Đánh giá cao những tiềm năng lợi thế của Lào Cai trong phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước, ngày 10/2/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó xác định “… đưa Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc” (Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045).
Lào Cai là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới, nằm giữa vùng Đông Bắc và vùng Tây Bắc, phía Bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) có đường biên giới chung dài 182,086 km. Trong bối cảnh quan hệ hợp tác và phát triển kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đang ngày càng được cải thiện và tăng cường về quy mô, Lào Cai với tư cách là tỉnh biên giới có hệ thống cửa khẩu (02 cặp cửa khẩu quốc tế, 02 cửa khẩu phụ, 07 lối mở biên giới - Quy hoạch Lào Cai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050), dự kiến đến năm 2030 sẽ có 2 cặp cửa khẩu quốc tế được mở, nâng cấp gồm: Mường Khương, Lào Cai - Kiêu Đầu, Vân Nam; Bản Vược, Lào Cai - Pả Sa, Vân Nam (Quyết định 1199/QĐ-TTg ngày 14-10-2023 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050) có vị thế quan trọng.
Những lợi thế phát triển thương mại và thị trường
Lợi thế để phát triển thương mại, thị trường quan trọng và nổi bật nhất của Lào Cai chính là vị trí của một tỉnh vùng cao, biên giới mang lại trong hiện tại và cả tương lai, bởi vì: Một là, trên tuyến vành đai biên giới Điện Biên - Lai Châu - Lào Cai - Hà Giang - Cao Bằng - Quảng Ninh, Lào Cai chiếm vị trí trung tâm chuyển tiếp giữa các tỉnh Đông Bắc và Tây Bắc. Các tỉnh trên tuyến vành đai này đều có trình độ phát triển kinh tế tương đồng nhau và là các tỉnh nghèo, nhưng Lào Cai có lợi thế về hệ thống giao thông liên hệ giữa các tỉnh trong tuyến và với vùng đồng bằng sông Hồng. Hai là, trước xu thế hội nhập của khu vực và quốc tế, Việt Nam, một mặt, đã và đang thực thi chính sách kinh tế mở, tăng cường các mối quan hệ song phương và đa phương, mặt khác Chính phủ cũng đang tích cực chuẩn bị các điều kiện kinh tế - kỹ thuật để đẩy mạnh hội nhập. Trong bối cảnh đó, các tỉnh biên giới nói chung và tỉnh Lào Cai nói riêng đã, đang và sẽ được sự chú trọng cả về vốn đầu tư lẫn các chính sách ưu tiên, khuyến khích nhằm đẩy mạnh quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Có thể khẳng định rằng, vị trí kinh tế mà trước hết là lĩnh vực kinh tế đối ngoại của các tỉnh biên giới đang được nâng dần trong nhãn quan của các nhà kinh tế và Chính phủ của cả hai phía. Ba là, Trung Quốc là thị trường lớn, nhu cầu nhập khẩu sẽ tăng nhanh. Thực tế, Trung Quốc đã là bạn hàng của Việt Nam đối với nhiều sản phẩm xuất khẩu quan trọng, như cao su, trái cây, hạt điều, hạt tiêu, gạo… và ngược lại. Trong tương lai, quan hệ kinh tế đối ngoại giữa hai nước được phát triển ở quy mô và phạm vi lớn hơn sẽ tạo nên sức ép phát triển, trước hết là các hoạt động thương mại đối với các tỉnh biên giới nói chung và Lào Cai nói riêng.
Lợi thế về tiềm năng khoáng sản của Lào Cai đã trở nên hiện thực hơn khi nhà nước thực hiện chủ trương tái cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Quá trình này đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành các khu, cụm công nghiệp qui mô lớn và do đó, sẽ kéo theo quá trình hình thành và phát triển các nhu cầu tiêu dùng với qui mô ngày càng lớn,…làm nảy sinh các loại hình thị trường trên địa bàn tỉnh (thị trường hàng tiêu dùng, thị trường vật liệu xây dựng, thị trường thiết bị máy móc, thị trường vật tư nguyên liệu, thị trường vốn, thị trường lao động…)
Ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản của Lào Cai phát triển dựa trên lợi thế tiềm năng khoáng sản có trữ lượng lớn và hàm lượng cao là tiền đề quan trọng cho việc gia tăng thu nhập và sức mua của dân cư trên địa bàn về chất lượng và số lượng nhu cầu tiêu dùng. Chính điều đó sẽ góp phần làm cho hoạt động thương mại có hiệu quả hơn, đồng thời, cũng đòi hỏi thương mại phải phát triển ở trình độ cao hơn cả về hình thức và chất lượng phục vụ cho các nhu cầu dân cư.
Tiềm năng lớn về du lịch của Lào Cai là một lợi thế không nhỏ, nhất là trong bối cảnh nhu cầu giao lưu và mở rộng hiểu biết của con người về thế giới tự nhiên, xã hội ngày càng cao. Tác động của du lịch đối với quá trình phát triển thị trường và các hoạt động thương mại được thể hiện trên các phương tiện: Tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho các tầng lớp dân cư trong tỉnh, từ đó góp phần cải thiện tình hình tiêu dùng, thúc đẩy tiêu dùng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Góp phần thúc đẩy các ngành nghề truyền thống trong tỉnh phát triển. Thị trường tiêu thụ các sản vật địa phương (các đặc sản và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ) nhờ đó có điều kiện tốt nhất để phát triển. Sự giao lưu giữa khách du lịch và người dân địa phương sẽ góp phần làm chuyển biến nhanh hơn từ nền kinh tế tự cấp, tự túc sang kinh tế thị trường, từ nền sản xuất nhỏ, manh mún sang nền sản xuất tập trung với các sản phẩm mang tính hàng hóa cao hơn.
Những hạn chế và những bất cập
- Hạn chế lớn nhất trong việc phát triển thương mại, thị trường tỉnh Lào Cai chính là sự phát triển của nền sản xuất trong tỉnh. Lào Cai là tỉnh phát triển ở mức trung bình của cả nước. GRDP bình quân đầu người từ 20,84 triệu đồng năm 2010, tăng lên 77,8 triệu đồng năm 2020 (gấp 3,7 lần). Năm 2021, GRDP cán mức 82,3 triệu đồng. Tăng trưởng GRDP bình quân đầu người hàng năm giai đoạn 2011-2015 đạt 17,4%/năm, giai đoạn 2016-2020 đạt 10,9%/năm (Quy hoạch Lào Cai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050). Mặc dù đã có những bước tiến lớn song trình độ phát triển của lực lượng xã hội trong tỉnh chưa đảm bảo sản sinh ra một nền thương mại phát triển,đủ năng lực hướng dẫn cho các hoạt động sản xuất và làm năng động các yếu tố sản xuất, mà còn chưa đủ sức để dung dưỡng một nền thương mại lớn.
Trong giai đoạn hiện tại, nhu cầu vốn đầu tư rất lớn, trong khi Lào Cai hiện nay vẫn chưa có khả năng tích lũy, một số mặt vẫn phải dựa vào hỗ trợ ngân sách từ trung ương. Khả năng hình thành, phát triển thị trường và thương mại nhờ gia tăng du lịch và thúc đẩy sản xuất công nghiệp khai khoáng, chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao sẽ gặp nhiều trở ngại.
Để phát triển ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, Lào Cai không những sẽ gặp phải khó khăn về điều kiện giao thông (do địa hình phức tạp,nhu cầu đầu tư cao) mà còn gặp phải khó khăn về hiệu quả của ngành công nghiệp này trong điều kiện các ngành công nghiệp kỹ thuật cao đang có lợi thế và xu thế bảo vệ môi trường, phát triển bền vững của mỗi quốc gia.
Cùng với những khó khăn về phát triển thị trường dựa vào khả năng khai thác tiềm năng khoáng sản trong tỉnh, là khó khăn phát triển thị trường dựa vào hoạt động chế biến, tiêu thụ nông lâm sản. Do điều kiện sản xuất nông nghiệp (chủ yếu do địa hình phức tạp) đã gây những bất cập trong việc tạo nguồn nguyên liệu cung ứng cho các cơ sở chế biến ở quy mô công nghiệp.
- Hạn chế về tiềm lực phát triển thị trường, thương mại của Lào Cai nằm trong chính lợi thế về vị trí địa lý của tỉnh tạo ra, trên phương diện lợi ích cho thương mại hai bên. Xét cả về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp lẫn công nghiệp, Lào Cai đều kém phát triển và ít lợi thế hơn so với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ thị trường Lào Cai sẽ bị “lấn át” do khả năng cạnh tranh thấp và do đó các nhà sản xuất trong tỉnh có nguy cơ bị mất dần thị trường của mình.
Khả năng phát sinh và khó kiểm soát các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại qua biên giới, và do đó, lợi ích thương mại của Nhà nước sẽ bị sút giảm cũng là một nhân tố không kẽm phần quan trọng. Những biến động thị trường tạo ra một cách có chủ ý của phía Trung Quốc có thể làm khó khăn cho nhiều doanh nghiệp, gây nên bất ổn trong hoạt động kinh doanh và sản xuất.
Phân bố dân cư và thu nhập, sức mua và tiêu dùng cũng là một hạn chế lớn. Mặc dù, trong nhiều năm gần đây, thu nhập của dân cư đã được cải thiện đáng kể (mức thu nhập bình quân đầu người/năm theo giá hiện hành, từ 9,8 triệu đồng năm 2010 (bằng 91,6% vùng Trung du, miền núi phía Bắc và 59,1% so với cả nước), tăng lên 41,7 triệu đồng năm 2021 (bằng 122,7% Vùng Trung du, miền núi phía Bắc và 82,6% cả nước), tăng 6,4% so với năm 2020 (Tính toán theo Niên giám Thống kê Lào Cai 2022). Tuy nhiên, khả năng chi tiêu cho các nhu cầu tiêu dùng còn thấp và đây đó ở một số địa bàn, kinh tế còn mang tính tự túc. Như vậy, cùng với số dân ít, mật độ dân cư thưa, thị trường Lào Cai là thị trường nghèo “chất dinh dưỡng”, nhu cầu trao đổi thấp cả về dung lượng lẫn nhịp độ.
Trình độ dân trí thấp, cùng với những tập tục lạc hậu của đồng bào các dân tộc trong tỉnh đang tạo ra trở lực lớn trước yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đồng thời, điều đó cũng làm giảm quá trình phát sinh và phát triển thị trường trên địa bàn tỉnh xét từ phía nhu cầu.
Những nhận định, đánh giá nêu trên có thể thấy qua các con số thống kê về “bức tranh” thương mại và thị trường Lào Cai, thể hiện trên các mặt sau:
a. Về dung lượng thị trường và các kênh lưu thông
Tốc độ tăng trưởng của tổng cầu về hàng hóa tiêu dùng trên thị trường đã gia tăng do sự cải thiện về thu nhập bình quân đầu người và xu hướng tăng chi mua hàng hóa (từ 61,9% lên 70,6% tổng thu nhập), giảm tỷ lệ tự cấp, tự túc. Giai đoạn 2011-2015, tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 17,8%/năm. Giai đoạn 2016-2020, mức tăng trưởng đạt 12,7%/năm. Giai đoạn 2020-2022, mức tăng trưởng đạt 16,3%/năm. Tuy nhiên tiêu dùng bình quân đầu người của Lào Cai còn thấp: năm 2015 đạt 20,1 triệu đồng - bằng 63,8% cả nước; năm 2020 đạt 33,0 triệu đồng - bằng 64,6% cả nước (Quy hoạch Lào Cai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050).
Cơ sở hạ tầng thương mại trên các địa bàn từng bước được nâng cấp, cải tạo, xây mới, với loại hình ngày càng đa dạng đã góp phần làm phong phú thêm bộ mặt thương mại và thị trường. Lào Cai hiện có 72 chợ (phân bố 30,5% ở đô thị; 69,5% ở nông thôn), bình quân 01 chợ phục vụ 10.176 người, với bán kính phục vụ 5,3 km. Toàn tỉnh có 02 Trung tâm thương mại và 12 Siêu thị, chủ yếu tập trung tại thành phố Lào Cai và thị xã Sa Pa. Mạng lưới xăng dầu có 87 cửa hàng, phân bố chủ yếu trên các trục, tuyến giao thông với 01 kho có sức chứa 4.000 m3.
Trong điều kiện là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới, các kênh luồng vận động hàng hóa trên địa bàn tỉnh Lào Cai cũng mang đậm những nét đặc trưng riêng. Cụ thể:
(i) Các kênh luồng hàng hóa vận động thẳng qua địa bàn tỉnh: Đây là kênh luồng hàng hóa phản ánh tập trung nhất về ưu thế vị trí địa lý của Lào Cai trong hoạt động thương mại biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, kênh lưu thông này mới chỉ rõ nét ở sự vận động của một số hàng hóa nhập khẩu từ phía Trung Quốc, như hóa chất công nghiệp các loại, thạch cao cho sản xuất xi măng, thuốc lá, phân DAP, khoai tây củ… những hàng hóa này được nhập khẩu và tiêu thụ tại các vùng khác trong cả nước, nhất là vùng đồng bằng sông Hồng. Chiều vận động ngược lại của các hàng hóa Việt Nam có xuất xứ từ các địa phương khác ngoài Lào Cai còn nhỏ, lẻ với quy mô nhỏ.
(ii) Các luồng hàng hóa vào phục vụ cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Lào Cai: luồng hàng hóa đến Lào Cai đã được cải thiện đáng kể cả về quy mô lẫn danh mục sản phẩm. Tuy nhiên, với thị trường sức mua còn thấp, năng lực hạn chế, các luồng hàng hóa đến Lào Cai chủ yếu là hàng tiêu dùng phục vụ trực tiếp cho nhu cầu cơ bản của dân cư. Cụ thể:
- Luồng hàng kinh doanh bình thường từ các địa phương khác trong cả nước, bao gồm: hàng tư liệu sản xuất nhỏ như máy công cụ, thiết bị, máy móc... hàng tiêu dùng (vải, sứ dân dụng, quần áo, phương tiện đi lại, thuốc chữa bệnh...) xuất phát chủ yếu từ vùng đồng bằng sông Hồng (Hà Nội, Hải Phòng), vùng Đông Nam Bộ (chủ yếu là thành phố Hồ Chí Minh).
- Luồng hàng nhập khẩu, chủ yếu từ phía Tây Nam - Trung Quốc. Ngoài ra, luồng hàng nhập khẩu từ các thị trường khác nhưng khối lượng không lớn.
(iii) Các luồng hàng sản xuất ở Lào Cai được đưa ra thị trường ngoài tỉnh, bao gồm:
- Luồng hàng phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng trong nước, chủ yếu là gỗ chế biến, sản phẩm từ gỗ, mây tre đan, chè, hoa quả (mận, mơ...), nhưng dung lượng nhỏ và sức phát luồng không cao. Ngoài ra,các sản phẩm của công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản như Apatit, graphit, cao lanh, đồng,... đã cung ứng cho nhiều địa phương khác trong cả nước, nhất là sản phẩm Apatit .
- Luồng hàng xuất khẩu của Lào Cai đã phát triển khá ổn định với kim ngạch tăng đều qua các năm. Tuy nhiên, trên thực tế, những mặt hàng xuất khẩu của Lào Cai chủ yếu dựa vào khai thác nguyên liệu tự nhiên.
b. Về hoạt động kinh doanh xuất - nhập khẩu
- Sự phát triển nhanh của hoạt động kinh tế xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai trong những năm vừa qua không những do lợi thế vị trí địa lý mang lại mà còn do yêu cầu phát triển nội tại của nền kinh tế tỉnh Lào Cai. Cùng với sự phát triển nhanh của hoạt động kinh doanh xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh, năng lực kinh doanh xuất, nhập khẩu của Lào Cai đã được nâng lên rõ rệt, nhất là trong kinh doanh xuất khẩu. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu khai thác triệt để lợi ích của Lào Cai so với các tỉnh sâu trong nội địa, nhất là về kinh doanh nhập khẩu ủy thác hay nhập khẩu để cung ứng (vật tư, hóa chất, trang thiết bị...).
- Cơ cấu xuất - nhập khẩu theo nhóm hàng của Lào Cai được phát triển phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế. Tuy nhiên, cần gia tăng xuất khẩu các sản phẩm chế biến, nhất là một số loại dược liệu địa phương có khả năng sản xuất.
- Thị trường xuất, nhập khẩu chủ yếu của Lào Cai là thị trường Vân Nam - Trung Quốc. Đây là thị trường xuất khẩu lớn, đầy tiềm năng. Vấn đề là phải phát huy tốt các lợi thế so sánh tương đối để đạt được những lợi ích thương mại mong muốn.
- Cơ cấu hàng hóa xuất, nhập khẩu, mua bán, trao đổi qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai chủ yếu vẫn là trái cây tươi, sắn các loại, phốt pho vàng; mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm: phân bón, than cốc, rau củ quả, máy móc thiết bị, hóa chất. Năm 2016, nhập siêu 171 triệu USD thì các năm 2019, 2020 và năm 2021 đã xuất siêu, tương ứng là 1.062,1 triệu USD; 890 và 545 triệu USD. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 175,6 tỷ USD. Tuy nhiên, kim ngạch xuất nhập khẩu của Lào Cai chỉ đạt con số 2.228,60 triệu USD (giảm 36,38% so với cùng kỳ 2021), chỉ chiếm 1,3% kim ngạch xuất nhập khẩu Việt - Trung (Thống kê của Sở Công Thương Lào Cai 2022). Nhiều cửa khẩu vẫn chưa phát huy được lợi thế. Một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam, điển hình như thủy hải sản, vẫn chưa khai thác được thị trường tiềm năng này.
Định hướng và giải pháp
Ngày 01 tháng 8 năm 2022, Chính phủ Ban hành Nghị quyết số 96/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW (Mục I.9 của Phụ lục 2 về nhiệm vụ, đề án cụ thể chương trình hành động) đã định hướng các bước đi cụ thể để xây dựng Đề án“… đưa Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc”.
Thực tế và điều kiện hiện tại cho thấy để biến định hướng nêu trên thành hiện thực, thực thi việc giữ rừng, giữ nước, giữ môi trường, giữ dân, giữ biên giới, ổn định nguồn sinh kế, góp phần phát triển bền vững cho cả vùng, thì những giải pháp cần chú trọng bao gồm:
(i) Phát triển thương mại và thị trường
Mặc dù tiềm năng phát triển kinh tế của Lào Cai còn hạn chế, nhưng phát triển thương mại và thị trường sẽ mang lại sự năng động cho các yếu tố sản xuất trong tỉnh và đưa hoạt động kinh tế Lào Cai hội nhập với vùng và cả nước. Không chỉ ở các ngành sản xuất có tiềm năng, lợi thế so sánh mà còn ở ngay cả những ngành không có tiềm năng hay bất lợi nhưng vẫn có thế đạt lợi thế nhờ qui mô (lợi thế so sánh trong một ngành sản xuất)
Lào Cai là tỉnh có tiềm năng về phát triển thương mại xét trên phương diện vị trí địa lý của tỉnh so với các tỉnh khác trong vùng. Trong đó, như trên đã nêu, quan trọng nhất chính là sự hiện diện của các cửa khẩu trên tuyến biên giới. Ngoài ra, mối liên hệ trực tiếp với thị trường Hà Nội sẽ là thuận lợi lớn cho sự phát triển quan hệ kinh tế thương mại giữa Lào Cai với các tỉnh trong vùng.
Như vậy để phát triển, Lào Cai không có sự lựa chọn nào hơn là gắn chặt thị trường địa phương với thị trường cả nước, trước hết là vùng Trung du và miền núi phía Bắc và địa bàn kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, chấp nhận sự phân công theo qui hoạch phát triển thị trường chung cả nước. Trong tương lai, triển vọng phát triển thương mại và thị trường của Lào Cai không chỉ phụ thuộc vào khối lượng trao đổi sản phẩm được tạo ra giữa tỉnh với các địa phương khác, mà còn ở sự hợp tác sản xuất, tìm kiếm và khai thác lợi thế so sánh của tỉnh với các địa phương khác trong và ngoài vùng, trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng phát triển kinh tế thương mại của tỉnh.
Khi đã xác định rằng sự phát triển của vùng biên giới phía Trung Quốc là một trong những tiền đề cho sự phát triển của vùng biên giới phía Việt Nam, thì việc đầu tư cho vùng biên giới nước ta ở cả “môi trường cứng” (tức xây dựng cở sở hạ tầng…) lẫn “môi trường mềm” (chính sách ưu đãi về thuế quan, giá cả...) phải khác. Thực tế phát triển của Hà Khẩu - Vân Nam cho thấy, sự phát triển nhanh của Hà Khẩu ngoài các yếu tố “thiên thời, địa lợi”, họ còn được hưởng các chính sách ưu đãi hơn cả các đặc khu kinh tế ven biển. Cần dành cho các vùng này những chính sách thật sự ưu đãi và “phân quyền nhường lợi ích” nhiều hơn cho các địa phương.
Vân Nam là tỉnh biên giới phía Tây Nam Trung Quốc, giáp với Việt Nam, Thái Lan, Myanma. Có thể nói Vân Nam là cửa ngõ, đầu mối giao lưu quan trọng với khu vực Đông Nam Á và Nam Á. So với Vân Nam, Lào Cai không có lợi thế về nông nghiệp. Điều này được quy định bởi độ cao, địa hình, địa thổ. Những cây, con mà Lào Cai có thì Vân Nam cũng có, thậm chí còn tốt, chất lượng cao hơn. Không nói đến những đột biến do mất mùa, thiên tai thì nói chung Lào Cai có thể phải nhập sản phẩm nông nghiệp phục vụ nhu cầu địa phương và nhu cầu của các tỉnh miền Trung du nếu như giao thông cho phép.
Công nghiệp của Lào Cai so với Vân Nam là quá nhỏ bé. Điều này cũng đúng khi so sánh với các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc nước ta. Do đó, Lào Cai có thể hoàn toàn tận dụng những lợi thế của mình về địa kinh tế, về trình độ phát triển để khai thác công nghiệp Vân Nam. Thực tế những năm qua cho thấy các nguyên vật liệu, hóa chất, vật liệu điện, vật liệu xây dựng, máy móc nhỏ,... chiếm ưu thế trong “rổ hàng hóa” nhập khẩu vào Việt Nam.
Ưu thế của Lào Cai đối với Vân Nam là ưu thế về địa lý. Thứ nhất, hầu như không chỉ Vân Nam mà còn cả khu vực Tây Nam Trung Quốc, gồm Tứ Xuyên, một phần Khu tự trị Tây Tạng với hơn 200 triệu người đều ở vị trí mà đường thông ra biển Đông qua Lào Cai là gần nhất. Mặc dù gần đây Trung Quốc đã xây dựng tuyến đường sắt băng qua Khu tự trị dân tộc Choang đến cảng Phòng Thành và đường sắt tốc độ cao nối thủ đô Vientiane của Lào và thủ phủ Côn Minh của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) nhưng tuyến đường sắt Côn Minh qua Hà Khẩu, Lào Cai xuống Hải Phòng vẫn là tuyến gần nhất, chi phí ít nhất nếu thông thương và hoạt động tốt. Thứ hai, vị trí Lào Cai tiềm ẩn khả năng làm nơi chung chuyển hàng hóa giữa Trung Quốc với Việt Nam và các nước ASEAN.
Nhìn chung, từ vị trí địa kinh tế, địa chính trị và thực tiễn phát triển có thể rút ra nhận xét ban đầu rằng các quan hệ trao đổi kinh tế xuất phát từ bản thân nền kinh tế Lào Cai sẽ tăng lên theo thời gian và tiềm lực kinh tế, nhưng yếu tố cần khai thác chính trong kinh tế đối ngoại là vị trí cửa ngõ trung chuyển, giữa Trung Quốc với Việt Nam và với các nước khác trong khu vực.
Trong thời gian tới, việc phát triển thương mại và thị trường Lào Cai phải hướng vào:
- Phát huy và sử dụng tốt khả năng và tính tích cực của các thành phần kinh tế trong sản xuất, giao lưu hàng hóa nhằm thúc đẩy việc tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyển dần mô hình kinh tế từ nông, lâm nghiệp - công nghiệp - dịch vụ sang mô hình công nghiệp - dịch vụ và du lịch - nông, lâm nghiệp nhằm đưa kinh tế nông thôn Lào Cai tiến nhanh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sớm thoát khỏi vòng nghèo nàn, lạc hậu.
- Phát huy lợi thế so sánh để ổn định và phát triển thị trường của tỉnh theo hướng hòa nhập với thị trường trong nước, hội nhập với thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường Tây Nam - Trung Quốc, Nhật Bản và ASEAN.
- Thương mại phải được phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, lấy thị trường đô thị làm trọng tâm để hỗ trợ và thúc đẩy giao lưu hàng hóa ở thị trường nông thôn, vùng cao góp phần nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc.
Xuất phát từ vị trí địa lý thuận lợi nên việc phát triển thị trường tỉnh Lào Cai cần chú trọng vào việc phát triển thị trường vùng biên giới trở thành thị trường trung chuyển.Trong những năm trước mắt, hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh Lào Cai tập trung chủ yếu vào việc thu gom và chế biến hàng xuất khẩu như: tạm nhập - tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh và các dịch vụ phục vụ hoạt động xuất, nhập khẩu như thông tin thương mại, hội chợ triển lãm hàng hóa, văn phòng giao dịch, khách sạn…
(ii) Phát triển hạ tầng và kinh tế cửa khẩu
Đẩy nhanh việc triển khai các dự án lớn liên quan đến liên kết vùng, gồm đầu tư dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn Yên Bái - Lào Cai theo quy mô 4 làn xe vào năm 2023 và hoàn thiện quy mô 6 làn xe theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định 1454/QĐ-TTg ngày 01 tháng 09 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050). Sớm cho phép nghiên cứu quy hoạch dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng khổ đường 1.435 mm; hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương chưa phân bổ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 cho tỉnh Lào Cai thực hiện đầu tư xây dựng Dự án tuyến đường kết nối Cảng Hàng không Sa Pa với khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai và các tỉnh trong vùng theo trục phát triển dọc sông Hồng.
Phát triển kinh tế cửa khẩu Lào Cai thành một vùng kinh tế động lực chủ đạo của tỉnh, trở thành khu kinh tế cửa khẩu đa ngành, điểm đột phá, cực phát triển, trung tâm kinh tế về công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ của tỉnh Lào Cai và các tỉnh vùng Trung du miền núi phía Bắc. Phát triển cửa khẩu, theo hướng tổ chức quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư để nâng cấp các lối mở, cửa khẩu trở thành cửa khẩu quốc gia, quốc tế.
Cần tập trung đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ liên quan đến thuận lợi hóa thương mại, tạo thuận lợi tối đa cho các hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu hàng hóa và phương tiện tại các khu vực cửa khẩu. Triển khai ứng dụng các thành tựu kỹ thuật số và công nghệ hiện đại, đặc biệt thúc đẩy các cam kết trong khu vực và ASEAN về thương mại điện tử, thông quan “một cửa, một điểm dừng” rút ngắn thời gian và chi phí cho các hoạt động thương mại và logistic.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ đáp ứng nhu cầu phát triển với yêu cầu ngày càng cao cả trong lĩnh vực đầu tư, thương mại và đặc biệt là du lịch. Gắn kết, ứng dụng các thành tự khoa học kỹ thuật hiện đại vào các công tác quản lý, quản trị và kinh doanh tại khu kinh tế cửa khẩu của tỉnh.
Tháo gỡ các rào cản về thể chế và chính sách, hài hòa hóa các quy định chính sách cũng như thủ tục giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đặc biệt tập trung nguồn lực thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy sự hình thành trong tương lai một khu hợp tác kinh tế qua biên giới tại Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai để thực hiện tốt vai trò “cầu nối” giữa Việt Nam và các nước ASEAN với thị trường Tây Nam (Trung Quốc).
(iii) Phát triển các loại hình dịch vụ
Gắn kết dịch vụ thương mại với các dịch vụ tài chính, du lịch, giáo dục - đào tạo, y tế. Xem xét, lựa chọn các loại hình dịch vụ cần ưu tiên phát triển, nhất là các dịch vụ xuất, nhập khẩu (như dịch vụ logistics, giám định hàng hóa, bảo hiểm, ngân hàng, viễn thông, phiên dịch, hỗ trợ thâm nhập thị trường,...). Thu hút các nguồn lực theo hướng xã hội hoá vào phát triển các dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.
Lào Cai cần chú trọng các hoạt động logistics, các hoạt động vận tải kết nối thuận lợi với cửa khẩu, bảo đảm thông tin hai chiều, thu và nhận dữ liệu qua cổng thông tin điện tử (EDI - Electronic Data Interchange). Về chức năng, tỉnh cần trung tâm với kết cấu 3 khu gồm: (i) khu phục vụ hàng hóa, như: Xếp dỡ, lưu kho bãi, bảo quản, đóng gói, dán nhãn, phân loại hàng hóa, làm sạch và kiểm định chất lượng hàng hóa, (ii) khu vận tải và phân phối, như: chuyên chở, thu gom, phân phối hàng hóa bằng các phương tiện vận tải khác nhau, (iii) khu hỗ trợ, như: thông quan, thủ tục, giấy tờ, tư vấn, tài chính, bảo hiểm, sửa chữa - bảo dưỡng phương tiện vận tải, cung cấp xăng.
Xây dựng khu trung chuyển hàng hóa logistics hỗ trợ hoạt động xuất, nhập khẩu qua khu kinh tế cửa khẩu được xác định là giải pháp chiến lược, có tính “đột phá” của Tỉnh.
(iv) Phát triển kinh tế đêm.
Xét cả về phía cung và cầu, Lào Cai đều hội tụ những điều kiện để có thể phát triển kinh tế đêm với cách thức tổ chức và quản lý phù hợp. Tuy nhiên, phát triển kinh tế đêm ở Lào Cai cũng cần lưu ý, đặc biệt là vấn đề quy hoạch và những chính sách cụ thể, phù hợp với địa điểm, đặc trưng kinh tế và văn hóa. Bên cạnh đó, những vấn đề cần quan tâm khi phát triển kinh tế đêm là:
- Tạo thuận lợi về giao thông như hạ tầng, phương tiện, thời gian tàu xe đi lại muộn hơn, phân tuyến phù hợp để khách du lịch dễ dàng đi đến các điểm du lịch, điểm kinh doanh buôn bán về đêm theo quy hoạch.
- Quy định về thời gian cho hoạt động kinh doanh, dịch vụ về đêm
- Quy định về loại dịch vụ được kinh doanh
- Về an ninh trật tự, tiếng ồn, vệ sinh, an toàn thực phẩm
- Ban hành và thực thi hiệu quả các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động kinh doanh, dịch vụ phát triển kinh tế đêm
(iv) Đẩy mạnh liên kết tạo động lực phát triển cho Vùng
Phát triển liên kết vùng là một chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình phát triển nhằm khai thác, phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của các vùng và các địa phương. Trong bối cảnh hiện nay của vùng Trung du, miền núi Bắc bộ, cần tập trung ưu tiên thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vượt trội của vùng về địa chính trị, địa kinh tế, điều kiện tự nhiên, các giá trị văn hóa, lịch sử để phát triển nhanh, bền vững. Kết nối hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, kết nối phát triển, đào tạo và sử dụng nhân lực, kết nối xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách, phát huy vai trò và khai thác hiệu quả hành lang Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng để tạo đột phá cho phát triển vùng phải được xem là những việc làm có tính “thời sự”, những việc cần “làm ngay”.
(vi) Tạo lập cơ chế, chính sách đặc thù
Việc xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội Lào Cai, đẩy nhanh sự hình thành cực tăng trưởng của vùng Trung du miền núi Bắc bộ theo chủ trương, đường lối của Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 96/NQ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên điều đó cũng đặt ra hàng loạt vấn đề cần xử lý như: Cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư phát triển khu hợp tác kinh tế qua biên giới; Xây dựng và hình thành các chuỗi liên kết vùng và liên kết xuyên biên giới; Điều tiết các nguồn thu, tỷ lệ thu, nhiệm vụ chi… nguồn vốn xây dựng trung tâm kết nối giao thương; Phân cấp xây dựng và ban hành cơ chế quản lý hoạt động kinh tế tại các cửa khẩu biên giới đất liền… Trước mắt xem xét cho phép áp dụng một số cơ chế đặc thù chung tại Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai.
Nếu chúng ta quyết tâm thay đổi thì Lào Cai và Trung du, miền núi Bắc bộ sẽ có sự đột phá và khởi sắc. Câu hỏi này nằm về phía Chính phủ, các Bộ, Ngành, Địa phương và mỗi người dân Lào Cai trong sự quyết tâm để tạo nên một cuộc đổi mới mang tính “cách mạng” - bước ngoặt mà chúng ta cần tiến đến trong những năm cuối của thập kỷ này.
Vũ Huy Hùng
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT
TS. Phạm Vĩnh Thắng
Học viện Ngân hàng