1. Mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo trong quy hoạch điệnVIII (PDP8)
Ngày 15/5/2023 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện VIII). Quy hoạch điện VIII (PDP8) là quy hoạch ngành quốc gia đặc biệt quan trọng trong hệ thống các quy hoạch ngành quốc gia.
Việc phê duyệt quy hoạch PDP8 tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai các dự án truyền tải điện để tăng công suất cho các dự án điện tái tạo cũng như các tuyến đường dây 500kv giúp cân đối cung cầu giữa 3 miền Bắc - Trung - Nam. Phát triển hệ thống truyền tải điện đồng bộ với tiến độ các nguồn điện, nhu cầu phát triển phụ tải của các địa phương, sử dụng công nghệ hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, sẵn sàng kết nối khu vực. Phát triển lưới điện thông minh để tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo ở quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu vận hành hệ thống điện an toàn, ổn định và kinh tế.
PDP8 quy hoạch phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải ở cấp điện áp từ 220 KV trở lên, công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, năng lượng mới trên lãnh thổ Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 , bao gồm cả các công trình liên kết lưới điện với các quốc gia láng giềng.
PDP8 với mục tiêu đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải cùng với xu hướng phát triển khoa học công nghệ của thế giới trong giai đoạn hiện nay. Ngoài ra, hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới.
Mục tiêu cụ thể được nêu ra trong PDP 8 như sau:
(1) Bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia
- Cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030, khoảng 6,5 - 7,5%/năm trong giai đoạn 2031 - 2050;
- Bảo đảm cung cấp điện an toàn, tin cậy, đáp ứng tiêu chí N-1 đối với vùng phụ tải quan trọng và N-2 đối với vùng phụ tải đặc biệt quan trọng. Đến năm 2030, độ tin cậy cung cấp điện năng thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN;
- Phấn đấu đến năm 2030 có 50% tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).
(2) Chuyển đổi năng lượng công bằng
- Phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030. Định hướng đến năm 2050 tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71.5%;
- Kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện đạt khoảng 204 - 254 triệu tấn năm 2030 và khoảng 27 - 31 triệu tấn vào năm 2050;
- Xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, đủ khả năng tích hợp, vận hành an toàn hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn.
(3) Phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ năng lượng tái tạo
- Dự kiến đến 2030, hình thành 02 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng tại các khu vực có nhiều tiềm năng như Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ khi có các điều kiện thuận lợi;
- Phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo và sản xuất năng lượng mới phục vụ xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2030, quy mô công suất xuất khẩu điện đạt khoảng 5.000 - 10.000 MW.
2. Sự cần thiết phát triển năng lượng tái tạo và giảm phát thải CO2
PDP8 chú trọng đến phát triển khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện. Năng lượng tái tạo (tính cả thủy điện) sẽ chiếm khoảng 31% - 39%, điện năng sản xuất trong hệ thống dự kiến tăng lên khoảng 67,5%-71,5% vào 2050.
Đối với điện than, chỉ thực hiện các dự án đã có trong Quy hoạch điện 7 và bắt đầu từ năm 2030 sẽ không xây dựng nhà máy điện than mới. Các nhà máy nhiệt điện than định hướng sau tuổi thọ kỹ thuật (khoảng 40 năm) sẽ dừng vận hành và sẽ được xem xét chuyển sang nhiên liệu sinh khối và amoniac trước năm 2050.Đề xuất các phương án thay thế điện than bằng các nguồn điện khác như điện gió và điện sinh khối.
Phát triển điện khí, nhiệt điện khí nguồn từ mỏ khí trong nước, trong đó ưu tiên các dự án điện khí sử dụng tối đa nguồn khí trong nước. Các nhà máy điện khí tự nhiên sẽ chuyển dần sang sử dụng Hydro sau 10 năm vận hành. Đến năm 2050, phần lớn các nhà máy điện khí tự nhiên sẽ sử dụng Hydro. Nhiệt điện khí LNG nhập khẩu, định hướng 2050, chuyển dần sang dùng hydro, sản xuất tương đương 9,4%- 11,25% tổng sản lượng điện năng.
Với điện mặt trời, điện gió, xác định ưu tiên phát triển mạnh điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi. Bên cạnh đó, ưu tiên phát triển không giới hạn công suất điện mặt trời mái nhà và điện mặt trời tự sản, tự tiêu.
Theo Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023, vốn đầu tư cho PDP8 ước tính khoảng 135 tỷ USD cho giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030. Từ năm 2021 đên năm 2050, ước tính nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải mà Việt Nam cần khoảng 399,2 đến 523,1 tỷ USD.
Điện là ngành hạ tầng quan trọng, phát triển điện lực tạo nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, nâng cao đời sống nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Phát triển điện lực theo nguyên tắc tối ưu các yếu tố về nguồn điện, truyền tải điện, phân phối điện, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, có lộ trình phù hợp đi đôi với bảo vệ tài nguyên, môi trường và chuyển đổi mô hình kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia với chi phí thấp nhất.
Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước, kết hợp với xuất, nhập khẩu hợp lý, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng. Coi phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới là cơ hội để phát triển tổng thể hệ sinh thái công nghiệp năng lượng.
Phát triển điện phải bám sát xu thế phát triển của khoa học - công nghệ trên thế giới, nhất là về năng lượng tái tạo, năng lượng mới, gắn với quá trình chuyển đổi nền kinh tế đất nước theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp.
Phát triển ngành điện sẽ thống nhất với việc thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam tại Hội nghị COP26, đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Ngành điện sẽ tập trung thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng sạch và giảm thiểu các nguồn điện phát thải CO2 với dự kiến tổng quy mô công suất nguồn điệnnăm 2025 khoảng 59.318 MW; năm 2030 khoảng 90.512 MW; đến năm 2050 khoảng 185.187 - 208.555 MW.
Biến đổi khí hậu hiện nay là thách thức nghiêm trọng toàn cầu. Việt Nam là một trong các quốc gia đang phát triển, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ cùng 150 quốc gia trên thế giới cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050, cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.
Như vậy Việt Nam cần hoàn thiện các cơ chế chính sách và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính, kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải khí nhà kính lớn như các nhà máy nhiệt điện, các cơ sở sản xuất công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng và phát thải khí nhà kính.
Chính phủ đưa ra các giải pháp thực hiện cam kết về việc chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch và xây dựng đề án thành lập Trung tâm năng lượng tái tạo; giảm dần việc sử dụng năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng xanh, năng lượng sạch; đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách phát triển ô tô điện tại Việt Nam.
Phát triển nguồn năng lượng tái tạo không chỉ bảo đảm nguồn cung cấp điện năng cho đất nước với chi phí hợp lý, mà còn góp phần cụ thể hóa mục tiêu đưa phát thải ròng về "0" vào năm 2050, đây cũng là xu thế tất yếu hiện nay.
Phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) đạt được khi tổng lượng khí nhà kính do con người thải ra được cân bằng lại bằng cách loại bỏ các loại khí này ra khỏi khí quyển thông qua quá trình loại bỏ carbon, phát thải ròng bằng 0 tức là đạt sự trung hòa về khí hậu.
Hiệp ước tại COP26 kêu gọi đẩy nhanh nỗ lực giảm dần điện than không sử dụng công nghệ thu giữ carbon và trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả, đồng thời thừa nhận sự cần thiết phải hỗ trợ để hướng tới một quá trình chuyển đổi công bằng.Đây là đầu tiên nhiên liệu hóa thạch được đề cập tại một thỏa thuận trong một kỳ hội nghị thượng đỉnh khí hậu của Liên hợp quốc.
Như vậy, việc chuyển dịch sang năng lượng sạch đã trở thành con đường tất yếu với tất cả các quốc gia trong đó có Việt Nam. Một trong những nhiệm vụ thực hiện mục tiêu là đến năm 2030, quy mô điện gió và mặt trời sẽ cần tăng gấp 4 lần và hiệu suất sử dụng năng lượng cần nâng cao rất nhiều so với hiện nay.
Năng lượng tái tạo tiếp tục có những đột phá mới về công nghệ giúp giá thành năng lượng sạch trở nên cạnh tranh và trở thành nguồn năng lượng có giá thành ngày càng rẻ hơn.
Trong lĩnh vực năng lượng, 60% lượng phát thải từ công nghiệp năng lượng chủ yếu từ sản xuất điện năng. Do đó, việc giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất điện là vô cùng quan trọng để Việt Nam có thể đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0”.
Bên cạnh đó, khí hậu và địa hình của Việt Nam khiến năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió có triển vọng đầu tư phát triển. Nguồn tài nguyên gió rộng lớn của Việt Nam là nhờ vào hình dạng địa lý dài và hẹp của đất nước với hơn 3.000 km đường bờ biển, bao gồm cả đồi và núi.
Tính đến năm 2022, các nguồn năng lượng tái tạo có tổng công suất lắp đặt là 20.670 MW, chiếm 27% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống (76.620 MW); tổng sản lượng điện từ nguồn năng lượng tái tạo đạt 31.508 tỷ kWh, chiếm 12,27% tổng sản lượng toàn hệ thống.
Việt Nam có 70 dự án điện gió với tổng công suất đạt 3.987 MW đã đưa vào vận hành thương mại, sản lượng điện sản xuất đạt 3,34 tỷ kWh trong năm 2021, tương đương 1,3% sản lượng toàn hệ thống. Về điện mặt trời, sản lượng điện sản xuất từ năng lượng mặt trời chiếm khoảng 10,8% tổng sản lượng điện toàn hệ thống. Các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam đã thu hút được nhiều vốn đầu tư FDI giúp ngành sản xuất và phân phối điện xếp thứ 2 trong số các ngành thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
3. Giải pháp phát triển năng lượng tái tạo, giảm phát thải CO2 thực hiện PDP8
3.1. Tận dụng những tiềm năng tự nhiên sẵn có của đất nước
Việt Nam có nhiều tiềm năng địa lý tự nhiên rất lý tưởng cho sự phát triển của ngành năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió. Theo nghiên cứu, Việt Nam là một trong những nước có số giờ nắng cao nhất châu Á (trung bình 1.500 đến 1.700 giờ mỗi năm), đặc biệt là ở khu vực miền nam, nơi tập trung phần lớn các khu sản xuất trong nước, cường độ bức xạ mặt trời cũng không thay đổi đáng kể trong năm. Nếu duy trì tốc độ mở rộng nhanh chóng về năng lượng tái tạo, Việt Nam sẽ có thể vươn lên so với nhiều quốc gia về giải pháp phát triển năng lượng tái tạo và sáng tạo.
Tiềm năng các nguồn năng lượng tái tạo của Việt Nam:
- Tiềm năng thủy điện: Theo quy hoạch bậc thang thủy điện các dòng sông lớn và quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ tại các địa phương Việt Nam có thể phát triển 1.542 dự án với tổng công suất khoảng 28.700 MW. Nguồn thủy điện đã đưa vào vận hành có tổng công suất gần 23 nghìn MW, điện năng sản suất hàng năm khoảng 75 - 85 tỷ kWh phụ thuộc vào lượng mưa hàng năm.
- Tiềm năng các nguồn điện gió: Các tỉnh, thành phố ven biển và các tỉnh cao nguyên, cũng như thềm lục địa của Việt Nam có tiềm năng phát triển điện gió. Tổng tiềm năng kỹ thuật khoảng 377 nghìn MW. Trong đó, điện gió trên đất liền khoảng 217 nghìn MW, trên mặt biển khoảng 160 nghìn MW. Hiện đã có khoảng 7.605 MW công suất nguồn điện gió đã hoàn thành, trong đó, có 4.126 MW đã vào vận hành.
- Tiềm năng các nguồn điện mặt trời: Tổng tiềm năng kỹ thuật điện mặt trời của Việt Nam khoảng 434 nghìn MW. Trong đó, điện mặt trời quy mô lớn mặt đất khoảng 309 nghìn MW, trên mặt nước khoảng 77 nghìn MW, trên mái nhà khoảng 48 nghìn MW. Đến nay tổng công suất nguồn điện mặt trời của Việt Nam là 16.545 MW. Trong đó, có 8.904 MW công suất điện mặt trời tập trung và 7.641 MW điện mặt trời mái nhà.
- Tiềm năng nguồn năng lượng sinh khối: Năng lượng sinh khối là các dạng năng lượng có nguồn gốc từ các chất hữu cơ (gỗ, sản phẩm nông nghiệp, chất thải hữu cơ, chất thải rắn đô thị, tảo và các loài thực vật khác). Tiềm năng nguồn năng lượng sinh khối của Việt Nam hiện nay khoảng 60 triệu TOE (tấn dầu tương đương). Hiện có 310 MW công suất điện sử dụng bã mía tại các nhà máy đường, đang đầu tư 170 MW công suất nguồn điện sử dụng trấu và phụ phẩm của gỗ.
Hiện nay, PDP8 không hướng tới việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch như trước đây mà đa dạng hóa hơn nữa các nguồn năng lượng carbon thấp, phát triển năng lượng sạch và giảm lượng khí thải CO2 lớn.
Cũng như tại COP26, Việt Nam cam kết loại bỏ dần than đá, thay thế bằng điện gió và năng lượng mặt trời. Từ đó hạn chế sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Những năm gần đây đã có sự bùng nổ về công suất năng lượng mặt trời, tuy nhiên đường truyền không thể theo kịp dẫn đến sản xuất thua lỗ. Để đạt được mục tiêu 50% công suất năng lượng sạch, Việt Nam sẽ cần 42,7 GW gió trên bờ, 54 GW gió ngoài khơi và 54,8 GW điện mặt trời vào năm 2045 (Theo số liệu của S&P Global Commodity Insights).
Việt Nam có sự thành công nhất định trong phát triển của điện mặt trời và lĩnh vực điện gió cũng có tiềm năng đạt được mức tăng trưởng đáng chú ý, vừa qua công suất gió đã vượt qua năng lượng mặt trời. Điện gió ngoài khơi cũng là một nguồn năng lượng cần được chú ý phát triển trong thời gian tới.
3.2. Hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm phát triển năng lượng tái tạo, giảm phát thải CO2
Hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về phát triển điện lực, phát triển năng lượng tái tạo (bao gồm cả điện mặt trời mái nhà, điện mặt trời tự sản, tự tiêu), sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và các quy định khác có liên quan như hoàn thiện chính sách tạo đột phá khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo; Ban hành thí điểm, tiến tới xây dựng chính thức cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất điện năng lượng tái tạo và khách hàng tiêu thụ đồng bộ với sửa đổi Luật Điện lực và lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh; Tiếp tục hoàn thiện cơ chế điều hành giá điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa các mục tiêu chính trị - kinh tế - xã hội của Nhà nước và mục tiêu sản xuất kinh doanh, tự chủ tài chính của các doanh nghiệp ngành điện; Nghiên cứu, xây dựng và ban hành Luật về năng lượng tái tạo; Sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc giảm cường độ năng lượng của nền kinh tế, ban hành chế tài và các tiêu chuẩn, qui chuẩn bắt buộc về sử dụng hiệu quả năng lượng; Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia phát triển năng lượng tái tạo, phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng mới phục vụ trong nước và xuất khẩu, phát triển công nghiệp chế tạo thiết bị ngành điện.
Trên cơ sở chuẩn xác lại tiến độ các dự án nguồn điện lớn đang xây dựng, cần tiến hành cân bằng công suất - điện năng, xác định khối lượng các dự án điện mặt trời, điện gió và các nguồn năng lượng tái tạo cần xây dựng trong giai đoạn 2023 - 2025 - 2030. Việc cân đối được tiến hành theo từng vùng, miền để xác định công suất mỗi loại cần đưa vào trong từng năm của mỗi vùng, miền.
Với các dự án cần đưa vào vận hành mỗi năm, trên cơ sở khung giá phát điện đối với mỗi loại nguồn năng lượng tái tạo (điện mặt trời mặt đất, điện mặt trời nổi, điện gió trên đất liền, điện gió ngoài khơi…) do Bộ Công Thương ban hành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiến hành đàm phán và ký hợp đồng mua bán điện đối với từng dự án.
Thị trường năng lượng tái tạo cần có các chính sách và thủ tục pháp lý rõ ràng để tăng sự quan tâm của các nhà đầu tư. Các cơ quan quản lý cần đưa ra các chính sách với các điều kiện tạo ra môi trường đầu tư ổn định lâu dài và có thể dự đoán được, giúp vượt qua các rào cản và đảm bảo doanh thu từ các dự án.
3.3. Nâng cao chất lượng sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nguồn năng lượng tái tạo
Cần phải quản lý hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn, đạt chất lượng cao trong tất cả các khâu từ phát điện đến hệ thống truyền tải, phân phối, lưu trữ và cả khâu tiêu thụ.
Nâng cao độ chính xác của công tác dự báo thời tiết, kết hợp phát triển các nguồn điện linh hoạt để thích ứng với sự biến đổi. Thực hiện liên kết lưới điện với các nước trong khu vực; bảo đảm sự cân đối giữa nguồn năng lượng tái tạo và nhu cầu trong phạm vi lớn với lưới điện truyền tải mạnh, phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng quy mô lớn và đầu tư phát triển, cải tạo hệ thống lưới truyền tải.
Tập hợp các nguồn điện đấu nối với lưới phân phối cho các đơn vị điện lực; thực hiện quản lý phía cầu; tối ưu hóa vận hành hệ thống phân phối với các nguồn năng lượng phân tán. Phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng quy mô lớn; giải pháp tự động chuyển đổi điện năng dư thừa cho các nhu cầu khác.
Với quá trình chuyển đổi mạnh mẽ từ điện than sang năng lượng gió và năng lượng mặt trời cần phải có nhiều sự cải tiến về lưới điện và các chính sách cải cách thị trường tiêu thụ điện.Cần phát triển đồng bộ giữa các dự án năng lượng tái tạo với lưới điện truyền tải để không xảy ra quá tải lưới điện; cần huy động hết năng lực các nhà máy. Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức trong quá trình khử cacbon, giảm thiểu phát thải CO2. Các dự án điện gió, điện mặt trời phụ thuộc vào thời tiết, nên khi được tích hợp vào hệ thống điện với quy mô lớn sẽ gặp nhiều thách thức về kỹ thuật cần được giải quyết. Các số liệu về nguồn năng lượng tái tạo của Việt Nam cần được xây dựng hoàn thiện, tin cậy làm cơ sở cho phát triển các dự án về năng lượng tái tạo.
3.4. Phát triển năng lượng tái tạo kết hợp với mục tiêu giảm phát thải CO2
Để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 cần tăng hấp thụ CO2 và giảm phát thải do chất thải và tăng nguồn năng lượng tái tạo. Đầu tư và áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến trong sản xuất năng lượng tái tạo. Tạo ra nguồn điện không phát thải chiếm 90% sản lượng điện sản xuất, nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch chỉ còn 10%.
Sử dụng năng lượng tái tạo hiệu quả và linh hoạt để đảm bảo hiệu quả chi phí trong giảm nhẹ phát thải CO2. Tạo nguồn cung cấp đủ năng lượng không phát thải và phát thải thấp. Cân bằng lượng phát thải băng cách thúc đẩy hấp thụ CO2. Phát triển năng lượng tái tạo sẽ khắc phục được những hạn chế, bất cập về môi trường, giảm lãng phí tài nguyên và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
PDP8 xác định các nguồn năng lượng phù hợp đảm bảo thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 nhằm đạt được không phát thải ròng vào năm 2050. Năng lượng tái tạo là vấn đề trọng yếu trong quá trình phát triển của đất nước. Điện sản xuất từ các nguồn tái tạo giúp giảm phát thải khí carbon từ khu vực năng lượng. Từ đó giúp tăng trưởng kinh tế mà không làm gia tăng lượng phát thải khí carbon.Với hiệu quả về môi trường và cả về kinh tế, cần tăng nhanh tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo trong cân đối năng lượng chung.
Tài liệu tham khảo
1. Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
2. Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050
3. Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Trần Thị Thu Hiền
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT