1. Vai trò của hạ tầng logistics
Khái quát về hạ tầng logistics:
Hạ tầng logistics là tất cả những cơ sở vật chất và kỹ thuật đóng vai trò là nền tảng quan trọng phục vụ cho ngành dịch vụ logistics. Hạ tầng logistic bao gồm cơ sở hạ tầng thông tin truyền thông và cơ sở hạ tầng giao thông vận tải.
- Cơ sở hạ tầng thông tin truyền thông là tất cả các hệ thống thông tin dùng để quản lý các hoạt động của hàng hóa như là nhập dữ liệu, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi. Thiết bị sử dụng cho những hoạt động này bao gồm máy tính, thiết bị điện tử, máy móc phục vụ cho hoạt động thông tin và truyền thông.
- Cơ sở hạ tầng giao thông vận tải là một hệ thống bao gồm hệ thống vật chất kỹ thuật, các loại công trình kiến trúc và phương tiện sử dụng cho ngành giao thông vận tải như hệ thống đường xá, cầu cống, nhà ga, sân bay và cảng biển. Ngoài ra, còn có các trang thiết bị đi kèm như là biển báo, đèn tín hiệu, tín hiệu, máy móc, thiết bị sử dụng trong hoạt động giao thông vận tải.
Vai trò của hạ tầng logistics :
Hạ tầng logistics đáp ứng hoạt động sản xuất và nhu cầu thiết yếu của các chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ của tất cả các doanh nghiệp để góp phần vào thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Hạ tầng logistics còn đóng vai trò quan trọng trong vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa, xử lý và lưu trữ hàng hóa cũng như đảm bảo được về thông tin liên lạc giữa các dây chuyền sản xuất để tạo thành một mắt xích hoạt động liên tục trong quy trình sản xuất, lưu thông hàng hóa. Các hoạt động vận chuyển hàng hóa, lưu trữ kho bãi hay truyền đạt thông tin là các hoạt động đặc trưng cơ bản của logistics. Cơ sở hạ tầng logistics tác động trực tiếp tới chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp và góp phần tăng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp cũng như góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội.
Cơ sở hạ tầng logistics đều đóng một vai trò rất quan trọng trong việc lưu thông hàng hóa và tác động đến các chuỗi cung ứng hàng hóa của doanh nghiệp. Giao thông vận tải trong hạ tầng logistics có vai trò vận chuyển hàng hóa từ khâu này đến khâu khác của chuỗi cung ứng. Từ khâu nguyên liệu đầu vào đến sản xuất, đến các khâu chế biến, phân phối tới các kênh phân phối như là đại lý, nhà bán lẻ và cuối cùng đến tay người tiêu dùng.
Quá trình này sử dụng nhiều phương tiện giao thông vận tải như là đường bộ, đường hàng không và đường sắt. Những phương tiện giao thông vận tải thuận lợi, đảm bảo yếu tố kỹ thuật, công nghệ cao sẽ giúp cho công đoạn vận chuyển, xử lý hàng hóa rút ngắn về thời gian, thuận lợi và hiệu quả. Kho vận cũng đóng một vị trí rất quan trọng trong quá trình lưu thông, lưu trữ hàng hóa. Các hệ thống kho vận càng nhiều và hiện đại thì sẽ phục vụ tốt cho việc cung cấp hàng hóa đến tay người tiêu dùng đảm bảo về mặt số lượng, chất lượng cũng như thời gian.
2. Mối liên hệ giữa phát triển hạ tầng logistics với phát triển kinh tế
Đầu tư vào hạ tầng logistics sẽ giúp nâng cao năng lực hệ thống logistics, nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ logistics và nâng cao giá trị gia tăng. Phát triển hạ tầng logistics sẽ giúp giảm chi phí logistics, rút ngắn thời gian vận chuyển và tạo cơ hội mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Từ đó sẽ làm tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Cơ sở hạ tầng logistics giúp kết nối cung cầu, kích cầu hàng hóa, phát triển thương mại. Phát triển hạ tầng logitiscs sẽ giúp các doanh nghiệp rút ngắn và tăng hiệu quả từ khâu đầu vào nguyên liệu đến sản xuất và phân phối sản phẩm tới người tiêu dùng. Hạ tầng logistics giúp cung ứng sản phẩm nhanh, kịp thời, tạo ra các tiện ích về thời gian, địa điểm cung ứng hàng hóa. Hạ tầng logistics cũng giúp mở rộng thị phần cho doanh nghiệp, từ đó doanh thu và lợi nhuận tăng lên, góp phần vào phát triển doanh nghiệp nói riêng cũng như phát triển kinh tế của đất nước nói chung.
Phát triển hạ tầng logistics cũng giúp đảm bảo thời gian cung cấp nguyên liệu và phân phối hàng hóa, từ đó mang lại lợi ích cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tiếp cận nhanh với các thị trường nguyên liệu và thị trường hàng hóa ở xa, từ đó thúc đẩy hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và kích thích sản xuất tại các địa phương, phát triển kinh tế đồng đều giữa các vùng miền. Hạ tầng logistics giúp các doanh nghiệp tiếp cận được với các thị trường các nước, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng các nước xuất khẩu do nâng cao được chất lượng sản phẩm và rút ngắn thời gian vận chuyển, bảo quản hàng hóa nhất là các hàng hóa thực phẩm như rau quả, hải sản, thực phẩm tươi sống.
Cơ sở hạ tầng logistics phát triển giúp giảm chi phí logistics và việc vận chuyển hàng hóa được thông suốt do sự kết nối chặt chẽ giữa các cảng, ga, đường sắt, đường bộ và đường hàng không.
Phát triển hạ tầng logisitcs còn giúp mở rộng thị trường trên toàn thế giới, thúc đẩy sự kết nối mạng lưới của các công ty logistics toàn cầu, từ đó hàng hóa có thể tiếp cận được với nhiều nơi trên thế giới, thị phần được mở rộng. Ngoài ra, còn thu hút đầu tư trực tiế nước ngoài vào phát triển hạ tầng logistics, góp phần mở rộng quy mô kinh doanh của doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
3. Chính sách phát triển hạ tầng logistics
Phát triển hạ tầng logistics là một trong những yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế của một quốc gia. Do vậy, chính sách về hạ tầng logistics tạo ra sự đột phá trong hoạt động logistics và tạo môi trường thuận lợi trong hoạt động kinh doanh ở Việt Nam hiện nay:
- Đẩy nhanh tiến độ dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, khởi công dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách, có tính kết nối và lan tỏa vùng, miền. Hoàn thiện sửa chữa, duy tu, bảo trì thường xuyên hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt.
- Phát huy vai trò đô thị lớn, tháo gỡ điểm nghẽn, thu hút các nguồn lực cho phát triển đô thị hiện đại, gắn kết với phát triển khu vực nông thôn, phù hợp với tiềm năng, lợi thế, điều kiện thực tế của vùng và của mỗi đô thị.
- Hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển hạ tầng số một cách đồng bộ, hiện đại, phát triển hệ sinh thái số với các nền tảng dùng chung, các dịch vụ mô hình kinh doanh mới, phát triển công nghệ nền tảng tạo đột phá trong quá trình chuyển đổi số.
- Nghị định số 67/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 16/6/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan, bổ sung các nội dung thúc đẩy phát triển hạ tầng logisitcs như quy định về kho ngoại quan, kho hàng không kéo dài, điều kiện về địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ở khu vực biên giới.
- Nghị quyết số 136/NQ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ để thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong các ngành, các cấp và các địa phương từ nay đến năm 2030, trong đó có một số nội dung liên quan đến giao thông vận tải và logistics. Tiếp tục triển khai hiệu quả công tác tái cơ cấu thị trường vận tải một cách hợp lý, sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác của hệ thống giao thông vận tải và thúc đẩy vận tải hàng hóa từ đường bộ sang các phương thức vận tải khác nhằm giảm áp lực cho vận tải đường bộ, bảo đảm tiết kiệm nhiên liệu hơn, có mức phát thải thấp hơn (đường thủy và đường sắt). Thúc đẩy phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại các đô thị tại Thủ đô Hà Nội và TPHCM. Xây dựng, ban hành và áp dụng mức tiêu thụ nhiên liệu cho một số loại phương tiện phù hợp với điều kiện thực tế. Bên cạnh đó, đẩy mạnh sử dụng nhiên liệu sinh học, nhiên liệu sạch. Thực hiện đề án phát triển dịch vụ logistics nhằm tối ưu hóa thời gian và chi phí vận tải, giảm tiêu hao nhiên liệu, ứng dụng công nghệ giao thông thông minh, công nghệ vận tải xanh, giảm phát thải khí nhà kính trong lưu thông và vận tải hàng hóa.
Tài liệu tham khảo
- Báo cáo logistics Việt Nam 2022.
- An Thị Thanh Nhàn, Cơ sở hạ tầng logistics trong phát triển kinh tế Việt Nam, Vietnam logistics review, 2023.
- Anh Tú, Nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông để nâng hạng năng lực logistics, Vn Economic, 2023.
TS. Trần Thị Thu Hiền
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT