NGHIÊN CỨU

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Nghiên cứu

Ngành Thép Việt Nam - khó khăn trong tình hình mới

29/12/2022

Hiện nay, nhiều nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 vẫn đang phải gánh chịu áp lực kinh tế và sụt giảm sức cầu dẫn đến một loạt các đợt cắt giảm sản xuất quy mô lớn, thậm chí nhiều nhà máy lớn phải tạm ngừng hoạt động. Không nằm ngoài bối cảnh này, ngành thép trong nước tiếp tục đối mặt thách thức do sự ngưng trệ các ngành sản xuất sử dụng thép như công nghiệp xây dựng, hạ tầng cơ sở… và sức ép cạnh tranh từ việc gia tăng nguồn cung trong nước và một số nước lân cận. Chi phí đầu vào tăng cao, sản lượng bán hàng thấp, lượng hàng tồn kho lớn, cộng thêm sức ép từ lãi suất vay vốn và chênh lệch tỷ giá dâng cao… đang là những thách thức bủa vây ngành thép Việt.

1. Kết quả đạt được của ngành thép trong giai đoạn 2016-2020

1.1. Quy mô ngành Thép Viêt Nam

Trước đây, công nghệ thép Việt Nam còn rất khiêm tốn, nhỏ lé, phân tán và lạc hậu. Đến nay, các doanh nghiệp đã có bước tiến rất dài cả về quy mô, sản lượng và công nghệ tương đương tầm cỡ thế giới hiện nay; trong đó đặc biệt là Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, Tập đoàn Hòa Phát Dung Quất giai đoan 2. Quy mô toàn ngành thép Việt Nam năm 2016-2020 chiếm khoảng 5% GDP Việt Nam. Dựa vào loại hình doanh nghiệp, có thể chia ngành thép ra hai phần hoạt động kinh doanh đơn thuần là nhập khầu thép từ nước ngoài hoặc mua sắt thép của các nhà máy sản xuất thép trong nước và sau đó phân phối đến khách hàng trong và ngoài nước.

Sự phát triển của ngành thép Việt Nam có sự tham gia đóng góp của các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiêp tư nhân, đại diện cho các doanh nghiệp tư nhân có thể kể đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, với năng lực sản xuất 8 triệu tấn/năm. Năm 2020, năng lực sản xuất thép thô của Hòa Phát tǎng 26 lần so với năm 2003, đưa Hòa Phát thành nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam. Thị phần thép xây dụng Hòa Phát ban đầu chỉ là 1%, năm 2002, đến nay đã chiếm hơn 32%. Sản phẩm ống thép Hòa Phát cũng chiếm thị phần dẫn đầu cả nước với năng lực sản xuất 1 triệu tấn/năm. Tôn mạ Hòa Phát dù mới ra thị trường từ năm 2018 nhưng hiện đã lọt Top 5 thị phần nhà sản xuất lớn nhất Việt Nam. Đặc biệt từ ngày 23 tháng 4 năm 2020 Nhà máy cán thép QSP đưa vào sản xuất tại Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất đã cho ra đời sản phẩm thép cuộn cán nóng năm 2020 đạt 686 nghìn tấn/năm đến năm 2021 đã tăng 2.551 triệu tấn. Hòa Phát là doanh nghiệp nội địa đầu tiên sản xuất được loại thép công nghiệp có giá trị gia tăng cao này. Các doanh nghiệp Việt Nam đang phát triển theo hướng hiện đại, quy mô lớn hướng về thượng nguồn, nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh với các sản phẩm thép nước ngoài.

Lợi thế kinh tế theo quy mô là nhân tố cốt lõi của ngành thép. Chính điều này lý giải vì sao năng lực canh tranh của doanh nghiệp nội địa yếu kém và giá thành sản xuất cao. Vấn đề cấp thiết hiện tại là tăng cường quy mô đầu tư và sử dụng công nghệ hiện đại cần phải được triển khai cho ngành thép Việt Nam. Theo thông tư số 03/2014 do Bộ Công Thương ban hành quy định về công nghệ, thiết bị sản xuất gang thép đã đưa ra một số thay đổi về công suất tối thiểu, quy mô lò luyện, hiệu suất tiêu hao năng lượng. Cụ thể, quy mô lò cao của các khu liên hợp thép ở Việt Nam mới đạt 500m3 nhưng theo quy định mới, để được cấp phép, các nhà đầu tư phải đầu tư xây dựng lò cao từ 700m3 trở lên. Đối với các cơ sở luyện gang lò cao, dung tích lò tại các khu vực ven biển phải đạt 1.000m3 trở lên. Về cán thép, các cơ sở sản xuất thép HRC phải có công suất lớn hơn 1 triệu tấn/năm; dây chuyền cán nguội thép dẹt phải có công suất trên 500,000 tấn/nǎm; dây chuyền cán thép dài cũng phải có công suất tối thiếu 500,000 tấn/năm.

Sự thay đổi của quy mô ngành thép trong những năm qua còn thể hiện qua sự phát triển của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA). Ban đầu, VSA chỉ bao gồm 13 doanh nghiệp sản xuất thép xây dụng. Tới nay, Hiệp hội có số lượng thành viên là 110 thành viên chia thành 4 chuyên ngành chính: Sản xuất Thép xây dựng: 36 thành viên; Sản xuất ống thép: 17 thành viên; Sản xuất Tôn mạ Kim loại & Sơn phủ màu: 18 thành viên; Các doanh nghiệp thưong mại & khác: 39 thành viên. Các thành viên của Hiệp hội Thép Việt Nam bao gồm đủ các thành phần kinh tế: Doanh nghiệp Nhà nước; Công ty liên doanh; Công ty cổ phần và tư nhân; Công ty 100% vốn nước ngoài.

Hình 1: Sản lượng sản xuất thép thô của Việt Nam

so với khu vực ASEAN (Triệu tấn/năm)

Nguồn: Đồ họa theo số liệu của SEAISI, VSA

Công nghệ sản xuất thép Việt Nam vẫn đi theo xu hướng chung thế giới, với công nghệ lò cao, đi từ quặng sắt, luyện gang để luyện ra thép. Các nhà máy được đầu tư trong giai đoạn này có quy mô và công suất ngày càng lớn, đặc biệt đã xây dựng được các khu liên hợp lớn như Fomosa Hà Tĩnh (7 triệu tấn/năm giai đoạn 1), Hòa Phát Dung Quất (4 triệu tấn/năm giai đoạn 1 và 5 triệu tấn /năm giai đoạn 2). Công nghệ sản xuất thép ở Việt Nam và trên thế giới hiện nay sử dụng Lò cao - Lò thổi ôxy (BF-BOF) chiếm 70%, công nghệ Lò điện hồ quang (EAF); Lò điện cảm ứng (IF) chiếm khoảng 30%. Khâu đúc phôi hiện nay được trang bị máy đúc liên tục (CCM) thích hợp cho sản xuất phôi vuông (Bilet, Bloom) và phôi dẹt (Slab).

Về cơ bản, sản phẩm thép gồm 2 loại là thép dài và thép dẹt. Hiện nay Việt Nam đang mất cân đối trong sản xuất 2 loại thép trên. Thép dài là các loại thép dùng trong ngành xây dựng như thép thanh, thép cuộn. Hầu hết các nhà máy cán thép ở Việt Nam chỉ sản xuất các loại thép dài, các sản phẩm thông thường như thép thanh tròn trơn, thép vằn D10-D41, thép dây cuộn f6-f10 và một số loại thép hình cỡ vừa và nhỏ phục vu cho xây dựng và gia công. Các loại thép dài cỡ lớn (lớn hơn D41) phục vụ cho xây dựng các công trình lớn hiện vẫn chưa tự sản xuất được do vậy sản phẩm này đang phải nhập khẩu từ nước ngoài. Công suất cán thép dài của Việt Nam hiện nay đạt trên 6 triệu tấn/năm đã tạo ra các sản phẩm thép mới có chất lượng cao hơn và ổn định dần thị trường tiêu thụ trong nước.

Bảng 1: Tình hình sản xuất thép thành phẩm giai đoạn 2016-2020

Đơn vị: Triệu tấn

Năm

Sản xuất thép các loại

Nhập

khẩu

Xuất

khẩu

Thép xây dung

Thép cuộn cán nóng HRC

Phôi

thép

Thép xây

dựng

Nhập khẩu

Sản xuất

2016

17,09

17,6

2,797

7,8

8,156

11,6

0,00

2017

21,06

15,01

3,755

9,881

9,223

9,3

1,378

2018

24,194

13,403

4,754

14,13

10,084

-

3,438

2019

25,263

13,362

6,600

15,143

10,559

-

4,129

2020

25,944

13,258

9,85

17,219

10,114

10,00

4,452

Nguồn: Báo cáo ngành Thép - Bộ Công Thương

Thép dẹt s dụng trong công nghiệp như: đóng tàu, sản xuất ô tô, sản xuât các máy móc thiêt bị công nghiệp. Từ năm 2006 trở về trước nước ta không có doanh nghiệp nào sản xuất thép dẹt. Từ năm 2007 đến nay có 4 doanh nghiệp sản xuât thép tấm đi vào hoạt động là Nhà máy thép tấm Phú Mỹ (thép cán nguội) có công suất 0,25 triệu tấn/năm, công ty Sunsco (thép cán nguội) với công suất 0,2 triệu tấn/năm, công ty Tôn Hoa Sen công suất 0,18 triệu tấn/năm và thép tấm cán nóng Cửu Long-Vinashin với công suất 0,5 triệu tấn/năm. Như vậy công suất sản xuất thép tấm của cả nước đến nay mới là 1,1 triệu tấn/năm. Trong khi đó nhu cầu hiện nay khoảng 4-5 triệu tấn/năm, nếu các nhà máy hoạt động hết công suất thì nước ta vẫn phải nhập khẩu khoảng 80% sản phẩm thép dẹt cho nhu cầu sử dụng trong nước.

Ngành thép Việt Nam cho đến nay mới chỉ tập trung sản xuất các sản phẩm thép dài do đầu tư vào sản phẩm này cần vốn ít, thời gian xây dựng nhà máy sản xuất ngắn, hiệu quả đầu tư tương đối cao. Đổi với sản phẩm thép dẹt, để đảm bảo chất lượng và hiệu quả sản xuất thì yêu cầu công suất nhà máy phải lớn, cần vốn đầu tư lớn, nhưng thời gian thu hồi vốn lâu, các doanh nghiệp trong nước không đủ vốn đầu tư dài hơi nên đến nay chưa phát triển được nhiều nhà máy.

1.2. Kết quả đạt được của ngành thép Việt Nam

Ngành thép Việt Nam hiện đang trong giai đoạn phát triển ấn tượng. Tốc độ tăng trưởng bình quân sản lượng thép giai đoạn 2011-2020 đạt trung bình 17,5%/năm. Nhu cầu tiêu thụ thép bình quân/người đạt khoảng 180-190kg/người, thấp hơn mức trung bình của thế giới  khoảng 217 kg/người ở khu vực châu Á, ở các nước phát triển ước tính 267 kg/người.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm từ sắt thép của Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng bình quân 12,3%/năm. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm từ sắt thép ghi nhận mức cao nhất 3,32 tỷ USD vào năm 2019, nhưng sau đó giảm 7,9% vào năm 2020, đạt 3,05 tỷ USD. Nguyên nhân sụt giảm là do ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid- 19 khiến chuỗi giá trị toàn cầu bị gián đoạn. Mặc dù sự ảnh hưởng của đại dịch là không hề nhỏ xong Việt Nam đã có biện pháp kiểm soát tốt dịch Covid-19 tạo điều kiện cho ngành thép duy trì sản xuất ổn định, sản phẩm thép Việt Nam trở thành một trong những nguồn cung ứng hàng hóa quan trọng trong chuỗi sản xuất thép toàn cầu.

Ngành thép đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về công suất, sản lượng cũng như chủng loại thép. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để cho ra những sản phẩm thép có chất lượng cao, năm 2020, ngành thép Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 14 thế giới và là bước tiến tốt trên bản đồ ngành thép thế giới. Bên cạnh sản lượng tăng vượt bậc thì sự đa dạng trong chủng loại sản phẩm cũng giúp ngành thép Việt Nam bổ sung thêm các loại sản phẩm thép mới mà hiện nay vẫn đang còn thiếu hụt cho nhu cầu sử dụng trong nước. Nhờ đó, ngành thép Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể trong khu vực và giữ vai trò ngày càng quan trọng trong ngành công nghiệp thép khu vực Đông Nam Á và cải thiện vị trí trong ngành công nghiệp thép thế giới.

Bảng 2: Kim ngạch xuất – nhập khẩu sắt thép Việt Nam sang một số thị trường ASEAN phân theo quốc gia giai đoạn 2011-2020

Đơn vị: triệu USD

Năm

Singapore

Thái Lan

Malaysia

Indonesia

Philippine

Cambodia

Lào

ASEAN

Tổng

Xuất khẩu

2010

60,2

60,0

120,5

130,8

21.5

239,3

37,9

681,4

1.344,2

2015

27,1

233,6

149,1

356,4

24.0

437,2

125,9

1.397,6

2.635,4

2020

29,4

447,7

373,3

360,2

249.2

969,8

99,9

2.583,2

6.113,1

Nhập khẩu

2010

50,0

180,9

414,5

49,0

4,6

0,0

0,0

701,8

6.895,7

2015

21,8

93,5

58,5

38,3

17,9

0,0

0,0

234,6

8.900,4

2020

5,9

163,5

126,8

342,3

7,6

0,6

0,1

648,8

9.086,6

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo của Hiệp hội thép

Các nhà máy luyện thép và cán thép hàng đầu của Việt Nam đã trang bị những dây truyền sản xuất với công nghệ tiên tiến trên thế giới (nạp liệu ngang thân vỏ lò) ở mức độ tự động hóa cao, sản xuất thép sạch và tự động loại bỏ sai sót, đáp ứng tốt nhất các tiêu chuẩn chất lượng khắt khe của bộ tiêu chuẩn Việt Nam và thế giới. Đồng thời, các nhà máy sản xuất thép hàng đầu Việt Nam cũng sớm áp dụng công nghệ và công tác quản trị với việc đầu tư phần mềm quản trị doanh nghiệp (SAP- ERP) từ năm 2008. Một số doanh nghiệp ngành thép đã cải tiến, đầu tư công nghệ, hệ thống quản lý chất lượng để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nỗ lực trong việc đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nhằm hướng tới thị trường quốc tế, nâng cao vị trí cạnh tranh, bắt kịp xu hướng cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay. Những cải tiến, nâng cấp về công nghệ hứa hẹn những bước tiến nổi bật về chất lượng và sản lượng sản phẩm được xuất khẩu.

Tại châu Âu và Mỹ, việc thiếu hụt nguồn cung sản phẩm từ sắt thép do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thời gian giao hàng nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất kéo dài là nguyên nhân chính khiến mặt hàng này tăng mạnh. Trong khi đó, Việt Nam nhờ kiểm soát tốt dịch Covid-19 trong những tháng đầu năm 2021 nên sản xuất phục hồi, giúp thuận lợi trong hoạt động xuất khẩu mặt hàng này.

Giai đoạn 2016 - 2020, xuất khẩu sản phẩm từ sắt thép của Việt Nam sang hầu hết các thị trường chính ghi nhận mức tăng trưởng cao. Trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu sản phẩm từ sắt thép lớn nhất của Việt Nam, tốc độ xuất khẩu tăng trưởng bình quân 18,03%/năm, từ 339,56 triệu USD năm 2016 tăng mạnh lên 623,35 triệu USD năm 2020. Có sự chuyển biến về cơ cấu thị trường xuất khẩu sản phẩm từ sắt thép trong giai đoạn 2016 - 2020, nhờ đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường “khó tính” như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, nên tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng sắt thép sang các thị trường này ngày càng tăng.

Nếu như năm 2016, tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng sang thị trường Mỹ chiếm 17,11% trong tổng giá trị thì năm 2020 tăng lên 20,41%; Nhật Bản tăng từ 14,61% trong năm 2016 lên 15,82%; Hàn Quốc tăng từ 4,26% năm 2016 lên 5,07%; Đức tăng từ 4,17% năm 2016 lên 4,30% năm 2020. Đáng chú ý, tốc độ xuất khẩu sản phẩm từ sắt thép của Việt Nam sang một số thị trường có tiềm năng lớn như Campuchia, Ấn Độ tăng trưởng bình quân tới 41,57%/năm và 44,54%/năm, từ 68,27 triệu USD và 51,45 triệu USD vào năm 2016 tăng lên 160,83 triệu USD và 137,68 triệu USD vào năm 2020.

Bảng 3: Tăng/giảm xuất khẩu sản phẩm từ sắt thép của Việt Nam sang

10 thị trường lớn nhất giai đoạn 2016 - 2020  (ĐVT: nghìn USD)

Thị trường

Năm

2016

Năm

2017

Năm

2018

Năm

2019

Năm

2020

Tăng/giảm

bình quân

(%)

Mỹ

339,561

361,687

503,378

674,863

623,354

18,03

Nhật Bản

289,865

343,355

865,858

479,869

483,140

31,68

Campuchia

68,272

79,127

219,092

160,341

160,826

41,57

Hàn Quốc

84,606

118,829

158,471

175,060

154,829

18,18

Án Độ

51,456

69,535

187,896

184,507

137,682

44,54

Đức

82,776

88,313

109,688

107,795

131,260

12,73

Thái Lan

131,152

168,626

228,610

180,934

122,536

2,75

Hà Lan

78,335

72,137

103,991

88,352

112,341

12,09

Canada

96,751

44,851

118,166

67,091

91,599

25,78

Australia

62,154

84,023

185,415

116,973

80,568

21,96

Nguồn: Báo cáo của Hiệp hội thép

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong năm 2021, sản lượng xuất khẩu sắt thép các loại đạt 13,096 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 11,795 tỷ USD, tăng 123,4% và nhập khẩu đạt 11,523 tỷ USD, tăng 42,6% so với cùng kỳ năm 2020; xuất siêu đạt 272 triệu USD. Thép Việt Nam mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 khiến cho thị trường bất động sản kém sôi động, kèm theo đó là hoạt động xây dựng giảm sút, tình hình sản xuất, tiêu thụ trong nước bị ảnh hưởng do giãn cách xã hội, song sản xuất và bán hàng sản phẩm thép các loại vẫn tăng khá do kế thừa kết quả kinh doanh tốt của năm 2020 và sự sôi động trở lại ở thị trường xuất khẩu năm 2021. Theo đó, sản xuất thép thô đạt khoảng 23 triệu tấn, tăng 16%; sản xuất thép thành phẩm các loại đạt 33 triệu tấn, tăng 19% và thép thành phẩm các loại đạt 29 triệu tấn, tăng 16% so cùng kỳ năm 2020. Sản phẩm thép của Việt Nam đã được xuất khẩu đến hơn 30 thị trường trên thế giới. Riêng xuất khẩu thép xây dựng năm 2021 đã tăng gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2020, tương ứng khoảng 2,2 triệu tấn.

Bên cạnh đó, một số FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP,... được thực thi, đã mang đến những tín hiệu tích cực cho ngành thép khi có thêm thị trường xuất khẩu mới với sự tăng trưởng cao. Chính việc đẩy mạnh xuất khẩu đã giúp đa dạng hóa thị trường tiêu thụ khi thị trường trong nước bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19.

2. Tác động gây khó khăn cho ngành thép

Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, thời gian qua, các doanh nghiệp ngành thép đã không ngừng đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, nỗ lực phát triển thương hiệu ra thị trường thế giới. Các doanh nghiệp cũng đã chủ động nắm bắt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP, EVFTA…, đưa ngành thép nằm trong nhóm ngành đứng đầu về tận dụng ưu đãi thuế quan.

Năm 2021, ngành thép Việt Nam đã lập được kỳ tích khi lần đầu tiên ghi tên vào danh sách những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, đưa nước ta trở thành nước xuất siêu thép sau nhiều năm nhập siêu.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2021, sản lượng xuất khẩu sắt thép các loại đạt 13,096 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 11,795 tỷ USD, tăng 123,4% và nhập khẩu đạt 11,523 tỷ USD, tăng 42,6% so với cùng kỳ năm 2020; xuất siêu đạt 272 triệu USD.

Theo VSA, trong 7 tháng đầu năm 2022, sản lượng thép thành phẩm của nước ta đạt 18,825 triệu tấn, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm 2021; thép thành phẩm đạt 17,1 triệu tấn, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó xuất khẩu thép đạt 4,146 triệu tấn, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Thời gian gần đây nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thép, đặc biệt một số doanh nghiệp lớn như thép Miền Nam, thép Việt, thép Thủ Đức, tôn Đông Á, tôn Hoa Sen… liên tục kêu khó, càng sản xuất càng thua lỗ. Đơn cử, như Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam, hiện đang sản xuất khoảng trên 60% công suất. Tồn kho tới khoảng gần 100 ngàn tấn thép các loại, khiến cho doanh nghiệp gặp khó, ảnh hưởng lớn đến việc làm, đời sống và thu nhập của người lao động. 6 tháng đầu năm 2022, Hòa Phát đã ghi nhận 82.118 tỉ đồng doanh thu và 12.229 tỉ lợi nhuận sau thuế, tương ứng giảm 27% so với cùng kỳ năm 2021, qua đó hoàn thành 46% kế hoạch năm; Thép Thủ Đức ghi nhận doanh thu đạt 1.112 tỉ đồng, giảm 11,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 6,1 tỉ đồng, giảm 87,1% so với cùng kỳ….

Nguyên nhân chính tác động đến khó khăn, thua lỗ của ngành thép do chịu ảnh hưởng từ căng thẳng Nga - Ukraine nên khủng hoảng giá nhiên liệu toàn cầu tăng cao. Đặc biệt, biến động giá than - một trong những nguyên liệu chính cho sản xuất gang thép bằng công nghệ lò cao liên tục tăng dẫn đến giá thành sản xuất các sản phẩm thép tăng mạnh.

Đối với doanh nghiệp sử dụng phế luyện thép, giá phế liệu cũng liên tục có chiều hướng tăng cao, hiện giá phế liệu đang dao động khoảng 600 USD/tấn. Trong vòng hơn 3 tháng qua, giá thép liên tục giảm với mức giảm giá cao nhất lên tới hơn 5 triệu đồng/tấn, tùy thương hiệu, loại thép và vùng miền. Giá bán thép thành phẩm tại khu vực phía Nam đang giao dịch chỉ khoảng 15 đến 16 triệu đồng/tấn; phía Bắc khoảng 14 đến 15 triệu đồng/tấn. Như vậy, chênh lệch giá nguyên liệu đầu vào lớn hơn giá thép thành phẩm, làm cho lợi nhuận của doanh nghiệp giảm mạnh.

Hiện nay, giá một số vật liệu xây dựng như xi măng, thép đều lập đỉnh và dự báo còn tiếp tục tăng. Nhiều mặt hàng lại khan hiếm khiến khách hàng phải chờ đợi. Nguyên nhân là do giá nhiên liệu, đặc biệt là xăng dầu đang tăng cao do xung đột giữa Nga - Ukraina dẫn đến nguồn cung khan hiếm, điều này đang gây sức ép rất lớn lên giá các mặt hàng kim loại.

Tuy nhiên, giá phôi thép và nguyên vật liệu đầu vào bất ngờ giảm mạnh trên các sàn giao dịch quốc tế. Nguyên nhân giá thép liên tục giảm trong thời gian vừa qua là do giá nguyên liệu đầu vào giảm mạnh, cùng với nguồn cung dồi dào, hàng tồn kho còn nhiều, buộc các doanh nghiệp phải hạ giá sản phẩm nhằm kích cầu tiêu dùng, đẩy hàng tồn. Bộ Công Thương cũng đã tăng cường công tác quản lý thị trường, ngăn chặn, xử lý kịp thời hiện tượng đầu cơ, thao túng tăng giá thép trên thị trường ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Một nguyên nhân nữa cần phải nói tới là các công trình xây dựng lớn trong nước đang gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn vốn, phần lớn do tác động giá nguyên vật liệu tăng cao hơn so với dự toán ban đầu; cùng với việc giải ngân vốn đầu tư công quá chậm, ngân hàng thì siết chặt cho vay… Những yếu tố căn bản đó kéo theo nhu cầu tiêu thụ “bí” đầu ra, sản lượng ngày một giảm nhiều, không chỉ ảnh hưởng riêng cho ngành thép mà còn tác động khó khăn chung cho cả nền kinh tế.

VSA nhận định, ngành thép đang ở tâm điểm của nền kinh tế toàn cầu, thông thường, xu hướng giảm giá thép và nguyên liệu trong những tháng đầu năm 2022 sẽ được người tiêu dùng hoan nghênh. Tuy nhiên, thực tế sự sụt giảm nhu cầu thép đó là kết quả xu hướng lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu.

Thời gian tới hoạt động đầu tư công tăng và nhu cầu xây dựng phục hồi cộng với nguồn cung nguyên liệu chịu ảnh hưởng nhất định của xung đột Nga - Ukraine, giá thép có khả năng lại được điều chỉnh tăng. Do đó, các biện pháp của cơ quan nhà nước trong việc kiểm soát và bình ổn giá mặt hàng chiến lược này là rất cần thiết, trong bối cảnh hoạt động kinh tế đầu tư đang phục hồi sau dịch Covid-19.

3. Cơ hội, những thách thức của ngành

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), năm 2021, việc các quốc gia lớn trên thế giới liên tục kích thích kinh tế sau đại dịch đã thúc đẩy nhu cầu sử dụng sắt thép. Trong khi đó, năng lực cạnh tranh ngành thép của Việt Nam không ngừng được cải thiện và điều này đã mở ra cơ hội lớn trong hoạt động thương mại quốc tế.

Theo số liệu Tổng cục Hải quan, Việt Nam tiếp tục nhập siêu hơn 270.000 tấn sắt thép các loại trong tháng 8 năm 2022, giảm 8,2% so với tháng 7. Cụ thể, nhập khẩu sắt thép tháng 8 giảm 13,6% so với tháng 7 năm 2022, đạt mức hơn 785.000 tấn. Trong khi xuất khẩu cũng giảm mạnh 16,3% xuống khoảng 513.000 tấn. Luỹ kế trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập siêu hơn 2,2 triệu tấn sắt thép, trái ngược với giai đoạn cùng kỳ năm 2021 khi Việt Nam ghi nhận xuất siêu gần 330.000 tấn.

Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay khi những nền kinh tế lớn thực hiện thắt chặt tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát leo thang, nhu cầu hàng hoá nói chung và sắt thép nói riêng có xu hướng hạ nhiệt. Điều này đặt ra cho ngành xuất khẩu thép của Việt Nam không ít thách thức lớn.

Mặc dù vậy, trong bối cảnh nhiều nhà máy thép tại châu Âu đang phải đóng cửa do chi phí năng lượng tăng cao, các doanh nghiệp thép của Việt Nam vẫn sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng này trong giai đoạn cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Hơn nữa, triển vọng tiêu thụ nội địa cũng hứa hẹn sẽ khởi sắc hơn khi hàng loạt dự án đầu tư sẽ gấp rút đẩy mạnh tiến độ. Ngành sắt thép cần tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng nhằm tận dụng cơ hội từ trong thách thức.

Hiện, nền kinh tế thế giới đang dần hồi phục cũng sẽ đẩy nhu cầu thép tăng lên. Trong nước, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội đang được triển khai, đặc biệt là đẩy mạnh giải ngân đầu tư công sẽ làm tăng cầu, qua đó tạo đà cho ngành thép hồi phục.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, với 15 FTA đã ký kết và có hiệu lực đang mở ra cơ hội lớn về thị trường cho ngành thép. Thêm vào đó, hệ thống thương vụ tại nước ngoài cũng đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong kết nối thông tin, giao thương để đẩy mạnh xuất khẩu; đồng hành cùng doanh nghiệp ứng phó hiệu quả với các biện pháp phòng vệ thương mại.

Theo VSA, ngành thép đa phần nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất, từ than, quặng sắt, thép phế liệu. Thời gian qua, Nhà nước đã cởi mở, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn nguyên liệu để ổn định sản xuất, quy trình kiểm soát nhập khẩu đã có nhiều cải thiện theo hướng thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Thị trường thép cuối năm 2022 vẫn sẽ còn khó khăn khi dự báo giá thép xây dựng trong nước sẽ tiếp tục giảm, trong khi lợi nhuận mảng xuất khẩu thép không còn tốt như trước.

Ngành thép trong nước tiếp tục đối mặt thách thức do sự ngưng trệ các ngành sản xuất sử dụng thép như công nghiệp xây dựng, hạ tầng cơ sở… và sức ép cạnh tranh từ việc gia tăng nguồn cung trong nước và một số nước lân cận.

Đáng lưu ý là ngành thép từ trước đến nay vẫn luôn phải đối diện với hàng rào phòng vệ thương mại từ nhiều quốc gia, ảnh hưởng không nhỏ đến kim ngạch và thị trường xuất khẩu. Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc chiếm lĩnh thị trường, nâng cao thị phần cũng như kim ngạch xuất khẩu.

Báo cáo của Công ty Cổ Phần Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) cũng chỉ ra 4 rủi ro mà ngành thép có thể phải đối mặt những tháng cuối năm 2022. Đó là, biến động giá nguyên vật liệu; rủi ro về lạm phát khiến nhu cầu xây dựng giảm; rủi ro về các nhà sản xuất Trung Quốc tăng cường xuất khẩu và rủi ro về chính sách.

Theo đó, để có thể tận dụng cơ hội, ngành thép cần khắc phục được khó khăn nội tại. Trong đó, cần phát triển và hoàn thiện chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng, đổi mới sáng tạo. Doanh nghiệp phải cải tiến công nghệ, mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, chuẩn hóa nguồn cung nguyên liệu để đáp ứng yêu cầu thị trường nhập khẩu. Doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm kiếm cơ hội từ các FTA về cắt giảm thuế quan, đáp ứng quy tắc xuất xứ; tuân thủ nghiêm ngặt quy định của các thị trường nhập khẩu; tìm kiếm thông tin, điều chỉnh sản xuất kinh doanh cho phù hợp với thị trường. Các doanh nghiệp cũng cần hợp tác, đoàn kết, cạnh tranh lành mạnh và nâng cao hơn nữa khả năng phòng vệ.

Nhà nước cần có chiến lược phát triển dài hạn để thúc đẩy đầu tư, trong đó có chính sách để hỗ trợ đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ. Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ về đề xuất xây dựng Chiến lược phát triển ngành thép đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kỳ vọng đây sẽ là tiền đề quan trọng để có chính sách dài hạn thúc đẩy ngành thép phát triển.

4. Triển vọng xuất khẩu sản phẩm từ sắt thép trong thời gian tới

Với kết quả đạt được rất ấn tượng trong giai đoạn 2016 - 2020 và trong năm 2021, bất chấp diễn biến phức tạp của làn sóng Covid-19 lần thứ 4, xuất khẩu sản phẩm từ sắt thép được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trở lại trong thời gian tới. Nhận định trên dựa vào các yếu tố (i) Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm từ sắt thép sẽ tăng mạnh trở lại khi dịch Covid-19 được kiểm soát; (ii) Việt Nam đã thành công trong việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Sản phẩm từ sắt thép của Việt Nam nhờ áp dụng công nghệ 4.0 đã đáp ứng được yêu cầu về chất lượng sản phẩm tại các thị trường “khó tính”.

Tuy nhiên, tác động của chính sách là không quá lớn khi đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay là Trung Quốc đang lên kế hoạch cắt giảm nguồn cung và chuyển hướng thành quốc gia nhập khẩu thép. Động lực chủ yếu đến từ nhu cầu của thị trường Trung Quốc khi kỳ vọng các chính sách kích thích lại thị trường bất động sản Trung Quốc bắt đầu có hiệu quả, trong đó Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc có dự định đưa ra gói hỗ trợ cho vay 200 tỷ nhân dân tệ lãi suất thấp giúp tái cơ cấu các dự án bất động sản. Bên cạnh đó, Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư công để thúc đẩy nền kinh tế cũng khiến nhu cầu thép tăng. Trong khi đó, với chính sách cắt giảm khí thải và công suất thép của Trung Quốc, nguồn cung thép được dự báo sẽ giảm dần trong những năm tới. Do đó, nhu cầu thép được kỳ vọng sẽ tăng trở lại, giá thép sẽ có mức hồi phục tốt và giúp cải thiện biên lợi nhuận của các nhà sản xuất.

Mặc dù Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu sản phẩm từ sắt thép, tốc độ xuất khẩu tăng trưởng cao, nhưng vẫn còn hạn chế về công nghệ. Phát triển ngành sản xuất sắt thép trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mở cho ngành này nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ, năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu. Việc nắm bắt kịp thời cách mạng công nghiệp 4.0 trong quá trình sản xuất sản phẩm từ sắt thép là một cơ hội đổi mới và phát triển ngành này trong tương lai. Nếu các doanh nghiệp không tận dụng được cơ hội này thì sẽ bị bỏ lại phía sau so với các doanh nghiệp quốc tế.

Do đó, việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển cũng đóng vai trò quan trọng giúp Việt Nam gia nhập công nghiệp 4.0. Nhãn mác “sản xuất tại Việt Nam” phải nhanh được thay thế bằng “Nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam”.

Để làm được điều này, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm từ sắt thép cần đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ số vào quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Bởi việc ứng dụng công nghệ số giúp giảm chi phí đồng bộ từ các khâu giao dịch, vận chuyển để hạ giá thành, tăng năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh mô hình quản lý. Đây chính là tiền đề để hướng các nhà nghiên cứu khoa học vào tìm kiếm sản phẩm từ sắt thép thông minh gắn với xây dựng đô thị văn minh, kiến trúc đô thị. Do đó, phát triển nguồn nhân lực là vấn đề tiên quyết để ngành sản xuất sản phẩm từ sắt thép có thể đáp ứng với yêu cầu phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 theo chuẩn khu vực và quốc tế./.

Lê Anh Tú

Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT

BÀI VIẾT KHÁC