NGHIÊN CỨU

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Nghiên cứu

Động lực gia tăng giá trị cho ngành chip bán dẫn Việt Nam

29/02/2024

Chíp bán dẫn là công nghệ nền tảng của nhiều giải pháp công nghệ hiện tại. Hiện nay trên toàn thế giới đang diễn ra cuộc đua dành lấy thị phần của chip bán dẫn. Mọi thứ từ hệ thống năng lượng, viễn thông, điện toán đều cần bán dẫn. Bán dẫn có vai trò quan trọng cho sự phát triển, đang mở ra nhiều cơ hội và thu hút nhiều ngành công nghiệp.

Theo trang thông tin thương mại Izvestia.ru, chất bán dẫn (còn được gọi là mạch tích hợp, chip hoặc vi mạch) được coi là “bộ não” của các thiết bị điện tử và là nền tảng cho công nghệ thông tin. Chất bán dẫn là nhân tố cấu thành trong các linh kiện điện tử. Hầu hết cảm biến, hộp điều khiển đều được cấu tạo từ chất bán dẫn, vì vậy nó là vật liệu không thể thiếu trong tất cả ngành công nghiệp hiện đại, trong đó có các ngành điện tử và công nghiệp ô-tô.

Năm 2024 là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn. Công nghiệp bán dẫn là ngành công nghiệp nền tảng, và là ngành công nghiệp trọng yếu quốc gia trong 30-50 năm tới. Phát triển công nghiệp bán dẫn cũng là cơ hội để Việt Nam dựng lại ngành công nghiệp điện tử nước nhà...

1. Mỹ và Châu Âu không còn thống trị lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn

Chất bán dẫn đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nước lớn, trở thành cuộc đua mới trong thế kỷ 21. Trong đó, Mỹ là một trong những thị trường then chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, dẫn đầu về các hoạt động nghiên cứu và phát triển trong tự động hóa thiết kế điện tử (EDA), lõi sở hữu trí tuệ (IP), thiết kế chip và thiết bị sản xuất chế tạo tiên tiến. Chất bán dẫn cũng là yếu tố tạo nên một phần quan trọng trong nền kinh tế, quốc phòng - an ninh Mỹ. Trong nhiều năm qua, Mỹ luôn dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn trên thế giới, kiểm soát tới 48% thị phần của ngành này năm 2020. Đáng chú ý, 8 trong số 15 công ty sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới có trụ sở ở Mỹ, trong đó doanh thu của hãng NVIDIA chiếm vị trí cao nhất, sau đó là các Công ty Broadcom, AMD, Intel...

Chi tiêu nghiên cứu và phát triển (R&D) ngành công nghiệp bán dẫn ở Mỹ tăng với tốc độ trung bình hằng năm khoảng 7,2% trong giai đoạn 2000-2020. Năm 2020, tổng đầu tư vào hoạt động R&D của ngành công nghiệp bán dẫn ở Mỹ đạt 44 tỷ USD.

Tuy nhiên, Mỹ đã có xu hướng chuyển hướng sản xuất về khu vực châu Á để giảm chi phí cho các công ty và đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tạo nên vùng đệm trước các cú sốc như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, đại dịch Covid-19 hay xung đột Nga - Ukraine.

Trang SupplyChainBrain.com - nguồn thông tin quản lý chuỗi cung ứng toàn diện nhất hiện nay - chỉ ra sự thống trị của Mỹ và EU trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn đã biến mất vào giữa những năm 1990 và đầu những năm 2000 khi hoạt động sản xuất chuyển dần sang các nền kinh tế lớn ở châu Á như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Vậy điều gì giải thích cho sự tăng trưởng tương đối chậm và mức độ sản xuất chất bán dẫn tiếp tục ở mức thấp tại Mỹ và EU hiện nay, nơi các chính trị gia đang hướng tới giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu bằng cách tăng gấp đôi công suất của họ trên thị trường toàn cầu?

Một trong các lý do là khoản trợ cấp đầu tiên theo đạo luật CHIPS của chính quyền Tổng thống Joe Biden mãi đến tháng 12 năm 2023 mới được công bố và khoản trợ cấp này chỉ dành 35 triệu USD cho một nhà máy của Công ty BAE Systems ở bang New Hampshire - công ty chuyên sản xuất chất bán dẫn để sử dụng cho máy bay chiến đấu và vệ tinh.

Tại Đức, các khoản trợ cấp bán dẫn đã bị gián đoạn do phán quyết của tòa án về tính hợp hiến của ngân sách chính phủ. Các khoản tài trợ cho Intel lên tới 9,9 tỉ euro trong tổng số vốn đầu tư 30 tỉ euro vào thành phố Magdeburg, bang Saxony-Anhalt, có nguy cơ bị tòa án ra phán quyết bất lợi.

Vấn đề này cũng sẽ khiến Đức gặp bất lợi nghiêm trọng khi cạnh tranh với Israel, Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc - những nền kinh tế đều đang tích cực trợ cấp cho ngành công nghiệp bán dẫn của họ.

Tại Trung Quốc, mặc dù các hệ thống in thạch bản DUV tiên tiến nhất của Công ty ASML (Hà Lan) bị cấm chuyển đến Trung Quốc, nhưng các hoạt động tại nhà máy mới của Tập đoàn sản xuất bán dẫn quốc tế (SMIC) của Trung Quốc ở thành phố Thượng Hải dường như sẽ bắt đầu vào nửa đầu năm 2024. Đây sẽ là nhà máy lớn nhất được xây dựng bởi công ty này.

Và rủi ro ngắn hạn đối với Mỹ cũng như các nhà sản xuất chất bán dẫn nước ngoài khác là doanh số bán hàng của họ sang Trung Quốc sẽ giảm.

2. Cán cân chip nghiêng về châu Á

Dự báo mới nhất vừa được công bố đầu năm 2024 của Hiệp hội ngành bán dẫn toàn cầu SEMI có trụ sở ở Mỹ cho thấy công suất bán dẫn toàn cầu dự kiến sẽ tăng 6,4% vào năm 2024 lên mức 30 triệu tấm bán dẫn mỗi tháng (wpm), sau khi tăng 5,5% vào năm 2023. Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc được dự báo lần lượt sẽ đứng thứ nhất, thứ hai và thứ ba toàn cầu xét về công suất bán dẫn trong năm 2024.

Các thông tin mà SEMI đưa ra cũng cho thấy được vị thế của các quốc gia, khu vực hiện nay trên thị trường bán dẫn. Theo dự báo của SEMI, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản đều sẽ có công suất sản xuất chất bán dẫn nhiều hơn Mỹ vào cuối năm 2024.

Dữ liệu xây dựng cơ sở sản xuất chất bán dẫn cho thấy hơn 80% công suất sản xuất của thế giới vẫn nằm ở châu Á, với tỉ lệ ước tính trong năm 2024 cao hơn một chút so với năm ngoái.

Công suất của Trung Quốc trên toàn bộ thị trường sản xuất chất bán dẫn được dự báo sẽ chiếm 27% vào năm 2024, trong khi Mỹ vẫn ở mức dưới 10% một chút và châu Âu dưới 9%. Những nỗ lực của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) nhằm xây dựng lại chuỗi cung ứng chip trong nước khó có thể mang lại nhiều kết quả cho đến năm 2025.

Dự báo Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc lần lượt sẽ đứng thứ nhất, thứ hai và thứ ba toàn cầu xét về công suất bán dẫn. Cụ thể, các hoạt động dự kiến sẽ bắt đầu tại 18 nhà máy mới ở Trung Quốc trong năm nay, giúp công suất của quốc gia này tăng 13% lên 8,6 triệu tấm wafer mỗi tháng.

Trong khi đó, công suất sản xuất được dự báo sẽ tăng 4,2% lên 5,7 triệu tấm wafer mỗi tháng ở Đài Loan, tăng 5,4% lên 5,1 triệu ở Hàn Quốc, tăng 2% lên 4,7 triệu ở Nhật Bản, tăng 6% lên 3,1 triệu ở Mỹ và 3,6% lên 2,7 triệu ở châu Âu và Trung Đông (gồm cả Israel), theo ước tính của SEMI.

Tại khu vực Đông Nam Á, dự báo công suất sẽ tăng 4% lên 1,7 triệu tấm wafer mỗi tháng, qua đó nâng tổng công suất của châu Á lên 26 triệu tấm wafer mỗi tháng - gấp 4,5 lần công suất của Mỹ và châu Âu cộng lại.

Công ty sản xuất chất bán dẫn hàng đầu Đài Loan (TSMC) và các nhà sản xuất bán dẫn theo hợp đồng khác được dự báo sẽ chiếm gần 1/3 tổng công suất toàn cầu vào cuối năm 2024, tiếp theo là Intel và các nhà sản xuất mạch tích hợp khác ở mức hơn 20%, chất bán dẫn rời rạc ở mức 14%, DRAM ở mức 13%, bộ nhớ flash NAND ở mức 12% và thiết bị analog ở mức 8%.

Ngày nay, khi sự chú ý ngày càng tăng của toàn cầu về tầm quan trọng chiến lược của hoạt động sản xuất chất bán dẫn đối với an ninh quốc gia và kinh tế là chất xúc tác chính cho những xu hướng này.

3. Động lực gia tăng giá trị cho ngành chip bán dẫn Việt Nam

Trong bối cảnh các chuỗi giá trị bán dẫn dần dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á, Việt Nam có đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn như hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn, nguồn nhân lực kỹ thuật - công nghệ dồi dào, cơ sở hạ tầng số ngày càng phát triển.

Chính phủ Việt Nam quyết tâm cao trong việc theo đuổi phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, đã và đang thu hút ngày càng nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn đến Việt Nam. Nhiều tập đoàn lớn trong ngành điện tử, bán dẫn đã hiện diện và có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam như Intel, Samsung, Synopsys, Qualcomm, Infineon, Amkor... Điều này minh chứng cho vai trò then chốt và ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

3.1. Tiến tới làm chủ công nghệ, nắm quyền chủ động

Mặc dù đã thăm dò, đánh giá trữ lượng từ hơn 40 năm đã đầu tư cho nghiên cứu đất hiếm, tuy nhiên, đến nay Việt Nam vẫn chưa khai thác và chế biến sâu được đất hiếm. Nguyên nhân chính là do Việt Nam chưa có công nghệ khai thác, chế biến đất hiếm. Chỉ một số ít quốc gia có công nghệ chế biến sâu đất hiếm nhưng lại giữ bản quyền, bí mật và không chuyển giao công nghệ như: Trung Quốc, Mỹ, Australia... Ngoài ra, đầu tư cho khoa học-công nghệ vào lĩnh vực này tại Việt Nam chưa đủ và không tập trung; lĩnh vực ứng dụng đất hiếm chưa tìm được vị trí xứng đáng trong nền kinh tế thị trường.

Theo đánh giá của Viện Khoa học Vật liệu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) Việt Nam, đất hiếm là nguyên liệu không thể thiếu trong nhiều ngành công nghệ cao như: Thông tin-viễn thông, y tế, năng lượng, giao thông-vận tải, quân sự… Mặc dù giá trị giao dịch của đất hiếm trên thế giới hiện nay chỉ dưới 10 tỷ USD một năm nhưng đây lại là nguyên liệu chiến lược, không thể thay thế đối với nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia phát triển.

Bên cạnh đó, đất hiếm được dùng để sản xuất các chất xúc tác, nam châm, hợp kim, bột mài, gốm, chất phát quang. Việc chế tạo các máy điện thoại di động, ổ đĩa cứng máy tính, xe ô tô điện, pin mặt trời, tua bin gió... cũng phải dùng đến đất hiếm.

Mặc dù có tiềm năng, tuy nhiên theo báo cáo của Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, tình hình khai thác, chế biến các mỏ đất hiếm của Việt Nam còn hạn chế do các doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ chưa làm chủ được công nghệ chế biến ra sản phẩm đạt yêu cầu cũng như chưa có công nghệ tách chiết ra các sản phẩm đất hiếm riêng rẽ. Hiện nay, Việt Nam mới chỉ dừng lại ở công đoạn chế biến tinh quặng đất hiếm có hàm lượng ô-xít đất hiếm khoảng 30%.

Có thể thấy, giai đoạn khai thác và chế biến quặng tinh không mang lại hiệu quả kinh tế cao, sử dụng hóa chất chiết độc hại, gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, lợi nhuận kinh tế cao phần lớn ở các ứng dụng đất hiếm. Do đó, nhà nước cần xây dựng các dự án và phòng thí nghiệm để nâng cao năng lực nghiên cứu, công nghệ khai thác, chế biến, trong đó tập trung chế biến sâu và ứng dụng đất hiếm trong những sản phẩm công nghiệp có giá trị kinh tế cao.

Với sự quyết tâm của cộng đồng các nhà khoa học, sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các tổ chức nghiên cứu, các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp, Việt Nam nhất định sẽ chủ động được công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác và chế biến sâu đất hiếm phục vụ nhu cầu sử dụng trong nước, hướng tới xuất khẩu một cách hợp lý, hiệu quả, đảm bảo môi trường. Trong thời gian tới, Nhà nước cần đặc biệt chú trọng đến chế biến đất hiếm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, hàm lượng tổng oxit đất hiếm tối thiểu 95%; phân chia, làm sạch các oxit đất hiếm riêng rẽ phục vụ nghiên cứu và sản xuất, góp phần bảo vệ tài nguyên, môi trường; chế biến sâu đến kim loại. Qua đây, khẳng định được vai trò nền tảng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển ổn định, bền vững của đất hiếm Việt Nam.

Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/07/2023 về việc phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045. Trong đó, định hướng phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản đất hiếm một cách đồng bộ, hiệu quả và bền vững.

Khi Việt Nam đang dần trở thành khu vực thu hút đầu tư cho ngành bán dẫn thì việc phát triển nội lực công nghệ chế tạo kim loại đất hiếm đưa thành nguyên liệu chiến lược chính là bước đi quan trọng để Việt Nam có thể nắm quyền chủ động hợp tác.

3.2. Kim loại bạc - động lực gia tăng giá trị ngành chíp bán dẫn ở Việt Nam

Bạc hiện là kim loại dẫn điện tốt nhất, bạc được sử dụng trong sản xuất chip bán dẫn, bảng mạch in, CPU và điện thoại di động. Khi tốc độ chuyển đổi công nghệ diễn ra nhanh chóng thì nhu cầu tiêu thụ bạc sẽ càng ngày càng cao.

Hiện nay, Việt Nam chưa có mỏ bạc thực thụ. Bạc thường đi kèm như một sản phẩm phụ từ việc khai thác chì, đồng, vàng và niken. Tuy nhiên, công nghệ khai thác còn yếu khiến việc thu hồi bạc từ những loại quặng trên hầu như không thực hiện được.

Do đó, nguồn kim loại quý, bao gồm bạc của Việt Nam chủ yếu đến từ kênh nhập khẩu, phần lớn từ các quốc gia châu Á. Việt Nam nhập khẩu kim loại quý nhiều nhất từ Hồng Kông, chiếm hơn 22% giá trị kim ngạch, theo sau là Hàn Quốc (21% giá trị), Ấn Độ (11% giá trị). Đây đều là các quốc gia tham gia vào ‘đường đua’ sản xuất chip điện tử.

Theo báo cáo của Viện Bạc quốc tế, nhu cầu bạc trong công nghiệp sẽ chiếm 79,1% tổng nhu cầu vào năm 2030, tăng từ 44,7% trong năm 2022. Tiêu thụ bạc trong lĩnh vực điện tử năm 2023 được dự báo sẽ tăng 3% lên 382,2 triệu ounce, chiếm hơn 66% tổng nhu cầu công nghiệp.

Đặc biệt, nhu cầu bạc trong sản xuất chip bán dẫn đang tăng trưởng với tốc độ nhanh chóng, các công nghệ 5G như IoT và chất bán dẫn sẽ tăng 200% trong một thập kỷ tới, đạt 23 triệu ounce trong năm 2030.

Có thể nói rằng tiềm năng lớn khiến ngành công nghiệp bán dẫn trở thành mục tiêu hấp dẫn của nhiều quốc gia. Với lợi thế riêng, nhiều tập đoàn lớn đang chọn Việt Nam để đặt trung tâm sản xuất chip bán dẫn toàn cầu. Nằm ở vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng, Việt Nam có nhiều cơ hội ở phía trước.

Tại Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam-Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện, lãnh đạo cấp cao hai nước ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam và hai bên sẽ tích cực phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu. Việt Nam và Mỹ cũng tuyên bố khởi động các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, trong đó Chính phủ Mỹ sẽ cấp khoản tài trợ gieo mầm ban đầu trị giá 2 triệu USD cùng với các khoản hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân trong tương lai.

Hiện nhiều tập đoàn lớn của Mỹ, Hàn Quốc… đang đầu tư các dự án sản xuất chất bán dẫn hàng tỷ USD tại Việt Nam. Mới đây, dự án nhà máy sản xuất chất bán dẫn đầu tiên tại miền bắc của Công ty Hana Micron Vina tại Khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang) do công ty của Hàn Quốc đầu tư với mức vốn gần 600 triệu USD đã được khánh thành. Ngoài ra, công ty Synopsys và công ty Marvell có trụ sở tại California cũng đã công bố thành lập một trung tâm thiết kế chất bán dẫn tại TP Hồ Chí Minh sau khi mối quan hệ Việt-Mỹ trở nên khăng khít hơn.

Do đó, các nhà máy sản xuất chất bán dẫn Việt Nam sẽ không chỉ dừng lại ở khâu đóng gói. Và khi đó, ngành công nghiệp này sẽ cần sử dụng nhiều bạc hơn, thay vì các ứng dụng truyền thống như tích trữ, hay trang sức.

Để tham gia vào chuỗi giá trị trong lĩnh vực chip bán dẫn ở các khâu quan trọng như thiết kế, sản xuất, thì trong dài hạn, việc nhanh chóng tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên liệu thô là điều cần làm ngay. Trong bối cảnh nguồn cung bạc toàn cầu đang trở nên khan hiếm hơn, bên cạnh nhập khẩu nguyên liệu, các phát kiến công nghệ nhằm khai thác các mỏ khoáng sản chứa bạc trong nước cũng sẽ là một giải pháp. Không chỉ phục vụ ngành sản xuất điện tử, mà kim loại bạc, với vai trò chìa khoá đối với ngành năng lượng xanh như sản xuất ô tô, điện gió cũng đang là những lĩnh vực mà Việt Nam đang hướng tới.

Do đó, để tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam cần có kế hoạch chuẩn bị tốt nguồn cung cho tương lai để bắt kịp tốc độ phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp bán dẫn.

3.3. Chủ động đón đầu xu thế - gia tăng giá trị cho ngành chip bán dẫn Việt Nam

Nằm ở vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng, Việt Nam có nhiều cơ hội ở phía trước, đặc biệt là có mối quan hệ thương mại với Mỹ, một cường quốc về công nghệ chip bán dẫn.

Tuy nhiên, các nhà máy sản xuất chất bán dẫn Việt Nam vẫn đang tập trung ở khâu lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói, chiếm khoảng 6% trong chuỗi giá trị. Giá trị của công đoạn này thấp hơn nhiều so với khoảng 53% giá trị của khâu thiết kế và 24% giá trị của khâu sản xuất và cũng ít sử dụng trực tiếp các kim loại thô, trong đó có bạc.

Thống kê các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất bán dẫn ở Việt Nam như Amkor Technology Việt Nam (1,6 tỷ USD), Hana Micron Vina đầu tư 600 triệu USD (1 tỷ USD vào năm 2025), Intel Vietnam (hơn 1 tỷ USD), Samsung sẽ đầu tư thêm 3,3 tỷ USD sản xuất linh kiện bán dẫn. Dự báo đến năm 2024, công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ vượt giá trị 6,16 tỷ USD.

Thêm vào đó, nhiều tập đoàn đa quốc gia cũng đang tìm đến Việt Nam để sản xuất chip bán dẫn, do Việt Nam đang nắm giữ chiếc chìa khóa vàng của ngành bán dẫn đó là đất hiếm.

Theo nguồn tin từ Reuters, trong chuyến công tác tới Việt Nam của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte vào đầu tháng 11 năm 2023, có khoảng 12 trong số 20 doanh nghiệp đi cùng là đại diện các công ty chip hoặc nhà cung cấp của các hãng bán dẫn, với mong muốn tìm kiếm cơ hội về hợp tác kinh doanh tại Việt Nam.

Theo công ty Cổ phần Bán dẫn FPT (FPT Semiconductor) cho rằng, trong làm chip có chuỗi ba công đoạn: thiết kế, sản xuất và đóng gói dùng thử, Việt Nam có khả năng phục vụ cả ba. Đặc biệt, nếu tham gia vào phần sản xuất và đóng gói, Việt Nam có thể kêu gọi được các nhà đầu tư nước ngoài vào nếu cung cấp đất đai, nhân lực, điện nước và một số các chế độ ưu đãi khác nữa.

Vì mức đầu tư cho sản xuất chip rất lớn nên, Việt Nam vẫn nên bắt đầu ở mức lắp ráp và đo kiểm, thiết kế và chế tạo. Sau đó, các startup có thể bắt đầu với khâu thiết kế chip ở thế hệ thấp.

Hiện tại, chip do FPT Semiconductor thiết kế được mang sang Hàn Quốc để sản xuất và sang Đài Loan để đóng gói, sau đó sẽ xuất sang châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. Nếu Việt Nam xây dựng được tất cả chuỗi tại Việt Nam thì đó sẽ là một lợi thế rất lớn.

Như vậy, sẽ kêu gọi được nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam. Khi đó, Việt Nam sẽ có ngành công nghiệp phụ trợ về ngành bán dẫn, các sản phẩm thiết kế tại Việt Nam có thể chuyển ngay sang các nhà máy tại Việt Nam để sản xuất và đóng gói.

Hiện nay, phần thiết kế chủ yếu ở Mỹ, còn phần sản xuất mạnh nhất ở Đài Loan. Trong khi đó khâu đóng gói đang tập trung ở Malaysia. Hiện, ở khâu này Việt Nam cũng có nhà máy của Intel. Ngoài chuỗi chính tạo ra chip còn có công nghiệp phụ trợ công nghệ cao.

Tuy vậy, ngoài 3 công đoạn chính - thiết kế, sản xuất phiến bán dẫn, đóng gói và kiểm tra. Ngoài ra, theo ý kiến của các chuyên gia, Việt Nam cần bổ sung thêm công đoạn hỗ trợ ứng dụng - thiết kế, sản xuất, kiểm thử cho khách hàng mua chip. Việt Nam đang có các công ty thiết kế (đạt tới trình độ tiên tiến ở một số loại chip).

Đón đầu làn sóng đầu tư, Chính phủ đã giao các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) triển khai nhiều công việc, thể hiện sự sẵn sàng cho việc đón nhận làn sóng đầu tư mới trong ngành bán dẫn tại Việt Nam. Cụ thể, Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông sớm xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển ngành bán dẫn Việt Nam đến năm 2030. 

Đồng thời, Chính phủ và Thủ tướng đã giao cho Bộ KH&ĐT chủ trì, xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn tại Việt Nam đến năm 2030 với mục tiêu rất cụ thể là đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn.

Liên quan đến thiết kế chip, Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và ký hợp tác với 2 tập đoàn thiết kế chip lớn nhất của Hoa Kỳ là Synopsys và Garden để thành lập trung tâm nghiên cứu, thiết kế chip trong các cơ sở của NIC.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang xây dựng nghị định, ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ cho các ngành công nghệ cao, sẽ thành lập một Quỹ hỗ trợ đầu tư cho các ngành công nghệ cao, trong đó có ngành bán dẫn. Tiếp theo, về hạ tầng, Chính phủ cũng đã giao các địa phương lên phương án và đã chuẩn bị sẵn sàng đón đầu làn song đầu tư ngành Chíp bán dẫn của thế giới đang chuyển dịch.

Như vậy, các yếu tố như hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, cơ chế chính sách, nghiên cứu phát triển, chiến lược và đặc biệt là nguồn nhân lực đều được ưu tiên và chuẩn bị, thể hiện sự quyết tâm rất lớn của Chính phủ Việt Nam, rất đúng, kịp thời để ngành bán dẫn của Việt Nam có thể làm chủ và sẵn sàng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị trong ngành bán dẫn toàn cầu./.

Lê Anh Tú

Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT

BÀI VIẾT KHÁC