cắt giảm khí thải, vừa tạo thêm nhiều việc làm trong một nền kinh tế năng lượng mới.

Hydro xanh vốn được gọi là chìa khóa để cắt giảm khí thải. Chính phủ của Thủ tướng Anthony Albanese cam kết chi 2 tỷ AUD để đầu tư vào một chương trình hỗ trợ các dự án hydro quy mô lớn giai đoạn 2026-2027 và thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo của đất nước.

Như Bộ trưởng Năng lượng và Biến đổi khí hậu Chris Bowen nhận định, đây là khoản đầu tư vào một trong những ngành công nghiệp quan trọng trong tương lai của Ôxtrâylia bởi hydro xanh có một vai trò quan trọng và mang lại cơ hội lớn cho “xứ sở chuột túi”.

Bên cạnh đó, chính phủ sẽ cung cấp cho các hộ gia đình khoản vay lãi suất thấp với tổng trị giá 1,3 tỷ AUD để họ sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, thực hiện các cải tiến như lắp kính hai lớp và các tấm thu năng lượng mặt trời trên mái nhà.

Dù sở hữu cơ sở hạ tầng năng lượng hiện đại và hoàn thiện, có thể cạnh tranh trên quy mô toàn cầu, nhưng việc có tầm nhìn dài hạn là điều cần thiết để Ôxtrâylia đạt được “vị thế siêu cường”. Một trong những tầm nhìn mới là “phát triển và củng cố khả năng cung cấp năng lượng khi mặt trời không chiếu sáng và gió không thổi”.

Ngoài ra, theo nhà quản lý cấp cao Patrick Viljoen của ESG tại CPA Ôxtrâylia, nếu Ôxtrâylia muốn trở thành những nhà lãnh đạo thực sự trong lĩnh vực năng lượng xanh sạch, Canberra phải đưa “những người hàng xóm” đi cùng trong hành trình.

Các nhà máy trữ năng lượng tái tạo bằng pin góp phần giúp Úc nhanh chóng đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than.Dự kiến, chưa đầy 20 năm tới, sẽ không còn nhà máy nhiệt điện than nào còn hoạt động ở nước này.

5. Trung Quốc

Đối mặt với áp lực trong nước và quốc tế với yêu cầu giảm mức khí thải,Trung Quốc đã thực thi chính sách tăng trưởng xanh (TTX), tập trung vào 6 nhóm: i) chính sách về năng lượng,  chính sách công nghiệp, ii) chính sách thị trường, iii) chính sách tiêu dùng với sự tham gia trực tiếp của khu vực công trong thực hiện các hành động xanh và luật về mua sắm công  xanh, iv) chính sách về đầu tư như  đầu tư công về hạ tầng năng lượng; v) chính sách về đổi mới công nghệ xanh trong công nghiệp và năng lượng, cuối cùng là vi)  chính sách quản lý.

Cùng với Luật Năng lượng tái tạo, các quy định khuyến khích giảm giá thông qua mô hình giá cả cạnh tranh đấu thầu cũng được sử dụng cho thị trường điện gió.

Chính phủ đã điều chỉnh lại các bảng giá dầu mỏ và than nhằm khuyến khích việc giảm tiêu thụ các loại năng lượng này, đồng thời xây dựng một loạt các biện pháp khác nhau về thuế quan và tài chính.

Trung Quốc đang nỗ lực hướng đất nước vào quỹ đạo phát triển bền vững, thông qua các đặc khu kinh tế “xanh”.Quốc gia này đã chọn ra 2 nhóm thành phố ở miền Trung làm “đầu tàu” áp dụng các chính sách phát triển bền vững và thân thiện môi trường là nhóm Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc và nhóm Chu Châu thuộc tỉnh Hồ Nam.Tăng cường khuôn khổ thể chế bằng cách ban hành "Luật tiêu thụ bền vững" và "Luật mua sắm xanh".

Năm 2021, khi tổng số xe điện đăng ký tại Trung Quốc là 3,33 triệu chiếc, thì cả châu Âu mới có 2,28 triệu, Mỹ là 631.000 và các nước khác cộng lại là 579.000. Trong năm 2022, khoảng 1/4 tổng số xe bán được tại Trung Quốc là xe chạy pin hoặc xe lai, nâng tổng số xe loại này lên khoảng 6 triệu chiếc, vượt xa mọi quốc gia khác. Sự trỗi dậy của cường quốc xe điện Trung Quốc là nhờ chương trình hỗ trợ hào phóng của chính phủ và cả sự cạnh tranh quyết liệt trong nước ở mảng này, từ đó đẩy giá xe giảm và thúc đẩy nhu cầu tăng cao.

Theo Hãng nghiên cứu JATO Dynamics, xét mức giá trung bình, xe điện Trung Quốc không chỉ rẻ hơn xe chạy xăng mà còn rẻ hơn nhiều các dòng xe tương đương tại châu Âu và Bắc Mỹ. Cụ thể, theo JATO Dynamics, giá bán lẻ trung bình một chiếc xe điện Trung Quốc năm 2022 là 31.829 USD (xe chạy xăng là 47.779 USD), trong khi ở châu Âu là 55.821 USD và Mỹ là 63.864 USD. Giới phân tích nhận thấy các nhà sản xuất Trung Quốc đang dẫn đầu cuộc cách mạng xe điện không chỉ ở nước họ mà còn trên thế giới. 

Theo Reuters, Trung Quốc bắt đầu trợ giá cho người mua xe điện trên toàn quốc từ năm 2009. Năm 2015, những chiếc xe điện có thể chạy tới 400km mỗi lần sạc thuộc nhóm được trợ giá lên tới 54.000 nhân dân tệ (7.819 USD). 

Mức trợ giá giảm dần khi thị trường lớn dần, còn khoảng 25.000 nhân dân tệ (3.619 USD) vào tháng 3-2019, rồi giảm tiếp cho tới năm 2022. Mức trợ giá hiện giờ, một chuyên gia phân tích nói với Reuters, tương đương khoảng 3-6% giá bán. Cụ thể, xe điện có tầm chạy hơn 400km được trợ giá 12.600 nhân dân tệ (1.824 USD) trong năm 2022. Khoản trợ giá được trả cho nhà sản xuất vào thời điểm khách mua xe. Theo ước tính của China Merchants Bank, tính tới năm 2021, chương trình trợ giá xe điện đã chi ra gần 15 tỉ USD. 

Tại Trung Quốc,tiêu thụ cacbon thấp được mô tả thông qua nguyên tắc 6R Reduc - Re evaluate - Reuse - Recycle - Rescue - Re calculate. Với cam kết giảm cường độ sử dụng năng lượng tiêu thụ trên một đơn vị GDP xuống 16%, mô hình phát triển nền kinh tế carbon thấp của Trung Quốc được vạch ra dựa trên 5 trụ cột chính sau đây :

Trụ cột 1: Nền công nghiệp carbon thấp

Trụ cột 2: Phát triển mô hình thành phố carbon thấp

Trụ cột 3: Tối ưu hóa cơ cấu năng lượng và phát triển năng lượng carbon thấp

Trụ cột 4: Mô hình tiêu thụ bền vững

Trụ cột 5: Quản lý sử dụng đất và khả năng hấp thụ carbon

Trung Quốc đang chứng kiến công suất lắp đặt điện mặt trời và doanh số xe điện tăng trưởng bùng nổ. Với tốc độ triển khai năng lượng sạch nhanh chóng như hiện nay, nền kinh tế này có thể bước vào giai đoạn giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch gồm than, dầu thô và khí đốt trong dài hạn vào năm tới.

Sự phấn khích xung quanh năng lượng mặt trời và xe điện cho thấy Trung Quốc có thể tiến đến điểm uốn trong quá trình chuyển đổi năng lượng sớm hơn 5 năm khi so với mục tiêu đạt mức đỉnh phát thải khí nhà kính vào năm 2030.

BloombergNEF nhận định Trung Quốc sẽ đạt mức đỉnh phát thải khí nhà kính trong năm nay, thay vì năm 2030 như mục tiêu đặt ra của nước này. Điện sạch sẽ đóng góp phần lớn cho sự suy giảm phát thải khí nhà kinh của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.Trung Quốc là thị trường năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới và sẽ tiếp tục vị thế này cho đến năm 2030,” theo Jenny Chase- nhà phân tích năng lượng mặt trời hàng đầu của BloombergNEF.

6. Đài Loan

Đài Loan phải nhập khẩu tới hơn 98% năng lượng (dầu lửa, khí đốt) cũng như phân bón, thức ăn chăn nuôi, và hơn 60% thực phẩm từ nước ngoài…mô hình kinh tế tuần hoàn của nền kinh tế này được triển khai mạnh mẽ từ trước đại dịch Covid-19, hiện đang chứng tỏ tính hiệu quả và xu thế bền vững đáng học hỏi.

Khi phải nhập khẩu hơn 98% nguồn năng lượng,để hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, đầu tiên,Đài Loan phải từng bước giảm bớt tỷ lệ nhập khẩu năng lượng. Sau đó, nỗ lực đạt tới cam kết Net Zero về cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính về mức bằng 0. Đây cũng là lời giải cho việc ngành công nghiệp chiến lược thứ 6 của nền kinh tế Đài Loan ưu tiên cho mục tiêu phát triển công nghiệp xanh và công nghiệp năng lượng tái tạo.

Đài Loan đã công bố mục tiêu hoàn thành cam kết Net Zero vào năm 2050. Điều đó có nghĩa là để đạt được cam kết này, nền kinh tế này phải tăng cường sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, tối đa hóa tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo trong tổng thể các nguồn năng lượng. Trong một vài năm qua, Đài Loan đã đầu tư mạnh mẽ vào các dự án điện gió ngoài khơi và điện năng lượng mặt trời.

Mục tiêu của Đài Loan là tới năm 2025, lượng năng lượng tái tạo được sử dụng chiếm 20% tổng nguồn năng lượng nói chung, tới năm 2050, tỷ lệ này sẽ tăng lên từ 60%, thậm chí 70%.

Trong lĩnh vực công nghiệp xanh và công nghiệp năng lượng tái tạo, trong tương lai gần, Đài Loan sẽ xây dựng một khu công nghiệp năng lượng tái tạo và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển (R&D), tăng cường an ninh mạng cho các giao dịch chứng nhận năng lượng tái tạo. Mục tiêu của Hội đồng Phát triển Đài Loan (NDC) là tạo ra cho Đài Loan vai trò của nhà cung ứng điện gió chủ chốt trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tạo điều kiện để các sản phẩm điện gió nội địa xuất khẩu sang các quốc gia khác.

7. Thái Lan

Thái Lan đã thông qua chương trình Cơ chế phát triển sạch (CDM), doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm đầu hoạt động. Theo đó, các công ty có thể khấu trừ lên tới 1,25 lần đầu tư thực tế của họ đối với máy móc thiết bị tiết kiệm điện năng lượng.Các loại máy móc thiết bị này cũng được hưởng ưu đãi thuế khi nhập khẩu,…

Thị trường chỉ tồn tại loại xăng sinh học có pha ethanol, không còn xăng khoáng thông thường và bắt buộc người tiêu dùng phải lựa chọn xăng pha ethanol. Khi đó, nhiều nhà máy sản xuất cồn sinh học ở Thái Lan đã có đầu ra ổn định, công suất nhà máy luôn đạt ở mức tối đa.

8. Philippin

 Tháng 7-1996,Tổng thống Ph.Ramos đã ký thỏa thuận với 23 hiệp hội các ngành công nghiệp (đại diện cho 2000 doanh nghiệp) để thực hiện chương trình tuyên truyền và thực hiện dự án về dán nhãn sinh thái tại nước này. Nội dung dự án là xếp hạng doanh nghiệp theo mức độ tuân thủ môi trường và dán nhãn cho doanh nghiệp bằng các màu khác nhau: vàng, xanh, lục, xanh lá cây, nâu và đen. Màu đen được gắn cho doanh nghiệp không tuân thủ tiêu chuẩn môi trường gây tác động xấu tới sức khỏe cộng đồng, còn màu vàng được dành cho doanh nghiệp có kết quả tuân thủ môi trường tốt trong 3 năm liền, đồng thời đã thực hiện có kết quả ít nhất 2 dự án đầu tư về giảm thiểu rác thải và tái chế. Kết quả xếp hạng doanh nghiệp theo màu nói trên sẽ được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng

III. Bài học và hành động của Việt Nam.

Từ kinh nghiệm của các nước, có thể rút ra một số bài học cho Việt Nam như sau:

1. Phải có nhận thức đúng đắn về vấn đề bảo vệ môi trường và theo xu hướng của thế giới, coi vấn đề “ Giảm thải khí nhà kính là chủ đề quan trọng toàn cầu ngày nay”. Nhận thức về vấn đề này, trước hết phải từ người lãnh đạo trở xuống. Luôn sử dụng các biện pháp tổng hợp (hành chính, kinh tế, chính trị) để phòng chống việc phát thải khí nhà kính, đi đôi với việc  "Xanh hóa" các hoạt động có thể được ở các doanh nghiệp, công sở

2. Trong giai đoạn hiện nay, pháp luật về môi trường và bảo vệ môi trường ở nước ta cần được nghiên cứu, hoàn thiện ở một số phương diện sau đây:

 a) Xây dựng cơ chế mang tính nguyên tắc là : Buộc đánh giá tác động môi trường đối với mọi đề xuất cho bất kỳ một hoạt động nào có khả năng ảnh hưởng lớn tới môi trường thiên nhiên trước khi chúng được thông qua. Quản lý chặt chẽ công nghệ, hàng hóa xuất, nhập khẩu có liên quan đến phát thải khí nhà kính .

b) Nghiên cứu, ban hành và thực thi các cơ chế, chính sách phù hợp với các qui định :

- Công ước khung của Liên hợp quốc về thay đổi khí hậu và trong Công ước Viên về bảo vệ tầng ôzôn

- Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ôzôn

- Đặc biệt là các thỏa thuận khung, cam kết cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính tại COP 26

c) Tạo ra áp lực cần thiết buộc các nhà kinh doanh chỉ cung ứng các sản phẩm thân thiện với môi trường cho người tiêu dùng.Điều này sẽ có tác động lan tỏa tới các nhà sản xuất.

3. Phối hợp giữa các cơ quan trong việc ban hành, thực thi, giám sát, kiểm tra và giải quyết các vấn đề thương mại và môi trường là một trong những biện pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng thương mại và bảo vệ môi trường. 

4. Xây dựng và thực hiện chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường như: cho doanh nghiệp vay vốn ưu đãi để thực hiện các dự án sản xuất sạch hơn; khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng góp vốn đầu tư hệ thống xử lý ô nhiễm trong làng nghề, cụm công nghiệp theo phương thức Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm. Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ về thông tin, khả năng tiếp cận dịch vụ môi trường và nguồn nguyên liệu sạch. Trợ giúp các doanh nghiệp trong việc áp dụng/chứng chỉ phù hợp.

5. Về phía các doanh nghiệp

- Xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn có tính đến các tác động của các quy định tiêu chuẩn và quy định môi trường của sản phẩm

- Nhanh chóng đầu tư đổi mới công nghệ đồng bộ và hiện đại để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Với trách nhiệm quốc tế,Việt Nam đang khẩn trương chuyển đổi, thúc đẩy mô hình tăng trưởng xanh - bền vững, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp, thực hành sản xuất kinh doanh xanh, sạch…

Hàng loạt chính sách và cơ chế có liên quan đến phát triển hàng hóa carbon thấp đã được ban hành có thể kể tới như:

Quyết định 49/2010/QĐ-TTg ngày 15 tháng 7 năm 2010, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục 46 công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và danh mục 76 sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên đầu tư.

Chỉ thị số 17/CT-TTg  ngày 09 tháng 8 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ ban Về tăng cường quản lý kiểm soát việc nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị của doanh nghiệp.

Thông tư số 20/2014/ BKHCN  ngày 15  tháng 7  năm 2014. Thông tư  này quy định điều kiện và thủ tục nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, bao gồm cả phụ tùng, linh kiện, bộ phận thay thế.

Thông tư 41/2013- BTNMT ngày 02 tháng 12 năm 2013  Quy định trình tự, thủ tục, chứng nhận nhãn sinh thái cho sản phẩm thân thiện với môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường

Quyết định 154/2014 - BTNMT ngày 25 tháng 01 năm 2014 Công bố tiêu chí Nhãn xanh Việt Nam

Quyết định số 567/2010 ngày 28 tháng 04 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ Về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020.

Quyết định số 130/2007/QĐ-TTg ngày 02/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách, cơ chế tài chính đối với dự án đầu tư theo cơ chế phát triển sạch;

Thông tư liên tịch số 47 /BCT- BTNMT ngày 30 thánh 12 năm 2011 của Bộ Công Thương - Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định việc quản lý nhập khẩu, xuất khẩu và tạm nhập - tái xuất các chất làm suy giảm tầng ô-dôn theo quy định của Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn.

Thông tư 28/2013- BCT ngày 06 tháng 11 năm 2013 , Quy định kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương.

Quyết định 51/2011 ngày 12 tháng 09 năm 2011của Thủ tướng Chính phủ Quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện.

Quyết định 78/2013 ngày 25 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây mới

Quyết định số 177/2007/QÐ-TTg , ngày 20-11-2007, Thủ tướng Chính phủ đã  phê duyệt "Ðề án phát triển Năng lượng sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025" giao Bộ Công Thương chủ trì.

Quyết định số 37/2011 ngày 29 tháng 06 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ Về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam

Thông tư 96/2012- BTC ngày 08 tháng 06 năm 2012 về Cơ chế tài chính hỗ trợ giá điện đối với Dự án điện gió nối lưới.

QĐ số 24/2014/QĐ-TTg  ngày 24 tháng 03 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ  Quy định về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng năng lượng sinh khối tại Việt Nam.

Quyết định số 18/2008/QĐ-BCT ngày 18/7/2008 của Bộ Công Thương ban hành “Quy định về Biểu giá chi phí tránh được và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các nhà máy điện nhỏ sử dụng năng lượng tái tạo”.

Quyết định số 31/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ : Về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn tại Việt Nam.

Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2022 Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn.

Quyết định 626/QĐ-BCT ngày 05/4/2022 về Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương triển khai Cam kết của Việt Nam tại COP 26.

Quyết định 942/QĐ-TTg ngày 05/8/2022 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động giảm phát thải khí Mê tan đến năm 2030.

Trước đây, kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế cacbon thấp chỉ là chủ trương, quan điểm, tư duy cần hướng đến. Nhưng đến hôm nay, nó chính là những mô hình thực tế mà Chính phủ, doanh nghiệp và người dân coi đây là mô hình cần phải xác định rõ mục tiêu, nội hàm và phương thức để hành động.

Quá trình chuyển đổi xanh là một cuộc cách mạng, muốn thành công cần phải tư duy và hành động đột phá, nhất là mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới xanh hơn, hiệu quả và thông minh hơn.

Với vai trò kiến tạo, Chính phủ, cần ban hành cơ chế chính sách thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt là triển khai là Luật Bảo vệ môi trường, Luật về năng lượng tái tạo, mạnh mẽ hơn là cần có bộ luật về kinh tế tuần hoàn.

Để tạo lập môi trường thuận lợi nhất, cần khuyến khích thúc đẩy chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển thị trường hàng hoá, thị trường trao đổi hạn ngạch tín chỉ phát thải cacbon. Đồng thời, ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, phát triển các trung tâm phát triển sản phẩm, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo…

Doanh nghiệp phải xây dựng chiến lược kinh doanh xanh, tận dụng cơ hội đi đầu trong các ngành sản xuất xanh. Đây là vấn đề mới nên cần phải thí điểm.

Muốn đạt được lợi thế cạnh tranh trong cuộc đua, cần nghiên cứu phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng thành tựu của cuộc CMCN lần thứ tư. Ngoài ra,doanh nghiệp cũng cần quan tâm, làm tốt công tác an sinh, bảo đảm phúc lợi cho người lao động. Điều này có ý nghĩa đối với phát triển bền vững và kinh doanh bao trùm.

Vũ Huy Hùng

Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT

BÀI VIẾT KHÁC