Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) là hướng đi tất yếu hiện nay đối với các tổ chức và doanh nghiệp để tận dụng những cơ hội mở rộng thị trường. Công nghệ nền tảng ứng dụng thương mại điện tử đang ngày càng gia tăng và nhiều doanh nghiệp đã triển khai và khai thác nhằm tối đa hóa hiệu quả trong sản xuất kinh doanh.
Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã thúc đẩy lĩnh vực công nghệ và đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Ứng dụng CNTT và chuyển đổi số là một xu thế tất yếu trong mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội trong đó có hoạt động XTTM Việt Nam cũng tham gia mạnh mẽ trong quá trình tiếp cận và ứng dụng Cách mạng Công nghiệp 4.0. Hoạt động XTTM và việc xây dựng chính sách đối với XTTM chịu sự tác động của quá trình ứng dụng CNTT trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.
Đảng và Nhà nước đã xác định một trong những quan điểm phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021-2023 là phát triển nhanh và bền vững chủ yếu dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chủ động nắm bắt và tận dụng hiệu quả các cơ hội của CMCN 4.0 để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số và đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế. Định hướng này được cụ thể hóa trong một số văn bản như chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Ứng dụng CNTT trong hoạt động xúc tiến thương mại đã được các tổ chức và doanh nghiệp ở Việt Nam áp dụng ngày càng nhiều trong thời gian qua. Các cơ quan xúc tiến thương mại từ Trung ương đến địa phương và các hiệp hội, doanh nghiệp đang đẩy mạnh ứng dụng và tối ưu hóa các ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực xúc tiến thương mại trên nền tảng số. Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT trong hoạt động XTTM vẫn còn hạn chế về nguồn lực. Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2110/QĐ-BCT ngày 7/8/2020 phê duyệt Đề án Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã kịp thời ban hành sửa đổi, bổ sung một số quy định mới (tại Thông tư số 40/2020/TT-BCT) về nội dung các hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường số trong khung khổ Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại. Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1968/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030”.
Với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong hoạt động XTTM nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan xúc tiến thương mại thuộc Chính phủ, tổ chức hỗ trợ xúc tiến thương mại và doanh nghiệp trên cơ sở phát triển hệ sinh thái xúc tiến thương mại số, nâng cao nhận thức và năng lực ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong hoạt động XTTM, thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại.
Mục tiêu cụ thể trong đề án “Đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030” là (1) Đến năm 2025 sẽ hình thành Hệ sinh thái XTTM số, 100% các tổ chức xúc tiến thương mại và trên 200.000 doanh nghiệp được cấp tài khoản trên Hệ sinh thái XTTM số và 50% trong số này có phát sinh giao dịch và chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành xúc tiến thương mại và 10 ngành hàng xuất khẩu chủ lực được hình thành, kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu của 10 thị trường xuất khẩu trọng điểm, 25% các dịch vụ kết nối thị trường được tổ chức trên nền tảng kết nối, hỗ trợ 100.000 lượt doanh nghiệp, 25% số lượng hội chợ, triển lãm được tổ chức trên môi trường số, 100% các tổ chức xúc tiến ghương mại và trên 100.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ các nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động XTTM và bảo đảm an toàn thông tin, 100% các tổ chức xúc tiến thương mại và trên 100.000 lượt doanh nghiệp, hớp tác xã, hộ kinh doanh sử dụng, khai thác và vận hành các nền tảng dùng chung và chia sẻ dữ liệu với Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số. 100% thủ tục hành chính lĩnh vực XTTM đủ điều kiện được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 và tích hợp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, với 90% doanh nghiệp hài lòng về kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; (2) Đến năm 2030 sẽ hoàn thiện, phát triển Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số, 75% các tổ chức xúc tiến thương mại và doanh nghiệp được cấp tài khoản thường xuyên hoạt động, tìm kiếm, cung cấp, chia sẻ thông tin trên Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số, 50% các dịch vụ kết nối thị trường của doanh nghiệp được thực hiện trên Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số, hỗ trợ 1.000.000 lượt doanh nghiệp, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành xúc tiến thương mại và 20 ngành hàng xuất khẩu chủ lực được hoàn thiện, mở rộng kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu của 20 thị trường xuất khẩu trọng điểm, 60% số lượng hội chợ, triển lãm được tổ chức trên môi trường số, 100% các tổ chức xúc tiến thương mại và trên 1.000.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ các nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, công nghệ, nền tảng số và bảo đảm an toàn thông tin, 100% các tổ chức xúc tiến thương mại và trên 500.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sử dụng, khai thác, vận hành các nền tảng dùng chung và chia sẻ dữ liệu với Hệ sinh thái xúc tiến thương mại.
Một số giải pháp đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong hoạt động XTTM:
(1) Phát triển hệ sinh thái số trong hoạt động XTTM
- Xây dựng và tích hợp hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành xúc tiến thương mại bao gồm mạng lưới xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế, doanh nghiệp xúc tiến thương mại, ngành hàng, thị trường và các cơ sở dữ liệu khác phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại.
- Hoạt động XTTM áp dụng công nghệ mới trên nền tảng số, hỗ trợ việc tìm kiếm thông tin, hỗ trợ hoạt động kinh doanh trong nước và quốc tế.
- Nền tảng số ứng dụng trong việc tổ chức hội chợ, triển lãm nhằm nâng cao hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trưng bày giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thông tin, đối tác kinh doanh.
- Nâng cao năng lực xúc tiến thương mại thông qua đào tạo trực tuyến, ứng dụng công nghệ số trong việc tra cứu thông tin, tìm kiếm tài liệu nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ làm công tác XTTM.
Xây dựng hệ sinh thái số trong hoạt động XTTM phải thống nhất, gắn kết chặt chẽ, phù hợp với Chính phủ điện tử và đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn công nghệ, kỹ thuật theo quy định, bảo đảm khả năng vận hành hiệu quả, kết nối, liên thông và chia sẻ dữ liệu.
(2) Xây dựng và hoàn thiện chính sách liên quan đến đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong hoạt động XTTM
Chính phủ tiếp tục sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật và chính sách về đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong hoạt động XTTM. Ban hành tiêu chí đánh giá mức độ ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong hoạt động XTTM. Sửa đổi, bổ sung và đơn giản hóa các quy định về thủ tục hành chính khi ứng dụng nền tảng số trong hoạt động XTTM.
Nhằm đảm bảo hoạt động ứng dụng CNTT trong hoạt động XTTM một cách hiệu quả, cần chú trọng rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính và đầu tư, chế độ đãi ngộ đối với nhân lực CNTT trong hoạt động XTTM phù hợp với điều kiện phát triển hiện nay, đồng thời xây dựng, ban hành các chính sách mới nhằm tạo đà cho việc ứng dụng CNTT trong hoạt động XTTM phát triển.
(3) Đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong hoạt động XTTM
Xây dựng, củng cố và hoàn thiện hạ tầng CNTT, đảm bảo xây dựng và tổ chức hệ thống CNTT một cách thống nhất, đồng bộ cả về nghiệp vụ và giải pháp kỹ thuật theo hướng sẵn sàng tích hợp dữ liệu và khả năng xử lý các sự cố trong trường hợp cần thiết khi xây dựng nền tảng số trong hoạt động XTTM. Hướng đến xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung, nhất là các bộ sưu tập số hoá với tiêu chí đáp ứng và thúc đẩy hoạt động XTTM trên toàn quốc.
Cần xây dựng được chiến lược, kế hoạch đẩy mạnh các giải pháp ứng dụng CNTT, đồng thời điều chỉnh nhanh chóng, kịp thời các phát sinh trong quá trình triển khai ứng dụng CNTT, công nghệ số trong hoạt động XTTM.
(4) Đẩy mạnh, tăng cường hoạt động tuyên truyền và đào tạo nguồn nhân lực ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong hoạt động XTTM
Phổ biến các quy định, cơ chế, chính sách về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động XTTM. Xây dựng, phát triển mạng lưới tư vấn viên hỗ trợ việc đẩy mạnh ứng dụng xúc tiến thương mại và chuyển đổi số trong hoạt động XTTM. Tổ chức các hoạt động tập huấn, đào tạo, hướng dẫn về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động XTTM. Tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động XTTM, thu hút đầu tư trong và ngoài nước trong việc củng cố hạ tầng CNTT, nguồn lực thông tin cũng như công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực có chuyên môn về CNTT ứng dụng vào hoạt động XTTM.
Nâng cao nhận thức và năng lực về chuyển đổi số, XTTM trên môi trường số của các tổ chức và doanh nghiệp. Hợp tác giữa các doanh nghiệp nhằm tập trung nâng cao năng lực xúc tiến đầu ra cho sản phẩm trên môi trường số. Các doanh nghiệp nên chuyển đổi số các hoạt động xuất khẩu gắn với từng thị trường cụ thể và thị trường truyền thống... tham gia tích cực các sàn TMĐT, đầu tư nguồn nhân lực chất lượng về công nghệ thông tin, nhân sự sale, marketing, giỏi ngoại ngữ để đáp ứng hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới.
TS. Trần Thị Thu Hiền
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT