I. Kinh nghiệm của Trung Quốc trong quan hệ hàng hóa với Lào
1. Khái quát chung về quan hệ thương mại hàng hóa giữa Trung Quốc và Lào
Bảng phân tích dưới đây cho thấy sự phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Trung Quốc và Lào giai đoạn 2006 - 2015. Theo đó, tổng kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều giữa Trung Quốc và Lào đã tăng rất mạnh trong thời gian qua, từ mức 218 triệu USD năm 2006 lên 1,08 tỷ USD năm 2010 và tiếp tục tăng mạnh lên mức cao nhất của giai đoạn là 3,61 tỷ USD vào năm 2014. Tuy kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2015 đã giảm xuống còn 2,5 tỷ USD nhưng vẫn tăng gấp hơn 11 lần so với 2006, đạt tốc độ tăng bình quân năm 31,2% giai đoạn 2006 - 2015.
Bảng. Xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Trung Quốc và Lào
|
2006
|
2009
|
2010
|
2011
|
2012
|
2013
|
2014
|
2015
|
Tổng KNXNK TQ - Lào (1.000 USD)
|
218.364
|
743.969
|
1.085.113
|
1.303.843
|
1.724.852
|
2.732.656
|
3.613.496
|
2.528.340
|
Tăng trưởng (%)
|
-
|
84,90
|
45,85
|
20,16
|
32,29
|
58,43
|
32,23
|
-30,03
|
XK của Trung Quốc sang Lào (1.000 USD)
|
168.717
|
376.650
|
483.623
|
476.255
|
937.094
|
1.722.577
|
1.838.932
|
1.212.287
|
Tăng trưởng (%)
|
-
|
40,48
|
28,40
|
-1,52
|
96,76
|
83,82
|
6,75
|
-34,08
|
NK của Trung Quốc từ Lào (1.000 USD)
|
49.647
|
367.319
|
601.490
|
827.588
|
787.758
|
1.010.079
|
1.774.564
|
1.316.053
|
Tăng trưởng (%)
|
-
|
173,59
|
63,75
|
37,59
|
-4,81
|
28,22
|
75,69
|
-25,84
|
CCTM (1.000 USD)
|
119.070
|
9.331
|
-117.867
|
-351.333
|
149.336
|
712.498
|
64.368
|
-103.766
|
Nguồn: Số liệu của Trung tâm thương mại thế giới (ITC), 2016
- Trung Quốc xuất khẩu sang Lào chủ yếu là máy móc, thiết bị công nghệ. 5 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu chiếm tới hơn 75% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc sang Lào 2015 là thiết bị điện, điện tử (HS 85); máy móc thiết bị cơ khí (HS 84); phương tiện bay, tàu vũ trụ (HS 88); xe cộ các loại (HS 87) và sản phẩm bằng sắt thép (HS 73)...
- Nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc từ Lào tập trung chủ yếu vào hàng hóa cơ bản, hàng nguyên liệu nông sản, khoáng sản. Trong đó, 5 nhóm mặt hàng nhập khẩu lớn nhất chiếm tỷ trọng 89,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2015 gồm gỗ nguyên liệu (HS 44); quặng, xỉ và tro (HS 26); đồng và đồ đồng (HS74); phân bón và nguyên liệu (HS 31) và cao su (HS 40). Mức tập trung trong nhập khẩu hàng cơ bản của Trung Quốc từ Lào được thể hiện rất rõ qua kết quả 10 nhóm hàng cơ bản, nguyên liệu chiếm tới hơn 99% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc từ Lào.
- Trong quan hệ thương mại hàng hóa giữa Lào và Trung Quốc, cán cân thương mại về cơ bản là nhập siêu về phía Lào, chỉ trừ một số năm là năm 2010, 2011 và 2015 là Lào xuất siêu sang Trung Quốc. Năm 2010, 2011 là những năm giá hàng cơ bản trên thế giới tăng cao, trong khi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vẫn duy trì ở mức cao và có nhu cầu nhập khẩu lớn hàng nguyên liệu. Còn năm 2015 thì ngược lại, giá hàng cơ bản trên thị trường thế giới tiếp tục giảm mạnh và tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc suy giảm nghiêm trọng, lần đầu tiên xuống mức 6,9% từ 3 thập kỷ trở lại đây, khiến Trung Quốc cũng giảm mạnh nhập khẩu nguyên liệu do nhu cầu trong nước yếu.
2. Chính sách của Trung Quốc và Lào nhằm phát triển quan hệ thương mại giữa hai nước
- Quan hệ chính trị hai nước: Sau khi bình thường hóa vào năm 1989, quan hệ hai nước Trung Quốc - Lào đã được khôi phục và không ngừng phát triển, hợp tác và giao lưu trong lĩnh vực kinh tế cũng được tăng cường. Thương mại đã mở rộng từ trao đổi các mặt hàng tiêu dùng mức độ địa phương sang phát triển các hoạt động đầu tư với việc thông qua 11 giấy phép đầu tư năm 1991, trong đó một có dự án lắp ráp ô tô. Tiếp sau sự kiện thành lập Ủy ban Biên giới chung Lào - Trung năm 1991, những cuộc họp diễn ra trong năm 1992 đã mang lại một thỏa thuận phác họa đường biên giới chung hai nước. Tháng 6 năm 1997, chính phủ hai nước ký văn kiện thành lập Ủy ban hợp tác kinh tế, thương mại và kỹ thuật giữa hai nước, đặt nền móng và tạo cơ chế cho phát triển kinh tế thương mại toàn diện giữa hai nước. Cũng trong năm 1997, Lào chính thức gia nhập ASEAN, từ đó quan hệ thương mại hàng hóa giữa hai nước, ngoài việc được phát triển trên cơ sở song phương, còn được hưởng lợi từ việc phát triển các quan hệ kinh tế thương mại khu vực và đa phương. Vị thế địa chính trị và chiến lược của Lào, cùng với nguồn tài nguyên khoáng sản giàu có trở thành nhân tố quan trọng, khiến cho Lào - dù là nước nhỏ và còn chậm phát triển trên thế giới, lại không giáp biển - được Trung Quốc rất quan tâm phát triển quan hệ kinh tế thương mại song phương.
Về phía Trung Quốc, trải qua gần 4 thập kỷ Đổi mới nền kinh tế từ năm 1979, nước này đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, với tiềm lực mọi mặt được cải thiện, nguồn dự trữ ngoại tệ dồi dào và đang gia sức tranh giành ảnh hưởng quốc tế, đã tăng mạnh đầu tư, viện trợ phát triển chính thức cho Lào khiến quan hệ kinh tế thương mại giữa Trung Quốc và Lào phát triển mạnh trong thời gian 10 năm trở lại đây. Từ năm 2014, Trung Quốc chính thức vượt qua Thái Lan và Việt Nam, trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Lào với các lĩnh vực chủ yếu là khai thác mỏ, nông nghiệp, thủy điện, giao thông, xây dựng các trung tâm thương mại và đặc khu kinh tế. Trong quan hệ thương mại giữa hai nước, Trung Quốc đã vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Lào, chỉ sau Thái Lan và với việc tăng nhanh các dự án đầu tư của Trung Quốc sang Lào mới đây, Trung Quốc chắc sẽ sớm vươn lên vị trí dẫn đầu trong quan hệ thương mại với Lào.
Mặt khác, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Trung Quốc bắt đầu coi trọng phát triển quan hệ với các nước ASEAN, quan hệ chính trị và kinh tế giữa Trung Quốc và các nước ASEAN ngày càng chặt chẽ. Trung Quốc và ASEAN ký Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện tháng 11/2002. Trên cơ sở Hiệp định khung, hai bên tiếp tục đàm phán và ký kết các Hiệp định về Thương mại Hàng hóa (có hiệu lực từ tháng 7/2005), Hiệp định về Thương mại Dịch vụ (có hiệu lực từ tháng 7/2007), Hiệp định về Đầu tư (có hiệu lực từ tháng 2/2010) nhằm thiết lập Khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc. Tháng 1/2016, Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) với 57 thành viên sáng lập (bao gồm cả Lào) được khai trương và bắt đầu vận hành với vốn pháp định là 100 tỷ USD, trong đó vốn góp của Trung Quốc là 50 tỷ USD (chiếm 50% vốn pháp định của AIIB). Trọng điểm đầu tư của Ngân hàng AIIB là các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu vực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
- Tham gia các thỏa thuận thương mại khu vực và đa phương: Các mối quan hệ khu vực khác như ASEAN+3, ASEAN+6, Hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông … với sự tham gia của cả Trung Quốc và Lào, đặc biệt là Trung Quốc cũng là những cơ sở rất quan trọng và có tác động mạnh đến quan hệ thương mại song phương giữa Trung Quốc và Lào.
Trung Quốc cũng tích cực xây dựng Cộng đồng vận mệnh chung mang lại lợi ích cho cả Trung Quốc và các nước ASEAN, tích cực tham gia tiến trình phát triển kinh tế xã hội của các nước ASEAN. Trong bối cảnh phát triển quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN, là một thành viên của ASEAN và có vị thế địa chính trị, chiến lược quan trọng là điểm dừng chân đầu tiên của “Một vành đai, một con đường” từ Trung Quốc đi vào Đông Nam Á bằng đường bộ, quan hệ thương mại song phương giữa Lào và Trung Quốc càng phát triển nhanh chóng hơn.
Riêng về hợp tác kinh tế thương mại song phương, hai nước đã bình thường hóa quan hệ hoàn toàn năm 1989. Từ đó, quan hệ song phương tiếp tục được đẩy mạnh thông qua việc tăng cường thăm viếng lẫn nhau giữa lãnh đạo nhà nước và các đoàn cán bộ cấp cao hai nước. Tháng 9 năm 2009, trong chuyến thăm của Chủ tịch CHDCND Lào Choumaly Saygnasone tới Trung Quốc, hai nước đã nhất trí ký kết hiệp định nâng tầm quan hệ hai nước lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Mối quan hệ song phương Trung - Lào trở nên đặc biệt hơn trong vòng 3 năm trở lại đây. Theo các quan chức hai bên, Trung - Lào đang thúc đẩy hơn nữa “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với sự tin cậy cao độ, tạo ra cộng đồng vận mệnh chung Lào - Trung không thể bị phá vỡ”. Tháng 9/2015, chính phủ Lào và Trung Quốc đã ký Thỏa thuận thành lập Khu hợp tác kinh tế biên giới Boten - Mohan nhằm thúc đẩy thương mại, đầu tư và du lịch song phương. Tháng 5/2016, Chính phủ hai nước đã ký kết các văn bản hợp tác nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị song phương nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Bounnhang Vorachit tới Trung Quốc, theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Các thỏa thuận bao gồm hợp tác về kinh tế và kỹ thuật, cung cấp thiết bị, đầu tư sản xuất và các khoản vay do Trung Quốc tài trợ Lào cho các dự án cơ sở hạ tầng.
Về phía Lào, chính phủ nước này đã thực hiện cải cách, chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường và mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 1986. Trong nỗ lực hội nhập kinh tế quốc tế để sớm vươn lên khỏi nhóm nước chậm phát triển trên thế giới, Lào đã tham gia hội nhập trong nhóm nước Hợp tác GMS năm 1992 với đề xuất và bảo trợ của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), trong đó vai trò tài trợ của Trung Quốc và Nhật Bản cho GMS là rất lớn. Năm 1997, Lào trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và cũng trong năm này Lào bắt đầu quá trình đàm phán gia nhập Tổ chức thương mại thế giới và Lào trở thành thành viên chính thức của WTO vào tháng 2 năm 2013.
- Chú trọng hoạt động đầu tư và ODA: Chính phủ Lào nhận thức rất rõ tầm quan trọng của thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), phát triển thương mại quốc tế và tranh thủ nguồn viện trợ phát triển chính thức (ODA) là then chốt để phát triển kinh tế, xã hội, đưa đất nước sớm thoát ra khỏi tình trạng nước kém phát triển. Chính vì vậy mà việc nước này chú trọng phát triển quan hệ kinh tế đối ngoại với Trung Quốc là tất yếu, dù rằng trong mối quan hệ này, Lào là nước bị lệ thuộc vào Trung Quốc rất nhiều. Ngoài ra, những mặt trái của việc thu hút đầu tư và ODA từ Trung Quốc và phát triển thương mại với nước này cũng gây ra nhiều bất lợi khác cho phát triển kinh tế và thương mại của Lào, đặc biệt là các ảnh hưởng tiêu cực tới phát triển bền vững do tập trung vào khai thác tài nguyên, khoáng sản, tàn phá môi trường, di dân và lao động Trung Quốc (hiện đã có tới gần 1 triệu người Trung Quốc đang làm ăn sinh sống ở Lào), gia tăng các tệ nạn xã hội…
- Phát triển thương mại biên giới: Để phát triển thương mại biên giới, chính phủ Trung Quốc đã ban hành nhiều chính sách nhằm thuận lợi hóa giao thương cũng như tận dụng lợi thế vị trí địa lý láng giềng. Các chính sách tập trung cho phát triển khu hợp tác kinh tế biên giới hai bên chủ yếu là hỗ trợ thiết lập mạng lưới bán hàng xe bán tải ở biên giới, cùng nhau mở cửa hàng tại khu vực biên giới. Trung Quốc cũng hỗ trợ thanh toán, miễn thuế hải quan, thuế nhập khẩu, thiết lập khu chế biến, kho bãi tạo kênh phân phối cho các mặt hàng được thuận lợi. Đặc biệt, tháng 1/2016, Trung Quốc đã ban hành chính sách “hỗ trợ phát triển biên giới mở tại các khu vực trọng điểm”, trong đó đề xuất dựa vào các đặc điểm lợi thế của từng khu vực biên giới để phát triển công nghiệp, hỗ trợ, ưu tiên các lĩnh vực trọng điểm về nhập khẩu nguồn năng lượng, hỗ trợ sản xuất chế biến tại khu cửa khẩu để phát triển các cụm công nghiệp định hướng xuất khẩu và đề xuất thành lập các khu vực trọng điểm biên giới sử dụng nguồn từ quỹ phát triển công nghiệp. Những chính sách này cho thấy cả hai cấp trung ương cũng như địa phương cùng đồng thuận, tích cực thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp của khu vực biên giới.
II. Kinh nghiệm của Thái Lan trong quan hệ hàng hóa với Lào
1. Khái quát chung về thương mại hàng hóa hai chiều giữa Thái Lan và Lào
- Thái Lan hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Lào với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước chiếm 59,4% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Lào năm 2015. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước đã tăng từ 1,52 tỷ USD năm 2006 lên 5,63 tỷ USD năm 2015, tức là tăng gấp 3,7 lần, đạt tốc độ tăng bình quân năm 15,7% trong giai đoạn 2011 - 2015.
- Thái Lan xuất khẩu chủ yếu sang Lào các sản phẩm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (HS 87, HS 85, HS 84, HS 73) và xăng dầu, nhiên liệu (HS 27), 5 nhóm mặt hàng này chiếm 55,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Thái Lan sang Lào. Các sản phẩm chiếm từ vị trí thứ 6 đến thứ 10 trong xuất khẩu hàng hóa của Thái Lan sang Lào lần lượt là hàng trang sức (ngọc trai, kim loại quý, đá quý - HS 71); Thịt và phụ phẩm thịt ăn được (HS 02); Hàng nhựa (HS 39); Động vật sống (HS 01) và chế phẩm từ ngũ cốc, bột, sữa, bánh (HS 19). Tổng kim ngạch xuất khẩu 10 nhóm mặt hàng lớn nhất chiếm 70,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Thái Lan sang Lào năm 2015.
- Thái Lan nhập khẩu từ Lào chủ yếu là nhiên liệu khoáng (HS27); đồng và sản phẩm từ đồng (HS74); máy móc thiết bị điện, điện tử (HS 85); Rau, củ (HS 07), gỗ nguyên liệu (HS 44); nhập khẩu của 5 nhóm mặt hàng này chiếm tới 90,8% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Lào của Thái Lan năm 2015.
- Thái Lan chủ yếu xuất siêu sang Lào ngày càng lớn khiến cho nhập siêu của Lào từ Thái Lan nhiều khi lớn hơn mức nhập siêu chung của Thái Lan với toàn thế giới. Mối quan hệ thương mại hai chiều diễn ra mất cân đối như vậy sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển xuất nhập khẩu giữa hai nước thời gian tới.
2. Chính sách của Thái Lan và Lào nhằm phát triển quan hệ thương mại giữa hai nước
- Quan hệ chính trị hai nước: Năm 1996, Lào và Thái Lan thành lập Ủy ban Biên giới chung giữa hai nước để xác định mốc giới cho 1.810 km đường biên. Tháng 6/1991, Chính phủ hai nước Thái Lan và Lào đã ký Thỏa thuận Thương mại ưu đãi mở đường cho những phát triển quan hệ song phương giữa hai nước trong thời kỳ mới. Thái Lan và Lào cũng đã ký Hiệp định đầu tư song phương trước khi nước Lào gia nhập ASEAN (1997). Hai nước cũng thành lập Ủy ban Thương mại liên chính phủ Thái - Lào (JTC) năm 1997 với đồng chủ tịch là Bộ trưởng Thương mại Thái Lan và Bộ trưởng Thương mại Lào như một cơ chế để xúc tiến phát triển thương mại song phương. Ủy ban này sau đó được chuyển đổi thành Ủy ban Kế hoạch hợp tác kinh tế thương mại Thái - Lào (ETCPM) nhưng vẫn do hai bộ trưởng thương mại đồng chủ tịch. Cuộc họp đầu tiên của Ủy ban được tổ chức tại Viêng Chăn vào các ngày 24 - 28/12/2006.
- Tham gia các thỏa thuận thương mại khu vực và đa phương: Chính phủ Thái Lan có chính sách hỗ trợ nhập khẩu nông sản từ các nước láng giềng, đặc biệt là với Lào bằng cách áp dụng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) cho cả các nước ASEAN ACMECS nhằm giúp phát triển kinh tế các nước này và tăng cường năng lực thực hiện AFTA từ 1/1/2010, giúp Lào có khả năng xuất khẩu vào ASEAN - 6 với thuế quan = 0 (trừ một số sản phẩm). Lào thuộc nhóm 4 nước LCVM có nghĩa vụ cắt giảm thuế quan theo AFTA lộ trình đến 2015.
Bên cạnh việc tham gia các hội nhập song phương, khu vực và đa phương, chính phủ hai nước còn thúc đẩy xúc tiến thương mại cấp chính phủ, tăng cường thăm viếng lẫn nhau giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, nhất là trong thời gian 5 năm trở lại đây. Tại cuộc họp song phương ở Bangkok tháng 2/2012, Bộ trưởng hai nước Thái - Lào đã nhất trí hợp tác thúc đẩy buôn bán và đầu tư dọc các tỉnh biên giới; đồng thời, bãi bỏ hàng rào phi thuế quan theo khuôn khổ của thỏa thuận trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN có hiệu lực cuối năm 2015. Chuyến thăm Thái Lan của Phó Thủ tướng Lào vào tháng 4/2013 nhấn mạnh lợi ích chung của hai nước trong việc mở rộng quan hệ với các nước láng giềng. Chính phủ Lào đánh giá cao những đóng góp của Thái Lan cho việc gia tăng kết nối về thông tin cũng như giao thông, vận tải với Lào và mong muốn tăng cường quan hệ thương mại song phương để đạt được 5 tỷ USD mỗi năm. Gần đây nhất, ngày 6/7/2016 Thủ tướng Lào đã có chuyến viếng thăm tới Thái Lan, cuộc hội kiến với Thủ tướng Thái Lan tập trung vào các vấn đề thúc đẩy quan hệ song phương giữa hai nước như XTTM, hợp tác lao động, du lịch qua biên giới và kết nối khu vực…
- Tăng cường hoạt động đầu tư tại Lào: Để tăng cường quan hệ thương mại giữa hai nước, chính phủ Thái Lan cũng tăng cường hoạt động đầu tư và cung cấp ODA cho Lào. Trong đó, có việc cung cấp ODA cho việc xây dựng 5 cây cầu hữu nghị Thái Lan - Lào qua sông Mê Kông, hỗ trợ giáo dục và đào tạo cho Lào và nhiều hỗ trợ về phát triển y tế cộng đồng… Thái Lan hiện đứng thứ 2 (sau Trung Quốc) trong việc phát triển các dự án đầu tư tại Lào với tổng vốn đầu tư trên 5 tỉ USD năm 2015. Thái Lan và Lào đã kí Bản ghi nhớ (MoU) để tăng cường trao đổi thông tin, tổ chức các cuộc triển lãm và hội thảo với mục đích mở rộng cơ hội thương mại và đầu tư kinh doanh song phương.
- Chú trọng phát triển thương mại biên giới: Thương mại biên giới Thái Lan đã đóng vai trò quan trọng trong gắn kết chặt chẽ hơn những mối quan hệ giữa Thái Lan và các nước láng giềng, qua đó thể hiện mức độ phụ thuộc lẫn nhau sâu sắc hơn giữa các nước thuộc GMS. Hai bên cũng phối hợp mở thêm và nâng cấp cửa khẩu đường bộ, giảm thủ tục hành chính xuất nhập cảnh, xây dựng một số tuyến đường nối biên giới hai nước... Chính sách thương mại biên giới của Thái Lan tập trung vào xúc tiến thương mại thông qua phát triển mạng lưới giao thông khu vực (đường cao tốc quốc tế, các cầu vượt sông Mê Kông và cảng), cải thiện hệ thống hậu cần dọc các hành lang kinh tế lớn cũng như nâng cấp cơ sở hạ tầng và các trạm kiểm soát biên giới quan trọng theo tiêu chuẩn quốc tế.
ThS. Lương Thanh Hải
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT